Tại phòng xét xử của TAND huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định chưa bao giờ có vụ án nào tranh chấp mà nguyên đơn nhiều như thế, cả nguyên đơn và bị đơn đều bị thiệt hại, trên khuôn mặt đương sự ai cũng đượm buồn vì mất đi tài sản mình cố gắng mới có được. Đó là những gì tôi cảm nhận được tại phiên tòa sơ thẩm dân sự “Tranh chấp hợp đồng gửi giữ”giữa 15 nguyên đơn và bà Đỗ Thị Hiếu diễn ra vào ngày 25/7/2024 vừa qua.
Toàn cảnh phiên tòa sơ thẩm
Các nguyên đơn đều có nhà ở xóm Cồn Chim, thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Việc đi lại nơi ở của các nguyên đơn phải đi qua đò, do đó các nguyên đơn phải gửi xe tại nhà bà Hiếu. Khoảng 01 giờ 30 phút ngày 21/11/2022, tại nhà giữ xe của vợ chồng bà Hiếu xảy ra hoả hoạn cháy cả xe máy và xe đạp điện. Hậu quả 18 xe mô tô các loại và 02 xe đạp điện bị cháy hoàn toàn. Tổng thiệt hại theo Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Tuy Phước kết luận có giá trị là 359.300.000 đồng. Nguyên nhân vụ cháy theo kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tuy Phước là do sự cố chập mạch điện trên hệ thống đường dây dẫn của xe mô tô làm cháy vỏ cách điện và bắt cháy vào vật liệu dễ cháy, sau đó cháy lan ra xung quanh gây ra vụ cháy trên. Căn cứ vào khoản 1 Điều 157 bộ luật tố tụng hình sự, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuy Phước ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Sau vụ việc này, nhiều người đặt câu hỏi, trách nhiệm của bên trông giữ xe cụ thể là bà Hiếu là như thế nào? Liệu người gửi xe máy, xe đạp điện ở đây có được đền bù thiệt hại do vụ cháy gây ra không?
Tại phiên toà, Hội đồng xét xử đều nhận định giữa nguyên đơn và bà Hiếu có xác lập quan hệ gửi giữ tài sản là xe máy và xe đạp điện, khi gửi xe cả bên gửi và bên nhận gửi đều không làm hợp đồng gửi giữ, chỉ thoả thuận miệng với nhau nhưng giữa nguyên đơn và bà Hiếu đều thừa nhận. Do khi gửi xe tại nhà bà Hiếu, các bên chỉ thoả thuận miệng với nhau về giá gửi là 50.000 đồng/ tháng mà không có thoả thuận gì về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Khi gửi xe, các bên không kiểm tra chất lượng xe cũng như không thoả thuận rõ phạm vi quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên, vậy khi có thiệt hại xảy ra thì cả hai bên đều phải có trách nhiệm.
Xét về nguyên nhân dẫn đến các xe bị cháy là do sự cố chập mạch điện trên hệ thống đường dây dẫn của 01 xe mô tô. Vậy mặc dù vụ cháy nguyên nhân do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra nhưng nguồn nguy hiểm cao độ đã giao cho người giữ xe. Mặc dù xe máy nằm ở vị trí tĩnh, nhưng xe máy có chứa bình xăng, khi xe máy ở vị trí tĩnh nếu có xảy ra chập điện thì xe máy vẫn có nguy cơ cháy nổ cao. Khi vợ chồng bà Hiếu nhận giữ xe của các nguyên đơn và thu tiền giữ xe là đã phát sinh trách nhiệm dân sự, vợ chồng bà Hiếu phải biết rõ các phương tiện bà giữ dễ cháy nổ nên phải có biện pháp phòng cháy, nhưng vợ chồng bà lại không đảm bảo về nguyên tắc phòng cháy chữa cháy do đó trách nhiệm của bên giữ xe là phải bồi thường thiệt hại nếu làm hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng. Vụ cháy xe do chập điện không thể được xem là trường hợp bất khả kháng được, vì vợ chồng bà Hiếu khi nhận giữ xe cho khách phải có trách nhiệm phòng trước các trường hợp có thể xảy ra, có thể lường trước được các xe gửi giữ có thể bị cháy nên phải trang bị bình xịt chữa cháy nhằm hạn chế được hậu quả xảy ra, đảm bảo an toàn cho người gửi giữ. Bên gửi xe biết chất lượng nơi giữ xe của vợ chồng bà Hiếu là tự phát tại địa phương, không đăng ký kinh doanh, không đảm bảo được mục đích phòng cháy chữa cháy, nơi gửi giữ thô sơ lại giữ với số lượng lớn xe dễ gây cháy nổ nhưng vẫn gửi cho bà Hiếu.
Tại phiên toà khi được Hội đồng xét xử phân tích rõ nguyên nhân vụ cháy, lỗi của các bên và hoàn cảnh khó khăn của gia đình bị đơn, các nguyên đơn đã tự nguyện chia sẻ rủi ro với bị đơn nên mỗi bên chịu ½ giá trị của từng xe.
Quả thật đáng buồn, cho những người dân nơi đây khi sự việc xảy ra không ai mong muốn, đáng thương cho những người dân Cồn Chim đã nghèo nay lại nghèo hơn, khiến nhiều người phải khóc trước tòa vì không có phương tiện đi lại để kiếm sống./.
Thu Hoài