Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Bình Định tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự

Thực hiện Nghị quyết số 96/2015/QH13 ngày 26/6/2015 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự (viết tắt là NQ 96), Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 10/7/2015 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và nâng cao trách nhiệm trong giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự (viết tắt là CT 04); ngày 12/8/2015, Viện KSND tỉnh Bình Định ban hành Công văn số 955/CV-VKS yêu cầu Viện trưởng Viện KSND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị trực thuộc tổ chức quán triệt đến toàn thể Kiểm sát viên, cán bộ trong đơn vị và thực hiện nghiêm túc NQ 96 và CT 04; đồng thời thực hiện có kết quả những nội dung sau:

Hội nghị tăng cường giải pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.

Hội nghị tăng cường giải pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.

 

Một là , phân công lãnh đạo Viện phụ trách, chỉ đạo Kiểm sát viên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện KSND theo quy định của Luật Tổ chức Viện KSND năm 2014, các văn bản pháp luật có liên quan, các Quy chế nghiệp vụ của ngành KSND nhằm hạn chế việc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, làm oan người vô tội ngay từ khi giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiên quyết không để xảy ra các trường hợp oan, sai.

 

Hai là, thực hiện có hiệu quả chủ trương: "Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra"; nâng cao trách nhiệm của Lãnh đạo đơn vị, Kiểm sát viên trong việc phê chuẩn các quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn, hạn chế các trường hợp bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính. Kiểm sát chặt chẽ trình tự, thủ tục khởi tố vụ án hình sự; đảm bảo việc khởi tố bị can, phê chuẩn khởi tố bị can thận trọng, có đầy đủ căn cứ; việc áp dụng các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là biện pháp tạm giam đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Theo dõi sát sao vụ việc, đề ra các yêu cầu điều tra, thực hiện việc phúc cung đối với tất cả các vụ án hình sự trước khi kết thúc mỗi giai đoạn tố tụng. Kiểm sát chặt chẽ việc tạm giữ, tạm giam, các khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động giam giữ; kịp thời phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị bức cung, nhục hình; đề nghị xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có liên quan đến bức cung, nhục hình. Đối với những vụ án phức tạp, nghiêm trọng, vụ án có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện báo cáo thỉnh thị trên một cấp. Cấp kiểm sát nhận được báo cáo thỉnh thị phải kiểm tra lại hồ sơ tài liệu và sớm có ý kiến trả lời, chỉ đạo kịp thời.

 

Ba là, kiểm sát chặt chẽ các trường hợp đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự; hạn chế đến mức thấp nhất việc đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm; thận trọng để bảo đảm tính chính xác, đúng luật khi ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can. Các Phòng nghiệp vụ Viện KSND tỉnh có trách nhiệm kiểm tra chặt chẽ đối với quyết định đình chỉ bị can theo khoản 1 và 2 Điều 25 Bộ luật hình sự, khoản 2 Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự, tránh oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

 

Bốn là,  không ngừng nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các Phòng nghiệp vụ Viện KSND tỉnh và các Viện KSND cấp huyện cần chủ động, tích cực phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức các phiên tòa theo yêu cầu cải cách tư pháp để  rút kinh nghiệm, với nhiều quy mô khác nhau, nhất là sử dụng hệ thống truyền hình trực tuyến đến Viện KSND hai cấp, mở rộng đối tượng tham gia theo dõi.

 

Tăng cường công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, đối với các bản án có vi phạm phải kịp thời kháng nghị, nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại đơn kêu oan, đơn khiếu nại bức xúc kéo dài, đơn tố cáo vi phạm trong điều tra, truy tố, xét xử.

 

Năm là,  Các Phòng nghiệp vụ Viện KSND tỉnh tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ; thông báo rút kinh nghiệm kịp thời đối với các vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung, vụ án bị Tòa án cấp trên hủy án để điều tra, xét xử lại, án đình chỉ điều tra do không phạm tội, vụ án Tòa tuyên không phạm tội và các vi phạm khác trong quá trình giải quyết vụ án.

 

Sáu là, Tổ Thanh tra Viện KSND tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các đơn vị, địa phương để xảy ra oan, sai; đề xuất xử lý nghiêm minh các cán bộ, Kiểm sát viên vi phạm pháp luật và Quy chế của ngành KSND trong quá trình giải quyết vụ án dẫn đến oan, sai.

 

Bảy là, Thủ trưởng các đơn vị phải nâng cao trách nhiệm trong việc chỉ đạo giải quyết án; đơn vị nào để xảy ra oan, sai thì Thủ trưởng đơn vị đó chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện KSND tỉnh, trước pháp luật và thực hiện việc bồi thường oan, sai theo quy định của pháp luật; kiên quyết không xét các danh hiệu thi đua đối với đơn vị, cá nhân tham gia giải quyết án để xảy ra oan, sai./.

 

Trần Văn Sang             

Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Định

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 Tiếp

Số lượt truy cập:7,757,830 lượt

Số người online:3,797 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn