Một số điểm mới về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP

Ngày 18/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9/2020. Nghị định đã áp dụng thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức kể cả người đã nghỉ việc, nghỉ hưu; riêng người làm việc trong tổ chức cơ yếu thì việc xử lý kỷ luật thực hiện theo quy định của pháp luật về cơ yếu.

Nghị định số 112/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành nhằm đồng bộ với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, đã quy định xử lý kỷ luật cả 03 đối tượng là cán bộ, công chức và viên chức, mà trước đây 04 Nghị định có quy định các nội dung liên quan đến việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức và viên chức sẽ được bãi bỏ gồm: Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức. Nội dung liên quan đến xử lý kỷ luật viên chức được quy định tại Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức. Chương 6 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn. Nội dung liên quan đến xử lý kỷ luật cán bộ được quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức. Theo đó, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP có một số điểm mới sau:

 

Thứ nhất, quy định về đối tượng áp dụng, Điều 1 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP đã bổ sung đối tượng áp dụng là: “Cán bộ, công chức và viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu”, đây là quy định hoàn toàn mới so với các nghị định trước đây. Đồng thời, Điều 22 Nghị định quy định thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu như sau: Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ, chức danh thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh cao nhất ra quyết định xử lý kỷ luật. Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh ra quyết định xử lý kỷ luật. Đối với người giữ chức vụ, chức danh trong cơ quan hành chính nhà nước do Quốc hội phê chuẩn thì Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý kỷ luật.

 

Thứ hai, quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật,bên cạnh kế thừa các nguyên tắc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức và viên chức của các nghị định trước, Điều 2 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP bổ sung thêm nguyên tắc trong xử lý kỷ luật cán bộ, công chức và viên chức: “công khai, minh bạch”; không tách riêng từng nội dung vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau; trường hợp cán bộ, công chức và viên chức đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức xử lý kỷ luật hành chính phải đảm bảo ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng; cán bộ, công chức và viên chức có hành vi vi phạm lần đầu đã bị xử lý kỷ luật mà trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực có cùng hành vi vi phạm thì bị coi là tái phạm; ngoài thời hạn 24 tháng thì hành vi vi phạm đó được coi là vi phạm lần đầu nhưng được tính là tình tiết tăng nặng khi xem xét xử lý kỷ luật.

 

Thứ ba, quy định về các trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật,Điều 4 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định các trường hợp cán bộ, công chức và viên chức vi phạm được miễn trách nhiệm kỷ luật. Ngoài 03 trường hợp đã được quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP, Nghị định số 27/2012/NĐ-CP và Nghị định số 35/2005/NĐ-CP thì Nghị định số 112/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật là: “Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời”.

 

Thứ tư, quy định về thời hạn xử lý kỷ luật, khoản 1 Điều 5 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định thời hạn xử lý kỷ luật đối với công chức không quá 90 ngày, so với quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định số 34/2011/NĐ-CP thì thời hạn xử lý kỷ luật công chức tối đa là 02 tháng. Đồng thời, khoản 3 Điều 5 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định trường hợp vụ việc có liên quan đến nhiều người, có tang vật, phương tiện cần giám định hoặc có tình tiết phức tạp khác cần thời gian để làm rõ thêm thì cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật, nhưng không quá 150 ngày, so với quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định số 34/2011/NĐ-CP thì tối đa không quá 04 tháng.

 

Thứ năm, quy định về các hành vi bị xử lý kỷ luật,các nghị định trước đây không quy định các hành vi bị xử lý kỷ luật mà đối với từng hình thức kỷ luật sẽ liệt kê các hành vi cụ thể. Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP đã bổ sung quy định các hành vi bị xử lý kỷ luật gồm:“Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức ; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật”. Đồng thời, khoản 2 Điều 6 bổ sung quy định mức độ của hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức và viên chức: Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng, vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, cấp có thẩm quyền sẽ dựa trên các mức độ của hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức và viên chức để đưa ra hình thức xử lý kỷ luật tương ứng.

 

Thứ sáu, quy định về các hình thức kỷ luật đối với công chức,khoản 3 Điều 7Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định các hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gồm 05 hình thức: “a. Khiển trách; b. Cảnh cáo; c. Giáng chức; d. Cách chức; đ. Buộc thôi việc”. Theo đó, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP đã bỏ hình thức kỷ luật “Hạ bậc lương” áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 8 của Nghị định số 34/2011/NĐ-CP.

 

Có thể thấy, với sự ra đời của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP, Chính phủ đã thống nhất và đồng bộ hóa các quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức trong một văn bản. Qua đó giúp việc áp dụng vào thực tế được thuận lợi và đạt hiệu quả./.

 

Quốc Việt 

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 Tiếp

Số lượt truy cập:7,742,179 lượt

Số người online:1,116 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn