Những quy định mới của BLHS năm 2017 về tội hủy hoại rừng

Thời gian qua trên cả nước nói chung, địa bàn tỉnh Bình Định nói riêng đã xảy ra rất nhiều vụ án hủy hoại rừng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, tính chất và mức độ hành vi phạm tội nguy hiểm ngày càng cao, mức độ thiệt hại về diện tích rừng và thiệt hại về các giống loài động – thực vật rừng vô cùng nghiêm trọng, nhất là suy giảm mạnh về diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ…

Hàng loạt các vụ án xảy ra đã gây bất an trong dư luận quần chúng nhân dân như vụ hủy hoại rừng ở các huyện An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Đình). Đồng thời, các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng (Công an – Viện kiểm sát – Tòa án) trên địa bàn đã tiến hành điều tra – truy tố – xét xử rất nhiều vụ án nhằm tăng cường đấu tranh phòng chống loại tội này, góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường cũng như góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước và nhân dân.

 

Đồng thời, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sau đây gọi tắt là BLHS 2015) đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015. Tuy nhiên, do phát hiện một số vấn đề lỗi kỹ thuật cho nên được tiến hành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung; đến ngày 20/6/2017 tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV ban hành Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 01/01/2018 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, gọi tắt là Bộ luật Hình sự năm 2017 – BLHS 2017).

 

BLHS 2017 chưa có hiệu lực thi hành, song qua nghiên cứu nội dung của BLHS 2017 cho thấy, BLHS 2017 về tội hủy hoại rừng có một số quy định mới, thể hiện sự tiến bộ trong trình độ lập pháp của nước ta, cũng như thể hiện tính phù hợp với đòi hỏi, yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm hủy hoại rừng nói riêng, đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung. Trong bài viết này, tôi chỉ đi vào trình bày một số điểm mới trong quy định của BLHS 2017 so với BLHS 2015, BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) – gọi tắt là BLHS 1999 về tội danh trên và Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT/BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08/3/2007 của BNN&PTNT, BTP, BCA, VKSNDTC, TANDTC hướng dẫn một số điều của BLHS 1999 về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (sau đây gọi là Thông tư 19/2007).

 

Cụ thể: BLHS 1999 quy định Tội hủy hoại rừng tại Điều 189 với 04 khoản; BLHS 2015 quy định Tội hủy hoại rừng tại Điều 243 với 05 khoản, trong đó khoản 5 quy định chủ thể phạm tội là pháp nhân (đây là điểm mới mang tính quan trọng so với BLHS 1999 về chủ thể phạm tội mới trong pháp luật hình sự Việt Nam); BLHS 2017 tiếp tục giữ nguyên quy định về Tội hủy hoại rừng tại Điều 243 với 05 khoản, tuy nhiên so với BLHS 1999, BLHS 2015 thì trong BLHS 2017 đã xây dựng một số điểm mới thể hiện sự tiến bộ về kỹ thuật lập pháp của nước ta trong Tội hủy hoại rừng, cụ thể như:

 

* Thứ nhất: Về định khung cơ bản

 

- Khoản 1 Điều 189 BLHS 1999 quy định cấu thành cơ bản của tội hủy hoại rừng thuộc hai trường hợp: “gây hậu quả nghiêm trọng” và tuy chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng "đã bị xử phạt hành chính (sau đây gọi là XPHC) về hành vi này mà còn vi phạm". BLHS 1999 chưa quy định như thế nào là tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, tại tiểu mục 3.4, mục 3, Phần IV Thông tư 19/2007 có giải thích cho tình tiết này. Tuy nhiên, việc quy định trong hai văn bản khác nhau (Luật và dưới Luật), và việc quy định giải thích chưa rõ ràng, gây khó khăn cho công tác điều tra – truy tố - xét xử loại tội này.

 

- Khắc phục bất cập này, BLHS 2015 đã sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới dấu hiệu phạm tội theo định khung cơ bản tại Khoản 1 Điều 243 khác biệt hoàn toàn so với quy định tại Khoản 1 Điều 189 BLHS 1999. Khoản 1 Điều 243 BLHS 2015 bỏ tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, xây dựng cụ thể các điểm a, b, c, d, đ Khoản 1 Điều 243 với các quy định cụ thể về “diện tích rừng thiệt hại tương ứng từng phân loại rừng và giá trị lâm sản bị thiệt hại” để làm căn cứ định tội danh (không còn phụ thuộc vào Thông tư 19/2007 như Điều 189 BLHS 1999); và xây dựng điểm e Khoản 1 Điều 243 quy định tình tiết “bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”, so với Khoản 1 Điều 189 BLHS 1999 thì điểm e Khoản 1 Điều 243 BLHS 2015 bổ sung mới tình tiết “…hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” bên cạnh tình tiết “bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”, đây là quy định mới phù hợp với thực tiễn.

 

- So với BLHS 1999, BLHS 2015 thì Khoản 1 Điều 243 BLHS 2017 có một số sửa đổi, bổ sung mới, cụ thể:

 

+ Sửa đổi, bổ sung mới, và bỏ một số căn cứ tại điểm đ Khoản 1 Điều 243 BLHS 2017: “Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích”. Theo đó, bỏ căn cứ: “Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ trên 30.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên” tại điểm đ Khoản 1 Điều 243 BLHS 2015; sửa đổi căn cứ “…đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích rừng bị đốt, bị phá hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu” tại điểm đ Khoản 1 Điều 243 BLHS 2015, đây là những sửa đổi phù hợp, cụ thể hơn của BLHS 2017 so với BLHS 2015, không còn phân biệt giá trị thiệt hại về lâm sản theo từng phân loại rừng.

 

+ Bổ sung mới tình tiết định khung cơ bản tại điểm e Khoản 1 Điều 243 BLHS 2017 về các loài thực vật rừng thuộc danh mục loài nhóm IA, nhóm IIA với giá trị thiệt hại cụ thể, tương ứng theo nhóm IA hoặc IIA (Khoản 1 Điều 243 BLHS 2015 chưa quy định tình tiết định khung cơ bản về các loài thực vật rừng thuộc danh mục loài nhóm IA, nhóm IIA với giá trị thiệt hại cụ thể, tương ứng theo nhóm IA hoặc IIA).

 

+ Cũng như BLHS 2015, BLHS 2017 cũng giữ nguyên quy định về tình tiết định khung cơ bản trong trường hợp diện tích rừng hoặc trị giá lâm sản dưới mức quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ, e và so với Điều 189 BLHS 1999, điểm g Khoản 1 Điều 243 BLHS 2017 bổ sung thêm tình tiết “…hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” bên cạnh tình tiết “bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.

 

* Thứ hai: Về định khung tăng nặng ở Khoản 2

 

- Khoản 2 Điều 189 BLHS 1999 quy định 05 tình tiết định khung tăng nặng, trong đó có 03 tình tiết định khung tăng nặng BLHS 1999 như “Huỷ hoại diện tích rừng rất lớn”, “Chặt phá các loại thực vật quý hiếm thuộc danh mục quy định của Chính phủ”, “Gây hậu quả rất nghiêm trọng” chưa có giải thích cụ thể, mà phải nghiên cứu tại tiểu mục 3.4, tiểu mục 3.5, mục 3, phần IV Thông tư 19/2007, nhưng cũng chưa rõ ràng nên gây khó khăn cho hoạt động tiến hành tố tụng trong thực tế.

 

- Khoản 2 Điều 243 BLHS 2015 đã sửa đổi, bổ sung mới hoàn toàn so với BLHS 1999, theo đó đã xây dựng thêm các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng tại các điểm c, d, đ, e, g, h, i; đây chính là các tình tiết thuộc các tình tiết “Huỷ hoại diện tích rừng rất lớn”, “Chặt phá các loại thực vật quý hiếm thuộc danh mục quy định của Chính phủ”, “Gây hậu quả rất nghiêm trọng” quy định tại Khoản 2 Điều 189 BLHS 1999 nhưng BLHS 2015 đã quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn, phù hợp hơn, không còn phụ thuộc vào văn bản dưới Luật (Thông tư 19/2007) theo các căn cứ định tội định khung: “tái phạm nguy hiểm” – lần đầu tiên quy định trong tội hủy hoại rừng; diện tích rừng bị thiệt hại; giá trị lâm sản bị thiệt hại.

 

- So với Khoản 2 Điều 243 BLHS 2015 thì tại Khoản 2 Điều 243 BLHS 2017 đã tiến hành sửa đổi, bổ sung mới tại điểm h, điểm i. Cụ thể:

 

+ Điểm h Khoản 2 Điều 243 BLHS 2017 đã quy định ngắn gọn hơn bằng quy định “trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích” chứ không quy định theo phân loại rừng (rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh…), không còn phân biệt giá trị thiệt hại về lâm sản theo từng phân loại rừng.

 

+ Điểm i Khoản 2 Điều 243 BLHS 2017 đã sửa đổi, bổ sung so với điểm i Khoản 2 Điều 243 BLHS 2015, theo đó, sửa đổi căn cứ “Thực vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loại thực vật khác thuộc Nhóm IA”, “thực vật thuộc Nhóm IIA” (điểm i Khoản 2 Điều 243 BLHS 2015) thành “Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA”, “thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA”  (điểm i Khoản 2 Điều 243 BLHS 2017). Tức quy định chính xác hơn, phù hợp hơn, bởi thực vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ và thực vật thuộc nhóm IA, nhóm IIA có thể sẽ khác với thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA, Nhóm IIA.

 

* Thứ ba: Về định khung tăng nặng cao nhất

 

- Khoản 3 Điều 189 BLHS 1999 quy định 03 tình tiết định khung tăng nặng như “Huỷ hoại diện tích rừng đặc biệt lớn”, “Hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng”, “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, và 03 tình tiết định khung tăng nặng này BLHS chưa có giải thích cụ thể, mà phải nghiên cứu tại mục 3, phần IV Thông tư 19/2007, nhưng cũng chưa rõ ràng nên gây khó khăn cho hoạt động tiến hành tố tụng trong thực tế.

 

- Khoản 3 Điều 243 BLHS 2015 đã sửa đổi, bổ sung mới hoàn toàn các tình tiết định khung tăng nặng, theo đó xây dựng mới các điểm a, b, c, d, đ, e Khoản 3 Điều 243 BLHS 2015, bỏ các tình tiết tiết định khung tăng nặng như “Huỷ hoại diện tích rừng đặc biệt lớn”, “Hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng”, “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3 Điều 189 BLHS 1999. Khoản 3 Điều 243 BLHS 2015 căn cứ vào diện tích rừng bị thiệt hại, giá trị lâm sản bị thiệt hại và thực vật thuộc danh mục quy định để làm căn cứ định tội theo khung tăng nặng, đây là sửa đổi, bổ sung thể hiện kỹ thuật lập pháp cao của BLHS 2015.

 

- So với Khoản 3 Điều 243 BLHS 2015 thì Khoản 3 Điều 243 BLHS 2017 tiếp tục giữ nguyên các quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e. Tuy nhiên, tại điểm đ, điểm e Khoản 3 Điều 243 BLHS 2017 có sửa đổi mới so với BLHS 2015, cụ thể:

 

+ Điểm đ Khoản 3 Điều 243 BLHS 2017 đã quy định ngắn gọn hơn bằng quy định “trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích” chứ không quy định theo phân loại rừng (rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh…), không còn phân biệt giá trị thiệt hại về lâm sản theo từng phân loại rừng.

 

+ Điểm e Khoản 3 Điều 243 BLHS 2017 đã sửa đổi, bổ sung so với điểm e Khoản 3 Điều 243 BLHS 2015, theo đó, sửa đổi căn cứ “Thực vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loại thực vật khác thuộc Nhóm IA”, “thực vật thuộc Nhóm IIA” (điểm e Khoản 3 Điều 243 BLHS 2015) thành “Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA”, “thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA”  (điểm e Khoản 3 Điều 243 BLHS 2017). Tức quy định chính xác hơn, phù hợp hơn, bởi thực vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ và thực vật thuộc nhóm IA, nhóm IIA có thể sẽ khác với thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA, Nhóm IIA.

 

* Thứ tư: Về hình phạt chính

 

- Khoản 1 Điều 189 BLHS 1999 quy định hình phạt gồm bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm; Khoản 2 Điều 189 BLHS 1999 quy định hình phạt tù từ ba năm đến mười năm; Khoản 3 Điều 189 BLHS 1999 quy định hình phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Có thể thấy, khung dao động hình phạt tại Điều 189 BLHS 1999 là rất lớn, gây khó khăn cho quá trình áp dụng hình phạt của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, trong nhiều trường hợp dẫn đến thiếu công bằng cho những người thực hiện hành vi hủy hoại rừng như nhau, nhưng mức hình phạt áp dụng lại khác nhau ở nhiều địa phương. Việc quy định khoảng cách hình phạt quá rộng như vậy làm cho việc áp dụng khó chính xác, thậm chí dẫn tới việc áp dụng không công bằng giữa các trường hợp tương tự nhau về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và nhân thân người phạm tội.

 

- So với BLHS 1999 về tội hủy hoại rừng, BLHS 2015 và BLHS 2017 quy định về tội này đã có sửa đổi mới theo hướng phù hợp hơn, khắc phục được tình trạng biên độ dao động của khung hình phạt rộng tại Điều 189 BLHS 1999. Theo đó, Khoản 1 Điều 243 BLHS 2015 (BLHS 2017 giữ nguyên) quy định phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; Khoản 2 Điều 243 BLHS 2015 (BLHS 2017 giữ nguyên) quy định phạt tù từ 03 năm đến 07 năm; Khoản 3 Điều BLHS 2015 (BLHS 2017 giữ nguyên) quy định phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

 

* Thứ năm: Về hình phạt bổ sung

 

- Khoản 4 Điều 189 BLHS 1999 quy định về hình phạt bổ sung đối với người phạm tội hủy hoại rừng “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

 

- So với BLHS 1999 thì BLHS 2015 và BLHS 2017 đã có sửa đổi, bổ sung mới theo hướng tăng mức phạt tiền lên từ “20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”, đây là mức phạt tiền phù hợp, đảm bảo tính răn đe khi tác động vào mặt vật chất của người phạm tội.

 

* Thứ sáu: Bổ sung chủ thể phạm tội mới

 

- BLHS 1999 nói chung, Điều 189 BLHS 1999 nói riêng chỉ quy định chủ thể phạm tội hủy hoại rừng là cá nhân con người cụ thể, dẫn đến bỏ lọt tội phạm là các tổ chức có tư cách pháp nhân phạm tội này nhưng do BLHS không quy định là tội phạm nên chưa bị điều tra – truy tố - xét xử.

 

Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự nước ta, BLHS 2015 và BLHS 2017 đã xây dựng thêm chủ thể phạm tội mới trong tội hủy hoại rừng là Pháp nhân thương mại, quy định tại Khoản 5 Điều 243 BLHS 2015 (BLHS 2017). Đây là điểm mới tiến bộ, phù hợp với xu thế luật hình sự của các nước trên thế giới của BLHS 2015 (BLHS 2017) so với BLHS 1999, góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tránh bỏ lọt tội phạm nói chung (cá nhân con người cụ thể và pháp nhân thương mại).

 

- Đồng thời, so với BLHS 2015 thì tại điểm b Khoản 5 Điều 243 BLHS 2017 đã có sửa đổi, bổ sung mới, theo hướng quy định cụ thể là: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng” (điểm b Khoản 5 Điều 243 BLHS 2015 quy định: “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng”), tức điểm b Khoản 5 Điều 243 BLHS 2017 bổ sung thêm cụm từ “quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g, h và i khoản 2 Điều này”.

 

Trên đây là một số quy định mới của BLHS 2017 về tội hủy hoại rừng, thiết nghĩ cần thiết cho việc giới thiệu cho bạn đọc nghiên cứu, tìm hiểu./.

 

Bùi Thế Phương

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,720,812 lượt

Số người online:7,516 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn