Bàn về trình bày luận tội của Kiểm sát viên tại Phiên tòa

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự. Trong đó, BLTTHS có quy định sau khi kết thúc việc xét hỏi, chuyển qua phần tranh luận Kiểm sát viên trình bày luận tội.

Để Kiểm sát viên trình bày luận tội được đầy đủ, đúng trọng tâm cần nghiên cứu để hiểu tại sao Kiểm sát viên phải luận tội và thế nào là luận tội; theo đó chúng ta phải hiểu “Luận tội” là gì?. Nếu “Luận” với nghĩa “bàn luận” có nghĩa là trao đổi về vấn đề nào đó trên cơ sở phân tích lý lẽ. Nếu “Luận” với nghĩa là “Bình luận” có nghĩa là phân tích và nhận định về tình hình, vấn đề nào đó, dựa vào lý lẽ, ý nghĩa mà suy ra. Ở đây, BLTTHS quy định luận tội với ý nghĩa “tội” là tội trạng của bị cáo, người phạm tội; Luận là “bàn luận”. Do đó, “luận tôi” là “bàn luận về hành vi phạm tội của bị cáo tại phiên tòa”, để có căn cứ đề nghị mức án cho phù hợp, giúp Hội đồng xét xử có căn cứ ra bản án, quyết định tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

 

Như vậy, có thể hiểu “Kiểm sát viên trình bày luận tội” là nhằm phân tích tội trạng, đề nghị kết tội bị cáo khi việc xét hỏi đã kết thúc, chuyển qua phần tranh luận tại phiên tòa. BLTTHS quy định truy tố bị cáo là nhiệm vụ của Kiểm sát viên, do đó Kiểm sát viên phải có nghĩa vụ chứng minh tội phạm nên cần phải tranh luận với bị cáo để khẳng định bị cáo phạm tội hay vô tội nhằm giúp Hội đồng xét xử có cơ sở giải quyết vụ án được đúng đắn. Luận tội được giao cho Viện kiểm sát (Điểm c Khoản 1 Điều 266 BLTTHS), giao Kiểm sát viên (Điểm l Khoản 1 Điều 42 BLTTHS). Vấn đề cần bàn là tại phiên tòa Kiểm sát viên “đọc bản luận tội” hay “trình bày luận tội”. Để trả lời câu hỏi trên cần căn cứ Điều 320 BLTTHS quy định: “Sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên tòa, Kiểm sát viên trình bày luận tội”, có nghĩa là Kiểm sát viên phải nắm chắc toàn bộ nội dung, diễn biến, chứng cứ vụ án, các yêu cầu của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, bị hại, ý kiến phản biện của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác, từ đó trình bày luận tội dưới dạng nói chứ không phải Kiểm sát viên viết thành bản luận tội rồi đọc, vì theo quy định tại Điều 321 BLTTHS Kiểm sát viên phải căn cứ theo các chứng cứ, tài liệu, đồ vật đã được kiểm tra tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa để luận tội nên không có thời gian Kiểm sát viên vừa kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với Hội đồng xét xử, người tham gia tố tụng tại phiên tòa và tổng hợp chứng cứ, tài liệu… viết thành bản luận tội để đọc. Do đó, điều luật quy định “sau khi kết thúc việc xét hỏi, Kiểm sát viên trình bày luận tội” là phù hợp với thực tế và nội dung luận tội của Kiểm sát viên phải tuẩn thủ đúng quy định tại Điều 321 BLTTHS.

 

Theo đó, luận tội gồm có 4 phần:

 

- Căn cứ để luận tội

 

 Luận tội của Kiểm sát viên phải căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu, đồ vật đã được kiểm tra tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.

 

- Phân tích, đánh giá các chứng cứ, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi

 

Khi Kiểm sát viên luận tội phải phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; tội danh, hình phạt, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; mức bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.

 

- Quan điểm của Kiểm sát viên

 

Trên cơ sở kết quả phân tích, đánh giáchứng cứ, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi Kiểm sát viên đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung bản cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; đề nghị mức hình phạt chính, hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng.

 

- Kiến nghị của Kiểm sát viên

 

Trong quá trình kiểm sát xét xử vụ án, nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng, Kiểm sát viên kiến nghị các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật để bảo đảm cho pháp luật được tuân thủ thống nhất.

 

Qua đó cho thấy, Kiểm sát viên chỉ căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu, đồ vật đã được kiểm tra tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa để phân tích, đánh giá chứ không nêu lại nội dung hoặc kể lại diễn biến vụ án, tránh lặp lại nội dung cáo trạng một lần nữa. Khi phân tích, đánh giá không được áp đặt ý chí chủ quan của cá nhân, suy luận chủ quan duy ý chí hoặc lấy chứng cứ bên này áp đặt cho bên kia, nhất là đối với các vụ án có đồng phạm phải phân tích rõ yếu tố đồng phạm theo Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”, chứ không được chủ quan, áp đặt “có mặt thì đặt tên” dễ xảy ra oan sai vì họ có mặt, có tham gia nhưng họ không cố ý cùng thực hiện tội phạm với người khác thì họ chỉ chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ đã thực hiện, họ không liên quan đến hành vi phạm tội của người khác.

 

Mặt khác, khi lượng hình Kiểm sát viên chỉ căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo khi các tình tiết được thể hiện rõ ràng, nếu vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì phải thực hiện khấu trừ giữa tình tiết tăng nặng với tình tiết giảm nhẹ, từ đó xác định từ tiết tăng nặng nhiều hơn hay tình tiết giảm nhẹ nhiều hơn. Sau khi khấu trừ Kiểm sát viên áp dụng Điều 54 BLHS đề nghị một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS. Hoặc Kiểm sát viên có thể đề nghị một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 54 BLHS nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Kiểm sát viên có thể đề nghị hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Kiểm sát viên phải nêu rõ lý do của việc đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

 

Hơn nữa, sau khi trình bày luận tội, Kiểm sát viên còn phải tranh luận với bị cáo, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác (nếu có), nên những vật chứng, chứng cứ phục vụ cho tranh luận đưa vào luận tội phải lựa chọn cho phù hợp, những chứng cứ xét thấy không phù hợp, không dùng để chứng minh đối với hành vi của tội phạm và người phạm tội, nếu đưa vào luận tội sẽ gây khó khăn trong quá trình tranh luận thì không nên đưa ra để bàn luận, nhằm tránh việc bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác lợi dụng kẽ hở để tranh luận, phản bác quan điểm của Kiểm sát viên dẫn đến Hội đồng xét xử phải ngừng phiên tòa để trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

 

Có thể nói một cách dễ hiểu, luận tội là phương tiện để buộc tội bị cáo, giúp cho Hội đồng xét xử nhận thấy được hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội và hậu quả pháp lý của hành vi nguy hiểm đó, để Hội đồng xét xử ra một phán quyết đúng đắn. Do đó, muốn bảo vệ được cáo trạng Viện kiểm sát đã truy tố, Kiểm sát viên cần bám sát vào những chứng cứ có trong hồ sơ và đã được kiểm tra tại phiên tòa để luận tội một cách ngắn gọn, chặt chẽ, lô gic không luận tội dài dòng, mênh mang làm cho bị cáo, người bào chữa nắm bắt các điểm yếu, điểm sơ hở của Kiểm sát viên để tranh luận, bác bỏ cáo trạng và chứng minh mình không phạm tội, làm giảm uy tín của Kiểm sát viên trước phiên tòa.

 

Muốn luận tội sắc bén để thuyết phục Hội đồng xét xử, chứng minh cáo trạng của Viện kiểm sát là có căn cứ và được bị cáo, người tham gia tố tụng tâm phục, khẩu phục Kiểm sát viên phải ra sức tu dưỡng, rèn luyện về kỹ năng, tự nghiên cứu học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để “ Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” bảo đảm việc truy tố của Viện kiểm sát đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy oan sai hay bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, bảo đảm cho pháp luật hình sự được tuân thủ thống nhất.

 

Thanh Nghị

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,742,440 lượt

Số người online:2,162 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn