50 năm ngành Kiểm sát Việt Nam

Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, đánh dấu sự ra đời của hệ thống Viện kiểm sát nhân dân trong hệ thống bộ máy Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức ở Trung ương và địa phương, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, 50 năm qua, Ngành kiểm sát đã không ngừng phấn đấu và trưởng thành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ và phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm các quyền dân chủ của nhân dân; góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội, vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

 

Sau khi được thành lập, ngành Kiểm sát nhân dân vừa phải lo xây dựng hệ thống tổ chức, vừa triển khai hoạt động phục vụ các nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước đề ra. Với phương châm vừa chiến đấu vừa xây dựng, ngành Kiểm sát đã coi trọng việc khai thác và vận dụng những kinh nghiệm của Viện công tố trước đây trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như trong việc xây dựng ngành; tham khảo kinh nghiệm các nước xã hội chủ nghĩa anh em, từng bước xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy để triển khai nhiệm vụ và bồi dưỡng đào tạo đội ngũ cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân. Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, hoạt động kiểm sát những năm 60 đã tập trung phục vụ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng quan hệ sản xuất mới ở miền Bắc, bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân, trấn áp bọn phản cách mạng và bọn tội phạm. Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, công tác kiểm sát đã kịp thời chuyển hướng hoạt động, phục vụ các yêu cầu của thời chiến trên cả hai mặt trận sản xuất và chiến đấu. Hoạt động kiểm sát trong thời kỳ này tập trung đấu tranh khắc phục các biểu hiện buông lỏng kỷ luật thời chiến, vi phạm các quyền dân chủ của nhân dân, góp phần nghiêm trị bọn gián điệp, biệt kích và phản động, đấu tranh chống các tội phạm gây cản trở việc chi viện cho tiền tuyến và các hành vi xâm phạm chính sách hậu phương quân đội.

 

Năm 1975, đất nước ta được hoàn toàn thống nhất, mở ra thời kỳ cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; Ngành kiểm sát được tổ chức và hoạt động trên phạm vi cả nước. Chuyển sang thời kỳ mới, ngành Kiểm sát có bước phát triển mới cả về tổ chức và hoạt động. Ở các tỉnh phía Nam, các Viện kiểm sát tuy mới được thành lập, lực lượng còn non trẻ cũng đã tập trung vào việc bảo vệ quyền dân chủ của công dân, coi đó là nhiệm vụ chính trị hàng đầu để ổn định tình hình vùng mới giải phóng. Toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã vận dụng đúng đắn đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong việc xóa bỏ giai cấp tư sản mại bản phản động, tham gia giải quyết các tệ nạn của xã hội cũ để lại, nhằm giữ vững trật tự trị an, củng cố chính quyền cách mạng, tích cực phục vụ chủ trương, chính sách thống nhất tiền tệ, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và thực hiện cách mạng quan hệ sản xuất ở nông thôn. Hoạt động của Viện kiểm sát quân sự trong giai đoạn này cũng được mở rộng hơn trước, cả về địa bàn và nội dung công tác. Viện kiểm sát quân sự các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, đấu tranh chống các tội phạm về kinh tế, tội phạm về chức vụ, nâng cao sức chiến đấu của quân đội.

 

Từ năm 1986 đến nay, quán triệt quan điểm đổi mới của Đảng tại Nghị quyết các Đại hội từ lần thứ VI đến lần thứ X và các Nghị quyết khác của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, ngành Kiểm sát nhân dân đã có sự đổi mới về nhận thức, về tổ chức, cán bộ và thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát. Nhờ thực hiện chủ trương và biện pháp đổi mới đó, ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong điều kiện nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội đã luôn luôn bám sát các Nghị quyết của Đảng, những chủ trương lớn của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo một kế hoạch thống nhất trên phạm vi cả nước, tập trung kiểm sát những ngành kinh tế trọng điểm có nhiều vi phạm pháp luật, từ đó những kiến nghị khắc phục vi phạm pháp luật để góp phần vào việc tăng cường quản lý kinh tế theo pháp luật. Ngành Kiểm sát đã có những chủ trương kịp thời phục vụ 3 chương trình kinh tế trọng điểm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, đấu tranh ngăn chặn những hành vi lợi dụng năng động, tự chủ để vi phạm đường lối chính sách của Đảng, vi phạm pháp luật, đồng thời góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế quản lý để phát huy tính năng động của cơ sở. Ngành Kiểm sát nhân dân đã tiến hành kiểm sát việc tuân theo pháp luật ở các ngành và lĩnh vực kinh tế quan trọng như nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, năng lượng, dự trữ quốc gia... Từ năm 1990 đến năm 2002, bám sát các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, ngành Kiểm sát nhân dân đã lựa chọn kịp thời và đúng đắn những lĩnh vực mà ngành cần tập trung kiểm sát: Năm 1990 kiểm sát hoạt động quản lý kinh doanh xuất nhập khẩu; năm 1991 kiểm sát hoạt động quản lý, sử dụng ngoại tệ; năm 1992 kiểm sát hoạt động kinh doanh của các ngành thuốc lá, rượu, bia và giao thông, bưu điện; năm 1993 kiểm sát lĩnh vực xây dựng cơ bản; năm 1994 và 1995 kiểm sát hoạt động quản lý, sử dụng đất đai; năm 1996 và 1997 kiểm sát việc chấp hành Luật thuế, Luật ngân sách, quản lý thu và chi ngân sách phục vụ chương trình giáo dục, đào tạo và xóa đói giảm nghèo; năm 1998 và 1999 kiểm sát việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư xây dựng thuộc lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, thực hiện Luật Công ty và năm 2000 đến 2002 đi vào kiểm sát việc quản lý Nhà nước về kinh doanh xuất nhập khẩu. Qua công tác kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã báo cáo, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Trung ương Đảng tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý trong lĩnh vực kinh tế; kháng nghị với các Bộ, ngành và đơn vị được kiểm sát yêu cầu có biện pháp khắc phục vi phạm; tổ chức nhiều Hội nghị pháp chế ở Trung ương và địa phương với các đơn vị được kiểm sát nhằm phòng ngừa vi phạm, phục vụ cho việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế: Hàng năm, ngành Kiểm sát đã kháng nghị, kiến nghị yêu cầu thu hồi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, yêu cầu khởi tố nhiều vụ án hình sự, dân sự, yêu cầu xử lý nghiêm minh những người vi phạm pháp luật nhằm khôi phục trật tự pháp luật trên các lĩnh vực được kiểm sát. Nhiều Viện kiểm sát tổ chức tốt việc nắm thông tin vi phạm pháp luật để xác minh đúng đối tượng cần kiểm sát, vận dụng đồng bộ các phương thức kiểm sát, tăng cường phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra nên các cuộc kiểm sát đã đạt chất lượng và hiệu quả ngày một cao hơn.

 

Công tác kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật là một công tác quan trọng do Quốc hội giao cho Ngành kiểm sát nhân dân thực hiện. Sau khi có Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992, hoạt động kiểm sát văn bản đã có những chuyển biến tích cực. Nhờ kết hợp chặt chẽ với hoạt động kiểm sát những lĩnh vực và ngành kinh tế trọng điểm, mỗi năm Ngành kiểm sát đã phát hiện và kháng nghị, kiến nghị khắc phục hàng nghìn văn bản có vi phạm pháp luật, trong đó có nhiều văn bản của các Bộ, ngành ở Trung ương. Nhiều Viện kiểm sát địa phương đã tổng hợp vi phạm, kiến nghị với chính quyền địa phương mở Hội nghị rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 

Năm 2002 đánh dấu bước điều chỉnh quan trọng về chức năng hoạt động của Viện kiểm sát theo yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp. Để thực hiện cải cách tư pháp, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 đã quy định Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội nữa. Thực hiện các quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 và các văn bản pháp luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân mới được ban hành như Pháp lệnh Kiểm sát viên năm 2002, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, Nghị quyết số 388 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra, tiếp tục thực hiện các yêu cầu của cải cách tư pháp theo tinh thần các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng; các lĩnh vực công tác của Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong những năm qua có những tiến bộ đáng kể, nhất là công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự. Ngành Kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các loại tội phạm, nhất là các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội về tham nhũng, buôn lậu, ma tuý và các loại tội phạm có tổ chức; đồng thời chú trọng công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp, kịp thời phát hiện các vi phạm trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, xét xử để kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu khắc phục, bảo đảm không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội và các hoạt động tố tụng tuân theo đúng quy định của pháp luật.

 

Trong gần 25 năm đổi mới, ngành Kiểm sát nhân dân đã có những biện pháp nhằm thực hiện tốt hơn chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp và thực hành quyền công tố Nhà nước. Ngành Kiểm sát nhân dân đã quán triệt các quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách hình sự, tăng cường phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện và xử lý nghiêm minh các loại tội phạm. Viện kiểm sát các cấp đã tập trung lực lượng cùng với các cơ quan điều tra và cơ quan xét xử tiến hành điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội tham nhũng, buôn lậu, tệ nạn xã hội và một số tội phạm nghiêm trọng khác, có tác dụng giáo dục, phòng ngừa tốt, được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm các quyền dân chủ của công dân, phục vụ có hiệu quả công cuộc đổi mới công tác quản lý của đất nước. Viện kiểm sát các cấp đã tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, nhờ đó đã kịp thời khắc phục vi phạm của cơ quan và người tiến hành tố tụng. Công tác kiểm sát điều tra được tiến hành ngay từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình điều tra nên số vụ do Viện kiểm sát xử lý và truy tố tăng lên, số vụ đình chỉ điều tra không đúng đã giảm dần ở nhiều địa phương, phần lớn các vụ án được giải quyết trong thời hạn luật định. Những hoạt động tích cực trên đã tạo điều kiện thúc đẩy số vụ án kết thúc điều tra hàng năm, hạn chế việc khởi tố không có căn cứ theo quy định của pháp luật sau phải đình chỉ điều tra. Số bản án có vi phạm pháp luật hoặc áp dụng pháp luật không đúng được Viện kiểm sát các cấp kháng nghị, yêu cầu xét xử ở cấp cao hơn ngày càng tăng, tỷ lệ kháng nghị của Viện kiểm sát được chấp nhận ngày càng cao. Trong công tác kiểm sát giam, giữ, cải tạo, Viện kiểm sát các cấp đã chú trọng kiểm sát thường kỳ và bất thường tại các nơi giam giữ không có căn cứ và trái pháp luật. Công tác kiểm sát thi hành án được coi trọng; Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan quản lý chặt chẽ đối với các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nhất là các trường hợp bị phạt tù giam nhưng chưa được bắt thi hành án, góp phần khắc phục tình trạng chậm trễ trong công tác thi hành của những năm trước đây, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Ngành Kiểm sát thường xuyên đúc rút kinh nghiệm, phối hợp cùng Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao xây dựng và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn xử lý các loại tội phạm, nhất là tội tham nhũng, tội về ma túy và nhiều loại tội nghiêm trọng khác. Công tác phối hợp liên ngành giữa Viện kiểm sát với các cơ quan bảo vệ pháp luật khác được đẩy mạnh nhằm thống nhất về quan điểm và biện pháp trong phát hiện xử lý tội phạm. Những hoạt động đó đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, góp phần làm giảm tội phạm ở một số lĩnh vực, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên phạm vi cả nước.

 

Đối với công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, toàn ngành đã tập trung kiểm sát việc giải quyết các tranh chấp về nhà ở, về tài sản và hôn nhân gia đình. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã chú trọng kiểm sát việc lập hồ sơ án dân sự của Tòa án, hàng năm đã phát hiện và yêu cầu điều tra bổ sung hàng nghìn vụ, chủ động trực tiếp điều tra bổ sung chứng cứ, tích cực tham gia xét xử ở các giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm. Các Viện kiểm sát đã trực tiếp khởi tố nhiều vụ tranh chấp dân sự và tích cực hỗ trợ thu hồi tài sản. Qua công tác kiểm tra giải quyết các vụ án dân sự, Viện kiểm sát các cấp đã phát hiện các vụ án xét xử không đúng, đã kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, đồng thời tổng hợp tình hình và kiến nghị các cơ quan chính quyền có biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân thực hiện nghiêm chỉnh Luật dân sự, Luật hôn nhân gia đình, chủ động hòa giải để giải quyết các tranh chấp ở cơ sở và có biện pháp phòng nghừa vi phạm. Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án về kinh tế, lao động, hành chính và phá sản doanh nghiệp là lĩnh vực còn mới mẻ nhưng Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã có nhiều cố gắng kiểm sát việc lập hồ sơ, tham gia xét xử nhằm đảm bảo giải quyết các loại án này đúng pháp luật, bảo vệ lợi ích của các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

 

Công tác kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được các cấp kiểm sát ngày càng coi trọng. Những năm gần đây, toàn ngành đã tập trung giải quyết các khiếu nại, tố cáo có liên quan đến việc giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, nhất là đơn khiếu nại oan, sai, xâm phạm quyền dân chủ và đơn tố cáo hành vi tham nhũng, xâm phạm hoạt động tư pháp. Đồng thời Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thường xuyên tiến hành kiểm sát hoạt động khiếu nại, tố cáo của các cấp chính quyền ở các địa phương và các ngành kinh tế trọng điểm. Qua kiểm sát đã phát hiện và yêu cầu khắc phục vi phạm trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo, hàng năm đã khởi tố và yêu cầu khởi tố hàng trăm vụ án hình sự, dân sự, góp phần chấn chỉnh hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định của pháp luật.

 

Ngành Kiểm sát đã chú trọng việc thực hiện đổi mới tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát. Hệ thống tổ chức Viện kiểm sát ở cả 3 cấp ngày càng được kiện toàn và củng cố. Toàn Ngành đã từng bước quán triệt đầy đủ hơn nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động kiểm sát, đồng thời đảm bảo sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong xây dựng kế hoạch công tác kiểm sát đã chú ý hình thành kế hoạch kiểm sát thống nhất nên đã huy động được cả 3 cấp cùng tiến hành kiểm sát vào một ngành, một lĩnh vực, nhằm phát hiện các vi phạm pháp luật có tính phổ biến để kháng nghị khắc phục. Qua thực tiễn hoạt động kiểm sát, chúng ta đã xây dựng và hoàn thiện các quy chế quản lý và hoạt động nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Cơ sở vật chất của ngành ngày càng được tăng cường nhằm đáp ứng nhu cầu công tác. Mạng lưới công nghệ thông tin, cơ yếu được trang bị theo hướng hiện đại để phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ và công tác quản lý chỉ đạo, điều hành.

 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Kiểm sát đã và đang có những biện pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên vững vàng về lập trường chính trị, nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, trong sáng về phẩm chất đạo đức theo lời dạy của Bác Hồ: “Mỗi cán bộ kiểm sát phải: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Công tác xây dựng ngành đã thường xuyên gắn với công tác xây dựng Đảng trong từng đơn vị kiểm sát. Lực lượng cán bộ kiểm sát ngày càng được củng cố về mọi mặt. Năm 1960, toàn Ngành kiểm sát mới có hơn 800 người; năm 1975, khi đất nước thống nhất có gần 3.000 người, đến nay tổng biên chế toàn ngành được giao hiện trên 12.000 người, trong đó Viện kiểm sát nhân dân tối cao gần 700 người, Viện kiểm sát cấp tỉnh trên 4.000 người, Viện kiểm sát cấp huyện trên 7.500 người. Số Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân các cấp gần 7.000 người, trong đó có trình độ Cử nhân luật trở lên chiếm 96%. Viện kiểm sát quân sự các cấp có trên 500 người, trong đó có khoảng 400 Kiểm sát viên; số Kiểm sát viên có trình độ Cử nhân luật trở lên chiếm 98%. Nhiều cán bộ trong ngành có trình độ Tiến sỹ, Thạc sỹ Luật. Phong trào học tập và rèn luyện để đáp ứng với những yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đã và đang diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các đơn vị trong toàn ngành Kiểm sát. Chúng ta tự hào về sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên 50 năm qua, trong đó tuyệt đại bộ phận đã đoàn kết, luôn luôn kiên định, vững vàng về chính trị, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý, giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, được Đảng và nhân dân tin cậy.

 

Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ Lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức, viên chức của ngành Kiểm sát nhân dân đã xây nên truyền thống vẻ vang của Ngành. Truyền thống vẻ vang của ngành Kiểm sát nhân dân vừa là thành quả của 50 năm xây dựng và phát triển, vừa là mục tiêu để các thế hệ cán bộ Kiểm sát tiếp theo tiếp tục phấn đấu và tô thắm. Đó là:

 

1. Ngành Kiểm sát nhân lân luôn trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị do Đảng đề ra trong từng giai đoạn cách mạng để xác định nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.

 

Để xây dựng ngành thật sự trong sạch, vững mạnh, phát huy hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm sát, ngành Kiểm sát luôn quán triệt đầy đủ các quan điểm của Đảng thể hiện trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương Đảng để xác định nhiệm vụ chính trị của Ngành; đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong 50 năm qua, nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, hoạt động của ngành Kiểm sát đã đạt được những thành tựu to lớn. Các cấp uỷ Đảng đã quan tâm lãnh đạo, kiểm tra và tạo điều kiện cho Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng kiểm sát. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngành Kiểm sát nhân dân luôn gắn nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước. Chính vì vậy, hoạt động của ngành Kiểm sát luôn luôn đi đúng hướng, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, phục vụ lợi ích của nhân dân.

 

2. Các thế hệ cán bộ Kiểm sát luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ; có bản lĩnh và dũng khí đấu tranh bảo vệ công lý và pháp luật, nêu tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ.

 

Thực tiễn đã khẳng định, sự thành công của Viện kiểm sát nhân dân có vai trò và sự đóng góp rất to lớn của các thế hệ cán bộ Kiểm sát. Trong quá trình xây dựng và phát triển của Ngành, lớp lớp cán bộ Kiểm sát luôn đoàn kết, gắn bó với nhau, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ. Các thế hệ cán bộ Kiểm sát luôn vững vàng về chính trị, am hiểu về chuyên môn nghiệp vụ, trong sáng về phẩm chất đạo đức, có tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp là yếu tố quyết định thành công của hoạt động kiểm sát. Thực hiện lời Bác Hồ dạy đối với cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, các cán bộ lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức, viên chức Viện kiểm sát các cấp đã nêu cao bản lĩnh và dũng khí đấu tranh bảo vệ công lý và pháp luật. Nhiều vụ việc vi phạm và phạm tối đã được xử lý kịp thời, nghiêm minh và cũng nhiều người bị khởi tố, điều tra truy tố oan sai cũng đã được Viện kiểm sát kịp thời minh oan.

 

3. Viện kiểm sát các cấp luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của Ngành.

 

Trong 50 năm qua, khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát phải đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định, nhất là phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật khác trong việc triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ về công tác bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; đấu tranh chống các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phạm về tham nhũng, buôn lậu, ma tuý và các loại tội phạm có tổ chức. Viện kiểm sát các cấp cũng luôn chú trọng phối hợp với các cơ quan báo chí để tuyên truyền pháp luật, tạo dư luận xã hội đấu tranh với tội phạm và những hành vi vi phạm pháp luật, xây dựng ngành Kiểm sát trong sạch, vững mạnh. Thực tiễn đã chứng minh, do có sự phối hợp chặt chẽ giữa Viện kiểm sát với các cơ quan hữu quan nên Viện kiểm sát các cấp đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

 

4. Cán bộ Kiểm sát luôn nêu cao tinh thần cầu thị, phấn đấu, học tập để nâng cao trình độ nghiệp vụ, kiến thức chuyên môn và kỹ năng công tác để thực hiện nhiệm vụ với chất lượng và hiệu quả cao nhất.

 

Năm 1960, khi mới thành lập, toàn ngành Kiểm sát với gần 900 cán bộ chưa được đào tạo cơ bản về khoa học pháp lý và nghiệp vụ. Hiện nay, ngành Kiểm sát nhân dân đã có trên 12.000 cán bộ với gần 100% có trình độ Đại học. Có được kết quả đó là do các thế hệ cán bộ Kiểm sát luôn nêu cao tình thần cầu thị, học tập để tiến bộ. Với phương châm vừa làm, vừa học; nhiều cán bộ Kiểm sát đã học qua các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ 3 tháng, 6 tháng, trung cấp Kiểm sát, Cao đẳng kiểm sát và Đại học Luật. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành Kiểm sát luôn được Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao chú trọng và được các cán bộ, Kiểm sát viên hưởng ứng. Cho đến nay, đại đa số cán bộ trong ngành đều đã có trình độ cử nhân luật; nhiều cán bộ có trình độ trên đại học, có kiến thức quản lý, chỉ đạo điều hành chuyên ngành, có trình độ cao cấp lý luận chính trị, quản lý hành chính Nhà nước và ngoại ngữ, tin học…

 

5. Nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế nhằm nâng cao năng lực hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân

 

Trong 50 năm qua, Đảng, Nhà nước và Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao luôn coi trọng và duy trì hoạt động hợp tác quốc tế với Viện kiểm sát, Viện Công tố, Cơ quan Tổng Chưởng lý và các cơ quan tư pháp của các nước. Thực tế cho thấy việc tăng cường hợp tác quốc tế đã đem lại hiệu quả rõ nét cho sự phát triển của ngành Kiểm sát nhân dân về nhiều mặt. Thực tiễn hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm sát 50 năm qua cho thấy hoạt động hợp tác quốc tế của ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam Viện Kiểm sát nhân dân Việt Nam đã mang lại những hiệu quả to lớn có thể thấy rõ nhất là trình độ đội ngũ cán bộ ngành kiểm sát ngày càng được nâng cao, số lượng cán bộ kiểm sát được đào tạo chính quy ngày càng nhiều, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc được đầu tư xây dựng, hiện đại hóa, bộ máy tổ chức ngày càng hoàn thiện và quan trọng nhất là cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường hợp tác quốc tế vừa là mục tiêu vừa là động lực giúp ngành Kiểm sát nhân dân phát triển trong những năm tới.

 

Năm mươi năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, sự giúp đỡ tạo điều kiện của Chính phủ và Ủy ban nhân dân, sự ủng hộ và giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan tư pháp, ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được nhiều thành quả to lớn, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Với những cố gắng và trưởng thành qua 50 năm xây dựng và phát triển, ngành Kiểm sát nhân dân đã hai lần được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cao quý và nhiều tập thể đơn vị và cá nhân trong ngành được tặng thưởng Huân chương lao động các loại. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Viện kiểm sát nhân dân, ghi nhận truyền thống vẻ vang và thành tích xuất sắc của Ngành, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta cho ngành Kiểm sát nhân dân.

 

 

Lại Hợp Việt

Nguyên Vụ Trưởng Vụ Hợp Tác Quốc Tế

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Số lượt truy cập:7,742,441 lượt

Số người online:2,188 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn