Viện KSND thành phố Quy Nhơn tổ chức thảo luận chuyên đề

Thực hiện kế hoạch công tác kiểm sát năm 2017, ngày 25/8/2017, Viện kiểm sát nhân dân Tp Quy Nhơn tổ chức thảo luận chuyên đề “Thực trạng và một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng án dân sự quá hạn luật định của Tòa án nhân dân Tp Quy Nhơn”.

Trong thời gian qua, tình trạng các vụ án dân sự kéo dài thời gian giải quyết liên tục gia tăng gây bức xúc cho đương sự, trong đó có nhiều vụ án quá hạn thời hạn chuẩn bị xét xử. Vì vậy, nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát và khắc phục tình trạng án dân sự quá hạn luật định của Tòa án nhân dân Tp Quy Nhơn, Viện KSND Tp Quy Nhơn xây dựng và tổ chức thảo luận chuyên đề “Thực trạng và một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng án dân sự quá hạn luật định của Tòa án nhân dân Tp Quy Nhơn”.

 

Chuyên đề đã nêu ra những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng án dân sự quá hạn, cụ thể:

 

+ Quy định của pháp luật: Khoản 2 Điều 13, Điều 21 BLTTDS 2015 quy định nhiệm vụ của Viện kiểm sát, KSV có trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên quy định của pháp luật lại hạn chế nhiệm vụ của Viện kiểm sát: quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử luật không quy định phải gửi cho Viện kiểm sát dẫn đến KSV không theo dõi được thời hạn chuẩn bị xét xử của Tòa; Viện kiểm sát không kiểm sát được trường hợp Tòa yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ vì có trường hợp Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm đ khoản 1 Điều 214 BLTTDS 2015 nhưng sau đó cơ quan, tổ chức được yêu cầu đã thực hiện yêu cầu của Tòa án và có văn bản trả lời nhưng Thẩm phán không ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án…

 

+ Đối với đương sự: chủ yếu bị đơn không thực hiện nghĩa vụ của mình như: cung cấp tài liệu chứng cứ, Tòa triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt không có lý do, cố tình chống đối không tham gia thẩm định tài sản…Bên cạnh đó bị đơn cố tình che giấu địa chỉ của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gây bất lợi trong quá trình thu thập chứng cứ của Tòa án.

 

+ Đối với Tòa án: Do số lượng án Tòa thụ lý ngày càng nhiều, tính chất vụ việc phức tạp, nhận thức pháp luật về việc giải quyết vụ án có nhiều quan điểm.. nên còn e dè chưa dám đưa ra giải quyết vì nếu đưa ra xét xử bị cấp trên hủy án sẽ ảnh hưởng đến thi đua, tái bổ nhiệm Thẩm phán.

 

+ Đối với Viện kiểm sát: Chưa kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết các vụ việc dân sự của Tòa, nên chưa kịp thời đôn đốc Thẩm phán tiến hành các thủ tục tố tụng giải quyết vụ án. Tuy nhiên, quy định của pháp luật không quy định Viện kiểm sát được quyền yêu cầu Tòa cung cấp hồ sơ trước khi vụ án đưa ra xét xử nên KSV không thể nắm rõ nội dung của vụ án để từ đó có phương hướng tham mưu, đề xuất.

 

Trên cơ sở những nguyên nhân nêu trên, đơn vị đưa ra một số giải pháp kiến nghị đến các cơ quan hữu quan trong thời tới:

 

Thứ nhất, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật: Cần quy định cụ thể nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của đương sự, không nên quy định chung chung như tại Điều 91 BLTTDS 2015 về nghĩa vụ chứng minh, luật không quy định thời hạn cuối cùng để đương sự chứng minh cho yêu cầu của mình… khi đến cấp phúc thẩm đương sự xuất trình chứng cứ mới dẫn đến án sơ thẩm bị hủy kéo dài vụ án ... Bổ sung quy định quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải gửi cho Viện kiểm sát và thời hạn gửi. Để Viện kiểm sát thực hiện hết nhiệm vụ, chức năng của mình thì Luật cần bổ sung trường hợp Viện kiểm sát được quyền yêu cầu cung cấp chứng cứ trước khi vụ án được đưa ra xét xử và thời hạn trả hồ sơ.

 

Thứ hai, nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm của KSV trong quá trình kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự. Ý thức tự trau dồi nghiệp vụ, kỹ năng kiểm sát. Cán bộ, Kiểm sát viên được phân công làm khâu này phải phát huy vai trò, trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao khi kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ, việc dân sự của Toà án, tránh hiện tượng chủ quan, coi nhẹ công tác này.

 

Thứ ba, triển khai, thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát và Tòa án. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Tòa án, Viện kiểm sát trong việc đưa ra các giải pháp giải quyết đối với từng vụ án cụ thể. Bên cạnh đó là công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết vụ án.

 

Thứ tư, tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nghiệp vụ của lãnh đạo đơn vị, trong đó có việc duy trì đầy đủ các quy định về chế độ báo cáo nghiệp vụ, báo cáo duyệt án, báo cáo quá trình kiểm sát bản án, quyết định.

 

Thứ năm, Viện kiểm sát cấp tỉnh tiếp tục tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, tập huấn chuyên sâu về công tác kiểm sát giải quyết các vụ án quá hạn.

 

Kết luận tại buổi thảo luận đồng chí Phạm Văn Lực – Viện trưởng Viện KSND Tp Quy Nhơn ghi nhận sự cố gắng của riêng đ/c Trần An Vinh và của chung bộ phận dân sự đã xây dựng chuyên đề thiết thực và có ý nghĩa quan trọng trong tình hình hiện nay. Chuyên đề đã đưa ra được những giải pháp nhằm nâng cao vị thế, vai trò của ngành kiểm sát, đồng thời thúc đẩy việc giải quyết các vụ án quá hạn đang tồn đọng. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để cán bộ, KSV đơn vị học hỏi, rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự.

 

Có thể thấy, thời hạn chuẩn bị xét xử có ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tuy nhiên tình trạng này hiện nay chưa được khắc phục bởi lẽ có nhiều nguyên nhân tác động. Việc tìm ra được những nguyên nhân và từ đó có hướng giải quyết là vấn đề đặt ra đối với cơ quan tiến hành tố tụng. Qua chuyên đề, Viện KSND Tp Quy Nhơn đã đưa ra một số giải pháp, kiến nghị và mong muốn trong thời gian tới sẽ được áp dụng vào thực tiễn.

 

Ngô Thị Mỹ Dung

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,742,516 lượt

Số người online:2,746 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn