Kháng nghị phúc thẩm, kiến nghị, thông báo rút kinh nghiệm là những chỉ tiêu nghiệp vụ được quy định trong Hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong ngành KSND (ban hành kèm theo Quyết định số 139/QĐ-VKSTC ngày 29/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao, thay thế Quyết định số 379/QĐ-VKSTC ngày 10/10/2017).
Để hoàn thành Chương trình công tác của Phòng, bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ THQCT- KSXX phúc thẩm thì việc nâng cao số lượng, chất lượng các chỉ tiêu nghiệp vụ nêu trên cũng là nhiệm vụ rất quan trọng nên Phòng THQCT- KSXX phúc thẩm án hình sự (Phòng 7) xác định phải tăng cường công tác kiểm sát bản án bởi vì kiểm sát bản án không chỉ là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát xét xử được quy định tại khoản 3 Điều 267 BLTTHS mà đây còn là nguồn chính để phát hiện vi phạm nhằm thực hiện công tác kháng nghị phúc thẩm, kiến nghị, thông báo rút kinh nghiệm... theo chức năng của Phòng. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác kiểm sát bản án nên liên tục nhiều năm qua (từ 2018-2020), Phòng 7 đã chọn công tác “Nâng cao chất lượng kiểm sát bản án hình sự sơ thẩm nhằm phát hiện vi phạm để kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật” làm khâu công tác đột phá của đơn vị và đã thu được những kết quả đáng ghi nhận.
Mặc dù trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch nên việc xét xử của Toà án hai cấp ở tỉnh Bình Định có những khoảng thời gian bị gián đoạn; theo đó, số lượng án xét xử cũng ít hơn so với các năm trước nhưng các chỉ tiêu nghiệp vụ của Phòng 7 vẫn đạt được những kết quả đáng kể: 15 kháng nghị phúc thẩm, 07 kiến nghị, 08 thông báo rút kinh nghiệm (Năm 2018: 07 kháng nghị phúc thẩm, 13 kiến nghị, 15 thông báo rút kinh nghiệm; Năm 2019: 12 kháng nghị phúc thẩm, 12 kiến nghị, 10 thông báo rút kinh nghiệm). Do thực hiện tốt công tác THQCT–KSXX phúc thẩm; các chỉ tiêu nghiệp vụ đều đạt và vượt; cũng như các nhiệm vụ khác do lãnh đạo VKS tỉnh giao Phòng đều hoàn thành tốt nên liên tục 3 năm 2018-2019- 2020, Phòng 7 đều đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” và Cờ thi đua dẫn đầu khối của Ngành. Để thực hiện chất lượng, hiệu quả khâu công tác đột phá, Phòng 7 đã đề ra và làm tốt các giải pháp sau đây:
1. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo điều hành
Ngay từ đầu năm, khi đơn vị triển khai Chương trình công tác, lãnh đạo Phòng đã quán triệt, chỉ đạo cán bộ, Kiểm sát viên tập trung thực hiện tốt khâu công tác đột phá đã chọn và quyết tâm thực hiện. Do điều kiện số lượng án nhiều, tăng đều từng năm, trong khi đó số lượng cán bộ, Kiểm sát viên giới hạn nên vấn đề quan trọng đầu tiên là phải có sự phân công nhiệm vụ một cách sát đúng, khoa học. Lãnh đạo Phòng đã phân công từng Kiểm sát viên phụ trách kiểm sát bản án ở một số địa bàn cấp huyện nhất định. Cụ thể, đồng chí Trưởng phòng 03 đơn vị, đồng chí Phó trưởng phòng 04 đơn vị, đồng chí Kiểm sát viên trung cấp 04 đơn vị; đồng thời cũng giao các đồng chí Kiểm sát viên sơ cấp giúp các đồng chí Kiểm sát viên trung cấp kiểm sát bản án ở những địa bàn cụ thể, một mặt giảm bớt khối lượng công việc cho các đồng chí Kiểm sát viên trung cấp nhưng mặt khác tạo điều kiện để các Kiểm sát viên trẻ tiếp cận công việc chuyên môn, rèn luyện và nâng cao kỹ năng kiểm sát bản án.
Để thực hiện công tác đột phá có hiệu quả, yêu cầu nâng cao trách nhiệm, tính nêu gương của người đứng đầu đơn vị là một nội dung quan trọng. Lãnh đạo đơn vị, cụ thể là đồng chí Trưởng phòng phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ, làm chỗ dựa vững chắc về công tác chuyên môn cho tập thể đơn vị. Sau khi các đồng chí Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ kiểm sát bản án thì đồng chí Trưởng phòng phải kiểm tra bản án lại một lần nữa để xác định có hay không vi phạm,thiếu sót của bản án, qua đó đánh giá được trách nhiệm cũng như năng lực kiểm sát bản án của Kiểm sát viên trong đơn vị. Chính vì vậy, khối lượng công việc và trách nhiệm của đồng chí Trưởng phòng là rất lớn. Do yêu cầu của công tác quản lý, yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ, đồng chí Trưởng phòng phải đọc tất cả các bản án sơ thẩm của cấp huyện gửi. Vì là người kiểm tra cuối cùng nên Trưởng phòng phải đề cao đức tính cẩn thận, nắm chắc các quy định của pháp luật, không cho phép mình được phép “sai số” khi trực tiếp kiểm sát bản án cũng như kiểm tra lại Phiếu kiểm sát bản án của Kiểm sát viên. Khi phát hiện những vi phạm, thiếu sót trong bản án mà Kiểm sát viên không nhận biết được trong quá trình kiểm sát bản án thì trao đổi, nhắc nhở, hướng dẫn để các đồng chí đó rút kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng thực hiện nhiệm vụ.
Thực tiễn đã chỉ ra rằng, công tác kiểm sát bản án có chất lượng là tiền đề để thực hiện tốt công tác kháng nghị phúc thẩm. Đây là một nhiệm vụ quan trọng của ngành KSND nên cần có sự quan tâm chỉ đạo của Viện trưởng Viện KSND hai cấp; phải “gắn trách nhiệm của Viện trưởng Viện KSND cấp tỉnh, cấp huyện trong việc kháng nghị bản án, Quyết định của Toà án nhân dân cùng cấp” như Chỉ thị công tác số 01 ngày 20/12/2017 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về công tác của ngành kiểm sát nhân năm 2018 đã nêu. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, từ năm 2018, Phòng 7 đã xây dựng và tập huấn Chuyên đề “Kỹ năng kiểm sát bản án hình sự sơ thẩm” trong ngành KSND tỉnh Bình Định; tăng cường thông báo rút kinh nghiệm, qua đó yêu cầu Viện trưởng cấp huyện phải quan tâm chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc công tác kiểm sát bản án. Vì vậy, chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát bản án của Viện KSND hai cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực; ở các Hội nghị giao ban trực tuyến, được sự phân công của lãnh đạo Viện, đồng chí Trưởng phòng cũng thường xuyên quán triệt kỹ năng kiểm sát bản án hoặc thông báo rút kinh nghiệm trong hoạt động xét xử để cán bộ, Kiểm sát viên được giao công tác THQCT – KSXX án hình sự tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng thực hiện nhiệm vụ.
Đồng chí Trường phòng Phòng 7 thực hiện kiểm tra lại bản án HSST do các đồng chí Kiểm sát viên Trung cấp đã kiểm sát.
2. Đối với cán bộ, Kiểm sát viên
Điều thuận lợi đối với cán bộ, kiểm sát viên Phòng 7 là năm 2018 qua thực tiễn công tác, Phòng đã xây dựng chuyên đề “Kỹ năng Kiểm sát bản án hình sơ thẩm”. Chuyên đề được phổ biến, học tập, quán triệt tỷ mỷ trong đơn vị. Tiếp đến, ngày 05/8/2020, Viện KSND tối cao đã ban hành Hướng dẫn số 24/HD-VKSTC “hướng dẫn công tác kiểm sát bản án, quyết định của Toà án nhằm nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị, kiến nghị và thông báo rút kinh nghiệm của Viện KSND”. Tuy đã có các văn bản nêu trên, nhưng lãnh đạo Phòng yêu cầu tất cả các đồng chí Kiểm sát viên phải ra sức học tập, nghiên cứu, tích luỹ kỹ năng kiểm sát bản án bởi vì trong thực tiễn giải quyết công việc sẽ không có chuyên đề, bài giảng, quyển sách nào... dùng làm chìa khoá vạn năng để thay hoặc hướng dẫn hết mọi trường hợp để kiểm sát bản án. Vì vậy, lãnh đạo Phòng yêu cầu trên cơ sở nghiên cứu các văn bản của ngành, của đơn vị, từng đồng chí phải xây dựng cho mình kỹ năng kiểm sát bản án của bản thân và thành thục kỹ năng này trong hoạt động hàng ngày. Đó là kỹ năng đọc, nghiên cứu, phát hiện vi phạm, áp dụng căn cứ pháp luật ... của từng loại án, tội danh; yêu cầu các đồng chí cán bộ, Kiểm sát viên khi nghiên cứu bản án phải đọc cụ thể, chi tiết, tỷ mỷ; việc đọc qua loa, đại khái sẽ không phát hiện được hoặc bỏ sót vi phạm đồng thời yêu cầu cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện đúng Quy chế, quy trình làm việc của ngành, của đơn vị.
Nâng cao trách nhiệm của Kiểm sát viên trong quá trình kiểm sát bản án. Tuy tất cả các Bản án kèm theo Phiếu kiểm sát bản án của Kiểm sát viên đều được chuyển cho Trưởng phòng kiểm tra nhưng không phải vì thế mà Kiểm sát viên không phải chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ kiểm sát bản án. Trước hết, Kiểm sát viên phải chịu trách nhiệm chính về việc đọc, phát hiện và không phát hiện được những thiếu sót, vi phạm trong bản án và chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng về kết quả kiểm sát của mình. Trưởng phòng không làm thay nhiệm vụ của Kiểm sát viên mà kiểm tra kết quả phát hiện vi phạm trong bản án và cách xử lý vi phạm đó của Kiểm sát viên như thế nào?
Trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo Phòng luôn quan tâm đến việc xây dựng mối đoàn kết, cộng sự trong đơn vị. Phòng 7 là tập thể đoàn kết, nhất trí cao; các thành viên trong Phòng có ý thức hợp tác phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ chung. Đây là vấn đề rất quan trọng khi vận hành của một tổ chức, đơn vị dù lớn hay bé; chỉ cần thiếu sự cộng sự, chung sức hoặc mất đoàn kết thì dù có đề ra bao nhiêu giải pháp đi nữa thì nhiệm vụ công tác cũng không thể đạt kết quả như mong muốn.
3. Công tác phối hợp
Công tác phối hợp được Phòng 7 quan tâm. Trước hết, là quan hệ phối hợp với Viện kiểm sát cấp cao 2 trong việc thống nhất nhận thức pháp luật và áp dụng pháp luật. Thực tiễn xét xử án hình sự ở địa phương cho thấy vẫn có không ít những quy định pháp luật có những nhận thức, cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất. Phòng đã trao đổi trực tiếp với Viện 1 Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng (đồng chí Viện trưởng Viện 1 hoặc đồng chí KSV phụ trách địa bàn) để có sự hỗ trợ về nhận thức, áp dụng pháp luật.
Trong quá trình kiểm sát bản án, Phòng 7 đã phối hợp với Toà án nhân dân tỉnh Bình Định trong việc đánh giá vi phạm tại các bản án sơ thẩm của cấp huyện để tạo sự thống nhất trong việc đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật của hai ngành. Vì vậy, các kháng nghị phúc thẩm mà Phòng tham mưu cho lãnh đạo luôn đảm bảo tính có căn cứ, đúng quy định của pháp luật; tỉ lệ chấp nhận kháng nghị cao.
Thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn công tác THQCT – KSXX sơ thẩm án hình sự cho cấp huyện, trong những năm qua, Phòng 7 đã kịp thời, chính xác trong việc hướng dẫn cấp huyện xác định đúng vi phạm để tiến hành kháng nghị ngang cấp theo thẩm quyền. Đồng thời, Phòng cũng đã thực hiện tốt quan hệ phối hợp với các Phòng nghiệp vụ Viện KSND tỉnh Bình Định (Phòng 1, 2) trong việc hướng dẫn, trả lời khi có thỉnh thị của cấp huyện, giúp cấp huyện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, kiểm sát điều tra./.
Hồ Kim Yến