Nghĩ về câu nói của Ăng - Ghen: 'Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị'

Con người ta đều là những nhà thám hiểm của cuộc đời, ta mang trên vai một chiếc balo mà trong đó chứa đựng những hành trang quý báu để chúng ta trưởng thành dần theo tháng năm. Như Ăng-ghen từng nói rằng "Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị".

Đầu tiên chúng ta cần hiểu “khiêm tốn” và “giản dị” là gì. Khiêm tốn là một thái độ sống tích cực, một cách làm phong phú thêm kiến thức, kinh nghiêm của bản thân từ cuộc sống. Thái độ khiêm tốn thể hiện qua từng lời nói, hành động và cử chỉ một cách thật tâm đối với mọi người. Trong các mối quan hệ, người khiêm tốn không thể hiện mình là một người kiêu kì, kiêu căng, tự phụ đối với những điều mà mình hơn người hay được người khác khen ngợi. Không tự ti nhưng luôn khiên nhường, có thái độ và tinh thần học hỏi cũng như giúp đỡ mọi người. Người khiêm tốn có khả năng học hỏi được nhiều điều trong cuộc sống và cũng được nhiều người yêu mến vì thái độ chân thành, dễ gần.



Giản dị là cách sống không cầu kì, xa hoa, cách sống sao cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh cá nhân. Sự giản dị thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau: từ cách sử dụng vật chất, lời ăn tiếng nói hằng ngày, cách hành xử của mỗi người, cử chỉ, cách thể hiện bản thân. Người giản dị không ưa những điều quá cầu kì mà luôn đơn giản hóa những khía cạnh trong cuộc sống, gần gũi, thân thiện, dễ vừa lòng. Còn “trang bị” nghĩa là những điều cần được cung cấp trong cuộc sống này.
“Khiêm tốn” và “giản dị” là hai đức tính mà theo Ăng- ghen là hai đức tính được xem là trang bị quý giá nhất của con người. Tức là cuộc sống của con người muốn đạt được những điều thành công, như ý, muốn trở thành một người hạnh phúc và có ích thì cần có sự khiêm tốn và giản dị. Vì sao ư? Chúng ta cần khiêm tốn vì chúng ta hiểu rằng xung quanh ta có vô cùng nhiều tài năng mà ta chỉ là một hạt cát trên sa mạc, ta không phải trung tâm vũ trụ để kiêu kì cũng không phải là người quá tài giỏi để tự phụ.

Hơn thế, một người dành cả đời mình để học cũng chưa thể học hết tri thức nên phải biết khiêm tốn, biết có tinh thần học hỏi và đừng thỏa mãn với khả năng hiện tại của mình. Chúng ta cũng cần giản dị bởi cầu kì xa hoa chính là cái mà tạo nên khoảng cách giữa mọi người. Hãy cứ giản dị, đơn giản nhiều nhất có thể, không chỉ ở của cải vật chất khi nước ta còn là một nước nghèo mà còn là trong cách thể hiện bản thân, đừng cầu kì mà hãy lấy chân thành làm gốc. Người khiêm tốn và giản dị không chỉ dễ gần, hòa đồng mà còn đáng được học hỏi, điều này khiếm cho nhiều người yêu quý họ.

 

Một người mà vô cùng khiêm tốn và giản dị đó chính là Bác Hồ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Bác trong lòng mỗi con dân Việt Nam và bạn bè năm châu chính là một vĩ nhân, tài năng của Người là không một ai có thể phủ định và mọi người ai cũng kính phục Bác vô cùng vì điều ấy. Nhưng Bác thì lại là một con người luôn khiêm tốn và đặc biệt là vô cùng giản dị. Bác luôn không bao giờ tự hào thái quá về những hiểu biết của bản thân, luôn có ý thức học hỏi thêm cho dù là ở thời điểm nào, trong hoàn cảnh nào. Bác có lẽ cũng là vị chủ tịch duy nhất trên thế giới trước đây, hiện tại và sau này sống một lối sống giản dị kể từ những món ăn dân giã đến cách ăn mặc giản dị: bộ kaki cũ và đôi dép cao su. Đến cách nói chuyện, sinh hoạt của Bác cũng vô cùng giản dị khiến cho không ai là không yêu quý Bác. Vì vậy, ngay trong năm điều Bác dạy thanh niên cũng có hai đức tính khiêm tốn và giản dị.

"Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị". Sống khiêm tốn và giản dị chính là chìa khóa cho một cuộc sống tốt đẹp và lành mạnh.

 

Nhị Thanh

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,742,439 lượt

Số người online:2,129 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn