Nhằm khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng, của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên; tạo phong trào thi đua sôi nổi chào mừng kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024) và 49 năm ngày giải phóng tỉnh Bình Định (31/3/1975 - 31/3/2024), ngày 23/3/2024, BCH Chi đoàn Viện KSND tỉnh tổ chức hoạt động “Về nguồn” tại huyện Vĩnh Thạnh.
Tham dự hoạt động về phía Viện KSND tỉnh có đồng chí Trần Văn Sang - Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy - Viện trưởng Viện KSND tỉnh cùng các đồng chí Bí thư Chi bộ, Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc; Ban Nữ công, BCH Chi đoàn và đoàn viên Chi đoàn.Về phía Viện KSND huyện Vĩnh Thạnh có đồng chí Đinh Văn Biểu - Bí thư Chi bộ, Viện trưởng cùng các đồng chí Lãnh đạo, cán bộ, công chức Viện KSND huyện.
Đồng chí Trần Văn Sang - Viện trưởng Viện KSND tỉnh (người đứng thứ 4 hàng đầu từ trái qua) cùng Đoàn làm lễ dâng hoa tại Tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh
Mở đầu hoạt động Đoàn đã tổ chức thăm, dâng hoa Tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh tại Đồi lâm viên - trung tâm huyện.Cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh là một mốc son trong lịch sử của nhân dân Bình Định và khu V trong suốt các thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây là cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên không chỉ của Nhân dân Bình Định trong chống Mỹ cứu nước, mà còn là của Nhân dân Liên khu V và miền Nam. Tiêu biểu cho tinh thần bất khuất anh hùng của Nhân dân Vĩnh Thạnh.Ngày 06/2/1959, Ban cán sự và già làng hai xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo đã huy động nhân dân 12 làng gồm: Tơ lok, Tơ lek, hai làng Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp) và các làng thuộc xã Vĩnh Hảo đoàn kết toàn dân đồng loạt tự vũ trang, nổi dậy đứng lên khởi nghĩa từng phần, đưa phong trào cách mạng Vĩnh Thạnh bước sang thời kỳ mới.
BCH Chi đoàn tổ chức dâng hoa tại Tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh
Đoàn chụp hình lưu niệm tại Tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh
Tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh là một công trình văn hóa - lịch sử có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, đó là mong muốn, là tâm huyết của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Vĩnh Thạnh, thể hiện lòng biết ơn và tri ân sâu sắc của thế hệ sau với những hy sinh quên mình của lớp người đi trước. Đồng thời, đây cũng là công trình ghi nhớ sự kiện lịch sử, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Chi đoàn thăm Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh Thành đá Tà Kơn
Tiếp đến, Đoàn đã tổ chức thăm, tham quan Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh Thành đá Tà Kơn thuộc Làng K8 (Kon Blo), xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Thành Tà Kơn là dãy núi các cột đá tự nhiên có trụ hình chữ nhật, có trụ hình lục giác xếp sít nhau thành một bức tường dài 500 - 600m, cao 30 - 40m, được hình thành do quá trình phun trào của núi lửa vào thời kỳ Đệ tứ kỷ cách nay hàng triệu năm, quá trình nâng lên của bề mặt trái đất, đã tạo nên những cột đá có dáng hình học xếp liền kề nhau như được gia công bởi bàn tay con người. Nơi đây từng là căn cứ thượng đạo của nghĩa quân Tây Sơn. Từ năm 1945 - 1962, là căn cứ cách mạng và quân giải phóng Vĩnh Thạnh trong kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ.
Đồng chí Trần Văn Sang - Viện trưởng Viện KSND tỉnh (người ngồi thứ 5 hàng đầu tính từ trái qua) cùng Đoàn chụp hình lưu niệm tại Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh Thành đá Tà Kơn
Đến thành Tà Kơn, Đoàn không chỉ có dịp chiêm ngưỡng bức tường thành đá kỳ vĩ không nơi nào có được, mà còn đắm mình trong cảnh thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ của núi rừng nguyên sinh với một thảm thực vật đa dạng và phong phú.
Qua các hoạt động đã góp phần giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong cán bộ, đoàn viên thanh niên đơn vị và phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của Tuổi trẻ Viện KSND tỉnh trong việc chung sức xây dựng nông thôn mới tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu căn cứ cách mạng; góp phần đảm bảo an sinh xã hội./.
Nguyễn Trang