Phòng 9 - Viện KSND tỉnh Bình Định tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án dân sự

Vừa qua Phòng 9 - Viện KSND tỉnh Bình Định đã bảo vệ thành công kháng nghị của Viện KSND huyện Tuy Phước, đồng thời cũng là vụ án Phòng 9 xét chọn để phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đảm bảo các tiêu chí theo Hướng dẫn số 32/HD/VKSTC của Viện KSND tối cao về việc lựa chọn, tham gia các phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm rèn luyện bản lĩnh và nâng cao kỹ năng nghiệp vụ của Kiểm sát viên qua các phiên tòa thực tế.

Đây là một trong những phiên tòa được diễn ra trong tình hình cả nước đang chung tay phòng ngừa đại dịch covid 19. Do đó, việc chấp hành quy định về phòng chống dịch bệnh của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng rất được chú trọng. Cán bộ, Kiểm sát viên và đương sự, khi đến tham gia các phiên họp và phiên tòa xét xử đều đeo khẩu trang, sử dụng xà phòng diệt khuẩn trước và sau khi làm việc. Các phòng xét xử đảm bảo thực hiện giãn cách, người tham gia phiên tòa trước khi vào trụ sở phải đo thân nhiệt, bắt buộc đeo khẩu trang và khuyến cáo rửa tay thường xuyên.

Vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu chia di sản thừa kế ” giữa: Nguyên đơn: Bà Đặng Thị Luyến, sinh năm 1938; bị đơn: Ông Đào Trọng Sơn, sinh năm 1969được tóm tắt như sau:
Cha mẹ chồng bà là Đào Bá Tiến và Trương Thị Anh, ông Tiến chết thời gian nào không nhớ. Bà Anh chết năm 2009, có 3 người con: Đào Trọng Quế (chết năm 1968), Đào Thị Mỹ Ảnh (chết năm 2005) và Đào Thị Thạnh.
Về nguồn gốc đất các bên đương sự đều thừa nhận từ phía gia đình chồng bà Luyến để lại cho vợ chồng bà cất nhà ở. Từ năm 1961 đến năm 1975 do hoàn cảnh chiến tranh nên gia đình bà phải bỏ nhà cửa, đất đai đi tản cư địch ở địa phương khác. Sau năm 1975 gia đình bà Luyến về lại thôn Tùng Giản xã Phước Hòa xây dựng lại nhà để ở, bà khai khi xây nhà có xin phép ông Chủ tịch xã Phước Hòa nhưng cũng chỉ xin miệng và không có giấy tờ gì chứng minh. Về phía nguyên đơn và UBND xã Phước Hòa cũng không cung cấp chứng cứ nào khẳng định Nhà nước ra quyết định thu hồi thửa đất hoặc cấp xét duyệt thửa đất này cho cá nhân bà Luyến. Mặc dù, từ sau năm 1975 đến nay bà Luyến đứng tên đăng ký kê khai và đóng thuế cho Nhà nước. Năm 2006 bà cắt một phần thửa đất chuyển nhượng cho vợ chồng con gái chị Đào Thị Thanh Hương (con riêng bà Luyến) và anh Nguyễn Văn Đức nhưng việc chuyển nhượng này được bà Trương Thị Anh và bà Đào Thị Thạnh (mẹ chồng và chị chồng bà Luyến) và con trai trưởng là ông Đào Trọng Lâm đồng ý. Năm 2018 bà Luyến làm hồ sơ đề nghị cấp giấy CNQSDĐ phần đất còn lại thì con trai bà là ông Đào Trọng Sơn cản trở.
Bà Luyến khởi kiện yêu cầu được công nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất hiện bà đang quản lý sử dụng; ông Sơn bà Hà (con ruột bà Luyến) yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Quế theo pháp luật vì đó không phải là tài sản riêng của bà. 

Bản án sơ thẩm số 107/2020/DS-ST ngày 21/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Tuy Phước tuyên xử:  
- Công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của bà Nguyễn Thị Luyến thửa đất số 111, tờ bản đồ số 44 là 470m2/ 498,7m2 đo đạc thực tế.
- Bác yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của ông Đào Trọng Sơn, Đào Thị Tuyết Hà về di sản ông Đào Trọng Quế để lại thửa đất số 111, tờ bản đồ số 44, diện tích 436,1m2, tọa lạc tại thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước vì đã hết thời hiệu khởi kiện.
Ông Sơn kháng cáo, Viện KSND huyện Tuy Phước kháng nghị theo hướng hủy án sơ thẩm.

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa Kiểm sát viên nhận thấy Bản án sơ thẩm có nhiều vi phạm

- Bỏ sót người tham gia tố tụng 
Xét về hàng thừa kế của ông Đào Trọng Quế gồm có: Mẹ ruột Trương Thị Anh, vợ là bà Đặng Thị Luyến, con gồm 3 người: ông Võ Trọng Lâm, Võ Trọng Sơn và Đào Thị Tuyết Hà. Vì bà Trương Thị Anh (chết năm 2009) cần phải đưa các con của bà Anh là bà Đào Thị Thạnh và bà Đào Thị Mỹ Ảnh tham gia tố tụng nhưng bà Ảnh (chết năm 2005), chồng bà Phạm Văn Quý đã chết (không nhớ năm) và 8 người con bà Ảnh (Phạm Đào Thu An, Phạm Đào Thu Thủy, Phạm Đào Thu Thùy, Phạm Đào Thu Thảo, Phạm Đào Thu Nguyệt, Phạm Trọng Khiêm, Phạm Gia Phát, Phạm Gia Triển) đều sinh sống ở Mỹ cũng được tham gia tố tụng với tư cách là người thừa kế của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không xác minh thu thập đưa họ tham gia tố tụng là bỏ lọt người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của họ, Tòa án đã vi phạm nghiêm trọng các Điều 68, 74 Bộ luật tố tụng dân sự.
Quang cảnh phiên tòa dân sự phúc thẩm

- Chưa thu thập đầy đủ chứng cứ để xác định di sản thừa kế 
Sau chiến tranh, gia đình bà Luyến về lại thôn Tùng Giản xã Phước Hòa xây dựng lại nhà để ở, bà khai khi xây nhà có xin phép ông Chủ tịch xã Phước Hòa nhưng cũng chỉ xin miệng và không có giấy tờ gì chứng minh. Về phía nguyên đơn và UBND xã Phước Hòa cũng không cung cấp chứng cứ nào khẳng định Nhà nước ra quyết định thu hồi thửa đất hoặc cấp xét duyệt thửa đất này cho cá nhân bà Luyến. Tòa án cấp sơ thẩm cũng không thu thập tài liệu chứng tỏ diện tích đất bà Luyến kê khai có phải là tài sản riêng của bà Luyến hay không. Việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên công nhận quyền sử dụng thửa đất nói trên cho bà Luyến là không phù hợp chứng cứ và tình tiết khách quan của vụ án làm ảnh hưởng quyền lợi của các đồng thừa kế của ông Đào Trọng Quế. 

- Xác định thời hiệu chia thừa kế không đúng với quy định của pháp luật và các hướng dẫn thi hành 
Ông Quế chết năm 1968 nhưng theo đơn phản tố đề ngày 14/3/2020 ông Sơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế. Mặc dù, từ thời điểm ông Quế chết đến thời điểm ông Sơn yêu cầu chia di sản thừa kế là 52 năm nhưng áp dụng theo tinh thần hướng dẫn tại Công văn số 01 ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn về thời hiệu khởi kiện qui định tại Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo qui định tại Điều 36 Pháp lệnh thừa kế năm 1990 và Hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng thẩm phán TANDTC cụ thể thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10/9/1990. Do vậy, thời hiệu khởi kiện trong vụ án này được tính từ ngày 10/9/1990 là vẫn còn thời hiệu theo qui định tại Điều 623 BLDS năm 2015. Việc Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng đã hết thời hiệu chia di sản thừa kế là chưa áp dụng đúng các quy định của pháp luật về thừa kế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa có tác phong trang nghiêm, chuẩn mực, đã chủ động kiểm sát chặt chẽ việc chấp hành thủ tục tố tụng của HĐXX, Thư ký và các bên đương sự. Quá trình tham gia hỏi tại phiên tòa, Kiểm sát viên chủ động đặt câu hỏi trọng tâm, ngắn gọn nhằm làm rõ nội dung tranh chấp, chứng cứ vụ án; xử lý linh hoạt các tình huống phát sinh tại phiên tòa. Quá trình phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, HĐXX và việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng, Kiểm sát viên thể hiện tác phong đĩnh đạc, tự tin, phát biểu rõ ràng, cụ thể quan điểm nhằm bảo vệ kháng nghị của Viện kiểm sát một cách thuyết phục. Trên cơ sở đó, HĐXX Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã chấp nhận quan điểm đề xuất của đại diện Viện KSND tỉnh Bình Định, tuyên chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát hủy bản án sơ thẩm.
Kiểm sát viên phát biểu quan điểm tại phiên tòa
Sau phiên tòa, Phòng 9 đã tổ chức họp rút kinh nghiệm phân tích những ưu điểm, hạn chế của Kiểm sát viên tại phiên tòa để rút kinh nghiệm cho Kiểm sát viên trong đơn vị đối với những vụ án phức tạp. Phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm được coi là một trong những giải pháp căn cơ, có hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ hàng năm theo Chỉ thị công tác của ngành KSND, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của khâu công tác này./.
Mai Thu Hà

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,742,437 lượt

Số người online:2,081 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn