Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có nhiệm vụ kiểm sát quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành. Đồng thời, nếu có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì Viện kiểm sát có quyền kiến nghị để Tòa án cấp trên xem xét lại. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án vẫn còn mới mẻ, chưa có văn bản hướng dẫn của Viện KSND tối cao, nên công tác kiểm sát quyết định công nhận, không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, Viện KSND thành phố Quy Nhơn đã đề ra các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả công tác quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành và bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2020, với 4 Chương, 42 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được ban hành nhằm khuyến khích việc giải quyết các tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại; thu hút, huy động nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội tham gia phối hợp cùng Tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính nhưng không làm tăng bộ máy, tổ chức, biên chế của Tòa án; nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; tăng tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành và hiệu quả thi hành kết quả hòa giải, đối thoại.
Thực tiễn quy định pháp luật là thế, tuy nhiên, trong thời gian qua, do hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án mới được quy định nên trong quá trình thực hiện công tác kiểm sát có một số khó khăn, vướng mắc như sau:
- Về kiểm sát hình thức của Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành của Tòa án: Thông tư 02/2020/TT-TANDTC ngày 16/11/2020 của TAND tối cao quy định 11 biểu mẫu sử dụng trong quá trình hòa giải tại Tòa án nhưng không có mẫu Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành. Do đó, khi kiểm sát các Quyết định trên thì Kiểm sát viên không có căn cứ để kiểm sát hình thức của Quyết định có đảm bảo về mặt hình thức theo quy định không.
- Về kiểm sát nội dung của Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành của Tòa án: Theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và trên thực tế, khi ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, Thẩm phán chỉ gửi cho Viện kiểm sát Quyết định mà không có tài liệu hay văn bản nào kèm theo, nên Viện kiểm sát không thể biết được việc công nhận kết quả hòa giải thành đó có vi phạm các điều kiện tại Điều 33 hay không.
- Về kiểm sát việc thi hành các Quyết định:Khoản 2 Điều 35 Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án quy định quyết định công nhận kết quả hòa giải thành sẽ được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của Luật Thi hành án dân sự là những bản án, quyết định dân sự được ban hành theo thủ tục tố tụng dân sự quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự. Trường hợp đương sự có đơn yêu cầu thi hành án căn cứ vào Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành thì Cơ quan Thi hành án dân sự sẽ căn cứ vào quy định nào để thi hành.
- Về việc thực hiện quyền kiến nghị của Viện kiểm sát:Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật thì Viện kiểm sát có quyền kiến nghị. Tuy nhiên, Luật không quy định về trường hợp Viện kiểm sát phát hiện có vi phạm về thời hạn chuẩn bị ra Quyết định theo khoản 3 Điều 32; vi phạm về thời hạn gửi Quyết định theo khoản 4 Điều 32; Quyết định không đầy đủ các nội dung quy định tại Điều 34 thì Viện kiểm sát có quyền tổng hợp vi phạm để ban hành kiến nghị chung hay không, nếu Viện kiểm sát không có quyền ban hành kiến nghị chung thì sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp của Tòa án.
- Về các biểu mẫu nghiệp vụ, lập hồ sơ, theo dõi, báo cáo thống kê: Hiện nay, Viện KSND tối cao chưa ban hành hướng dẫn chính thức nào liên quan đến việc kiểm sát hoạt động này đặc biệt là các biểu mẫu nghiệp vụ (như mẫu Quyết định phân công Kiểm sát viên kiểm sát quyết định; mẫu Phiếu kiểm sát; mẫu Kiến nghị; Quy trình việc lập hồ sơ, theo dõi hay báo cáo đối với khâu công tác này,...) việc không kịp thời hướng dẫn sẽ gây lúng túng trong công tác kiểm sát, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát.
Từ những khó khăn vướng mắc nêu trên, Viện KSND thành phố Quy Nhơn đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát quyết định công nhận công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án:
Một là, nắm vững các quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nói chung và nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát quyết định công nhận, không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án nói riêng, trước hết Kiểm sát viên phải là người nắm vững các quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 1); về 09 nguyên tắc hòa giải, đối thoại (Điều 3) trong đó, đặc biệt nhấn mạnh 02 nguyên tắc cơ bản là nguyên tắc tự nguyện và nguyên tắc bảo mật thông tin trong hòa giải, đối thoại; về trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong hoạt động hòa giải, đối thoại (Điều 7); về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại (Điều 8); về trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải, đối thoại (Điều 26).
Hai là, phân công Kiểm sát viên thực hiện công tác kiểm sát quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án: Để kiểm sát chặt chẽ các quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành, ngay khi nhận được quyết định do Tòa án gửi, Lãnh đạo Viện KSND các cấp phải phân công Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Ba là, Kiểm sát thẩm quyền của Tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại: Khi được phân công công kiểm sát các Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành của Tòa án, thì quan trọng nhất của Kiểm sát viên là việc xác định thẩm quyền của Tòa án. Quy trình hòa giải được bắt đầu khi người khởi kiện nộp đơn đến Tòa án nhưng Tòa án chưa được xem xét đơn khởi kiện để thụ lý như quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (khoản 3 Điều 191 BLTTDS) mà phải xem xét để xử lý để giải quyết hòa giải tại Tòa án theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trước. Như vậy, mặc dù Luật Hòa giải, đối thoại không quy định về việc xác định Tòa án có thẩm quyền nhưng Tòa án tiếp nhận đơn khởi kiện vẫn phải xác định tranh chấp có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không.Việc xác định thẩm quyền của Tòa án trong việc hòa giải, đối thoại được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (khoản 2 Điều 1 và khoản 2 Điều 16 Luật Hòa giải, đối thoại). Đồng thời, tại điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư số 03/2020/TT-TANDTC hướng dẫn cụ thể nếu đơn khởi kiện được gửi đến Tòa án không đúng thẩm quyền thì quá trình hòa giải chấm dứt và Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán xem xét giải quyết đơn khởi kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Như vậy, quy định của Luật Hòa giải, đối thoại đã xác định rõ việc xác định thẩm quyền của Tòa án giải quyết tranh chấp vẫn phải tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành. Việc xác định này là phù hợp bởi người khởi kiện khi nộp đơn khởi kiện tại Tòa án là họ mong muốn giải quyết tranh chấp của mình bằng con đường Tòa án, trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu không lựa chọn phương thức hòa giải, đối thoại thì Tòa án đã nhận được sẽ tiếp tục có thẩm quyền xem xét, thụ lý đơn khởi kiện của họ mà không phải nộp đơn đến một Tòa án khác.
Bốn là, kiểm sát về thời hạn ra Quyết định: Kiểm sát viên cần căn cứ vào khoản 2, 3 Điều 32 của Luật để xem xét việc Thẩm phán ra quyết định có đúng thời hạn hay không. Trường hợp hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Tòa án nhận được biên bản và tài liệu kèm theo cùng với yêu cầu của các bên nhưng Thẩm phán không ban hành Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành hoặc Quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành vào ngày tiếp theo sau khi hết thời hạn 15 ngày thì được coi là vi phạm thời hạn ra quyết định và Kiểm sát viên phải ghi nhận vi phạm này vào phiếu kiểm sát.
Năm là, kiểm sát về nội dung của Quyết định: Khi kiểm sát Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành, Kiểm sát viên cần đảm bảo Quyết định phải có đầy đủ các nội dung được quy định Điều 34 Luật, đặc biệt cần kiểm sát thành phần tham gia hòa giải, đối thoại và căn cứ ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành của Tòa án có phù hợp với các quy định của pháp luật, đảm bảo đúng quy định về điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án và nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Sáu là, kiểm sát việc chấp hành thời hạn gửi Quyết định: Khi kiểm sát việc chấp hành thời hạn gửi Quyết định, Kiểm sát viên cần căn cứ vào quy định tại khoản 4 Điều 32 Luật để xác định thời hạn gửi quyết định cho Viện kiểm sát đúng quy định hay không. Kiểm sát viên căn cứ ngày ban hành Quyết định và ngày Viện kiểm sát nhận được quyết định để xác định Tòa án có vi phạm về thời hạn gửi quyết định không.
Bảy là, về thực hiện quyền kiến nghị của Viện kiểm sát: Kiểm sát viên cần phải nghiên cứu các nội dung thỏa thuận có vi phạm các quy định tại Điều 33 của Luật hay không; sau đó, căn cứ vào Điều 36 để thực hiện quyền kiến nghị. Trong thời hạn 15 ngày, Kiểm sát viên phải nghiên cứu Quyết định và tiến hành kiểm sát để kịp thời phát hiện vi phạm và ban hành kiến nghị đúng thời hạn, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên cũng như vai trò của Viện kiểm sát trong việc thực hiện quyền năng pháp lý được do Luật định. Về hình thức của kiến nghị,Điều 37 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định văn bản kiến nghị của Viện kiểm sát phải gửi đến Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án đã ra quyết định để xem xét lại. Trong thời gian Viện KSND tối cao chưa ban hành biểu mẫu văn bản kiến nghị, nên vận dụng biểu mẫu số 20 Kiến nghị về việc ban hành quyết định (văn bản) của Tòa án ban hành kèm theo Quyết định 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 để xây dựng kiến nghị.
Ngoài ra, cùng với việc ban hành kiến nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì ngoài những vi phạm thuộc một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật, cần thiết phải thực hiện tổng hợp những vi phạm khác của Tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án để kiến nghị chung yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm. Việc thực hiện hoạt động này vừa thể hiện được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát vừa đảm bảo hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án được thực hiện đúng quy định pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên được bảo vệ. Để thực hiện tốt quyền kiến nghị, Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát 100% quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án, lập phiếu kiểm sát và gửi cho Viện kiểm sát cấp trên theo đúng quy chế nghiệp vụ của Ngành.
Tám là, tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác kiểm sát hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án, một giải pháp quan trọng là cần phải tăng cường phối hợp liên ngành giữa Viện kiểm sát và Tòa án các cấp. Việc phối hợp liên ngành cần được thực hiện đồng bộ từ cấp cao nhất là giữa TAND tối cao và Viện KSND tối cao bằng việc ký kết các Thông tư liên tịch về việc kiểm sát hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án và ký kết các Quy chế phối hợp liên ngành ở mỗi địa phương; trong đó, ghi nhận nội dung quan trọng là việc Viện kiểm sát được quyền tiếp cận hồ sơ hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án ngay từ giai đoạn chuyển vụ việc sang hòa giải, đối thoại. Việc tiếp cận hồ sơ ngay từ đầu sẽ tạo điều kiện để Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ toàn bộ hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa, kịp thời phát hiện vi phạm của Tòa án để có căn cứ ban hành văn bản kiến nghị theo quy định tại Điều 36 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Tóm lại, theo sự vận động phát triển đi lên về nhận thức pháp luật của người dân, thì hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án là mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống, xã hội, phù hợp với xu hướng giải quyết tranh chấp thông qua các phương thức thay thế tố tụng Tòa án tại Việt Nam nên sẽ là phương thức được lựa chọn phổ biến để giải quyết tranh chấp trong thời gian tới. Do đó, Viện KSND với chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nói chung và kiểm sát các quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án nói riêng phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm của mình trong khâu công tác này. Thực hiện có hiệu quả khâu công tác này sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao vị thế, vai trò của Viện KSND trong hệ thống các cơ quan tư pháp cũng như góp phần thúc đẩy việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta./.
Ths. Nguyễn Văn Hải - Phó Viện trưởng
Ths. Võ Thị Mỹ Hạnh - Kiểm sát viên sơ cấp
Viện KSND thành phố Quy Nhơn