Một số điểm mới cần chú ý của BLDS năm 2015

Bộ Luật dân sự năm 2015 đã được Quốc hội thông qua Bộ luật dân sự 2015 vào ngày 24/11/2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, gồm 6 phần, 27 chương, 689 điều (giảm 88 điều). Trong Bộ luật dân sự mới đã bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ một số điều khoản cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay. Một số điều khoản được sửa đổi đáng chú ý thường gặp trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự là:

1. Lãi suất theo thỏa thuận:

Tại Điều 476 Bộ luật dân sự 2005 quy định:
1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
Thì tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
1. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác ...
2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
2. Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi
 Nội dung thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi là một trong những điểm đáng lưu ý của Bộ luật dân sự năm 2015 và được quy định tại Điều 420.
1. Hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;
b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;
c) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;
d) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;
đ) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.
2. Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.
3. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án:
a) Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;
b) Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.
4. Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Thời hiệu khởi kiện chia thừa kế 
Tại Điều 623 BLDS năm 2015 quy định:
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bácbỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Như vậy, so với BLDS 2005 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với bất động sản kéo dài hơn (20 năm) và hết thời hạn yêu cầu chia thừa kế thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản, theo quy định hiện hành thì Tòa án không giải quyết đối với phần di sản hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế, không tuyên tạm giao cho người thừa kế nào./.
                                                                                                                                                                               Đặng Xuân Nam

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 Tiếp

Số lượt truy cập:7,733,562 lượt

Số người online:1,606 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn