Một số điểm mới của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo

Ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2020.

Nghị định số 138/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 27/11/2020 nhằm thống nhất với các quy định của Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19/6/2015;Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25/11/2019 đồng thời bãi bỏ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 93/2010/NĐ-CP ngày 31/8/2010 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/02/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, cán bộ công chức lãnh đạo (gọi là Quy chế 27); Điều 1 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Điều 11 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 của Chính phủ quy định những người là công chức. Theo đó, Nghị định số 138/2020/NĐ-CP có một số điểm mới về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý, như sau: 

Thứ nhất, về thời hạn giữ chức vụ

Điều 41 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định thời hạn giữ chức vụ của công chức được bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý đã bổ sung khoản 2 như sau: “Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được quá hai nhiệm kỳ liên tiếp được thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật chuyên ngành”, đây là quy định thực hiện theo quy định của Đảng và hoàn toàn mới so với Nghị định số 24/2010/NĐ-CP và Quy chế 27. Nghị định 138 đã giới hạn số lần giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của công chức là “không được quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”. Theo đó,về giải thích từ ngữ theo quy định của Đảngkhoản 4 Điều 3 Quy định 98-QĐ/TW ngày 07/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về luân chuyển cán bộ quy định: “Cán bộ giữ chức vụ không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp được hiểu là không giữ một chức vụ cấp trưởng (đối với cả chức danh bầu cử và bổ nhiệm) liên tục từ 8 năm trở lên ở cùng một địa phương, cơ quan, đơn vị”. Như vậy, thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được quá hai nhiệm kỳ liên tiếp chỉ áp dụng cho cấp trưởng đã giữ chức vụ này liên tục từ 8 năm trở lên ở cùng một địa phương, cơ quan, đơn vị và trường hợp này thuộc đối tượng luân chuyển, như đối với ngành KSND thì đối tượng là: Viện trưởng Viện KSND cấp tỉnh, cấp huyện (khoản 2 Điều 4 Quy định 98-QĐ/TW).Còn đối với cấp phó trở xuống thì không áp dụng. 

Thứ hai, về độ tuổi bổ nhiệm 

Điều 6 Quy chế 27 quy định: Cán bộ, công chức bổ nhiệm lần đầu không quá 55 tuổi đối với nam và không quá 50 tuổi đối với nữ; các chức vụ trưởng phòng, phó trưởng phòng các quận, huyện và tương đương, tuổi bổ nhiệm lần đầu không quá 45 tuổi (đối với cả nam và nữ)”. Theo đó, Nghị định 138/2020/NĐ-CP đã bỏ quy định cụ thể về độ tuổi nêu trên, tại khoản 4 Điều 42 Nghị định quy định: a) Công chức được đề nghị bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc đề nghị bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn thì tuổi bổ nhiệm phải còn đủ 05 năm công tác tính từ khi thực hiện quy trình bổ nhiệm; trường hợp đặc biệt báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. b) Công chức được đề nghị bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, quản lý mà thời hạn mỗi lần bổ nhiệm dưới 05 năm theo quy định của pháp luật chuyên ngành và của cơ quan có thẩm quyền thì tuổi bổ nhiệm phải đủ một nhiệm kỳ. c) Công chức được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm theo quy định tại điểm a khoản này”. Như vậy, với quy định này thì độ tuổi bổ nhiệm lần đầu hoặc bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn thì tuổi phải còn đủ 05 năm công tác; trường hợp thời hạn mỗi lần bổ nhiệm dưới 05 năm thì tuổi phải đủ một nhiệm kỳ; trường hợp được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ thì thì tuổi không cần đủ 05 năm công tác. 

Thứ ba, về bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

Theo đó, khoản 5 Điều 49 Nghị định 138/2020/NĐ-CP là một quy định mới mà Nghị định 24/2010/NĐ-CP cũng như Quy chế 27 không quy định, đó là quy định các trường hợp chưa thực hiện quy trình bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm, gồm: “a) Công chức lãnh đạo, quản lý đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử. b) Công chức lãnh đạo, quản lý đang trong thời gian được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cử đi học tập, công tác ở nước ngoài từ 03 tháng trở lên. c) Công chức lãnh đạo, quản lý đang trong thời gian điều trị nội trú từ 03 tháng trở lên tại các cơ sở y tế hoặc đang trong thời gian nghỉ chế độ thai sản”.

Thứ tư, về luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý

- Về đối tượng luân chuyển, khoản 1 Điều 55 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định đối tượng luân chuyển ngoài kế thừa quy định tại điểm a: “Công chức lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch của cơ quan, tổ chức”thì Nghị định bổ sung thêm 2 trường hợp thuộc đối tượng luân chuyển quy định tại điểm b và c là: “Công chức lãnh đạo, quản lý giữ các chức vụ cấp trưởng mà theo quy định không được giữ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan. Công chức lãnh đạo, quản lý mà theo quy định không được bố trí người địa phương”. So với quy định của khoản 3 Điều 1 Nghị định số 93/2010/NĐ-CP quy định luân chuyển công chức“chỉ thực hiện đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch

- Về độ tuổi luân chuyển, khoản 4 Điều 56 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định: “a)Còn thời gian công tác ít nhất hai nhiệm kỳ (10 năm) tính từ thời điểm đi luân chuyển. b) Riêng công chức lãnh đạo, quản lý luân chuyển để thực hiện quy định không được bố trí người địa phương và để thực hiện quy định không được giữ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị thì phải còn đủ thời gian công tác ít nhất một nhiệm kỳ”. Đây là quy định hoàn toàn mới so với Nghị định số 24/2010/NĐ-CP và Quy chế 27.

- Về thời gian luân chuyển, Điều 61 Nghị định 138/2020/NĐ-CP bổ sung quy định: “Thời gian luân chuyển ít nhất 3 năm (36 tháng) đối với một lần luân chuyển. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”.

- Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung các quy định về nhận xét, đánh giá đối với công chức luân chuyển (Điều 62); bố trí công chức sau luân chuyển (Điều 63); Chế độ, chính sách đối với công chức luân chuyển (Điều 64). 

Thứ năm,về từ chức, miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý

 - Về từ chức, khoản 2 Điều 65 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được từ chức nếu thuộc một trong các trường hợp sau: “a) Đang đảm nhận nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; đang đảm nhận nhiệm vụ trọng yếu, cơ mật; phòng chống thiên tai, dịch bệnh; nếu từ chức ngay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích chung của Đảng và Nhà nước. b) Đang trong thời gian chịu sự thanh tra, kiểm tra, điều tra của cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của Đảng và pháp luật”. So với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 42 Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định việc từ chức đối với công chức được thực hiện trong trường hợp: “Công chức nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc của cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình”. Như vậy, với quy định của Nghị định 138/2020/NĐ-CP thì trong trường hợp công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý màđang trong thời gian chịu sự thanh tra, kiểm tra, điều tra thì không được từ chức mà chờ có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

- Về miễn nhiệm, khoản 1 Điều 66 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định việc xem xét miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện trong các trường hợp sau: “a) Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ. b) Bị xử lý kỷ luật chưa đến mức cách chức nhưng do yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế. c) Bị xử lý kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo hai lần trong cùng một thời hạn bổ nhiệm. d) Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định của Đảng về bảo vệ chính trị nội bộ. đ) Các lý do miễn nhiệm khác theo quy định của Đảng và pháp luật”. So với khoản 2 Điều 42 Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định việc miễn nhiệm đối với công chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây: “a) Được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển, bố trí, phân công công tác khác mà không được kiêm nhiệm chức vụ cũ. b) Không đủ sức khỏe để tiếp tục lãnh đạo, quản lý. c) Không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước nhưng chưa đến mức bị kỷ luật bằng hình thức cách chức. d) Không đủ năng lực, uy tín để làm việc. đ) Vi phạm quy định của cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ chính trị nội bộ”. Đồng thời, khoản 3 Điều 66 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định: “Trường hợp công chức bị miễn nhiệm do xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong hai năm liên tiếp thì cơ quan có thẩm quyền cho thôi việc theo quy định của pháp luật”.

Với những quy định mới của Nghị định 138/2020/NĐ-CP  có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2020, trong thời gian tới các Bộ, Ngành trong đó có ngành KSND sẽ có những sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức để phù hợp với quy định của Nghị định./.

Quốc Việt 

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,742,428 lượt

Số người online:1,922 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn