Trước thực trạng nạn tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Vân Canh không có chiều hướng giảm trong những năm qua, nhằm nâng cao nhận thức, tiến tới xóa bỏ những phong tục lạc hậu trong hôn nhân và ngăn ngừa tảo hôn trên địa bàn; đồng thời, hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11, chiều ngày 08/11/2024 tại Trường THCS Bán trú xã Canh Thuận, Viện KSND huyện đã phối hợp với UBND xã Canh Thuận tổ chức “Phiên tòa giả định”, phối hợp toạ đàm trao đổi các quy định của pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Dự phiên toà giả định có Lãnh đạo của Viện KSND huyện Vân Canh, Trưởng phòng Tư pháp UBND huyện, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Bí thư - Chủ tịch UBND xã Canh Thuận cùng đông đảo bà con Nhân dân, giáo viên và gần 300 em học sinh trường THCS Bán trú Canh Thuận theo dõi phiên toà.
Phiên tòa giả định tại trường THCS Bán trú Canh Thuận
Nội dung vụ án tại phiên toà giả định được xây dựng dựa vào vụ án thực tế đã xảy ra trên địa bàn huyện về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” theo quy định tại Điều 145 và tội “Tổ chức tảo hôn” theo quy định tại Điều 183 Bộ luật hình sự.
“Phiên tòa giả định” diễn ra với đầy đủ trình tự, thủ tục, thành phần theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Phần xét hỏi, tranh tụng và tuyên án tại phiên tòa đã giúp các em học sinh lứa tuổi thanh thiếu niên - có thể là nạn nhân của hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về hành vi phạm tội, mức án áp dụng cũng như hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, tính nghiêm minh của pháp luật.
Phiên tòa với sự tham gia đông đảo học sinh
Kết thúc phiên tòa, từ chính nội dung vụ án, diễn biến phiên toà, Viện KSND huyện và UBND xã Canh Thuận đã tổ chức phần thi trả lời các câu hỏi, giải đáp cho các em học sinh xoay quanh quy định của pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết, qua đó giúp các em học sinh tham dự phiên toà nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn các quy định của pháp luật về hành vi trên.
Hoạt động tuyên truyền bằng hình thức “Phiên tòa giả định” được xem là một cách làm đổi mới, hiệu quả trong công tác tuyên truyền pháp luật của Ngành Kiểm sát được cấp ủy địa phương đánh giá cao. Thông qua hoạt động nhằm giáo dục các em học sinh dân tộc thiểu số thấy được kết hôn và hôn nhân cận huyết thống không những vi phạm pháp luật, mà còn gây ra hậu quả xấu đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Từ chính sự hiệu quả của hoạt động tuyên truyền này góp phần vận động Nhân dân từng bước xóa bỏ những tập tục lạc hậu trong việc tổ chức kết hôn, lập gia đình, xây dựng nếp sống văn minh của cộng đồng người dân tộc thiểu số trên địa bàn./.
Kim Dung