Một số lưu ý khi kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, các hình phạt bổ sung và các biện pháp tư pháp theo Quy định của BLHS 2015

Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, người có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành án hình sự.

Kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, các hình phạt bổ sung và các biện pháp tư pháp.

 

Kiểm sát thi hành án (THA) treo, cải tạo không giam giữ (CTKGG), các hình phạt bổ sung (HPBS) và các biện pháp tư pháp (BPTP) là một trong những nội dung công tác kiểm sát thi hành án hình sự (THAHS) thuộc chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp quy định tại Điều 4, Điều 6 Luật tổ chức Viện KSND năm 2014. Khi thực hiện công tác này, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Viện kiểm sát (VKS) được quy định tại các Điều 25, 26 Luật tổ chức VKSND năm 2014; Điều 141 Luật thi hành án hình sự (THAHS) và Quy chế kiểm sát tạm giữ, tạm giam, THAHS (ban hành kèm theo Quyết định số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện trưởng Viện KSNDTC, gọi tắt là Quy chế 501). VKS thực hiện công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong THA treo,  án phạt CTKGG, các HPBS và các BPTP khác của Tòa án, của Cơ quan thi hành án hình sự và cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ THAHS, cá nhân có thẩm quyền nhằm bảo đảm việc thi hành, chấp hành các loại hình phạt và các biện pháp tư pháp nêu trên được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình kiểm sát, nếu phát hiện những vi phạm pháp luật cuả cơ quan, người có thẩm quyền, người chấp hành án, VKS yêu cầu, ban hành kiến nghị, kháng nghị nhằm khắc phục, loại bỏ vi phạm hoặc đề nghị khởi tố vụ án hình sự để xử lý. Mọi yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị hoặc đề nghị khởi tố vụ án hình sự của VKS phải được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

 

Như vậy, kiểm sát THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP là việc VKS sử dụng quyền hạn theo quy định của pháp luật để kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền, người có trách nhiệm THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP nhằm bảo đảm việc thi hành đúng quy định của pháp luật, mọi vi phạm được khắc phục, loại bỏ.

 

Đối tượng của kiểm sát THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP

 

Theo quy định tại Điều 3 Quy chế 501 thì đối tượng của công tác kiểm sát THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP là việc tuân theo pháp luật của Tòa án, Cơ quan THAHS, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ THAHS và người có trách nhiệm trong THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP.

 

Phạm vi của kiểm sát THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP

 

Theo quy định tại Điều 4 Quy chế 501 thì phạm vi của công tác kiểm sát THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP được thực hiện từ khi bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật THAHS và kết thúc khi chấm dứt việc THAHS, thi hành quyết định áp dụng BPTP theo quy định của pháp luật.

 

Điều 2 Luật THAHS quy định các bản án, quyết định được thi hành bao gồm: Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành; Bản án hoặc phần bản án của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm; Bản án của Tòa án cấp phúc thẩm; Bản án giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án; Bản án hoặc quyết định của Tòa án được thi hành ngay theo quy định của BLTTHS; Quyết định của Tòa án Việt nam tiếp nhận người đang chấp hành án phatj tù ở nước ngoài về Việt Nam chấp hành án và đã có quyết định thi hành quyết định chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt nam cho nước ngoài; Bản án, quyết định về áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, đưa vào trường giáo dưỡng.

 

Nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi kiểm sát THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP

 

Để thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực THAHS được thống nhất, từ Điều 141 đến 143 Luật THAHS đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của VKS về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực THAHS.

 

Song, khi thực hiện công tác kiểm sát THAHS chúng ta không kiểm sát các HPBS như: Tịch thu tài sản; Phạt tiền; Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; Cấm huy động vốn đối với người và pháp nhân thương mại phạm tội, bởi vì các HPBS này đã được điều chỉnh bởi pháp luật thi hành án dân sự.

 

Đồng thời, khi kiểm sát các BPTP áp dụng đối với người phạm tội hoặc người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự và nhóm các BPTP đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì chúng ta không kiểm sát các BPTP như: Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; Khôi phục lại tình trạng ban đầu; Thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra, bởi vì các BPTP đó đã được điều chỉnh bằng pháp luật thi hành án dân sự hoặc được thực hiện ngay tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự.

 

Đối với biện pháp “Giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội” đã chuyển thành “biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự” (quy định có lợi cho người phạm tội). Như vậy, biện pháp “Giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội” không còn là biện pháp tư pháp mà chuyển thành biện pháp giám sát và Tòa án chỉ áp dụng trong trường hợp người phạm tội dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự.

 

Do đó, khi thực hiện công tác kiểm sát THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP, chúng ta cần thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của VKS như sau:

 

- Yêu cầu Tòa án cùng cấp và cấp dưới ra quyết định THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP theo đúng quy định của pháp luật.

 

Theo đó, VKS yêu cầu Tòa án ra quyết định THA treo, CTKGG, các HPBS hoặc quyết định áp dụng các BPTP trong trường hợp bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc có căn cứ áp dụng BPTP nhưng Tòa án không ra hoặc chậm ra quyết định THA hoặc áp dụng BPTP.

 

- Yêu cầu Tòa án, Cơ quan THAHS, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ THAHS tự kiểm tra việc THA treo, CTKGG, các HPBS, các BPTP và thông báo kết quả kiểm tra cho VKS; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc thi hành các loại hình phạt nêu trên và các BPTP.

 

Theo đó, VKS thực hiện yêu cầu tự kiểm tra, báo cáo kết quả hoặc cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan trong trường hợp nhận được thông tin có vi phạm xảy ra tại các cơ quan trong lĩnh vực THAHS nhưng chưa có điều kiện hoặc không cần thiết phải tiến hành biện pháp trực tiếp kiểm sát. Thông qua việc nghiên cứu hồ sơ, tài liệu hoặc báo cáo kết quả tự kiểm tra, VKS có thể xác định được những vi phạm pháp luật tại các cơ quan trên để yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị chấm dứt, khắc phục vi phạm.

 

- Phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật trong THA treo, CTKGG, các HPBS, và các BPTP theo thẩm quyền.

 

Theo đó, để bảo đảm cho việc THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, VKS có trách nhiệm phát hiện các vi phạm pháp luật trong THAHS và thi hành các BPTP, có biện pháp xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật. Việc phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật của VKS nhằm bảo đảm cho lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân không bị xâm phạm bởi những vi phạm pháp luật trong THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP.

 

- Trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc THA treo, CTKGG, các HPBS, các BPTP của các cơ quan THAHS cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ THA treo, CTKGG và các BPTP nêu trên; kiểm sát hồ sơ THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP của cơ quan THAHS, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ THAHS.

 

Theo đó, khi phát hiện vi phạm hoặc nhằm mục đích phát hiện vi phạm pháp luật của Tòa án, cơ quan THAHS, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP thì VKS áp dụng các phương thức trực tiếp kiểm sát hoặc kiểm sát hồ sơ THA đối với các loại án nêu trên. Trực tiếp kiểm sát được thực hiện dưới hai hình thức: Định kỳ trực tiếp kiểm sát và đột xuất trực tiếp kiểm sát. Định kỳ trực tiếp kiểm sát là kiểm sát theo kế hoạch định trước (theo tháng, quý, năm), có thông báo trước về kế hoạch cho đối tượng kiểm sát. Đột xuất trực tiếp kiểm sát là kiểm sát không có kế hoạch từ trước, được tiến hành bất cứ lúc nào khi VKS xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong THAHS.

 

- Đề nghị miễn, hoãn, đình chỉ chấp hành án treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP, tham gia việc xét giảm, miễm thời hạn chấp hành án CTKGG, cấm cư trú, quản chế và rút ngắn thời gian thử thách án treo.

 

Theo đó, để bảo đảm THA treo, CTKGG, các HPBS, các BPTP được thực hiện theo đúng  quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người chấp hành án, VKS có thẩm quyền và trách nhiệm đề nghị việc miễn, hoãn, đình chỉ chấp hành án và BPTP. Khi Tòa án mở phiên họp để giảm, miễn thời gian chấp hành án CTKGG, cấm cư trú, quản chế và rút ngắn thời gian thử thách của án treo thì VKS tham gia, phát biểu quan điểm của mình.

 

- Kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu Tòa án, Cơ quan THAHS cùng cấp, cấp dưới, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ THAHS trong việc THA treo, CTKGG, các HPBS, các BPTP và các cá nhân có liên quan; yêu cầu đình chỉ việc THA, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc thi hành các hình phạt nêu trên và các BPTP, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.

 

Theo đó, VKS kháng nghị kiến nghị, yêu cầu chấm dứt quyết định và hành vi vi phạm pháp luật trong THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP là quyền năng pháp lý của VKS, bảo đảm cho VKS thực hiện được chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong THAHS, ngăn chặn và loại bỏ các hành vi vi phạm pháp luật.

 

- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP.

 

Theo đó, Luật THAHS cho phép cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại, tố cáo những hành vi, quyết định có vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc hành vi phạm tội của cá nhân trong THA treo, CTKGG, HPBS và các BPTP để bảo đảm lợi ích hợp pháp của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Các cơ quan và người có thẩm quyền phải giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật. VKS có thẩm quyền và trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm bảo đảm việc giải quyết được thực hiện đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra trường hợp oan sai trong THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP.

 

- Khởi tố hoặc yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố về hình sự khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm trong THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP theo quy định của pháp luật.

 

Theo đó, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm trong THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP thì VKS khởi tố hoặc yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố hình sự để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Phương thức kiểm sát THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP

 

Căn cứ Điều 37 Quy chế 501 quy định khi kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và THAHS, VKS có thể sử dụng 4 phương thức kiểm sát, đó là: Thực hiện quyền yêu cầu; Kiểm sát quyết định về THAHS, kiểm sát hồ sơ THAHS; Trực tiếp gặp, hỏi, xác minh, thu thập tài liệu; Trực tiếp kiểm sát.

 

Như vậy, trong hoạt động kiểm sát THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP, VKS có thể sử dụng phương thức trực tiếp kiểm sát (định kỳ kiểm sát hoặc đột xuất kiểm sát) và các phương thức kiểm sát khác (gián tiếp) như: Yêu cầu Cơ quan THAHS, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ THAHS thông báo tình hình chấp hành pháp luật; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan; tự kiểm tra và thông báo kết quả cho VKS; trả lời về quyết định, biện pháp hoặc việc làm vi phạm pháp luật trong THAHS theo quy định của pháp luật. Khi cần thiết, VKS cũng có thể trực tiếp gặp hỏi người chấp hành án, người thi hành BPTP hoặc tiến hành xác minh, thu thập tài liệu để làm rõ vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc THAHS, trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP.

 

- Về trực tiếp kiểm sát

 

Theo hướng dẫn tại Điều 41 Quy chế 501 về việc trực tiếp kiểm sát thì VKS các cấp căn cứ vào Chỉ thị của Viện trưởng Viện KSND tối cao; kế hoạch, chương trình công tác của VKS cấp trên và của đơn vị mình để định kỳ trực tiếp kiểm sát. Khi định kỳ trực tiếp kiểm sát có thể kiểm sát toàn diện hoặc kiểm sát một số nội dung trong công tác kiểm sát THAHS. Số lượng các cuộc kiểm sát tại Cơ quan THAHS thuộc Công an cấp tỉnh, Cơ quan THAHS thuộc Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện theo quy định của hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong ngành KSND (ban hành kèm theo Quyết định số 379/QĐ-VKSTC ngày 10/10/2017 của Viện trưởng VKSNDTC).

 

Việc đột xuất kiểm sát trong kiểm sát THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP được VKS tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra ở Cơ quan THAHS cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ THAHS và VKS nhận thấy cần thiết phải tiến hành trực tiếp kiểm sát. Việc kiểm sát đột xuất có thể được tiến hành ngay khi phát hiện có vi phạm pháp luật xảy ra mà không kể đó là thời điểm nào. Việc kiểm sát định kỳ và đột xuất do Viện trưởng, Phó viện trưởng, Kiểm sát viên (KSV) được ủy quyền thuộc VKS cùng cấp hoặc cấp trên trực tiếp tiến hành.

 

Khi tiến hành trực tiếp kiểm sát, KSV viết dự thảo quyết định kiểm sát và kế hoạch kiểm sát trình lãnh đạo Viện ký ban hành. Kế hoạch kiểm sát phải cụ thể, chi tiết về nội dung. Nêu rõ những điểm cần quan tâm (những lĩnh vực mà KSV đã có thông tin về vi phạm hoặc thường xảy ra vi phạm) và thời gian kiểm sát. Trong trường hợp cần cung cấp số liệu, hồ sơ, tài liệu liên quan phục vụ cho cuộc kiểm sát, KSV phải nêu rõ trong kế hoạch. Kế hoạch này phải được lãnh đạo Viện duyệt trước khi ban hành.

 

Khi trực tiếp kiểm sát, KSV tiến hành tất cả các hoạt động cần thiết theo quy định của pháp luật để xác định vi phạm, nguyên nhân của vi phạm, trách nhiệm của người có quyết định, hành vi vi phạm. Những hoạt động đó là: kiểm sát sổ sách, tài liệu liên quan đến việc THAHS, lấy lời khai của người chấp hành án, yêu cầu người có trách nhiệm, thẩm quyền viết bản tường trình hoặc lập biên bản thu giữ sổ sách, tài liệu, vật chứng có liên quan đến vi phạm…

 

Sau khi kiểm tra thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung công tác kiểm sát, KSV tổng hợp tình hình chấp hành pháp luật trong công tác THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP, đối chiếu với các quy định của pháp luật để xác định những ưu điểm, tồn tại, vi phạm, xác định nguyên nhân, tiến hành phân loại các loại vi phạm, tính chất, mức độ, hậu quả của vi phạm theo các quy định của các văn bản pháp luật hiện hành. Trên cơ sở đó, xác định áp dụng các biện pháp kiến nghị, kháng nghị hay yêu cầu khởi tố, làm cơ sở ban hành kết luận kiểm sát. Sau mỗi cuộc trực tiếp kiểm sát, VKS phải có kết luận về kết quả kiểm sát kiểm sát bằng văn bản, nêu những nội dung đã kiểm sát, ưu điểm và những vi phạm pháp luật của Cơ quan THAHS, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ THA và thi hành các BPTP. Trên cơ sở tính chất và mức độ vi phạm mà VKS quyết định ban hành kiến nghị, kháng nghị hay yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. VKS ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục, chấm dứt vi phạm trong THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP khi có những vi phạm thường xuyên nhưng tính chất, mức độ cũng như gây hậu quả không lớn. VKS ban hành kháng nghị khi xác định những vi phạm nghiêm trọng trong công tác THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ cần chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả, thiệt hại đã xảy ra là đủ. VKS yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự trong THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP đối với những vi phạm nghiêm trọng có dấu hiệu của tội phạm được quy định trong BLHS.

 

- Các biện pháp kiểm sát khác

 

Ngoài biện pháp kiểm sát trực tiếp, trong quá trình thực hiện công tác kiểm sát, VKS còn có thể sử dụng các phương pháp kiểm sát khác có tính chất gián tiếp nhằm xác định vi phạm để yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị khắc phục vi phạm như yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP thông báo tình hình chấp hành pháp luật; cung cấp hồ sơ, tài liệu; tự kiểm tra và thông báo kết quả cho VKS; trả lời về quyết định, biện pháp hoặc việc làm vi phạm pháp luật trong THAHS theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, trong quá trình kiểm sát THAHS, thông qua công tác chuyên môn hàng ngày, KSV tập hợp những vi phạm để làm căn cứ, cơ sở cho việc kiến nghị, khắc phục vi phạm.

 

Kháng nghị, kiến nghị trong kiểm sát THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP

 

Kháng nghị, kiến nghị vừa là quyền hạn, vừa là biện pháp pháp lý để VKS nhằm loại bỏ, khắc phục vi phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong THAHS. Thẩm quyền kháng nghị, kiến nghị được quy định tại Điều 5 Luật tổ chức VKSND năm 2014, Khoản 6 Điều 141 Luật THAHS và tại các Điều 42, 43 Quy chế 501.

 

Trong công tác kiểm sát THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP, khi phát hiện vi phạm pháp luật của Tòa án, Cơ quan THAHS, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội và những người có thẩm quyền, trách nhiệm trong THAHS thì tùy từng trường hợp cụ thể mà VKS ban hành kháng nghị hay kiến nghị.

 

Theo quy định tại Điều 42 Quy chế 501, trong quá trình kiểm sát THAHS nếu VKS phát hiện Tòa án, Cơ quan THAHS cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ THAHS trong việc THAHS và cá nhân có liên quan có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì ban hành kháng nghị để yêu cầu chấm dứt, khắc phục và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

 

Theo đó, VKS kháng nghị hành vi, quyết định có vi phạm pháp luật nghiêm trọng của Tòa án, Cơ quan THAHS cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ THA treo, CTKGG, các HPBS, các BPTP và cá nhân có liên quan trong việc THA treo, CTKGG, các HPBS và các BPTP yêu cầu đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật; chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.

 

VKS kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm những quyết định của Tòa án cùng cấp và cấp dưới như: quyết định rút ngắn thời gian thử thách án treo; quyết định giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt CTKGG; quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại….

 

Theo quy định tại Điều 43 Quy chế 501, khi phát hiện hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền và cá nhân có liên quan trong THA treo , CTKGG, các HPBS và các BPTP có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng không thuộc trường hợp kháng nghị quy định tại Điều 42 Quy chế 501 thì VKS kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đó khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm minh người có vi phạm pháp luật; nếu phát hiện sơ hở, thiếu sót hoặc nguyên nhân, điều kiện có thể dẫn đến vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý thì kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm theo Điều 43 Quy chế 501.

 

Kiến nghị

 

Hiện nay BLHS năm 2015 và BLTTHS năm 2015 đã có nhiều thay đổi và bổ sung, theo đó có bổ sung chủ thể thi hành án là pháp nhân thương mại phạm tội, thay đổi một số hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp… nên Luật THAHS năm 2010 không còn phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc trong công tác THAHS. Do đó, qua bài viết này kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần sửa đổi, bổ sung Luật THAHS cho phù hợp với các quy định của BLHS và BLTTHS năm 2015 để pháp luật được thi hành thống nhất./. 

 

Thanh Nghị

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,757,800 lượt

Số người online:3,343 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn