Bàn về cách tính án phí sơ thẩm trong vụ án Hôn nhân gia đình

Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (gọi tắt NQ 326) quy định về “mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án” khá cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng vẫn còn một số vướng mắc, chưa thống nhất về cách tính án phí trong vụ án hôn nhân và gia đình.

Ví dụ: Ông A xin ly hôn bà B, trong vụ án có yêu cầu chia tài sản chung. Ông A, bà B thống nhất tài sản chung của vợ chồng gồm: Ngôi nhà gắn liền với quyền sử dụng đất có giá trị 1.000.000.000 đồng và trong thời kỳ hôn nhân vợ chồng có nợ 3 người gồm C, D, E số tiền 400.000.000 đồng. Do ông A và bà B đều yêu cầu  được sử dụng nhà, đất và thối lại giá trị chênh lệch cho bên kia nên vụ án phải đưa ra xét xử. Do hiểu các cụm từ “giá trị phần tài sản mà họ được hưởng” “ giá trị phần tài sản mà họ được chia” và “giá trị tài sản có tranh chấp” khác nhau nên có cách tính án phí trong vụ án khác nhau:

 

Cách tính thứ nhất: Căn cứ Khoản 2 Điều 147 BLTTDS quy định: “Trường hợp các đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung và có yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung đó thì mỗi đương sự phải chịu án phí sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng”.

 

Nên cách tính án phí là: Tài sản chung của A và B là (1.000.000.000 đồng : 2 người) – (số tiền nợ phải trả 400.000.000 đồng  :  2 người)   =  300.000.000 đồng/người (giá trị tài sản họ được hưởng).

 

Vậy án phí sơ thẩm mỗi người phải chịu là: 300.000.000 đồng  x  5%   =  15.000.000 đồng. Đồng thời ông A còn phải chịu án phí hôn nhân sơ thẩm không giá ngạch 300.000 đồng.

 

Cách tính thứ hai: Căn cứ điểm b khoản 5 Điều 27 NQ 326 lại quy định: “Các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 của Nghị quyết này, còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia.

 

Nên cách tính án phí là:Sở dĩ vợ chồng có được khối tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân hiện nay đang tranh chấp là nhờ vợ chồng vay mượn của C,D,E làm ăn sinh lãi, gây dựng dần mà có, nên giá trị nợ chung 400.000.000 đồng này đã có trong giá trị tài sản nhà, đất được chia có giá trị là 1.000.000.000 đồng nên chỉ lấy 1.000.000.000 đồng : 2 người = 500.000.000 đồng/ người.

 

Vậy án phí sơ thẩm của mỗi người phải chịu: 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản vượt trên 400.000.000 đồng là 100.000.000 đồng  =  24.000.000 đồng. Đồng thời ông A còn phải chịu án phí hôn nhân sơ thẩm không giá ngạch 300.000 đồng.

 

Cách tính thứ ba: Căn cứ điểm e khoản 5 Điều 27 NQ 326 quy định:  “Trường hợp các đương sự có tranh chấp về việc chia tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng, Tòa án tiến hành hòa giải, các đương sự thống nhất thỏa thuận được về việc phân chia một số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung, còn một số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung không thỏa thuận được thì các đương sự vẫn phải chịu án phí đối với việc chia toàn bộ tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng”.

 

Nên cách tính án phí là: Giá trị tài sản chung vợ chồng đang tranh chấp là 1.000.000.000 đồng (tài sản chung hiện có)   +   400.000.000 đồng (nợ chung)  = 1.400.000.000 đồng.

 

1.400.000.000 đồng  :  2 người   =  700.000.000 đồng.

 

Vậy án phí sơ thẩm của mỗi người phải chịu: 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản vượt trên 400.000.000 đồng là 300.000.000 đồng  = 32.000.000 đồng. Đồng thời ông A còn phải chịu án phí hôn nhân sơ thẩm không giá ngạch 300.000 đồng.

 

Qua đó cho thấy, với cách tính án phí sơ thẩm trong vụ án hôn nhân và gia đình như đã nêu trên thì mức độ chênh lệch án phí rất lớn: 15.000.000 đồng hoặc 24.000.000 đồng hoặc 32.000.000 đồng, nên sẽ gây thất thu cho ngân sách nhà nước hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

 

Tác giả bài viết đồng tình với cách tính thứ ba nêu trên, bởi vì tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản hiện có và nợ chung.

 

 Song, để tính án phí trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về tài sản chung được đúng đắn, cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để pháp luật được áp dụng thống nhất, đúng đắn.

 

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp và bạn đọc. 

 

Thanh Nghị

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,766,754 lượt

Số người online:1,922 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn