Một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm sát các vụ án hình sự tạm đình chỉ

Thông qua công tác rà soát, kiểm tra công tác kiểm sát án hình sự tạm đình chỉ trong thời gian từ 01/01/2010 đến 31/3/2018 trên địa bàn tỉnh Bình Định, nhận thấy bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác này vẫn còn một số hạn chế nhất định. Do vậy, vấn đề đặt ra cần phải có những biện pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát án tạm đình chỉ trong thời gian tới là một yêu cầu hết sức quan trọng trong công tác kiểm sát. Xuất phát từ thực trạng của việc kiểm sát án tạm đình chỉ, chúng tôi nêu lên một số biện pháp cần thực hiện trong thời gian tới như sau:

Một là, chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra thực hiện tốt việc phân loại, thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm. Nâng cao trách nhiệm của KSV trong công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, kịp thời phối hợp với Cơ quan điều tra thu thập, đánh giá chứng cứ đầy đủ, khách quan, toàn diện ngay từ khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm; các chứng cứ buộc tội cũng như chứng cứ gỡ tội phải được cân nhắc, đánh giá thận trọng trước khi đề xuất Lãnh đạo Viện phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra.

 

Hai là, kiểm sát chặt chẽ việc ra Quyết định tạm đình chỉ của Cơ quan điều tra, đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật, tránh việc lạm dụng các lý do không đúng để tạm đình chỉ. Giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cần có sự trao đổi thống nhất trước khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra.

 

Ba là, Kiểm sát viên cần nâng cao các kỹ năng nghiệp vụ để thực hiện tốt hoạt động này. Khi tiếp nhận quyết định tạm đình chỉ và hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên phải kiểm tra thời hạn điều tra vụ án (căn cứ vào ngày, tháng, năm Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án); chủ thể ban hành quyết định tạm đình chỉ, căn cứ tạm đình chỉ.

 

Ba là, trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra đối với vụ án, Kiểm sát viên cần tích cực phát hiện những thiếu sót, những mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án để kịp thời yêu cầu Cơ quan điều tra làm rõ hoặc giải thích rõ nguyên nhân chưa thực hiện các yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát, phối hợp giải quyết triệt để các mâu thuẫn có trong hồ sơ, tránh để xảy ra vi phạm tố tụng dẫn đến áp dụng các căn cứ tạm đình chỉ thiếu chính xác.

 

Bốn là, nâng cao chất lượng xây dựng hồ sơ kiểm sát án tạm đình chỉ, trong đó Kiểm sát viên phải kiểm tra chặt chẽ lý do tạm đình chỉ, căn cứ tạm đình chỉ, điều luật áp dụng cũng như hình thức, nội dung và thẩm quyền ban hành. Hồ sơ kiểm sát phải được trích cứu, photo lưu trữ đầy đủ các tài liệu tố tụng, các tài liệu chứng cứ quan trọng, các biên bản họp (nếu có), các báo cáo đề xuất của Kiểm sát viên và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo đơn vị.

 

Năm là, chủ động cùng với Cơ quan điều tra nghiên cứu các tài liệu xác minh ban đầu về tội phạm để thống nhất quan điểm giải quyết đảm bảo các quyết định khởi tố có căn cứ và đúng pháp luật. Đối với các vụ việc phức tạp, có khó khăn trong thu thập, đánh giá chứng cứ, thì cả hai cùng nghiên cứu, định hướng xác minh, bổ sung chứng cứ xác định tội phạm để khởi tố tiến hành điều tra, thực hiện tốt chức năng công tố ngay từ khi có thông tin về tội phạm.

 

Sáu là, khi vụ án được khởi tố, KSV phải xây dựng bản yêu cầu điều tra, kế hoạch kiểm sát điều tra. Bản yêu cầu điều tra vụ án phải thật chi tiết như việc lấy lời khai bị can, nhân chứng, người liên quan, bị hại, thu giữ vật chứng, kế hoạch xác minh…Đồng thời giữa KSV và ĐTV có trao đổi, dự kiến thời gian hoàn thành yêu cầu điều tra. Tùy thuộc vào thời điểm và diễn biến của vụ án tiến hành phối hợp bàn bạc, đánh giá chứng cứ, dự kiến các biện pháp điều tra tiếp theo, bảo đảm vụ án được xử lý chính xác.

 

Bảy là, Lãnh đạo Viện KSND hai cấp cần quan tâm chỉ đạo chặt chẽ đối với công tác giải quyết án hình sự tạm đình chỉ điều tra, bảo đảm việc điều tra đúng thời hạn, tránh trường hợp khi vừa hết thời hạn điều tra, chưa gia hạn điều tra mà đã quyết định tạm đình chỉ. Mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định rõ thời hạn điều tra là bao gồm cả thời hạn gia hạn điều tra, nhưng theo quy định tại Điều 119 Bộ luật TTHS năm 2003 (Điều 172 Bộ luật TTHS 2015) thì thời hạn điều tra trong trường hợp này tính cả thời gian gia hạn điều tra. Bởi lẽ, những vụ án không xác định được bị can, bị can trốn...là những vụ án có những tình tiết phức tạp cả về thu thập, đánh giá chứng cứ và đường lối giải quyết vụ án. Do đó, việc gia hạn điều tra là cần thiết, khi hết thời hạn (kể cả gia hạn lần thứ hai) thì mới tạm đình chỉ điều tra.

 

Tám là, đặc biệt sau khi vụ án tạm đình chỉ KSV phải có biện pháp yêu cầu Cơ quan điều tra thường xuyên xác minh, kiểm tra nhân khẩu làm rõ việc bị can bỏ trốn hay do đi làm ăn xa, hay có lý do khác...Lập biên bản vận động gia đình (người thân) của bị can, đưa bị can ra trình diện để được hưởng khoan hồng của Nhà nước.

 

Nhận thức đúng về tầm quan trọng trong việc giải quyết án tạm đình chỉ sẽ giúp Viện kiểm sát các cấp thực hiện tốt hơn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay. Kiên quyết xử lý nghiêm và chống bỏ lọt các hành vi phạm tội, với nguyên tắc mọi hành vi phạm tội phải được điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án theo quy định của pháp luật, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của con người được thực thi và được pháp luật bảo hộ; góp phần xây dựng nền tư pháp vững mạnh đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách trong giai đoạn hiện nay./.

 

Huỳnh Kim Bình

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,737,999 lượt

Số người online:625 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn