Kiểm sát việc ra Quyết định và tổ chức Thi hành án dân sự thực trạng và giải pháp

Cơ quan thi hành án dân sự (THADS) tổ chức thi hành bản án, quyết định theo quy định của pháp luật. Trong quá trình tổ chức thi hành án, nếu phát hiện bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành thì có quyền yêu cầu Tòa án giải thích, sửa chữa, bổ sung hoặc bản án, quyết định có vi phạm pháp luật thì có quyền kiến nghị người có thẩm quyền xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật.

Thực trạng công tác kiểm sát THADS

Điểm đ khoản 1 Điểu 23 Luật THADS năm 2014 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng Cơ quan THADS. Quy định này là rất cần thiết, không những là nhiệm vụ, quyền hạn mà còn là trách nhiệm của Cơ quan THADS đối với bản án, quyết định mà mình có trách nhiệm tổ chức thi hành. Khi ban hành bản án, quyết định Tòa án có thẩm quyền không tránh khỏi thiếu sót, vi phạm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cơ quan THADS không chỉ tổ chức thi hành bản án, quyết định mà còn kiểm tra tính đúng đắn, có căn cứ của bản án, quyết định mà mình đưa ra thi hành, để cùng với cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết vụ việc được chính xác, thấu tình đạt lý, có căn cứ, đúng pháp luật, nhằm hạn chế vi phạm pháp luật trong xét xử và thi hành án. Vì thế, nêu cao tinh thần trách nhiệm của Cơ quan THADS đối với việc thi hành bản án, quyết định là rất cần thiết, có ý nghĩa thiết thực đối với quá trình giải quyết vụ án, đảm bảo giải quyết vụ án đúng pháp luật, hạn chế sai sót, vi phạm pháp luật. Do đó, pháp luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của Thủ trương Cơ quan THADS đối với bản án, quyết định không đủ điều kiện đưa ra thi hành nhưng trong thực tiễn Thủ trưởng Cơ quan THADS vẫn chưa thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình nên còn để xảy ra vi phạm pháp luật, gây bức xúc cho nhân dân. 

Kiểm sát việc ra quyết định THADS
Qua thực tiễn cho thấy, có những bản án, quyết định vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, nhất là các vụ án dân sự, nếu thi hành án thì gây hậu quả khó khắc phục. Cơ quan THADS thấy sai nhưng không dừng lại để áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 23 Luật THADS kiến nghị người có thẩm quyền xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà cứ tìm mọi cách tổ chức thi hành theo bản án, quyết định dẫn đến vi phạm pháp luật hoặc để án tồn đọng kéo dài. Nếu tổ chức thi hành thì đương sự chống đối quyết liệt, dư luận không đồng tình, cơ quan, tổ chức không ủng hộ mà kiến nghị người có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định thì không được lòng người được thi hành án.
Chẳng hạn, Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số 03/QĐ-CCTHADS ngày 12/5/2021 của Chi cục THADS huyện H, tỉnh V: “Buộc Nguyễn Văn A chặt toàn bộ cây Sầu Đông trồng trên thửa đất số 12, tờ bản đồ số 23, diện tích 12.200m2 để trả lại đất cho Trần Văn B (có sơ đồ kèm theo (tờ bản đồ số 10, không có ghi số thửa đất))”. Nguyễn Văn A không nhận quyết định thi hành án vì sơ đồ kèm theo Quyết định thi hành án vẽ theo Bản đồ số 10 (không ghi thửa đất số mấy, không ghi tứ cận thửa đất) chứ không phải sơ đồ kèm theo là Bản đồ số 23 và A không có trồng cây Sầu Đông trên đất như nội dung Quyết định thi hành án, nên không có căn cứ để A thi hành. 
Kết quả xác minh điều kiện thi hành án của Chi cục THADS huyện H, tỉnh V thì trên thửa đất số 12, tờ bản đồ số 23, diện tích 12.200m2 không có trồng cây Sầu Đông mà trên thửa đất có nhiều loại cây như dừa, tre và loại cây trồng khác. Thế nhưng, Chi cục THADS huyện H cứ tổ chức thi hành, A chống đối quyết liệt nên Chi cục THADS huyện H ban hành Công văn số 45/CCTHADS ngày 21/7/2021 yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh V giải thích Bản án phúc thẩm số 21/2021/DSPT ngày 20/4/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh V đã có hiệu lực pháp luật, theo đó Bản án phúc thẩm số 21 giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 78/2020/DSST ngày 10/12/2020 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh V, có nội dung: “Buộc Nguyễn Văn A chặt toàn bộ cây Sầu Đông trồng trên thửa đất số 12, tờ bản đồ số 23, diện tích 12.200m2 để trả lại đất cho Trần Văn B (có sơ đồ kèm theo (tờ bản đồ số 10, không có ghi số thửa đất))”. Trong trường hợp này Tòa án cấp phúc thẩm không thể căn cứ quy định tại Điều 268 BLTTDS để ra quyết định sửa chữa, bổ sung bản án mà chỉ báo cáo người có thẩm quyền xem xét tái thẩm đối với Bản án phúc thẩm số 21 hoặc giải thích Bản án theo Công văn số 45 của Chi cục THADS huyện H, tỉnh V. Theo đó, Tòa án cấp phúc thẩm có Công văn số 24/TA ngày 01/8/2021 giải thích Bản án số 21 với nội dung: “Buộc Nguyễn Văn A chặt toàn bộ cây kể cả cây Sầu Đông, dừa, cây tre và cây trồng khác trồng trên thửa đất số 12, tờ bản đồ số 23, diện tích 12.200m2 để trả lại đất cho Trần Văn B (có sơ đồ kèm theo (tờ bản đồ số 10, không có ghi số thửa đất))”.  
Căn cứ theo Công văn số 24 Chi cục THADS huyện H, tỉnh V ra Quyết định số 56/QĐ-CCTHADS ngày 07/8/2021 sửa đổi, bổ sung Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số 03/QĐ-CCTHADS ngày 12/5/2021 của Chi cục THADS huyện H, tỉnh V với nội dung: “Buộc Nguyễn Văn A chặt toàn bộ cây kể cả cây Sầu Đông, dừa, cây tre và cây trồng khác trồng trên thửa đất số 12, tờ bản đồ số 23, diện tích 12.200m2 để trả lại đất cho Trần Văn B (có sơ đồ kèm theo (tờ bản đồ số 10, không có ghi số thửa đất))”.
Nguyễn Văn A không nhận Quyết định số 56 vì Quyết định thi hành án ban hành trái pháp luật, nội dung Quyết định thi hành án số 56 không có trong Bản án phúc thẩm số 21 còn Công văn số 24 thì Tòa án không gửi cho A nên A không biết. Hơn nữa, Công văn số 24 không phải là văn bản tố tụng bắt buộc cơ quan THADS hay các đương sự phải thi hành mà đó chẳng qua là văn bản giải thích cho rõ nội dung trong Bản án phúc thẩm số 21 để Chấp hành viên hiểu thực hiện cho đúng bản án, quyết định của Tòa án. Nếu Tòa án giải thích mà vẫn không thực hiện được thì Cơ quan THADS căn cứ điểm đ khoàn 1 Điều 23 Luật THADS kiến nghị người có thẩm quyền xem xét Bản án phúc thẩm số 21 theo thủ tục tái thẩm. Thế nhưng, Cơ quan THADS huyện H không thực hiện đúng quy định của Luật THADS mà cứ kiên quyết tổ chức thi hành Quyết định số 56, gây bức xúc đối với người phải thi hành án.
Qua công tác kiểm sát THADS Kiểm sát viên (KSV), Kiểm tra viên (KTV) phát hiện vi phạm của cơ quan THADS trong việc ra quyết định thi hành án trái pháp luật thì kịp thời báo cáo lãnh đạo Viện ban hành kiến nghị hay kháng nghị để khắc phục, tránh gây ra hậu quả khó lường.

Kiểm sát việc tổ chức THADS  
Chi cục THADS huyện H là cơ quan trực tiếp thi hành bản án, quyết định của Tòa án, trong thực tiễn Cơ quan THADS nhận không ít bản án, quyết định của Tòa án có thiếu sót, vi phạm pháp luật, khó thi hành. Cơ quan THADS đã làm hết trách nhiệm của mình đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự nhưng Tòa án không giải quyết hoặc có văn bản giải quyết nhưng không có căn cứ, không đúng văn bản yêu cầu, kiến nghị của Cơ quan THADS hoặc không đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự, gây không ít khó khăn, phức tạp cho việc tổ chức thi hành án; trong đó có nguyên nhân do pháp luật chưa quy định cơ chế giải quyết và chế tài đối với việc giải quyết vụ việc trái pháp luật, dẫn đến Cơ quan THADS thấy sai vẫn cứ làm. Do vậy, khi đưa bản án, quyết định ra thi hành, người phải thi hành án phản ứng gay gắt, khiếu nại liên tục, kéo dài, vượt cấp nhưng Cơ quan THADS cho rằng nhiệm vụ của Cơ quan thi hành án dân sự là chỉ thi hành theo bản án, quyết định của Tòa án nên cứ làm ngơ, vô tình trước sự bức xúc của người phải thi hành án, làm mất niềm tin với người phải thi hành án nói riêng và nhân dân nói chung.
Muốn thực hiện quyền hạn kiến nghị người có thẩm quyền xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật thì phải có căn cứ, đúng pháp luật. Do đó, nếu  chỉ dựa vào bản án, quyết định hoặc lời trình bày của đương sự là chưa đủ mà Cơ quan THADS phải tiến hành thu thập chứng cứ, tài liệu, … Thế nhưng, Cơ quan THADS không chịu xác minh điều kiện thi hành án để thu thập chứng cứ, tài liệu có liên quan để kiến nghị người có thẩm quyền xem xét bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo quy định của pháp luật mà cứ tổ chức thi hành án mặc cho đương sự liên tục khiếu nại, phản ứng. Do đó, KSV, KTV cần tăng cường kiểm sát THADS để phát hiện vi phạm của Cơ quan THADS và báo cáo lãnh đạo Viện ban hành kiến nghị hay kháng nghị, nhằm bảo đảm cho pháp luật thi hành án dân sự được thi hành thống nhất để tránh gây ra hậu quả khó khắc phục. 

Một số lưu ý khi kiểm sát THADS
Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, Cơ quan THADS, chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc THADS. Do đó, để pháp luật THADS được tuân thủ thống nhất, KSV, KTV khi thực hiện nhiệm vụ cần phải tăng cường kiểm sát việc cấp, chuyển giao, giải thích, sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định của Tòa án; yêu cầu chấp hành viên, Cơ quan THADS cùng cấp, cấp dưới ra quyết định về thi hành án, gửi các quyết định về thi hành án; thi hành đúng bản án, quyết định; tự kiểm tra việc thi hành án và thông báo kết quả kiểm tra cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; yêu cầu cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc thi hành án theo quy định của Luật THADS; trực tiếp kiểm sát hoạt động THADS của Cơ quan THADS cùng cấp và cấp dưới, chấp hành viên, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan; ban hành kết luận kiểm sát khi kết thúc việc kiểm sát; tham gia phiên họp của Tòa án xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước và phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân về việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước; kiến nghị xem xét hành vi, quyết định liên quan đến thi hành án dân sự có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng của Tòa án, Cơ quan THADS cùng cấp hoặc cấp dưới, yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý người vi phạm; kiến nghị cơ quan, tổ chức liên quan có thiếu sót, vi phạm trong hoạt động quản lý khắc phục nguyên nhân, điều kiện dẫn tới vi phạm pháp luật và áp dụng các biện pháp phòng ngừa; kháng nghị hành vi, quyết định của thủ trưởng, chấp hành viên Cơ quan THADS cùng cấp, cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; yêu cầu đình chỉ việc thi hành, thu hồi, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ quyết định thi hành án có vi phạm pháp luật trong việc thi hành án, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật bảo đảm cho pháp luật được tuân thủ thống nhất, tránh gây ra hậu quả trong công tác thi hành án dân sự. 

Giải pháp, kiến nghị
Để cho pháp luật THADS được thi hành thống nhất cơ quan thẩm quyền cần quy định trình tự, thủ tục thu thập tài liệu, chứng cứ để Cơ quan THADS tiến hành thu thập chứng cứ, tài liệu làm căn cứ kiến nghị người có thẩm quyền xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, pháp luật cần quy định trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc không thực hiện đúng quy định của pháp luật THADS về cung cấp tài liệu, chứng cứ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Cơ quan THADS thực hiện nhiệm vụ, đồng thời quy định chế tài nếu Cơ quan THADS không thực hiện đúng quy định của  pháp luật để án tồn đọng, kéo dài.
Đồng thời, phải quy định chế tài xử lý nghiêm đối với trường hợp Cơ quan THADS phát hiện bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật mà không ban hành văn bản kiến nghị hoặc ban hành văn bản kiến nghị không có căn cứ, không đúng pháp luật làm kéo dài thời gian thi hành án, nhằm bảo đảm việc ra quyết định và tổ chức THADS được công minh, chính xác, đúng pháp luật, bản án, quyết định được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất, hạn chế đến mức thấp nhất án tồn đọng kéo dài nhiều năm không thi hành để dư luận đồng tình ủng hộ./.
Thanh Nghị

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,724,052 lượt

Số người online:8,142 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn