Trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự việc áp dụng tình tiết tăng nặng được qui định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS vào các trường hợp cụ thể trong mỗi một vụ án cụ thể không phải vụ án nào cũng giống nhau mà tùy theo các tội phạm khác nhau thì nội dung, ý nghĩa của tình tiết tăng nặng này cũng khác nhau. Trong thực tiễn xét xử vẫn còn có vụ án xâm phạm sở hữu có tranh cãi xung quanh vấn đề này. Xin nêu ra một ví dụ cụ thể để các đồng chí và các bạn cùng nghiên cứu trao đổi.
Nội dung vụ án như sau: Từ ngày 18/9/2013 đến ngày 26/10/2013 các bị cáo Võ Hoàng Sơn, Nguyễn Quang Bình và Võ Hoàng Dung bằng thủ đoạn lợi dụng đêm khuya dùng công cụ đã chuẩn bị sẵn cạy cửa vào nhà dân lấy trộm tài sản. Bọn chúng đã thực hiện trót lọt 4 vụ với tổng giá trị tài sản chiếm đoạt là 106.549.000 đ (Tài sản chiếm đoạt của từng vụ đủ cấu thành tội Trộm cắp tài sản). Cấp sơ thẩm đã áp dụng điểm e khoản 2 Điều 138 để xét xử các bị cáo.
Hiện có hai quan điểm trái chiều như sau:
Quan điểm 1: Các bị cáo trong vụ án trên đã phạm vào tình tiết định khung tại điểm e khoản 2 Điều 138 BLHS (tài sản chiếm đoạt có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng) và ngoài việc phải chịu trách nhiệm tại điểm e khoản 2 Điều 138 BLHS các bị cáo còn phải chịu thêm trách nhiệm hình sự với tình tiết tăng nặng được qui định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS “phạm tội nhiều lần” vì các bị cáo đã có 4 lần thực hiện hành vi phạm tội.
Quan điểm 2: Không được áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội nhiều lần” theo qui định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS đối với các bị cáo vì cho rằng đã lấy số tiền chiếm đoạt của 4 lần phạm tội của các bị cáo cộng lại là 106.549.000 đ để xem xét là yếu tố định khung ở điểm e khoản 2 Điều 138 BLHS (chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng) nên không thể coi đó là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nữa.
Theo quan điểm của tác giả, việc không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự ở điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS đối với các bị cáo trong vụ án theo quan điểm thứ 2 là không đúng qui định tại Điều 48 BLHS vì: Phạm tội nhiều lần được hiểu là có từ hai lần phạm tội trở lên, mỗi lần phạm tội đều có đủ yếu tố cấu thành tội, đồng thời các lần phạm tội đó chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và cũng chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Các bị cáo trong vụ án nêu trên đã có 4 lần thực hiện hành vi trộm cắp tài sản và tài sản chiếm đoạt của từng lần đủ định lượng cấu thành cơ bản của tội phạm. Do vậy, ngoài việc cộng số tiền của từng lần phạm tội để xem xét trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo còn phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phạm tội nhiều lần ở điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS.
Vụ án hiện đang có 2 quan điểm trái chiều nhau, qua bài viết này chúng tôi mong nhận được sự trao đổi, góp ý của các đồng chí đồng nghiệp để trong thời gian tới việc áp dụng các căn cứ pháp luật được thống nhất đảm bảo việc xét xử đúng người đúng tội đúng pháp luật.
Thúy Hà Giang