Nâng cao nhận thức về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Định

Trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bình Định, tình trạng xâm hại tình dục đối với trẻ em ngày càng gia tăng, để lại nhiều hậu quả đau lòng cho nạn nhân và gia đình người bị hại. Trong 06 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ xâm hại tình dục trẻ em, gây xôn xao dư luận.

Đối tượng phạm tội không đơn thuần là lứa tuổi thanh niên như trước kia mà còn có trẻ em, trung niên, người cao tuổi, người thân thích (cha ruột, mẹ ruột, cha dượng) và thậm chí là cả giáo viên... Điều này đã gây hậu quả nặng nề cả về mặt thể chất lẫn tinh thần cho trẻ. Đã có những bé gái không thể phục hồi được tâm trí sau những vụ xâm hại tình dục. Đã có những bé gái bị cắt đi toàn bộ phần phụ sau khi bị xâm hại. Một đứa trẻ lành lặn, xinh đẹp, khỏe mạnh bỗng chốc trở thành tật nguyền về cả tầm hồn lẫn thể xác.

 

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em, nhưng nguyên nhân chính chủ yếu xuất phát từ gia đình: Một số cha mẹ xao nhãng, bỏ mặc con cái, tình trạng cha mẹ ly hôn, ly thân, mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… không có điều kiện chăm sóc, quản lý, giáo dục các em, thường để các em ở nhà một mình, gửi cho đối tượng không đáng tin cậy. Bên cạnh đó sự thiếu thốn tình cảm, sống trong hoàn cảnh gia đình không hoàn thiện, không được học hành chu đáo, các em bị lợi dụng, rủ rê vào các hành vi phạm tội và bị các đối tượng xấu dụ dỗ. Điển hình như một vụ án đau lòng, gây xôn xao dư luận về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” vừa xảy ra trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh: K và T ly hôn, cả hai có 02 người con chung là M, H; sau đó K chung sống như vợ chồng với N (M và H gọi N bằng cha dượng), hằng ngày K đi làm, để M, H ở nhà cùng N. Để thỏa mãn dục vọng thấp hèn, N nhiều lần giao cấu trái ý muốn của M (chưa đủ 12 tuổi), mặc cho M van xin, gào thét trong vô vọng. Càng đau lòng hơn, khi M kể lại câu chuyện bị xâm hại cho K nhưng K không tin tưởng M vì cho rằng M có thành kiến với mối quan hệ của K và N. Vì sự thiếu quan tâm, hờ hững của K mà M  phải chịu sự xâm hại thêm nhiều lần từ người cha dượng thú tính, phải bỏ học, tâm lý bị giày vò. May mắn thay, trong kỳ nghỉ hè, M được về nội chơi và kể lại câu chuyện đau lòng của mình cho cô ruột nghe, thì hành vi của người cha dượng N mới được phơi bày ra ánh sáng. Hay một câu chuyện đau lòng khác của bé B, sinh sống tại An Lão; mẹ B là K phải đến Tp. Quy Nhơn để làm ăn, để B sống cùng C – là bố ruột của B. Trong thời gian K đi làm việc tại Tp. Quy Nhơn, C đã nhiều lần xâm hại tình dục đối với B. Tội ác của N và B sẽ bị trừng trị bởi luật pháp, nhưng những vết sẹo về tinh thần của những đứa trẻ khó mà xóa mờ được, nó như một vết thương lòng đi theo cả phần đợi còn lại của các em.
Bên cạnh đó, bản thân phụ huynh không nhận thức được trường hợp nguy cơ cao trẻ bị xâm hại. Họ e ngại, thậm chí không dạy trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản. Hậu quả, trẻ thiếu kỹ năng phòng tránh, tự vệ và phản kháng để chống lại các hành vi lạm dụng. Nhiều vụ án mà bị can là người chưa thành niên (chưa đủ 16 tuổi), nghĩ rằng quan hệ tình dục giữa 2 người là sự tự nguyện, không biết rằng mọi hành vi giao cấu với người dưới 13 tuổi là phạm tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Điển hình như vụ Nguyễn Công T (chưa thành niên) có mối quan hệ tình cảm với cháu H (chưa đủ 13 tuổi); với tâm lý hiếu kì, thích tìm hiểu của trẻ vị thành niên nên T và H nhiều lần tự nguyện quan hệ tình dục. Khi gia đình cháu H phát hiện đã báo cáo với cơ quan điều tra; cơ quan điều tra đã khởi tố, điều tra vụ án theo quy định pháp luật. Hậu quả trên không chỉ do sự thiếu hiểu biết của chính bị can mà còn ở sự buông lõng, thiếu quan tâm, giáo dục từ gia đình.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác tuyên truyền các  chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em… Cần tăng cường sự phối hợp trao đổi thông tin giữa các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, chính quyền các cấp, trong đó vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền và gia đình là hai yếu tố rất quan trọng trong hoạt động thông tin, tuyên truyền. Về phía gia đình, đặc biệt là những bậc cha mẹ trước hết phải hiểu rõ về vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc phòng, chống xâm hại tình dục cho con, cháu của mình; sau đó phải trang bị cho bản thân và giáo dục, hướng dẫn cho con, cháu những kiến thức, những kỹ năng trong việc nhận diện, phòng, chống các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Đây có thể coi là nền tảng quan trọng, thiết thực với việc phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, với những nội dung tuyên truyền cụ thể về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm nói chung, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nói riêng. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân./.
Lê Ngọc

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:8,662,108 lượt

Số người online:2,254 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn