Áp dụng BLDS 2005 hay BLDS 2015?

Trong những năm qua, Quốc hội nước ta đã thông qua nhiều đạo luật mới, trên nhiều lĩnh vực. Mới đây nhất là Bộ Luật Dân sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Bộ Luật Dân sự (BLDS) là đạo luật rất quan trọng của mỗi quốc gia, có tác động trong việc điều chỉnh các mối quan hệ cơ bản của xã hội, mỗi công dân, các gia đình, cơ quan, tổ chức.

 Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, có nhiều quan hệ pháp luật dân sự được xác lập trước ngày 01/01/2017 nhưng phát sinh tranh chấp nên gặp nhiều lúng túng trong việc áp dụng BLDS 2005 hay BLDS 2015 dẫn đến khó khăn trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự.

 

Theo Điều 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này”. Như vậy văn bản quy phạm pháp luật là sản phẩm của quyền lực nhà nước, thể hiện khả năng của mỗi cơ quan trong việc tác động vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội nên vị trí thứ bậc của văn bản quy phạm phụ thuộc vào vị trí của cơ quan ban hành văn bản trong bộ máy nhà nước theo quy tắc: cơ quan nào có vị trí cao trong bộ máy nhà nước thì văn bản quy phạm do cơ quan đó ban hành cũng có vị trí cao trong hệ thống pháp luật và ngược lại. Đối với những quan hệ pháp luật cùng chịu một văn bản pháp luật điều chỉnh thì áp dụng theo nguyên tắc hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản pháp luật nào đang có hiệu lực tại thời điểm đó.
 

Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày 01/01/2017 thì có các trường hợp sau:

 

Trường hợp 1: Giao dịch dân sự chưa được thực hiện. Đối với loại này thì phải xác định nội dung, hình thức có khác với quy định của BLDS 2015 hay không? Nếu khác thì chủ thể giao dịch tiếp tục thực hiện theo quy định của BLDS 2005.Nếu nội dung, hình thức phù hợp với quy định của BLDS 2015 thì áp dụng theo BLDS 2015.

 

Ví dụ: A và B ký hợp đồng tín dụng ngày 30/12/2016, ngày 01/01/2017 các bên tiến hành giao nhận tiền vay. Tuy nhiên thỏa thuận về lãi suất cho vay khác với quy định của BLDS 2015. Như vậy hợp đồng tín dụng đó vẫn chịu sự điều chỉnh của BLDS 2005.

 

Trường hợp 2: Giao dịch dân sự đang thực hiện.Trường hợp này cũng tương tự như trên nếu nội dung, hình thức phù hợp với quy định của BLDS 2015 thì áp dụng theo BLDS 2015. Nếu khác thì chủ thể giao dịch tiếp tục thực hiện theo quy định của BLDS 2005.

 

Trường hợp 3: Giao dịch dân sự được thực hiện xong mà có tranh chấp thì áp dụng quy định BLDS 2005 để giải quyết.

 

Thực tế hiện nay, có những quan hệ pháp luật dân sự phát sinh và kết thúc trước thời điểm BLDS 2015 có hiệu lực nhưng sau thời điểm BLDS 2015 có hiệu lực mới phát sinh tranh chấp hay quan hệ pháp luật dân sự phát sinh trước thời điểm đó nhưng hiện nay vẫn còn đang thực hiện thì có tranh chấp. Mặc dù Điều 688 BLDS 2015 quy định các trường hợp áp dụng BLDS 2015 nhưng cách hiểu và áp dụng pháp luật của mỗi cá nhân, tổ chức chưa thống nhất.

 

Trong các vụ án hình sự mà bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm hại. Mức bồi thường để bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm hại: BLDS 2005 quy định nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 30 lần mức lương tối thiểu do nhà nước quy định. Còn BLDS 2015 quy định trường hợp không thỏa thuận được mức tối đa bồi thường không quá 50 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định. Hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 01/01/2017 nhưng thời điểm xét xử sau ngày 01/01/2017 thì áp dụng mức bồi thường theo luật nào?

 

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Thời điểm xảy ra hành vi phạm tội khi nào thì phát sinh trách nhiệm bồi thường vào thời điểm đó. Nên theo nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật thì rõ ràng phải áp dụng BLDS 2005 để tính mức bồi thường cho người bị xâm hại.

 

Quan điểm thứ hai cho rằng: Hành vi phạm tôi gây ảnh hưởng nghiêm trọng tinh thần sức khỏe cho người bị hại. Do vậy người bị hại cần phải được bồi thường xác đáng. BLDS 2015 quy định tăng mức bồi thường từ 30 lần mức lương tối thiểu lên 50 lần mức lương tối thiểu do Ngân hàng nhà nước quy định là hoàn toàn phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện nay. Do vậy cần phải áp dụng mức bồi thường theo quy định của BLDS 2015 là nhằm bảo vệ người bị hại.

 

Quan điểm thứ ba cho rằng: trong trường hợp này phải áp dụng các căn cứ quy định của BLDS 2015 mới chính xác. Bởi lẽ: Theo quy định tại Điều 116 BLDS 2015 (điều 121 BLDS 2005) thì: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Như vậy hành vi trái pháp luật gây thiệt hại và phải chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất là một nghĩa vụ phát sinh do pháp luật quy định, không phải là hợp đồng, cũng không phải là hành vi pháp lý đơn phương. Do đó, hành vi trái pháp luật gây thiệt hại không phải là giao dịch dân sự và là trường hợp được điều chỉnh bởi điểm b khoản 1 điều 688 BLDS 2015.

 

Còn đối với hợp đồng tín dụng được xác lập trước ngày 01/01/2017 nhưng sau ngày 01/01/2017 có tranh chấp về trả nợ (bao gồm cả gốc, lãi trong hạn và lãi quá hạn) thì vẫn có nhiều tranh cãi trong việc áp dụng luật. Văn bản số 01/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 có hướng dẫn là: Trường hợp chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có thỏa thuận về lãi suất khác với quy định của BLDS năm 2015 thì áp dụng quy định của BLDS năm 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết BLDS năm 2005; trường hợp chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có thỏa thuận về lãi suất phù hợp với quy định của BLDS năm 2015 thì áp dụng BLDS năm 2015. Tuy nhiên quy định này là chưa phù hợp với nguyên tắc áp dụng văn bản pháp luật. Bởi vì hợp đồng tín dụng xác lập vào thời điểm trước ngày 01/01/2017 thì nguyên tắc phải áp dụng BLDS 2005 để điều chỉnh các nội dung trong hợp đồng được các bên thực hiện. Nếu vậy khi hợp đồng tín dụng đã được ký kết, các bên đang thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình nhưng đúng ngày 01/01/2017 một trong các bên đề nghị chấm dứt hợp đồng thì sẽ áp dụng luật nào giải quyết. Việc tách bạch các trường hợp như trên là không cần thiết và dễ tạo sự nhầm lẫn trong cách hiểu và áp dụng pháp luật.     

 

Nước ta với xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, việc sửa đổi thay thế các văn bản pháp luật để đáp ứng yêu cầu hội nhập là điều tất yếu. Tuy nhiên mỗi lần đạo luật mới ra đời kéo theo đó là hậu quả pháp lý liên quan đến thời hiệu, áp dụng luật…Vì thế để tránh trường hợp có sự nhầm lẫn trong cách hiểu và áp dụng pháp luật thì chúng ta phải có một đạo luật gốc quy định về áp dụng pháp luật. Thực tế chúng ta đã có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật nhưng vẫn còn những văn bản pháp luật có những quy định trái với các nguyên tắc này. Ngoài ra có những trường hợp nằm ngoài những nguyên tắc chung về áp dụng văn bản pháp luật như đối với vấn đề bồi thường tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm hại do hành vi phạm tội gây ra chúng ta nên xét đến yếu tố kinh tế, đạo lý và mức độ hậu quả gây ra. Mặc dù vậy cũng cần phải quy định rõ trường hợp đó phải áp dụng luật nào.

 

Mỹ Dung

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,776,219 lượt

Số người online:2,929 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn