Trao đổi pháp luật về xác định tội danh và tư cách tham gia tố tụng

Nội dung vụ án:

Trần văn Đ (SN:1982) là nhân viên bán hàng (tiếp thị) của một Văn phòng đại diện thuộc Công ty cổ phần có vốn nhà nước chiếm 8% từ năm 2007. Trần Văn Đ chỉ có nhiệm vụ tiếp thị chào bán các loại sản phẩm phân bón của Công ty không được giao nhiệm vụ thu tiền của khách hàng (theo Điều lệ của Công ty). Từ năm 2009 Trần Văn Đ ngoài việc chào bán phân bón của Công ty Đ, Đ còn chào bán phân bón riêng để kiếm thêm thu nhập bằng cách chào bán phân bón của Công ty với giá cao hơn quy định theo từng thời điểm hoặc tìm nguồn phân bón khác bên ngoài có giá thấp hơn của Công ty để chào bán cho khách hàng của Công ty. Do vậy, ban đầu Đ yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của Đ để Đ lấy phần chênh lệch hoặc tiền lời còn tiền vốn Đ nộp vào tài khoản của Công ty hoặc trả cho chủ hàng nơi mà Đ đã mua phân để bán lại nhằm tránh sự phát hiện của Công ty về việc Đ mua bán riêng. Vì vậy, khách hàng của Công ty chuyển tiền vào tài khoản của Đ khi mua hàng cả những lúc Đ không yêu cầu (vì không có việc mua bán riêng) nhưng Đ cũng không nói cho khách hàng biết mà cứ thế Đ rút từ tài khoản cá nhân nộp vào tải khoản của công ty thay cho khách hàng. Đến năm 2012 do việc mua bán bị thua lỗ và nợ tiền vay bên ngoài nên khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của Đ thì Đ nảy sinh ý định giữ lại tiền hàng của khách hàng để trả nợ cho các khoản vay cá nhân. Rồi sau đó, khi đến cuối kỳ đối chiếu công nợ giữa Công ty và khách hàng thì  Đ lấy tiền của khách hàng chuyển sau nộp vào tài khoản của công ty để giảm nợ cho khách hàng trước hoặc vay mượn bên ngoài nộp vào nhằm tránh sự phát hiện. Đến tháng 5/2015 quá trình đối chiếu công nợ giữa Công ty và khách hàng phát hiện Đ đã giữ tiền của 4 khách hàng với số tiền là 500.000.000 đ dùng vào việc trả cho những khách hàng mà Đ đã lấy tiền trước đó. Khi phát hiện Đ hứa sẽ khắc phục nên công ty treo nợ cho khách hàng bị Đ chiếm đoạt. Sau một thời gian dài Đ chỉ khắc phục một phần và không còn khả năng  khắc phục tiếp nên Công ty làm đơn tố cáo Đ chiếm đoạt tiền của Công ty.

 

 Với hành vi như trên của Trần Văn Đ hiện có 03 quan điểm khác nhau về việc xử lý như sau:

 

Quan điểm thứ nhất: Cho rằng Trần Văn Đ phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của 04 khách hàng mua bán phân bón vì những lý do sau: Mặc dù, Đ không được giao nhiệm vụ thu tiền của khách hàng theo quy định của Công ty nhưng thông qua việc Đ là nhân viên của Công ty trực tiếp chào bán sản phẩm phân bón cho khách hàng nên có căn cứ để khách hàng tin tưởng chuyển tiền cho Đ để Đ chuyển cho công ty. Thứ hai giữa Đ và khách hàng có mối quan hệ hợp đồng mua bán phân bón riêng và Đ đã từng yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản riêng của Đ để Đ chuyển cho Công ty để Đ giữ lại tiền lời, tiền chênh lệch mua bán riêng (nhưng khách hàng không biết mục đích của Đ). Việc khách hàng chuyển tiền cho Đ là do tin tưởng Đ thông qua yêu cầu ban đầu và xem đây là hợp đồng miệng giữa Đ và khách hàng kéo dài từ năm 2009 đến năm 2012 và những năm sau đó việc mua bán diễn ra thường xuyên trong thời gian dài và không có xảy ra vấn đề gì nên khách hàng tin tưởng. Việc Đ không được thu tiền của khách hàng là do Điều lệ của Công ty quy định đối với Đ còn với khách hàng họ hoàn toàn không biết (vì Đ không nói cho họ biết) và họ cũng không bắt buộc phải biết. Như vậy, Đ đã lợi dụng lòng tin của khách hàng sau khi nhận được tiền do khách hàng chuyển tiền vào tài khoản riêng của mình rồi gian dối chiếm đoạt tiền của khách hàng sử dụng vào mụch đích cá nhân dẫn đến mất khả năng chi trả. Gian dối của Đ là không nói thật với khách hàng là Đ không được quyền tiền thu tiền của khách hàng để khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của công ty và Đ không rút nộp vào tài khoản của công ty theo mụch đích của khách hàng mà giữa lại sử dụng trả nợ. Từ đó xác định Trần Văn Đ phạm tội “ Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với 04 khách hàng với số tiền 500.000.000đ ,04 khách hàng là bị hại trong vụ án còn Công ty là nguyên đơn dân sự.

 

Quan điểm thứ hai: Cho rằng Trần Văn Đ không phạm tội lạm dụng tín  nhiệm chiếm đoạt tài sản mà phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì: Giữa Đ và khách hàng không có quan hệ hợp đồng mua bán mà hợp đồng mua bán được xác lập giữa khách hàng với công ty (Đ là nhân viên tiếp thị không có nhiệm vụ thu tiền) nên Đ với khách hàng không có sự tín nhiệm thông qua hợp đồng dẫn đến khách hàng tin tưởng chuyển tiền cho Đ. Vì Đ không nhận tiền của khách hàng thông qua hợp đồng rồi chiếm đoạt nên không thõa mãn dấu hiệu hành vi khách quan trong tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

 

 Trong trường hợp này Đ chiếm đoạt được số tiền của 04 khách hàng là do Đ có hành vi lừa đảo, vì trước khi chiếm đoạt Đ đã gian dối với khách hàng để khách hàng tin tưởng chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của Đ, để Đ chiếm đoạt sử dụng vào mục đích khác. Hành vi gian dối có trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt vì thứ nhất  Đ biết rõ mình không có nhiệm vụ thu tiền hàng của khách hàng theo điều lệ của Công ty nhưng lại yêu cầu khách hàng nộp tiền vào tài khoản cá nhân mình. Thứ hai sau khi khách hàng nộp tiền vào tài khoản cá nhân của Đ nhiều lần để thanh toán tiền hàng kể cả những lúc không có việc mua bán riêng nhưng Đ cũng không nói để khách hàng biết để khách hàng nộp vào khoản của công ty mà vẫn để khách hàng nộp tiền vào tài khoản của mình rồi chiếm đoạt tiền của khách hàng. Do đó, Đ có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng nên phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Như vậy xác định 04 khách hàng mua phân bón bị Đ lừa đảo chiếm đoạt số tiền 500.000.000 đ là bị hại còn Công ty là nguyên đơn dân sự.

 

 Quan điểm thứ 3: Cho rằng Trần Văn Đ không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cũng không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đối với 04 khách hàng cũng như Công ty. Vì Đ không chiếm đoạt tiền của khách hàng thông qua hợp đồng (vì  Đ là nhân viên tiếp thị không có nhiệm vụ thu tiền). Đối với số tiền của 04 khách hàng mà Đ đã chiếm đoạt không thông qua yêu cầu của Đ mà khách hàng tự chuyển nên không thể nói Đ lợi dụng lòng tin của khách hàng thông qua hợp đồng để chiếm đoạt nên không đủ dấu hiệu hành vi khách quan của tội lạm dụng tín  nhiệm chiếm đoạt tài sản.

 

Còn việc Đ yêu cầu 04 khách hàng này chuyển tiền vào tài khoản của Đ là vì thời điểm đó Đ có mua bán riêng còn vào thời điểm trước khi thực hiện việc chiếm đoạt tiền của 04 khách hàng với số tiền nói trên thì Đ hoàn toàn không có hành vi gian dối yêu cầu 04 khách hàng này chuyển tiền vào tài khoản của Đ nhằm chiếm đoạt mà do khách hàng không thực hiện đúng quy định thỏa thuận mua bán nên đã tạo điều kiện để Đ chiếm dụng số tiền này vào mụch đích cá nhân dẫn đến mất khả năng chi trả. Như vậy trong trường hợp này xác định Đ cũng không phạm tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì không thõa mãn dấu hiệu hành vi khách quan của tội lừa đảo. Nên đây là quan hệ dân sự giữa Công ty với khác hàng và khách hàng với Trần Văn Đ.

 

Riêng cá nhân tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất Đ phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với những phân tích, đánh giá về dấu hiệu hành vi khách quan theo quan điểm thứ nhất là có căn cứ và toàn diện nhất.

 

Rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi ý kiến của đồng nghiệp và bạn đọc./.

 

Lê Thị Vân

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,772,419 lượt

Số người online:178 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn