Một số vấn đề cần lưu ý khi áp dụng Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS) quy định thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức: “Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết”. Như vậy, khi vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định này thì phải được Tòa án xem xét trong cùng một vụ việc dân sự đó.

Để thụ lý giải quyết đúng quyết định trái luật theo yêu cầu hủy quyết định của đương sự, chúng ta cần hiểu thế nào là quyết định cá biệt trái pháp luật. Tìm hiểu về khái niệm này, chúng ta cần đối chiếu với quy định tại Điều 32a BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 quy định: “Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết”, nhưng Điều 34 BLTTDS năm 2015 quy định: “Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết”. Như vậy, BLTTDS năm 2015 không buộc đương sự phải chứng minh quyết định cá biệt đó rõ ràng trái pháp luật mà BLTTDS năm 2015 chỉ quy định xác định có dấu hiệu trái pháp luật là đương sự có quyền yêu cầu Tòa án hủy quyết định đó, còn việc chứng minh quyết định đó trái pháp luật hay không là do Tòa án căn cứ kết quả thu thập chứng cứ để quyết định hay bác yêu cầu của đương sự.

 

Như vậy, quyết định cá biệt là gì? Trả lời cho câu hỏi này chúng ta căn cứ hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp: Hướng dẫn thi hành Điều 32a của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS. Theo đó, “Quyết định cá biệt là quyết định hành chính được quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Tố tụng hành chính năm 2010 và hướng dẫn tại điểm a và b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29 tháng 7 năm 2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2010; Quyết định cá biệt được ban hành không đúng thẩm quyền, thủ tục, nội dung do pháp luật quy định xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án đang có nhiệm vụ giải quyết”.

 

Để có căn cứ hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự được thống nhất, Khoản 4 Điều 34 BLTTDS đã quy định: Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Tức là, khi thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự có phát sinh tình tiết đương sự yêu cầu Tòa án hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thì cần đối chiếu với quy định tại Điều 31, 32, 33 Luật tố tụng hành chính năm 2015 (Luật TTHC) để xác định thẩm quyền giải quyết hủy quyết định cá biệt trái pháp luật đó. Nếu quyết định cá biệt đương sự yêu cầu hủy không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp mình thì Tòa án đang thụ lý giải quyết kịp thời chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của BLTTDS, Luật TTHC, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

Một vấn đề cần lưu ý nữa là, khi giải quyết yêu cầu hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của đương sự trong vụ việc dân sự cần xác định tư cách người tham gia tố tụng trong vụ việc dân sự. Đối với trường hợp này Khoản 3 Điều 34 BLTTDS quy định: Khi xem xét hủy quyết định quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án phải đưa cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền đã ban hành quyết định tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định phải tham gia tố tụng và trình bày ý kiến của mình về quyết định cá biệt bị Tòa án xem xét hủy./.

 

Thanh Nghị 

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,766,755 lượt

Số người online:1,960 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn