Trao đổi bài viết: Các bị cáo có phạm vào tình tiết tăng nặng "phạm tội nhiều lần" không?

Qua nghiên cứu nội dung tác giả cần trao đổi ở bài viết "Các bị cáo có phạm vào tình tiết tăng nặng "phạm tội nhiều lần" không?" được đăng ngày 14/07/2014 trên mục "Nghiên cứu - Trao đổi" của tác giả Thúy Hà Giang, tôi tham gia trao đổi như sau:

Tôi thống nhất với quan điểm 1, đồng thời cũng là quan điểm của tác giả, các bị cáo ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điểm e Khoản 2 Điều 138 BLHS còn phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” theo Điểm g Khoản 1 Điều 48 BLHS. Để chứng minh cho quan điểm này, cần phân tích làm sáng tỏ một số quy định pháp luật sau:


Theo Điểm a, b, c, Tiểu mục 5, Mục II Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XIV Bộ luật hình sự: “Trong trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần giá trị tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án nhưng chưa được xoá án tích...), đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu: a) Các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian; b) Việc thực hiện các hành vi xâm phạm sở hữu có tính chất chuyên nghiệp, lấy tài sản do việc xâm phạm sở hữu mà có làm nguồn sống chính; c) Với mục đích xâm phạm sở hữu, nhưng do điều kiện hoàn cảnh khách quan nên việc xâm phạm sở hữu phải được thực hiện nhiều lần cho nên giá trị tài sản bị xâm phạm mỗi lần hai triệu đồng.


Ví dụ: Nguyễn Văn B không có nghề nghiệp bỏ nhà đi lang thang với mục đích trộm cắp tài sản. Ngày 15-3-2001 B trộm cắp được một chiếc xe đạp trị giá 800 ngàn đồng đem bán lấy tiền tiêu xài. Ngày 16-4-2001 B ra bến xe và móc túi được 700 ngàn đồng. Ngày 17-5-2001, B phá khoá cửa của một gia đình vào trộm cắp được một số tài sản trị giá 800 ngàn đồng và bị bắt giữ. Trong trường hợp này tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 2.300.000 đồng; do đó, B chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 138 BLHS.


Cần chú ý là trong các trường hợp trên đây nếu chỉ căn cứ vào các hành vi xâm phạm cùng loại này thì không áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” (điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS) và cũng không áp dụng tình tiết định khung hình phạt “có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại khoản 2 của điều luật tương ứng quy định về tội phạm tương ứng đó. Trong trường hợp có tình tiết khác định khung hình phạt thì áp dụng khoản tương ứng của điều luật tương ứng có quy định tình tiết định khung hình phạt đó”.


Theo đó, đối với trường hợp người có nhiều lần chiếm đoạt tài sản (đều có hành vi trộm cắp tài sản) nhưng mỗi lần chiếm đoạt có giá trị dưới 2 triệu đồng, không đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự khi tổng giá trị tài sản trộm cắp đã đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 BLHS (từ 2 triệu đồng trở lên). Đối với trường hợp này chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội chứ không áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” theo Điểm g Khoản 1 Điều 48 BLHS.


Đối với trường hợp người có nhiều lần chiếm đoạt tài sản (đều là hành vi trộm cắp tài sản), mỗi lầm chiếm đoạt tài sản đều từ 2 triệu đồng trở lên, đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 BLHS thì căn cứ theo Điểm a, Tiểu mục 5.2, Mục 5 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao: Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS: “Đối với trường hợp phạm tội từ năm lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.


Ví dụ: B đã bị kết án về tội “trộm cắp tài sản”, nhưng chưa chấp hành hình phạt hoặc sau khi chấp hành xong hình phạt, trong một thời gian, B lại liên tiếp thực hiện bốn vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ hai triệu đồng trở lên). Trong trường hợp này, B phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng ba tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần, tái phạm (hoặc tái phạm nguy hiểm) và phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.


Do vậy, đối với trường hợp các bị cáo Võ Hoàng Sơn, Nguyễn Quang Bình và Võ Hoàng Dung đã thực hiện trộm cắp tài sản 4 vụ, giá trị mỗi vụ đều đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 BLHS. Tổng giá trị tài sản chiếm đoạt là 106.549.000 đồng nên phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điểm e Khoản 2 Điều 138 BLHS. Tình tiết “phạm tội nhiều lần” không phải là tình tiết định khung của Điều 138 BLHS nên ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm, khoản, điều nêu trên còn phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 48 BLHS đối với các bị cáo.


Rất mong nhận được sự trao đổi của đồng nghiệp và bạn đọc!


Thanh Nghị

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:9,135,444 lượt

Số người online:1,133 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang