Xuất phát từ yêu cầu đó, thực hiện Chỉ thị công tác hằng năm của ngành Kiểm sát nhân dân, Viện KSND huyện Tây Sơn luôn xem công tác Kiểm sát tuân theo pháp luật là công tác quan trọng và kiến nghị là khâu then chốt. Hai năm 2021 và 2022, đơn vị đã xác định thực hiện “Nâng cao vai trò của kiểm sát tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp” là khâu đột phá với nội dung trọng tâm là kiến nghị với phương châm: “Chú trọng kiến nghị tổng hợp, đẩy mạnh kiến nghị ngành ngoài, nâng cao chất lượng kiến nghị phòng ngừa”.
Để công tác kiến nghị và kiến nghị phòng ngừa đạt hiệu quả, chất lượng, đơn vị quán triệt, nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiến nghị khắc phục vi phạm. Nâng cao bản lĩnh, vai trò của người đứng đầu, nhất là Lãnh đạo bộ phận trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, quyết liệt đối với công tác kiến nghị; nâng cao trách nhiệm của Kiểm sát viên, xác định chính xác những vi phạm của của các cơ quan để kiến nghị, kiến nghị khắc phục vi phạm phải bảo đảm tính có căn cứ. Hạn chế kiến nghị theo vụ việc, tăng cường tổng hợp vi phạm để kiến nghị, đặc biệt là đẩy mạnh kiến nghị ngành ngoài và nâng cao chất lượng kiến nghị phòng ngừa.
Đơn vị yêu cầu các Bộ phận khi xây dựng kế hoạch phải bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đặc điểm, tình hình địa phương, nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc đang diễn ra; tranh thủ sự lãnh đạo của Viện kiểm sát cấp tỉnh và cấp ủy địa phương; phối hợp có hiệu quả với các cơ quan để làm tốt công tác kiến nghị; kiến nghị ngành ngoài, phòng ngừa phải đảm bảo chất lượng, tránh chạy theo hình thức, các giải pháp yêu cầu thực hiện phải cụ thể, có căn cứ. Sau khi ban hành kiến nghị cần có sự kiểm tra và theo dõi việc thực hiện và trả lời của các cơ quan, tổ chức cho VKS về các nội dung đã kiến nghị.
Vì vậy, chất lượng công tác kiến nghị và kiến nghị phòng ngừa vi phạm cũng như kiến nghị ngành ngoài của đơn vị trong thời gian qua ngày càng nâng cao:
Trong 02 năm 2021 và 2022, Viện KSND huyện Tây Sơn đã ban hành 12 kiến nghị về hình sự; 21 kiến nghị trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, 51 yêu cầu; 28 kiến nghị thi hành án hình sự, tạm giữ tạm giam; 06 kiến nghị về công tác THADS và 07 kiến nghị trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo. Các kiến nghị về hình sự trọng tâm liên quan đến việc thực hiện các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật TTHS và các văn bản liên ngành trong điều tra, xét xử các vụ án hình sự; các kiến nghị về dân sự chủ yếu thúc đẩy việc giải quyết các vụ án DS, HNGĐ tạm đình chỉ kéo dài; kiến nghị THAHS trọng tâm quá trình tổ chức thi hành án tại cộng đồng; kiến nghị công tác THADS liên quan đến việc chậm tiến hành các hoạt động thi hành án dẫn đến vụ việc kéo dài; kiến nghị giải quyết khiếu nại, tố cáo chủ yếu là các cơ quan không thực hiện đúng trình tự, thủ tục giải quyết và chậm thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát.
Cùng với việc tăng cường công tác kiến nghị các cơ quan tư pháp trong hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát đã tích cực, chủ động quyết liệt triển khai nhiều biện pháp kiểm sát chặt chẽ, toàn diện các hoạt động của các cơ quan liên quan đến lĩnh vực hoạt động tư pháp, kịp thời phát hiện vi phạm để kiến nghị. Trong 02 năm, đơn vị đã ban hành 04 kiến nghị đối với những vi phạm của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Ngân hàng, Uỷ ban nhân dân cấp xã trong việc cung cấp thông tin cho các cơ quan tư pháp được các đơn vị chấp nhận, các cơ quan tư pháp đồng thuận cao, góp phần quan trọng giải quyết các vụ việc nhanh chóng, tránh tồn đọng, kéo dài.
Đặc biệt là kiến nghị phòng ngừa, hai năm 2021 và 2022, đơn vị đã ban hành 05 kiến nghị phòng ngừa đối với Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn về:Tăng cường công tác hòa giải tranh chấp đất đai ở UBND cấp xã; các giải pháp phòng ngừa tội phạm đối với tội xâm hại tình dục ở trẻ em; các giải pháp phòng ngừa các tội phạmvề ma túy; các giải pháp giảm thiểu tình trạng ly hôn đang gia tăng trên địa bàn huyện Tây Sơn và 01 kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật đối với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện.
Các bản kiến nghị ngành ngoài và kiến nghị phòng ngừa của Viện KSND huyện Tây Sơn đều đảm bảo có căn cứ, đúng quy định của pháp luật và đều nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các cơ quan, tổ chức. Các bản kiến nghị phòng ngừa đã làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật, từ đó giúp cho UBND huyện có những chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Điều này được thể hiện, ngay sau khi nhận được kiến nghị, UBND huyện đã có văn bản phản hồi và chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện những giải pháp thiết thực nhằm khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, mang lại hiệu quả cao, toàn diện.
Với hiệu quả đó, công tác kiểm sát tuân theo pháp luật đặc biệt là kiến nghị của Viện kiểm sát trong thời gian qua được cấp ủy và chính quyền địa phương đánh giá cao. Thể hiện tại văn bản chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với các hoạt động tư pháp và một số nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 12/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XX), Thường trực Huyện ủy đã chỉ đạo Viện kiểm sát: “Tăng cường hơn nữa công tác kiểm sát các hoạt động của các cơ quan tư pháp; định kỳ hằng quý rà soát, tổng hợp những vụ việc hình sự, dân sự, thi hành án quá hạn, tạm đình chỉ, tồn đọng, kéo dài báo cáo cấp thẩm quyền theo dõi, chỉ đạo giải quyết”. Và trong cuộc giám sát cuối năm 2022 của Thường trực HĐND huyện, Ban Pháp chế HĐND huyện đã đồng ý đề xuất của Viện kiểm sát: tất cả các kiến nghị của Viện kiểm sát đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đều gửi cho Thường trực HĐND và Ban Pháp chế HĐND huyện để kịp thời nắm bắt tình hình chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, kịp thời có biện pháp giám sát phù hợp. Đây là thuận lợi lớn cho đơn vị trong công tác kiểm sát tuân theo pháp luật trong thời gian tới, góp phần quan trọng trong tăng cường và bảo vệ pháp chế, nâng cao vị thế của Ngành.
Việc tăng cường kiến nghị và kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm trong hoạt động quản lý nhà nước, Viện KSND huyện Tây Sơn đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Qua đó đã tạo niềm tin của nhân dân, chính quyền và cấp ủy địa phương với Ngành. Vì vậy, đơn vị luôn xác định công tác kiểm sát hoạt động tư pháp là một nội dung công tác quan trọng, tăng cường công tác kiến nghị, nhất là kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật là nội dung trọng tâm, đột phá. Thời gian tới, Viện KSND huyện Tây Sơn sẽ tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng các kiến nghị, nhất là kiến nghị ngành ngoài và kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm. Trong đó, chú trọng theo hướng kiến nghị phải xuất phát từ thực tiễn, chỉ rõ nguyên nhân và giải pháp đề xuất khắc phục xử lý các vấn đề phát sinh, gây bức xúc trên địa bàn. Thông qua đó, thực hiện tốt chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân, làm tốt việc dự báo tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, góp phần tích cực trong công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị địa phương./.