Bàn về nguyên tắc áp dụng Pháp luật đối với tranh chấp về lãi suất trong Hợp đồng vay tài sản

Bộ Luật Dân sự (BLDS) năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 thay thế BLDS năm 2005. Có thể thấy, một số quy định liên quan đến lãi suất cũng được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Điều 476 BLDS 2005 quy định:

 

1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.

 

2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.

 

Điều 468 BLDS 2015 quy định:

 

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

 

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

 

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

 

2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

 

Như vậy, giữa BLDS 2005 và BLDS 2015 có sự khác nhau về quy định mức lãi suất trần đối với hợp đồng vay tài sản. Nếu BLDS 2005 quy định lãi suất cho vay và chậm trả có tính động theo thời gian, có nghĩa là phụ thuộc vào lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước quy định tại từng thời điểm. Đối với lãi suất theo quy định của BLDS 2015 có tính tĩnh, nghĩa là các bên có quyền tự thỏa thuận nhưng giới hạn ở một mức trần cố định.

 

Theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Ngân hàng Nhà nước thì mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9%/năm. Như vậy, nếu các bên thỏa thuận lãi suất cho vay theo BLDS 2005 thì sẽ không được cao hơn 13,5%/năm, còn mức lãi suất trần theo BLDS 2015 sẽ cao hơn rất nhiều, là 20%/năm. Mục đích của quy định lãi suất của BLDS 2015 nhằm giảm thiểu sự chênh lệch về mức lãi suất trong các hợp đồng dân sự thông dụng với các hợp đồng tín dụng, bình đẳng hóa giữa các chủ thể khi tham gia vào các giao dịch vay tài sản.

 

Tuy nhiên, qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng vay tài sản thấy còn có vướng mắc, quan điểm khác nhau trong việc áp dụng pháp luật. Cụ thể là đối với những giao dịch phát sinh trước thời điểm BLDS 2015 có hiệu lực thì áp dụng quy định của pháp luật nào để giải quyết vì cách tính lãi suất của BLDS 2005 và BLDS 2015 là khác nhau, ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của đương sự.

 

Điển hình: Vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa ông A và ông B. Ngày 01/05/2015 ông A cho ông B vay số tiền 300.000.000đ, kỳ hạn 5 năm, lãi suất 19%/năm. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông B không trả lãi cho ông A, ông A đã đã nhiều lần yêu cầu ông B trả nợ do vi phạm hợp đồng nhưng ông B không thực hiện. Ngày 01/09/2016 ông A khởi kiện ra Tòa yêu cầu ông B trả 300.000.000đ và tiền lãi. Ngày 25/08/2017, Tòa án sơ thẩm đưa vụ án ra xét xử. Theo bản án, Hội đồng xét xử tuyên buộc ông B phải trả 300.000.000đ tiền nợ gốc và tiền lãi. Tuy nhiên, lãi suất được tính theo 2 giai đoạn: Giai đoạn từ ngày 01/05/2015 đến ngày 31/12/2016 thì áp dụng quy định của BLDS 2005. Như vậy lãi suất mà các bên thỏa thuận vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố nên tính lãi suất là 13,5%/năm (9%/năm X 1,5); Giai đoạn từ ngày 01/01/2017 đến ngày xét xử thì áp dụng BLDS 2015 tính lãi suất là 19%/năm.

 

Ở vụ án nêu trên, hiện có hai quan điểm:

 

Quan điểm thứ nhất: Lãi suất sẽ áp dụng theo từng thời điểm tương ứng với quy định pháp luật của thời điểm đó như bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là phù hợp.

 

Quan điểm thứ hai: Giao dịch thời điểm nào thì áp dụng quy định của pháp luật thời điểm đó. Do hai bên ký kết hợp đồng vào ngày 01/5/2015 nên phải áp dụng BLDS năm 2005 để giải quyết.

 

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai. Bởi lẽ:

 

Để giải quyết vấn đề này, chúng ta quay lại quy định tại Điều 688 BLDS 2015 về điều khoản chuyển tiếp.

 

Một là, giao dịch dân sự chưa được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của BLDS 2015 thì chủ thể giao dịch tiếp tục thực hiện theo BLDS 2005;

 

Hai là, giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung hình thức khác quy định của bộ luật 2015 thì áp dụng quy định của BLDS 2005;

 

Ba là, giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung hình thức phù hợp với BLDS 2015 thì áp dụng BLDS 2015;

 

Bốn là, giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày BLDS 2015 có hiệu lực thì áp dụng BLDS 2005.

 

Xét giao dịch dân sự trong vụ án trên, giao dịch được xác lập ngày 01/05/2015, như vậy hợp đồng xác lập dựa trên căn cứ của BLDS 2005. Đến thời điểm xảy ra tranh chấp khởi kiện tại Tòa thì ông B vẫn chưa trả nợ theo hợp đồng cho ông A. Vì vậy, giao dịch giữa ông A và ông B chưa được thực hiện xong. Do đó, căn cứ vào Điều 688 BLDS 2015, khi giải quyết về yêu cầu của ông A thì phải áp dụng quy định lãi suất của BLDS 2005 để giải quyết.

 

Hiện nay, vẫn còn một số quy định của BLDS 2015 chưa được TANDTC, VKSNDTC hướng dẫn cụ thể dẫn đến quan điểm giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng khác nhau. Mặc khác, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của các bản án, quyết định của Tòa án. Trên đây chỉ là một trường hợp mà Kiểm sát viên thường xuyên gặp phải trong quá trình kiểm sát giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Qua đây tác giả cũng muốn trao đổi và mong sớm có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới.

 

Mỹ Dung

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,766,695 lượt

Số người online:1,737 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn