Chi đoàn Viện KSND tỉnh tổ chức chương trình về nguồn “Hành trình về địa chỉ đỏ”

Thực hiện Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm 2023 và Kế hoạch số 11-KH/ĐTN ngày 22/3/2023 của BCH Chi đoàn Viện KSND tỉnh Bình Định, ngày 31/3/2023 BCH Chi đoàn đã tổ chức chương trình về nguồn “Hành trình về địa chỉ đỏ” tại huyện Phù Cát và thị xã Hoài Nhơn.

Tham dự Chương trình có đồng chí Trần Văn Sang - Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy - Viện trưởng Viện KSND tỉnh; các đồng chí Lãnh đạo Viện, Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc; BCH Chi đoàn và các đoàn viên Chi đoàn.
 
Đồng chí Trần Văn Sang - Viện trưởng Viện KSND tỉnh (người đứng giữa hàng đầu) và các đồng chí Lãnh đạo dâng hương, dâng hoa Đền thờ Anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử và thắng cảnh Khu căn cứ Núi Bà  
 
Đoàn viên thanh niên dâng hương, dâng hoa Đền thờ Anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử và thắng cảnh Khu căn cứ Núi Bà
Mở đầu Chương trình Đoàn đã tổ chức thăm, dâng hương, dâng hoa Khu di tích lịch sử và thắng cảnh Khu căn cứ Núi Bà tại thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát. Núi Bà là dãy núi cao nhất và lớn nhất ở vùng đồng bằng Bình Định. Trong kháng chiến chống Mỹ, núi Bà giữ vị trí chiến lược quan trọng, đặc biệt đối với địa bàn khu Đông. Nơi đây từng là căn cứ hoạt động của Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh, Thị ủy Quy Nhơn và các huyện ủy An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát. Từ căn cứ này, Tỉnh ủy đã chỉ đạo kháng chiến, mở nhiều lớp đào tạo, huấn luyện lực lượng vũ trang, cán bộ cơ sở cách mạng. Núi Bà cũng là bàn đạp mở nhiều đợt tấn công, nổi dậy trong chiến dịch Đồng khởi khu Đông năm 1964, chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968 và cuộc tổng tiến công, nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng thị xã Quy Nhơn và tỉnh Bình Định. Khu căn cứ Núi Bà là nơi ghi dấu về cuộc sống gian khổ, tinh thần chiến đấu kiên cường và những chiến công hào hùng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Bình Định trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước. Di tích lịch sử và thắng cảnh Khu căn cứ Núi Bà được xếp hạng cấp quốc gia năm 1994.
 
Đồng chí Trần Văn Sang - Viện trưởng Viện KSND tỉnh và các đồng chí Lãnh đạo dâng hương, dâng hoa tại Di tích Tàu không số Lộ Diêu
 
Đoàn viên thanh niên dâng hương, dâng hoa tại Di tích Tàu không số Lộ Diêu
Tiếp đến, Đoàn đã tổ chức thăm, dâng hương, dâng hoa Di tích Tàu không số Lộ Diêu (cấp tỉnh) tại xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn. Trong những năm tháng chiến đấu quật cường, “Đoàn tàu không số” huyền thoại cũng đã hiện diện ở mảnh đất Hoài Nhơn anh hùng. Đó là vào ngày 01/11/1964, tàu 401 chở hơn 30 tấn vũ khí cập bến Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn) an toàn. Số vũ khí tiếp nhận được đã trang bị cho các trung đoàn chủ lực của Quân khu 5 và LLVT tỉnh. Trong chiến dịch Đông Xuân 1964 - 1965, quân và dân Bình Định đã làm nên những chiến thắng vang dội như: An Lão (tháng 12/1964), Đèo Nhông - Dương Liễu, Đồi Mười, Gò Bồi (tháng 02/1965)… và mở ra vùng giải phóng liên hoàn, cắt đường số 1 từ Bồng Sơn đi Quảng Ngãi. Tàu 401 cập bến Lộ Diêu là một trong hàng trăm chuyến tàu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, cùng với các chuyến tàu không số khác đã vận chuyển 150 ngàn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men và hàng ngàn lượt cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ đó, tạo thế và lực mới bước vào giai đoạn chống “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ - ngụy, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Đoàn viên thanh niên chụp hình lưu niệm tại Di tích Tàu không số Lộ Diêu
 Để nhắc nhớ các thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước, năm 2005, Di tích bãi biển Lộ Diêu được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong tỉnh.
 
Đồng chí Trần Văn Sang - Viện trưởng Viện KSND tỉnh và các đồng chí Lãnh đạo dâng hương, dâng hoa tại nghĩa trang Liệt sĩ Hoài Châu - Hoài Châu Bắc
 
 Đoàn viên thanh niên dâng hương, dâng hoa tại nghĩa trang Liệt sĩ Hoài Châu - Hoài Châu Bắc
 Tiếp đến, Đoàn đã tổ chức thăm, dâng hương, dâng hoa Di tích lịch sử Đồi Mười (cấp quốc gia) và nghĩa trang Liệt sĩ Hoài Châu - Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn. Cứ điểm Đồi Mười có vị trí quân sự quan trọng, khống chế trục quốc lộ 1A từ Tam Quan đến đèo Bình Đê, kiểm soát toàn bộ khu vực phía Bắc huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã Hoài Nhơn) đến giáp ranh tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 07/2/1965 (mùng 5 Tết Ất Tỵ), Bộ tư lệnh Quân khu 5 tập trung tiểu đoàn Đặc công cơ động 409 phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích mở trận tập kích vào cứ điểm Đồi Mười, làm chủ hoàn toàn cứ điểm này, tiêu diệt một đại đội bảo an,  04 trung đội dân vệ, phá tan bộ máy ngụy quyền, ác ôn ở 02 xã Hoài Sơn và Hoài Châu, thu nhiều vũ khí, trang bị quân sự. Chiến thắng Đồi Mười đã hỗ trợ cho nhân dân phía Bắc thị xã Hoài Nhơn đồng loạt nổi dậy, phá ấp chiến lược, góp phần đánh bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt của địch trên chiến trường Bình Định. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứ điểm Đồi Mười luôn là điểm giao tranh, giành giật ác liệt, liên tục giữa ta và địch. Nơi đây ghi đậm dấu ấn chiến công của quân và dân, các chiến sĩ, đồng bào ta đã chiến đấu anh dũng, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Chiến thắng Đồi Mười đi vào lịch sử vẻ vang, oanh liệt của quân và dân thị xã Hoài Nhơn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
 

Đoàn viên thanh niên chụp hình lưu niệm tại Di tích lịch sử Đồi Mười
 Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thị xã Hoài Nhơn có hơn 11.200 liệt sĩ, chỉ tính riêng tại nghĩa trang liệt sĩ Hoài Châu - Hoài Châu Bắc có gần 1.500 phần mộ liệt sĩ được quy tập về an nghỉ dưới chân Đồi Mười, nơi khắc ghi chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn đặc công cơ động 409 Quân khu 5, cùng với bộ đội địa phương và dân quân du kích. Năm 1994, Đồi 10 đã được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử và năm 2006 di tích này được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
 
Đồng chí Trần Văn Sang - Viện trưởng Viện KSND tỉnh (người đứng thứ 3 hàng đầu từ phải qua) và các đồng chí Lãnh đạo dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ Liệt sĩ thị xã Hoài Nhơn
 
Đoàn viên thanh niên dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ Liệt sĩ thị xã Hoài Nhơn
 Điểm đến cuối cùng, Đoàn đã tổ chức thăm, dâng hương, dâng hoa Đền thờ Liệt sĩ thị xã Hoài Nhơn tại phường Bồng Sơn. Đền thờ có khu vực chính diện thờ Bác Hồ, hai bên tả hữu thờ liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng và 200 bia đá hoa cương khắc tên 11.277 liệt sĩ theo từng địa phương xã, thị trấn, tên các Mẹ Việt Nam anh hùng của huyện. Đền thờ liệt sĩ huyện Hoài Nhơn có ý nghĩa lịch sử quan trọng nhằm tri ân, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng, những đóng góp to lớn của các Mẹ Việt Nam vì nền độc lập tự do của đất nước. Đồng thời, công trình còn mang ý nghĩa xã hội, văn hóa, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc, đáp ứng nguyện vọng chung của nhân dân trong huyện; góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ.
Đoàn viên thanh niên chụp hình lưu niệm tại Đền thờ Liệt sĩ thị xã Hoài Nhơn
Qua hoạt động nhằm giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong cán bộ, đoàn viên thanh niên đơn vị và tạo phong trào thi đua sôi nổi, chào mừng Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2023); 48 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Định (31/3/1975 - 31/3/2023) và hướng tới chào mừng Kỷ niệm 48 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023). Đồng thời phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của đoàn viên thanh niên trong tuyên truyền và tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh./.

Quốc Việt 

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,738,572 lượt

Số người online:716 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn