Năm 2012 Liên hợp quốc đã thống nhất lấy ngày 20-3 hàng năm là Ngày Quốc tế Hạnh phúc nhằm góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp, gia đình hạnh phúc hơn. Tiếp nối mạch nguồn đó, mỗi năm một chủ đề hạnh phúc và cứ thế hạnh phúc được lan tỏa từ những điều bình dị nhất. Năm 2022, ngày Quốc tế Hạnh phúc được tổ chức với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ” với mong muốn mỗi người hãy cùng hành động góp phần xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh góp phần vào sự phát triển chung của xã hội.
Trong những năm qua Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan chức năng và địa phương đã xây dựng nhiều chương trình hành động, phát động những phong trào ý nghĩa nhằm góp phần xây dựng xã hội văn minh, gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn có nhiều người mải mê đi tìm hạnh phúc gia đình bằng triết lý của riêng mình, dẫn đến có những việc làm quá mức, thậm chí là cực đoan, gây ra những hệ lụy trái ngược cho cuộc sống gia đình, gia tăng áp lực lên đời sống xã hội, đi ngược lại chủ trương chung.
Dịch bệnh COVID-19 bất ngờ xuất hiện hơn 2 năm qua đã mang lại nhiều “sắc thái” trong đời sống xã hội. Nhìn ở một khía cạnh nào đó, dịch bệnh lại làm đổi màu nhân cách, hành vi, lối sống của không ít người. Khi mà cả nước đang gồng mình “chống dịch như chống giặc”, thì vẫn có những kẻ sẵn sàng bán rẻ lương tâm để trục lợi từ dịch bệnh; có kẻ cố tình khai man, khai rối thông tin y tế để trốn cách ly; có kẻ cố tình hoặc vô ý phao tin đồn nhảm, tin đồn vô căn cứ trên mạng xã hội, gây nhiễu thông tin và ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch bệnh; cũng có kẻ tự cho mình cái quyền được phán xét, được chỉ trích, thậm chí đòi “xét xử” người khác... Song, cũng giữa “tâm dịch” ấy đã có biết bao hành động đẹp, xuất phát từ tấm lòng nhân ái của những người có địa vị hoặc có ảnh hưởng lớn đến xã hội và vô vàn việc làm ý nghĩa, đầy tinh thần “tương thân tương ái” của những con người rất đỗi bình thường. Những nghĩa cử đẹp và không vụ lợi ấy, là minh chứng cho tình yêu thương đã, đang và sẽ còn được nhân lên, được sẻ chia và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Để rồi, sức mạnh của tình yêu thương sẽ thắt chặt thêm tình đoàn kết, giúp dân tộc bước qua thời điểm khó khăn này.
Những năm qua, đơn vị Viện KSND tỉnh Bình Định cũng đã lan tỏa sự yêu thương và chia sẻ bằng những hoạt động an sinh xã hội đối với cộng đồng và chính trong cơ quan, đơn vị. Nhận phụng dưỡng, chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; một mái ấm gia đình hướng về người nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn và sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ những khó khăn của đồng nghiệp tại đơn vị cũng là cách chia sẻ yêu thương, là niềm hạnh phúc.
Viện KSND Bình Định Trao nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách
Nhiều cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị đã tích cực tham gia Hiến máu nhân đạo chia sẻ: “Hạnh phúc với tôi chính là cho đi, là san sẻ hạnh phúc cho những người khác. Mỗi giọt máu mà mình cho đi chứa đựng nhiều ý nghĩa, mang lại cơ hội sống cho nhiều người, là cách thiết thực để trao yêu thương, chia sẻ khó khăn với những người bệnh đang cần máu”. Nhiều Đoàn viên tiêu biểu đã có từ 10 - trên 20 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Không những bản thân mình, mà họ còn vận động cả người thân trong gia đình tham gia hiến máu. Nhiều gia đình Kiểm sát viên được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen và địa phương vinh danh và cấp chứng nhận gia đình hiến máu nhân đạo. Với những nghĩa cử cao đẹp này sẽ luôn được giữ vững và mãi lan tỏa rộng rãi trong ngành Kiểm sát nhân dân và toàn xã hội.
Kiểm sát viên có hơn 20 lần Hiến máu nhân đạo
Một gia đình kiểm sát có hơn 10 lần hiến máu nhân đạo
Có thể thấy, hạnh phúc không phải là điều gì xa xôi, cao sang phải mất công kiếm tìm, mà hạnh phúc là những điều giản dị ở quanh ta, dưới từng mái nhà. Hiểu đúng về hạnh phúc để cùng nhau gìn giữ, xây dựng những gia đình hạnh phúc, là chúng ta đang góp phần để xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh hơn. Nhiều gia đình nhiều thế hệ làm trong Ngành kiểm sát, nhiều cặp vợ chồng cùng làm Ngành kiểm sát, họ đều thể hiện sự cảm thông, chia sẻ, cùng nhau phấn đấu, cùng nhau rèn luyện cùng khởi nghiệp khắc phục khó khăn, trắc trở để rồi hạnh phúc lại mỉm cười nhiều gia đình từng bước khẳng định mình, đạt được nhiều thành đạt giữ những địa vị quan trọng trong Ngành, họ đã cùng nhau xây dựng và vun đắp gia đình với những đứa con ngoan hiền, học giỏi, hiếu thảo. Với họ “biết đủ là hạnh phúc”.
Với chủ đề "Yêu thương và chia sẻ", ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3/2020 truyền đi thông điệp: Hãy hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh!;Xây dựngmôi trường sống, học tập và làm việc hạnh phúc hơn!; Lòng nhân ái mang lại hạnh phúc!; Tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình!; Bảo vệ trẻ em bằng gia đình hạnh phúc, bình yên!.Hãy cùng nhau kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, hiếu nghĩa của dân tộc Việt Nam. Mong rằng, mỗi chúng ta tiếp tục lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến với cộng đồng; mỗi cá nhân hãy luôn chia sẻ và yêu thương ngay trong chính gia đình của mình và lan tỏa những yêu thương ấy ra cộng đồng. Bởi đó, chính là cách để mỗi người cho đi và nhận lại hạnh phúc cho chính mình.
Có câu nói rất hay rằng: “Đừng khóc vì không có giày đi bởi vì có người còn không có chân để đứng!”. “Biết đủ thì người nghèo khổ cũng vui, không biết đủ thì người giàu sang cũng u buồn”. Ở mỗi hoàn cảnh, chúng ta chỉ cần thay đổi góc nhìn, thay đổi cái tâm của mình thì tình cảnh cũng tự nhiên thay đổi, cải biến theo chiều hướng tốt. Ấy là hạnh phúc!
Có thể nói, hạnh phúc là một điều gì đó rất khó định nghĩa bởi nó là cảm nhận và sự hài lòng với cuộc sống của mỗi người, nó đơn giản và bình dị hơn nhiều so với những gì người ta vẫn nghĩ.
Tố Phong