Viện KSND huyện Tây Sơn kiến nghị phòng ngừa vi phạm trong công tác hòa giải tranh chấp đất đai đối với UBND thị trấn Phú Phong

Đối với các tranh chấp quyền sử dụng đất, chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì xác định chưa đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Trình tự, thủ tục hòa giải, tranh chấp đất đai tại UBND xã được quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ. Thời hạn hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện không quá 45 ngày, kể từ ngày, nhận được đơn yêu cầu, giải quyết tranh chấp đất đai. Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản, biên bản hòa giải phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng, các bên tranh chấp có mặt tại buổi hòa giải, các thành viên tham gia hòa giải và phải đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã; đồng thời, phải được gửi ngay cho các bên tranh chấp và lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị Quyết 04/2017/NQ-HĐTP về việc trả lại đơn khởi kiện thì việc hòa giải đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất tại UBND cấp xã là thủ tục bắt buộc và cũng là điều kiện thụ lý vụ án tại Tòa án. Tuy nhiên, UBND thị trấn Phú Phong chưa thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về hòa giải tranh chấp đất đai như: Vi phạm thời hạn thực hiện thủ tục hòa giải theo khoản 3 Điều 202 Luật đất đai năm 2013. Thành phần tham dự hòa giải không đúng quy định như không có mặt của: Khối trưởng Khối 1A và đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó. Biên bản hòa giải không đóng dấu của UBND thị trấn Phú Phong. Việc UBND thị trấn Phú Phong, lập biên bản hòa giải không thành, không đúng quy định, dẫn đến việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị Thanh Hoa nhiều lần, kéo dài thời gian khiếu kiện, ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân, ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền địa phương.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, quản lý Nhà nước, trong công tác hoà giải ở cơ sở nhất là hoà giải về tranh chấp đất đai tại địa phương, Viện KSND huyện Tây Sơn đã ban hành kiến nghị đồng chí Chủ tịch UBND thị trấn Phú Phong, khắc phục những vi phạm còn hạn chế, thiếu sót trong công tác hoà giải. Đồng thời, yêu cầu UBND Thị trấn Phú Phong thực hiện công tác hòa giải lập Biên bản hòa giải đúng theo quy định Luật đất đai năm 2013,Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai và Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai.
Hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã đã góp phần giải quyết các tranh chấp khiếu kiện, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Mai Thìn

 

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:8,610,947 lượt

Số người online:1,607 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn