Ngành KSND đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất - Phần thưởng cao quý của Đảng,Nhà nước tặng,xứng đáng là “Nơi gửi trọn niềm tin” của Đảng, nhân dân

...

(Kiểm sát) - Sáng ngày 23/7/2015, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, ngành Kiểm sát nhân dân đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống, Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V và đón nhận Huân chương Độc Lập hạng Nhất. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXNCN Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đến dự và chỉ đạo buổi Lễ.

 

Đ/c Trương Tấn Sang chụp hình lưu niệm với đ/c Nguyễn Hòa Bình.

Đ/c Trương Tấn Sang chụp hình lưu niệm với đ/c Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Kiểm sát online

 

Tại Lễ kỷ niệm, ngành Kiểm sát nhân dân cũng đã vinh dự được đón các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

 

Dự buổi lễ còn có các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh và thành phố Hà Nội; các đồng chí trợ lý của Chủ tịch nước, trợ lý Thường trực Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo cấp Vụ, chuyên viên các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện Lãnh đạo Ban thi đua khen thưởng Trung ương.  

 

Thành phần dự Lễ kỷ niệm và Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V về phía ngành Kiểm sát nhân dân có: Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC: Nguyễn Hải Phong, Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Lê Hữu Thể, Trần Công Phàn, Bùi Mạnh Cường, Nguyễn Văn Khánh chủ trì Lễ kỷ niệm. Cùng các đồng chí: Nguyên Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSNDTC qua các thời kỳ; các đồng chí Kiểm sát viên VKSNDTC; các đồng chí Vụ trưởng, nguyên Vụ trưởng các đơn vị thuộc VKSNDTC qua các thời kỳ; Kiểm sát viên cao cấp, Điều tra viên cao cấp, Kiểm tra viên cao cấp, Chuyên viên cao cấp, Trưởng phòng, các thành viên Ban chỉ đạo, thành viên các tiểu ban thuộc các đơn vị trực thuộc VKSNDTC; Viện trưởng, Chánh Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Lãnh đạo, Chánh Văn phòng, Kiểm sát viên cao cấp, Điều tra viên cao cấp, Trưởng phòng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp thứ 2; các đồng chí Viện trưởng, nguyên Viện trưởng, Chánh Văn phòng VKSND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tập thể, cá nhân được khen thưởng các thành tích cao, Chiến sĩ thi đua toàn quốc của ngành KSND giai đoạn 2010 – 2015.

 

Các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương, Hà Nội, địa phương và của ngành Kiểm sát nhân dân cũng đã đến dự, đưa tin về Lễ kỷ niệm và Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V ngành Kiểm sát nhân dân cùng các sinh viên khóa 1, khóa 2 Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Đồng thời, tại 812 điểm cầu truyền hình Lễ kỷ niệm của ngành Kiểm sát nhân dân từ Trung ương đến VKSND cấp huyện trong toàn quốc có các đồng chí Lãnh đạo, Kiểm sát viên tham gia buổi Lễ bằng hình thức trực tuyến.Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã gửi Lẵng hoa chúc mừng ngành KSND trong Lễ kỷ niệm với dòng chữ “Nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, kiên quyết tấn công tội phạm, bản lĩnh thực thi công lý, tận tâm bảo vệ nhân dân”.

 

Trong không khí toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang phấn khởi thi đua lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 70 năm ngày cách mạng Tháng tám, Quốc khánh 2-9, chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập, Đại hội thi đua yêu nước ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ V và đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước tặng cho ngành Kiểm sát nhân dân diễn ra trọng thể trong không khí trang nghiêm nhằm để các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức toàn Ngành ôn lại truyền thống tự hào của ngành Kiểm sát nhân dân; khẳng định những kết quả, những thành tựu đã đạt được trong suốt 55 năm qua, đóng góp xứng đáng cho công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, qua đó khơi dậy mạnh mẽ niềm tự hào về ngành Kiểm sát nhân dân; tiếp tục củng cố và làm sâu sắc thêm niềm tin của Đảng, của nhân dân đối với Ngành; đánh giá kết quả, tác dụng của phong trào thi đua từ sau Đại hội thi đua yêu nước ngành KSND lần thứ IV (năm 2010) đến nay đối với việc thực hiện nhiệm vụ, chức năng của Ngành, từ đó tìm ra những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục và đề ra phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong thời gian tới. Đây cũng là dịp để tuyên truyền về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy nhà nước, những đóng góp quan trọng của Ngành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; về quá trình xây dựng và phát triển của ngành Kiểm sát nhân dân từ năm 1960 đến nay; Biểu dương thành tích chung của toàn Ngành qua các phong trào thi đua yêu nước, các gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong Ngành; qua đó, khơi dậy, cổ vũ, tạo động lực mới để tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua và công tác khen thưởng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó cho ngành Kiểm sát nhân dân theo tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, phục vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo.

 

Tại buổi Lễ, sau phần Văn nghệ chào mừng với các tiết mục đặc sắc về quê hương đất nước, về ngành Kiểm sát nhân dân và phần Chào cờ, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu của đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSNDTC; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC đã trình bày Diễn văn kỷ niệm 55 năm thành lập Viện kiểm sát nhân dân. Thay mặt cán bộ, Kiểm sát viên toàn Ngành, đồng chí Viện trưởng nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước cùng các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, các đại biểu khách quý, các cơ quan thông tấn báo chí cùng toàn thể các đại biểu đã đến dự buổi Lễ, là nguồn động viên to lớn đối với cán bộ, công chức ngành KSND.

 

Trong bài diễn văn của mình, đồng chí Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: “Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước, ngành Kiểm sát nhân dân đã cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật tập trung trấn áp bọn phản cách mạng; xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh để phạm tội; xâm phạm chính sách hậu phương quân đội; cản trở việc chi viện cho miền Nam, bảo vệ công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Trên mọi miền Tổ quốc, cán bộ Kiểm sát đã không quản ngại hiểm nguy, dũng cảm đấu chống tội phạm, bảo vệ pháp chế; nhiều đồng chí đã tình nguyện tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường, đóng góp tích cực vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

 

Đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ xây dựng, phát triển và đối mới, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát cũng thay đổi, với những thách thức và yêu cầu mới. Toàn Ngành đã đổi mới hoạt động, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm và tội phạm, bảo vệ các thành quả xây dựng và phát triển của đất nước.

 

Thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp của Đảng, ngành Kiểm sát tiếp tục khẳng định địa vị pháp lý và chức năng, nhiệm vụ của mình, nỗ lực đóng góp xây dựng nền tư pháp văn minh, tiến bộ. Kết quả đổi mới đã tạo ra những thay đổi về chất trong việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

 

Trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, những thành tựu nổi bật mà ngành Kiểm sát nhân dân đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng bao gồm:

 

Một là, tích cực tham gia và đóng góp quan trọng trong đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm; bảo vệ cuộc sống thanh bình của nhân dân; tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước: Là một khâu quan trọng trong quá trình tố tụng, hoạt động của ngành Kiểm sát là sự khẳng định kết quả của quá trình điều tra và tạo tiền đề đúng đắn cho quá trình xét xử. Theo tinh thần đó, mỗi năm, Viện kiểm sát các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng truy tố đúng người, đúng tội hàng chục ngàn vụ án hình sự với hàng trăm ngàn bị can. Trong số đó, có các vụ án tình báo, gián điệp, phản động, xâm phạm an ninh quốc gia; nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy... đe dọa cuộc sống thanh bình của nhân dân; nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, làm băng hoại đội ngũ cán bộ, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư. Cùng với tiến trình phát triển và hội nhập, bên cạnh những thành tựu kinh tế - xã hội, tình hình vi phạm và tội phạm cũng diễn biến phức tạp; quy mô và tính chất tội phạm ngày càng gia tăng, nghiêm trọng hơn, hậu quả nặng nề hơn. Trước đòi hỏi của tình hình, toàn Ngành đã đổi mới tư duy, tổ chức bộ máy và biện pháp công tác, đấu tranh ngày càng hiệu quả đối với các tội phạm, kể cả tội phạm phi truyền thống như: tội phạm công nghệ cao, tội phạm tài chính - chứng khoán, tội phạm môi trường, tội phạm có yếu tố nước ngoài.v.v…

 

Phấn đấu cho nền tư pháp tiến bộ, hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp đã mở rộng hơn, bắt đầu từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và xuyên suốt quá trình tố tụng; đã chất lượng hơn, ngày càng công khai, minh bạch, gắn với hoạt động điều tra và bảo đảm nguyên tắc tranh tụng; đã hiệu quả hơn, thông qua các bản cáo trạng, bản luận tội sắc bén, tâm phục, khẩu phục, có tác dụng xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, cũng như răn đe, phòng ngừa tội phạm. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống thanh bình của nhân dân, tạo lập môi trường đầu tư an toàn, hấp dẫn.

 

Hai là, ngành Kiểm sát đã luôn đề cao trách nhiệm, thực hiện tốt hơn trọng trách bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân: Xuyên suốt các hoạt động, từ tham gia xây dựng thể chế, chỉ đạo điều hành đến thực thi pháp luật, cán bộ, công chức toàn Ngành luôn quán triệt tư tưởng của Bác Hồ về: ngành Kiểm sát của nhân dân, dựa vào nhân dân và phục vụ nhân dân; Quán triệt quan điểm cải cách tư pháp về: xây dựng nền tư pháp công bằng, dân chủ, nghiêm minh. Những nguyên tắc Hiến định về tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân đã được tổ chức thực hiện nghiêm túc.

 

Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, toàn Ngành đã tuân thủ nghiêm ngặt tinh thần và nội dung của Hiến pháp mới. Tiến hành kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp, thận trọng trong việc phê chuẩn, ban hành các quyết định tố tụng, nhất là các quyết định liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân. Chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội là hai yêu cầu có vị trí ngang nhau và đang được thực hiện ngày càng tốt hơn, triệt để hơn. Nhiều vụ án oan, sai, vi phạm pháp luật đã được ngành Kiểm sát phát hiện, kháng nghị, kiến nghị khắc phục sai sót, xử lý nghiêm minh vi phạm, trả lại tự do và danh dự cho người bị oan, được dư luận đánh giá cao, nhân dân đồng tình ủng hộ.

 

Công tác kiểm sát giải quyết các vụ án, vụ việc dân sự, hành chính và các lĩnh vực phi hình sự khác cũng có nhiều tiến bộ. Ngành Kiểm sát đã chủ động triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ do Quốc hội giao thêm, góp phần thiết lập kỷ cương, kỷ luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo vệ pháp chế XHCN, bảo đảm cho pháp luật được áp dụng nghiêm minh và thống nhất.

 

Ba là, thực thi nhiệm vu kiểm sát và đấu tranh với các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, ngành Kiểm sát đã góp phần bảo đảm cho hoạt động tư pháp tuân thủ pháp luật, xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh: Thực hiện trọng trách được giao, suốt 55 năm qua, ngành Kiểm sát nhân dân luôn quán triệt tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Bảo vệ pháp luật, dựa vào pháp luật và tuân thủ pháp luật đã trở thành phẩm chất của Kiểm sát viên và là đặc trưng tiêu biểu của ngành Kiểm sát. Thông qua công tác kiểm sát, đã nắm bắt ngày càng đầy đủ tình hình vi phạm trong lĩnh vực tư pháp, thẳng thắn chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình giải quyết vụ án; kịp thời kháng nghị, kiến nghị sửa chữa, khắc phục; yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền đề cao kỷ cương, kỷ luật, áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm. Hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp nghiêm trọng, làm sai lệch các kết quả tố tụng, gây bức xúc trong công luận, số lượng các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp được phát hiện, xử lý tăng so với những năm trước đây, trong đó, có nhiều vụ vi phạm tố tụng nghiêm trọng, tham nhũng trong hoạt động tư pháp. Cán bộ tư pháp vi phạm pháp luật đều đã bị xử lý nghiêm minh, bình đẳng, qua đó, loại bỏ khỏi đội ngũ những cán bộ thoái hóa, biến chất, góp phần xây dựng cơ quan tư pháp ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân vào công lý.

 

Bốn là, công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành đạt được nhiều thành tựu to lớn. Qua hoạt động thực tiễn, ngành Kiểm sát nhân dân đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt: Trải qua hơn nửa thế kỷ phát triển, đến nay, bộ máy tổ chức của ngành Kiểm sát nhân dân đã được hình thành theo bốn cấp kiểm sát. Cấp kiểm sát cơ sở được ưu tiên tăng cường nhiều nguồn lực để bảo đảm giải quyết tốt nhất phần lớn các vụ án trên toàn quốc, cấp kiểm sát tối cao được bố trí chuyên sâu, tập hợp những chuyên gia hàng đầu để đảm đương vị trí là cơ quan lãnh đạo tập trung thống nhất trong toàn Ngành.

 

Đội ngũ của Ngành từ những ngày đầu thành lập chỉ có 847 đồng chí, chủ yếu từ nguồn cán bộ làm công tác đảng, công tác đoàn thể, bộ đội chuyển ngành, với tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng chiếm 0,3%. Đến nay, toàn Ngành đã có trên 15.000 cán bộ, được đào tạo chính quy, tâm huyết với sự nghiệp. 100% Kiểm sát viên đạt trình độ đại học và ngày càng có nhiều Tiến sĩ, Thạc sĩ.

 

Trải qua phấn đấu, rèn luyện, tích cực tham gia các cuộc vận động xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đội ngũ Kiểm sát viên đã không ngừng trưởng thành “vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Thông qua hoạt động thực tiễn, đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn, bản lĩnh, tự tin hơn khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp của thời kỳ đổi mới và hội nhập.

 

Công tác đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ được đổi mới và tăng cường. Hình thức đào tạo phong phú, toàn diện; kết hợp giữa đào tạo trong nước với đào tạo ngoài nước; giữa đào tạo tập trung, chính quy với tự đào tạo tại đơn vị thông qua từng vụ án rút kinh nghiệm cụ thể. Các cơ sở đào tạo của Ngành được nâng cấp và đầu tư. Việc hình thành Trường Đại học kiểm sát Hà Nội là bước đột phá trong sự nghiệp đào tạo của Ngành, đáp ứng niềm mong đợi của nhiều thế hệ Kiểm sát viên, mở ra triển vọng đào tạo nguồn cán bộ có chất lượng cao trong tương lai.

 

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các nguồn lực bảo đảm cho hoạt động của Ngành đã được tăng cường đáng kể, từng bước đáp ứng được yêu cầu. Chúng ta đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng trụ sở cho Viện kiểm sát các cấp; trang bị và mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và hoạt động nghiệp vụ; tăng cường đầu tư phương tiện các loại, trước hết là cho cấp huyện. Việc đổi mới trang phục đã làm thay đổi diện mạo của Ngành, góp phần nâng cao vị thế cho Kiểm sát viên khi thi hành công vụ, tạo hình ảnh tin cậy trong lòng nhân dân.

 

Những thành tựu ngành Kiểm sát nhân dân đạt được trong 55 năm qua là kết quả phấn đấu không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ cán bộ, Kiểm sát viên dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương, sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân. Cũng chính quá trình đó, ngành Kiểm sát đã tích lũy và đúc rút được nhiều bài học quý báu, hun đúc nên những truyền thống tốt đẹp mà đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định. Đó là truyền thống: “Nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, kiên quyết tấn công tội phạm, bản lĩnh thực thỉ công lý, tận tâm bảo vệ nhân dân”. Đây cũng chính là nhiệm vụ, là yêu cầu mà Đảng, nhân dân giao cho ngành Kiểm sát.

 

Với những cố gắng và thành tích đạt được, ngành Kiểm sát nhân dân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng (năm 2010); hai lần được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1985 và năm 1990). Và hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày Truyền thống, chúng ta vinh dự đón nhận Huân chương độc lập hạng Nhất cho Ngành Kiểm sát nhân dân, danh hiệu Anh hùng lao động cho hai tập thể và nhiều huân chương các loại cho những tập thể, cá nhân tiên tiến.

 

Trong khi khẳng định những thành tựu to lớn, tự hào về truyền thống vẻ vang, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót, bất cập trong công tác. Những đòi hỏi ngày càng cao của nhân dân về công cuộc cải cách tư pháp vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ. Hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng chưa cao; tỷ lệ án kéo dài còn lớn; hoạt động tranh tụng chưa phải là phổ biến và chất lượng vẫn hạn chế; đơn thư và các vụ việc dân sự, hành chính còn chậm được giải quyết; án oan, sai dẫu đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn xảy ra.

 

Thời gian tới, để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, toàn Ngành cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, phát huy những thành tích đã đạt được, triệt để khắc phục những khuyết điểm đã được chỉ ra. Tích cực triển khai thực thi Hiến pháp năm 2013; đưa những nguyên tắc tư pháp tiến bộ đã được Hiến định vào các Dự án Luật mà ngành Kiểm sát được Quốc hội phân công chủ trì hoặc tham gia soạn thảo. Tổ chức cuộc đấu tranh phòng, chống vi phạm và tội phạm theo tinh thần mới của Hiến pháp, kiên quyết tấn công tội phạm, đồng thời, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng Đảng, xây dựng Ngành. Kiện toàn bộ máy tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp. Xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên có kiến thức pháp luật và trình độ chuyên môn vững chắc, có trách nhiệm và bản lĩnh bảo vệ pháp luật. Đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, đổi mới toàn diện, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, kế tục sự nghiệp của các thế hệ cán bộ kiểm sát đi trước. Mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, của nhân dân và Nhà nước.” 

 

Kết thúc Diễn văn Lễ kỷ niệm, các đại biểu về dự Lễ đã được xem bộ phim tài liệu do Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam sản xuất và đã được phát sóng vào lúc 20 giờ 10 ngày 22/7/2015. Đây là bộ phim tài liệu đã được những người thực hiện chương trình với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, nhiệt huyết tiến hành triển khai thực hiện từ các công việc xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất, quay phim đến hậu kỳ và hoàn thiện bộ phim với thời gian rất ngắn chỉ chưa đầy 2 tháng. Nội dung bộ phim về cơ bản đã khái quát về bối cảnh lịch sử và sự kiện thành lập Viện kiểm sát nhân dân; vai trò khai sinh của Bác Hồ, đặt nền móng của Viện trưởng Hoàng Quốc Việt và các vị lãnh đạo lão thành của Ngành; về những sự kiện tiêu biểu tạo nên dấu ấn của ngành trong sự nghiệp cách mạng của Đảng của dân tộc; về những thành tựu nổi bật, những vấn đề đặt ra trên con đường đi tới... gắn với yêu cầu của cải cách tư pháp, niềm tin và đòi hỏi của nhân dân, của thực tiễn cuộc sống, nhất là yêu cầu triển khai thi hành Hiến pháp 2013, Luật tổ chức VKSND năm 2014 và Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) của ngành Kiểm sát nhân dân trong sự nghiệp đổi mới và cải cách tư pháp.

 

Tiếp đó, đại diện các thế hệ Lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân qua các thời kỳ đã nghỉ chế độ, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết, nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC đã phát biểu cảm tưởng tại buổi Lễ. Đồng chí cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với ngành Kiểm sát nhân dân, sự quan tâm của các bộ, ban ngành Trung ương, địa phương và đặc biệt là sự phấn đấu tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian qua, nhất là trong những năm đổi mới, thực hiện chủ trương cải cách tư pháp để đến ngày hôm nay ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được những thành tựu to lớn, vinh dự được đón nhận “Huân chương Độc lập hạng Nhất” - phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng.

 

Sau các nghi thức trang nghiêm của Lễ kỷ niệm là chương trình của Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V ngành Kiểm sát nhân dân và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất cũng đã diễn ra long trọng tại Hội trường Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.

 

Tiến sĩ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC báo cáo tóm tắt thành tích thi đua của ngành KSND. Báo cáo nêu rõ: “…Trong những năm qua, VKSND tối cao luôn chú trọng chỉ đạo toàn Ngành quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; xác định thi đua yêu nước là động lực quan trọng thúc đẩy VKS các cấp phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó; phát động nhiều đợt thi đua với các nội dung thiết thực, gắn việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành với nhiệm vụ chính trị của Đảng.

 

Hàng năm, Viện trưởng VKSND tối cao đều ban hành chỉ thị về công tác thi đua, khen thưởng, hướng trọng tâm công tác thi đua vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát có phẩm chất đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm chắc kiến thức pháp lý và nghiệp vụ kiểm sát, có ý thức phục vụ nhân dân; tăng cường trách nhiệm của Ban Cán sự đảng, cấp ủy đảng và đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị… VKSND tối cao đã xây dựng Kế hoạch, ban hành Chỉ thị chuyên đề công tác thi đua, khen thưởng. Theo đó, phát động, tổ chức nhiều phong trào thi đua; thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn và đặt ra những chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể ở các khâu, lĩnh vực công tác; chú trọng sơ kết, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, nhằm phát huy vai trò tích cực của các phong trào thi đua, khen thưởng, góp phần thúc đẩy toàn Ngành nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Kết quả cho thấy, phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng trong ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục phát triển sâu rộng, có sức lan tỏa lớn và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Ngành trong 5 năm qua.

 

Kết quả phong trào thi đua trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự: Toàn Ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực; chú trọng lựa chọn nội dung đột phá, tập trung thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng Thông tư liên tịch, quy chế phối hợp. VKS các cấp đã chủ động phối hợp nắm, quản lý và phối hợp phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; đã kiểm sát trực tiếp tại 2.796 đơn vị, ban hành 2.859 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm,...; đã yêu cầu khởi tố 2.045 vụ án, trực tiếp khởi tố 183 vụ, hủy bỏ 312 quyết định không khởi tố vụ án... theo đó, thể hiện ngày càng rõ hơn trách nhiệm công tố, làm tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

 

Lãnh đạo, Kiểm sát viên VKS các cấp nâng cao trách nhiệm trong phê chuẩn các lệnh, quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo đảm việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn có căn cứ, đúng pháp luật. Chú trọng kiểm sát việc thực hiện các chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam; đã kiểm sát trực tiếp 22.927 lượt nhà tạm giữ, 3.148 lượt nhà tạm giam, ban hành 26.075 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa vi phạm,..., góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của Hiến pháp.

 

Toàn Ngành đã tập trung thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp, nhất là những biện pháp được nêu trong Chỉ thị số 06 ngày 06/12/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao, về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Quốc hội giao và của Ngành. VKS các cấp đã thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết hơn 370.000 vụ án hình sự, ban hành hơn 150.000 bản yêu cầu điều tra,... Theo đó, chất lượng điều tra, truy tố được nâng cao; đã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 100% các vụ án ngay từ khi khởi tố; tiến độ giải quyết án vượt chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ truy tố đúng hạn đạt 99,99%; tỷ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,7%. Trách nhiệm công tố tiếp tục được đề cao... bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm trong giai đoạn điều tra. VKS các cấp ban hành 2.402 kiến nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa vi phạm trong hoạt động điều tra và 735 kiến nghị cơ quan hữu quan các biện pháp phòng ngừa tội phạm.

 

Kiểm sát viên VKS các cấp đã thực hiện nhiều biện pháp, nỗ lực phấn đấu nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa; đã phối hợp tố chức hơn 10.000 phiên toà rút kinh nghiệm. Chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tiếp tục được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị hình sự; đã ban hành 5.000 kháng nghị, trong đó, số kháng nghị phúc thấm được chấp nhận đạt 72,1%, kháng nghị giám đốc thấm, tái thẩm được chấp nhận đạt 84,5% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 37 của Quốc hội); ban hành 282 kiến nghị yêu cầu khắc phục thiếu sót, vi phạm trong xét xử hình sự và phòng ngừa tội phạm.

 

Công tác tham mưu, phối hợp trong giải quyết án hình sự được tăng cường; đã xử lý kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án lớn, phức tạp, trọng điểm, đặc biệt là các vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng do Ban Chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính TW, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy theo dõi, chỉ đạo, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cơ quan tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý tham nhũng.

 

Các đơn vị đã có nhiều cố gắng, nỗ lực phấn đấu và đạt kết quả cao trong công tác này, điển hình như: Vụ 1, 1A, 1B, 1C và 2 (nay là các Vụ 1, 2, 3, 4 và 5) VKSND tối cao; Viện phúc thẩm 1, 3 (nay là VKSND cấp cao 1, 3); VKSND các tỉnh, Tp: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Tp. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hậu Giang, An Giang,...

 

Kết quả phong trào thi đua  trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp khác: Trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và các vụ việc khác theo quy định của pháp luật, VKS các cấp đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm sát chặt chẽ các bản án, quyết định, kịp thời kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm. Trong 5 năm, toàn Ngành đã ban hành 8.140 kháng nghị, 9.371 kiến nghị yêu cầu khắc phục những thiếu sót, vi phạm, trong đó: kháng nghị phúc thẩm được chấp nhận 83%; kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được chấp nhận 87,2%, đều vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 37 của Quốc hội. Những đơn vị điển hình trong công tác này là: Vụ 5, Vụ 12 (nay là Vụ 9, Vụ 10) VKSND tối cao; VKSND các tỉnh, thành phổ: Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Hưng Yên, Đà Nẵng, Ninh Bình, Quảng Nam, Phú Yên,...

 

Trong công tác kiểm sát thi hành án hình sự, kiểm sát thi hành án dân sự: VKS các cấp đã chú trọng thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm các bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành kịp thời, nghiêm minh; kiên quyết kháng nghị, kiến nghị yêu câu các cơ quan hữu quan tuân thủ pháp luật trong thi hành án hình sự. Qua kiểm sát, đã ban hành hơn 2.000 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa vi phạm; đã kiểm sát trực tiếp việc thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại hơn 11.000 UBND cấp xã, ban hành gần 8.000 kiến nghị, kháng nghị; thẩm định hàng chục nghìn hồ sơ đề nghị đặc xá, kiên quyết đề nghị đưa ra khỏi danh sách nhiều trường hợp chưa đủ điều kiện, bảo đảm công tác đặc xá có căn cứ, đúng pháp luật. Những đơn vị có phong trào thi đua thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong công tác này là: Vụ 4 (nay là Vụ 8 VKSND tối cao); VKSND tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nghệ An, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Tiền Giang,...

 

Công tác kiểm sát thi hành án dân sự trong những năm qua có nhiều tiến bộ; VKS các cấp đã kiểm sát 100% các quyết định thi hành án; kiểm sát chặt chẽ việc phân loại và tổ chức thi hành án dân sự; đã kiểm sát trực tiếp tại gần 4.000 Cơ quan thi hành án dân sự; ban hành hơn 6.000 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật. Những đơn vị có thành tích cao trong công tác này là: Vụ 10 (nay là Vụ 11 VKSND tối cao); VKSND tỉnh Phú Thọ, Hà Nam, Đồng Nai...

 

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp: Toàn Ngành đã tiếp gần 120.000 lượt công dân; thụ lý gần 90.000 việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Mặc dù khối lượng công việc tăng hàng năm, trong khi biên chế công tác này còn hạn chế nhưng cán bộ, Kiểm sát viên VKS các cấp đã có nhiều cố gắng giải quyết đạt 50,7% việc. Công tác kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được quan tâm; đã kiểm sát trực tiếp tại gần 2.400 cơ quan tư pháp; ban hành gần 2.000 kháng nghị, kiến nghị. Những đơn vị điển hình trong công tác này là: Vụ 7, Vụ 3 (nay là Vụ 12, Vụ 7 VKSND tối cao); các Viện phúc thẩm 1, 2, 3 (nay là VKSND cấp cao 1, 2, 3); VKSND tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh, Vĩnh Long, Kiên Giang,...

 

Kết quả phong trào thi đua của Cơ quan điều tra VKSND tối cao: Cơ quan điều tra của Ngành đã tập trung thi đua thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra; chú trọng phát hiện, điều tra nhiều vụ án về tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp, các vụ bức cung, dùng nhục hình dẫn đến oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm; ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu chấn chỉnh, phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong hoạt động tư pháp. Đặc biệt, thời gian qua, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã khởi tố điều tra nhiều vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp; phát hiện điều tra minh oan một số trường hợp; xử lý nghiêm minh đối với cán bộ tư pháp phạm tội dẫn đến oan, sai, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp nói chung và ngành Kiểm sát nói riêng.

 

Kết quả phong trào thi đua xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh: Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành được quan tâm và đẩy mạnh theo hướng siết chặt, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, cơ quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Quán triệt, triển khai sâu rộng chủ trương “Đổi mới, chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở”; tập trung lựa chọn và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều nội dung công tác đột phá, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong các lĩnh vực công tác và trong toàn Ngành.

 

Ngành đã quan tâm xây dựng nhiều đề án, chiến lược về tổ chức bộ máy, cán bộ theo yêu cầu cải cách tư pháp; đã trình và được UBTV Quốc hội ban hành 04 nghị quyết: về biên chế và số lượng chức danh tư pháp của Ngành; về thành lập Trường ĐHKS Hà Nội, Vụ Thi đua - Khen thưởng; bổ sung nhiệm vụ, đổi tên một số đơn vị thuộc VKSND tối cao...; triển khai thực hiện nhiều giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, như: thi chọn nguồn bổ nhiệm chức danh tư pháp, chức vụ quản lý; thi tuyển chọn Kiếm sát viên, Điều tra viên tiêu biểu trong toàn Ngành...Thực hiện Luật tổ chức VKSND năm 2014, vừa qua, UBTV Quốc hội đã ban hành 07 nghị quyết, theo đó, công tác tổ chức cán bộ của Ngành tiếp tục có những bước chuyển biến căn bản. Toàn Ngành thực hiện nghiêm túc Nghị quyết TW 4, khóa XI của Đảng, Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, gắn với việc thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, kiếm sát viên vừa hồng, vừa chuyên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đơn vị có nhiêu nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong công tác này là Vụ Tổ chức cán bộ, VKSND tối cao.

 

Công tác xây dựng thể chế đạt nhiều kết quả tích cực; đã nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Quốc hội tiếp tục khẳng định chức năng, nhiệm vụ của VKSND trong Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức VKSND năm 2014. Hoàn thành tốt dự án Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp Thứ 8; thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng dự án BLTTHS (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận đánh giá cao tại Kỳ họp Thứ 9 vừa qua; đồng thời tích cực tham gia nghiên cứu, xây dựng pháp luật, nhất là những luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của Ngành. Viện Khoa học kiểm sát, nay là Vụ Pháp chế và quản lý khoa học là đơn vị điển hình thực hiện tốt công tác này.

 

Thời gian qua đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc, sự chuyển biến về chất trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của Ngành. Lãnh đạo VKSND tối cao đã chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện nhiều đề án, chiến lược về công tác đào tạo, bồi dưỡng. Điển hình là xây dựng, thực hiện Đề án thành lập Trường ĐHKS Hà Nội; đến nay, nhà Trường đang từng bước làm tốt công tác tuyển sinh, đào tạo sinh viên khóa 1, khóa 2 ĐHKS; trong 5 năm, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Ngành và VKS các cấp đã tổ chức bồi dưỡng cho 7.011 lượt học viên về kỹ năng công tố và kiểm sát tư pháp. Các đơn vị điển hình trong công tác này là: Vụ Tổ chức cán bộ, Trường ĐHKS Hà Nội; VKSND tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Tp. Hồ Chỉ Minh...

 

Quán triệt đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, ngành Kiểm sát đã không ngừng đẩy mạnh công tác đối ngoại, mở rộng hợp tác quốc tế; đã trở thành thành viên Hiệp hội Công tố viên quốc tế, Hiệp hội cơ quan chống tham nhũng quốc tế; chú trọng nghiên cứu, đề xuất đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với các nước; hoàn thành tốt trách nhiệm của cơ quan đầu mối tương trợ tư pháp về hình sự. Điển hình trong công tác này là Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự.

 

Công tác thanh tra, kiểm tra được đổi mới toàn diện từ VKSND tối cao đến cấp tỉnh; cùng với việc kiện toàn tố chức bộ máy làm công tác thanh tra, thể chế về thanh tra, kiếm tra đã có nhiều đổi mới. Kết quả công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần đảm bảo kỷ cương, kỷ luật, chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành, tăng cường sự đoàn kết nội bộ các đơn vị và trong toàn Ngành. Tham mưu, thực hiện tốt phong trào thi đua trong công tác này là Thanh tra, Văn phòng VKSND tối cao.

 

Công tác tham mưu, tổng hợp có nhiều đổi mới, sâu sát, kịp thời hơn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; phục vụ tốt, hoạt động giám sát của cơ quan dân cử; đã chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp nhiều giải pháp nhằm bảo đảm cho VKS thực hiện tốt hơn chức năng thực hành quyền công tố và kiếm sát hoạt động tư pháp, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Những điển hình trong công tác này là: Văn phòng VKSND tối cao, VKSND tỉnh Phú Thọ, Hà Nam, Hưng Yên,...

 

Công tác tuyên truyền có nhiều chuyển biến tích cực; đã phối hợp xây dựng, phát sóng chuyên mục Truyền hình KSND trên kênh ANTV; triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, quảng bá về Ngành; chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt, tuyên truyền nhân rộng các tập thế, cá nhân điến hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước; điển hình như tổ chức cuộc thi “Chúng tôi là Kiểm sát viên” trong toàn Ngành. Nhiều đơn vị có thành tích cao trong phong trào thi đua thực hiện tốt công tác tuyên truyền, điển hình là: Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật, Văn phòng VKSND tối cao,...

 

Toàn ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác; đặc biệt, đã xây dựng hệ thống truyền hình trực tuyến đến gần 800 điểm cầu trong toàn Ngành; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn được nhiều địa phương quan tâm thực hiện. Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin của Ngành được nâng lên một bước.

 

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc của VKS các cấp tiếp tục được tăng cường, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác; đặc biệt, đã khởi công xây dựng trụ sở mới của VKSND tối cao; trang bị ô tô chuyên dùng cho 40% VKSND cấp huyện; trang phục của cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đổi mới,...Đây chính là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với Ngành; cũng là kết quả của sự cố gắng, nỗ lực của lãnh đạo VKSND tối cao và những cán bộ làm công tác kế hoạch, tài chính. Những đỉến hình trong công tác này là: Vụ Kế hoạch, tài chính (nay là Cục kế hoạch, tài chính), Văn phòng, Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin VKSND tối cao; VKSND Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, VKSND các tỉnh An Giang, Bắc Ninh,...

 

Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua những năm qua của ngành Kiếm sát nhân dân, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý cho Ngành, trong đó: 12 tập thể, cá nhân được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba; 335 tập thể, cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba; 70 tập thế được tặng Cờ thi đua của Chỉnh phủ; 561 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ngành Kiểm sát cũng đã xét tặng cho: 1.567 tập thể Cờ thi đua của Ngành; 48 cá nhân được tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”; 1.307 cá nhân được tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua Ngành”; hàng nghìn lượt cá nhân được tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” và các hình thức khen thưởng khác.

 

Ghi nhận những đóng góp xuất sắc của ngành Kiểm sát, tại Đại hội đã diễn ra Lễ trao tặng “Huân chương Độc lập hạng Nhất” cho ngành Kiểm sát nhân dân và danh hiệu “Anh hùng Lao động” cho Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh theo đúng nghi thức của Nhà nước.

 

Đại hội thi đua yêu nước cũng đã nhiệt liệt biểu dương các đơn vị và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của ngành Kiểm sát nhân dân trong những năm qua. Đây là những tấm gương tiêu biểu, những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước và là những biểu hiện sinh động về những đóng góp của ngành Kiểm sát nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Đ/c Trương Tấn Sang trao Huân chương Độc lập Hạng nhất cho Ngành KSND. Ảnh: Kiểm sát online.

 

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhấn mạnh: “55 năm qua, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân đã luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, giữ vững phẩm chất đạo đức trong sáng, nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, đóng góp xứng đáng vào truyền thống vẻ vang của Ngành và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

 

 

 Sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, 10 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, ngành Kiểm sát nhân dân đã tích cực triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật là:

 

- Công tác xây dựng chính sách, pháp luật: Ngành Kiểm sát nhân dân đã tích cực phối hợp cùng các cơ quan chức năng phấn đấu xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng đồng bộ và minh bạch về tư pháp; khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền giữa các cơ quan tư pháp, đồng thời đề xuất nhiều chính sách quan trọng trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm…

 

- Công tác xây dựng tổ chức bộ máy của VKSND các cấp được củng cố và ngày một hoàn thiện; Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức VKSND đã xác định VKSND là cơ quan trọng yếu trong hệ thống cơ quan tư pháp nói riêng và bộ máy Nhà nước nói chung có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; các đơn vị chức năng trong Ngành từng bước được củng cố, bảo đảm hiệu quả và có sự kiểm tra, giám sát lẫn nhau.

 

- Thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra được tăng cường (nghiêm túc nhận trách nhiệm và thực hiện công khai xin lỗi, bồi thường cho người bị oan khi có xảy ra); công tác kiểm sát xử lý tố giác, tin báo tội phạm có nhiều tiến bộ; Kiểm sát viên đã tích cực tranh luận, đối đáp tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự…

 

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã có những đổi mới cơ bản. Hiện nay, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội từng bước được đầu tư xây dựng thành trung tâm lớn về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Kiểm sát nhân dân, đáp ứng yêu cầu của Chiến lược cải cách tư pháp. Hợp tác quốc tế cũng đã đạt nhiều kết quả, uy tín của ngành Kiểm sát nhân dân ngày một tăng lên đối với nhân dân và đối với các nước…

 

- Về công tác xây dựng Đảng, Ban cán sự đảng VKSNDTC cũng luôn đảm bảo đoàn kết trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, gắn với thực hiện Cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên: Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.

 

Kết thúc bài phát biểu, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiệt liệt biểu dương những tập thể và cá nhân điến hình tiên tiến, xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước và chúc mừng những thành tích mà ngành Kiểm sát nhân dân đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Hiến pháp năm 2013 quy định và các Nghị quyết của Đảng về Chiến lược cải cách tư pháp, đồng thời thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội thi đua lần thứ V của Ngành lần này đề ra, Chủ tịch nước đề nghị ngành Kiểm sát nhân dân cần tập trung làm tốt một số vấn đề trọng tâm sau:

 

Một là, tiếp tục triển khai thi hành nghiêm túc Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 7/7/2007 của Bộ Chính trị về Sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng; Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về Công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014. Trước hết, yêu cầu Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần tập trung xây dựng và hoàn thiện Bộ luật Tố tụng hình sự bảo đảm chất lượng và thời hạn quy định; đồng thời tích cực tham gia xây dựng các đạo luật quan trọng khác, như: Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật tố tụng hành chính...;

 

Hai là, tập trung làm tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; bảo đảm mọi tội phạm bị phát hiện phải được khởi tố, điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh; các quyết định của cơ quan tư pháp phải có căn cứ và đúng pháp luật; bảo đảm không để xảy ra oan, sai, đồng thời không bỏ lọt tội phạm, tôn trọng quyền con người, quyền công dân theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013.

 

Ba là, Ban cán sự đảng và Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải thường xuyên chăm lo giáo dục, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên, bảo đảm vừa “hồng”, vừa “chuyên” thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ kiêm sát: “Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn. Trong tình hình hiện nay, cán bộ và Kiểm sát viên các cấp cần phải có dũng khí, có quyết tâm cao bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, của Đảng và Nhà nước, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ, đóng góp xứng đáng vào thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất phương án cải cách chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ và cơ chế thu hút, tuyển chọn những người có tâm huyết, đủ đức, đủ tài vào làm việc ở Viện kiểm sát nhân dân các cấp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

 

Bốn là, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực phòng, chống tội phạm; xây dựng pháp luật và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên đáp ứng yêu cầu Chiến lược cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế; thực hiện có hiệu quả là cơ quan chủ trì phối hợp trong các hoạt động tương trợ tư pháp...;

 

Năm là, thấm nhuần tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành Kiểm sát nhân dân phải cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ của Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V vào các phong trào thi đua của từng địa phương, đơn vị và từng cá nhân nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ công tác đề ra trong thời kỳ phát triển mới”.

 

Cuối cùng, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang một lần nữa nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích của ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được trong 55 năm qua và chúc ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục vững bước đi lên, tự hào tiếp nối truyền thống tốt đẹp của Ngành, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đã dành cho. Đồng thời, với tâm thế luôn vững vàng và kiên định, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tin tưởng rằng ngành Kiểm sát nhân dân sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn và giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

 

Thay mặt toàn thể cán bộ, công chức ngành KSND, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với ngành Kiểm sát nhân dân, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước tại Lễ kỷ niệm và hứa trong thời gian tới, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ quán triệt sâu sắc những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng, Nhà nước đã giao, tiếp tục phát huy truyền thống 55 năm, với bề dày kinh nghiệm qua nhiều thời kỳ lịch sử, cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát sẽ tiếp tục phát huy những mặt tích cực, mặt mạnh, mặt thành tích của mình và khắc phục được những mặt hạn chế để thực hiện thật tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đã được Hiến pháp và pháp luật quy định, nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân cũng như quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước.

 

Sau giờ giải lao, tại Đại hội, đã có 01 tham luận của tập thể và 01 tham luận của cá nhân đại diện cho những gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của ngành Kiểm sát nhân dân phát biểu nêu về những kết quả, kinh nghiệm cũng như những biện pháp của mình trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua.

 

 Mở đầu là tham luận của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh do đồng chí Vũ Đức Thành, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh trình bày với chủ đề “Đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng, quản lý, chỉ đạo, điều hành là điều kiện tiên quyết để tổ chức tốt phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ”. Theo đó, với mục tiêu đặt ra là việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phải luôn đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để oan, sai; không bỏ lọt tội phạm, Ban cán sự đảng và Lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Ninh đã tập trung mọi nỗ lực, đổi mới và nâng cao chất lượng quản lý, chỉ đạo, điều hành. Mỗi năm, Lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Ninh đều tìm ra những nét mới, lựa chọn khâu đột phá để chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác: có năm lựa chọn tăng cường kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm để hạn chế việc bỏ lọt tội phạm từ cơ sở; năm thì lựa chọn nâng cao chất lượng tranh luận, đối đáp tại phiên tòa cho Kiểm sát viên; riêng năm 2015 lựa chọn chủ đề: “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin” để triển khai thực hiện…

 

Quá trình thực hiện, Lãnh đạo VKS tỉnh duy trì thường xuyên việc giao ban tuần, tháng, quý với các Trưởng phòng, Trưởng các đoàn thể và Viện trưởng VKSND cấp huyện để đánh giá những kết quả đã làm được, xây dựng nhiệm vụ trọng tâm trong kỳ tới để từng đơn vị lấy đó làm căn cứ thực hiện. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra giữa cấp trên và cấp dưới, kiểm tra chéo giữa các phòng nghiệp vụ, các đơn vị tự kiểm tra báo cáo kết quả về VKSND tỉnh. Qua đó, thông báo những ưu điểm để phát huy, những thiếu sót, tồn tại để rút kinh nghiệm. Mặt khác, VKSND tỉnh còn tăng cường chỉ đạo VKSND cấp huyện để phát hiện, xử lý kịp thời những thiếu sót, tồn tại. Hai cấp Kiểm sát luôn tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ địa phương, xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ với các ngành để thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm... Đặc biệt 5 năm gần đây, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSND tỉnh đã có nhiều sáng kiến trong chỉ đạo, điều hành, ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả thiết thực như:

 

Thứ nhất, chỉ đạo VKSND cấp huyện ký Quy chế phối hợp với các ngành và Công an cấp xã trong phân loại, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm. Việc làm này không chỉ lan tỏa trong tỉnh mà được VKSND tối cao đánh giá cao và nhân rộng bằng việc ký và triển khai thực hiện trong toàn quốc Thông tư liên tịch số 06/2013 với các ngành trong xử lý tố giác, tin báo tội phạm.

 

Thứ hai, VKSND ký Quy chế phối hợp với Tòa án tổ chức các phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm cho Kiểm sát viên và Hội đồng xét xử.Theo đó, VKS cùng Tòa án hai cấp đã tổ chức dự phiên tòa và họp rút kinh nghiệm cho Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân. Những ý kiến đóng góp không chỉ có tác dụng đối với Kiểm sát viên và Hội đồng xét xử phiên tòa mà còn có tác dụng học tập, rút kinh nghiệm chung tới các Kiểm sát viên, Thẩm phán khác và chuyên viên của Viện kiểm sát, Thư ký Tòa án ở cả hai cấp; là bài học thực tế bổ ích, mang lại hiệu quả thiết thực cho cán bộ trẻ, giúp họ tiếp nhận được kỹ năng nghề nghiệp từ thực tế. Qua đó, chất lượng tiến hành tố tụng của Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân ngày càng được nâng lên; công tác xét xử được công khai, dân chủ, quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng được đảm bảo, các đề nghị của Viện kiểm sát và quyết định của Hội đồng xét xử được dư luận đồng tình.

 

Thứ ba, chỉ đạo xây dựng và áp dụng chuyên đề “Nâng cao chất lượng quản lý, chỉ đạo, điều hành cho Viện trưởng VKSND cấp huyện” đề ra giải pháp và triển khai thực hiện với 14 VKSND cấp huyện. Trải qua 3 năm thực hiện, ứng dụng các giải pháp mà chuyên đề đặt ra đã cho thấy trình độ, kỹ năng quản lý, chỉ đạo điều hành của Viện trưởng VKSND cấp huyện đã được chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch công tác, biết lựa chọn các khâu, các điểm đột phá để triển khai thực hiện. Từ đó, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm  trên địa bàn đạt hiệu quả cao hơn, không có oan, hạn chế sai, bỏ lọt tội phạm; kịp thời phát hiện vi phạm trong hoạt động khởi tố, điều tra, xét xử, thi hành án ban hành kiến, kháng nghị, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các cơ quan tư pháp. Bên cạnh đó, Viện trưởng VKSND cấp huyện cũng chủ động thực hiện các biện pháp xây dựng ngành, chủ động hơn trong quan hệ với cấp ủy và phối hợp với các ngành ở địa phương.

 

Thứ tư, tăng cường đào tạo tại chỗ, đồng thời phối hợp với Trường Đại học, Trung tâm đào tạo mở lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức. Để nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện đã thực hiện phương châm: Tăng cường đào tạo tại chỗ, đồng thời phối hợp với các Trường, các Trung tâm đào tạo mở lớp đào tạo, bồi dưỡng đẩy nhanh tiến độ nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, công chức. Theo đó, Ban cán sự Đảng đã quyết định điều động cán bộ từ các VKSND các huyện vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo về các VKSND thành phố hoặc các phòng của tỉnh để đào tạo, sau 2-3 năm trở lại đơn vị cũ công tác và giao cho Kiểm sát viên có năng lực hướng dẫn cán bộ mới. Đồng thời đã thường xuyên quán triệt các văn bản mới, tổ chức các phiên tòa “mẫu” để học tập rút kinh nghiệm chung. Cùng với việc đào tạo tại chỗ và cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng các lớp do VKSND tối cao và Tỉnh ủy tổ chức, Lãnh đạo VKSND tỉnh đã chủ động liên hệ với Lãnh đạo các Trường, các Trung tâm đào tạo, phối hợp mở các lớp đào tạo tại tỉnh để tăng số lượng cán bộ được học tập.

 

Thứ năm, chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin vào chỉ đạo điều hành. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị địa phương hỗ trợ mua máy scan để quét văn bản, thực hiện chia sẻ, khai thác dữ liệu, nhận gửi văn bản qua mạng, duyệt văn bản trên máy. Qua đó, thông tin nhanh hơn, kịp thời hơn, mỗi năm tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm hàng trăm triệu đồng.

 

Bên cạnh các sáng kiến nêu trên, Lãnh đạo Viện đã chỉ đạo hai cấp tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra, nâng cao chất lượng tranh luận đối đáp của Kiểm sát viên tại phiên tòa... duy trì việc kiểm sát bắt, giữ hàng ngày; kiểm sát chặt chẽ việc điều tra, xét xử án hình sự, dân sự, thi hành án hình sự, dân sự, giải quyết đơn tư pháp. Đặc biệt, trước tình hình án hành chính gia tăng, liên quan đến thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, VKSND cả hai cấp đã tham mưu cho cấp ủy tăng cường chỉ đạo việc ra các quyết định hành chính; tham mưu cho chính quyền địa phương rút các quyết định có vi phạm để tránh bị khiếu kiện. Qua kiểm sát thi hành án dân sự, đã tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành tăng cường rà soát, hạ tỷ lệ vụ việc chưa có điều kiện thi hành từ trên 60% xuống còn trên 30%; áp dụng các biện pháp nâng cao tỷ lệ giải quyết việc tồn đọng. Những việc làm này của VKSND đã được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.

 

Với các biện pháp nêu trên, mỗi năm hai cấp Kiểm sát Quảng Ninh thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử trên 2000 vụ án hình sự với hơn 3000 bị can; kiểm sát việc giải quyết gần 3000 vụ án dân sự, hành chính; kiểm sát phân loại giải quyết trên 2000 người bị bắt, tạm giữ, trên 2000 người bị tạm giam; kiểm sát việc thi hành án 10.000 bị án hình sự, trên dưới 10.000 vụ việc dân sự; tỷ lệ giải quyết án luôn đạt từ 90% trở lên, việc truy tố, đình chỉ đều đúng pháp luật, không có oan, sai, không có bắt hình sự chuyển xử lý hành chính. Tham mưu cho cấp ủy, chỉ đạo giải quyết tốt tình trạng vận chuyển khai thác than, các vụ án liên quan đến đất đai, án tham nhũng, chức vụ... Công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp đều đạt kết quả tốt, mỗi năm ban hành hàng trăm kiến, kháng nghị khắc phục vi phạm, qua đó đã góp phần vào việc tuân thủ pháp luật các cơ quan tư pháp, giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

 

Ghi nhận kết quả trên, từ năm 2008 đến 2014 VKSND tỉnh Quảng Ninh được tặng Cờ thi đua của Chính phủ 7 năm liên tục, được UBND tỉnh tặng cờ hoặc Bằng khen khối Nội chính; năm 2013, được Bộ Kế hoạch đầu tư và VKSND tối cao tặng Bằng khen về thống kê và tuyên truyền; Được UBND tỉnh tặng Cờ dẫn đầu cơ quan văn hóa 2012-2013. Có 3 tập thể trực thuộc được tặng Huân chương Lao động (2 hạng Nhì, 1 hạng Ba); 3 tập thể được Chính phủ tặng Bằng khen… Đặc biệt, VKSND tỉnh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc Lập hạng Nhất và năm 2015, nhân dịp Kỷ niệm 55 ngày thành lập ngành KSND, VKSND tỉnh Quảng Ninh vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”. 

 

Một tham luận đáng chú ý tại Đại hội, đó là tham luận của Kiểm sát viên VKSND huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, chị là Trịnh Thị Ngọc Soa, người vợ lính đảo đã vượt qua muôn vàn gian khó để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Thanh Chương đất cằn đá sỏi nhưng bù lại có bề dày về truyền thống cách mạng và hiếu học, là cái nôi của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, năm 2004, tốt nghiệp cấp 3, chị thi đỗ vào trường Đại học Luật Huế. Những năm ở giảng đường Đại học chị đã ấp ủ ước mơ được trở thành một nữ Kiểm sát viên khoác trên mình màu áo xanh hòa bình, để được góp phần cùng ngành Kiểm sát bảo vệ lẽ phải, công lý, bảo vệ cuộc sống bình yên của quê hương, đất nước. Sau khi tốt nghiệp ra trường, năm 2009 chị tham gia xét tuyển và đã trúng tuyển vào ngành Kiểm sát, được phân công công tác ở VKSND huyện Tương Dương, một huyện miền núi của tỉnh Nghệ An.

 

Từ khi mới vào Ngành, với nhiệm vụ của một chuyên viên, được phân công làm tổng hợp cơ quan, chị đã thực hiện đầy đủ, kịp thời, có chất lượng các loại báo cáo, thống kê định kỳ và đột xuất. Với nhiệm vụ là Kiểm tra viên giúp việc cho Kiểm sát viên, được phân công trích cứu các hồ sơ vụ, việc, chị đều có quan điểm đề xuất cụ thể rõ ràng, đúng pháp luật, được các đồng chí Kiểm sát viên đánh giá cao. Hiện nay, sau khi thi và trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn nguồn Kiểm sát viên sơ cấp, Chị đã được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên VKSND huyện Thanh Chương, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là vinh dự lớn của chị nhưng cũng đặt lên vai chị trọng trách không nhỏ. Chị được phân công đảm nhiệm ở cả khâu công tác hình sự và dân sự. Ở khâu công tác nào, chị đều làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, chị thực hiện nghiêm túc chủ trương của Ngành là "tăng cường công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra", bám sát hoạt động điều tra, đề ra yêu cầu điều tra nên các vụ án mà chị được phân công đều đảm bảo việc khởi tố, bắt, tạm giữ, tạm giam, truy tố đúng người, đúng tội. Trong khâu công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, đây là khâu công tác khó, văn bản có liên quan nhiều, song nghĩ đến trọng trách của người Kiểm sát viên mà mình đã từng ước mơ, phấn đấu, nghĩ đến khát khao được góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của nhà nước và của nhân dân, chị càng quyết tâm hơn, say mê nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, chuẩn bị tham gia phiên tòa.

 

Ghi nhận thành quả công tác của chị, trong thời gian từ năm 2010-2015, hàng năm, chị đều được Hội đồng thi đua VKSND tỉnh công nhận Lao động tiên tiến, lao động xuất sắc; trong các phong trào thi đua ngắn hạn, đột xuất, tôi nhiều lần vinh dự được Viện trưởng VKSND tối cao tặng Bằng khen. 

 

Kết thúc chương trình Đại hội Thi đua yêu nước ngành KSND lần thứ V, các đại biểu đã được nghe Thư của Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V ngành KSND. Theo đó, trong những năm qua,  ngành Kiểm sát nhân dân đã nêu cao tinh thần yêu nước chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh. Với tinh thần đó, Đại hội kêu gọi toàn thể Kiểm sát viên, công chức, viên chức, người lao động ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục ghi sâu lời dạy của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”; quán triệt thực hiện tốt quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và của ngành về công tác thi đua khen thưởng, ra sức thi đua học tập rèn luyện công tác, đẩy mạnh các cuộc vận động phát động cũng như hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào thi đua do Hội đồng thi đua khen thưởng phát động mà trọng tâm là phong trào xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và làm theo lời dạy của Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” nhằm xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh và hoàn thành xuất sắc hơn nữa nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Trong những năm tới, toàn Ngành đoàn kết quyết tâm thực hiện có hiệu quả Hiến pháp, Luật tổ chức VKSND và các Bộ luật: Hình sự, Tố tụng hình sự, dân sự, Tố tụng dân sự, Tố tụng hành chính, nhằm bảo  vệ quyền con người, quyền công dân, chống làm oan người vô tội, đồng thời chống bỏ lọt tội phạm, hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp để VKSND luôn là một địa chỉ tin cậy, là chỗ dựa công lý của nhân dân. Đại hội tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, sự giám sát và ủng hộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự nỗ lực, tạo điều kiện của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể và sự ủng hộ của nhân dân cùng với sự đoàn kết quyết tâm của Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSNDTC, với kinh nghiệm truyền thống vẻ vang 55 năm xây dựng và trưởng thành, phong trào thi đua yêu nước của toàn ngành Kiểm sát nhân dân sẽ tiếp tục lập nên những thành tích mới góp phần vào việc thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Lễ Kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống, Đại hội Thi đua yêu nước thứ V và đón nhận “Huân chương Độc Lập hạng Nhất” của ngành Kiểm sát nhân dân đã kết thúc trong niềm vui và tiếng cười hân hoan của toàn thể Kiểm sát viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân, đồng thời một lần nữa khẳng định những thành tích, kết quả mà ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được trong thời gian qua xứng đáng là “Nơi gửi trọn niềm tin” của Đảng, của nhân dân và Nhà nước ta./.

 

Nhóm PV Kiểm sát online (Nguồn: Kiểm sát online)

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Số lượt truy cập:7,766,765 lượt

Số người online:2,122 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn