Điểm mới cần chú ý khi xử lý hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, kể từ ngày Luật số 12/2017/QH14 công bố

Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015.

Căn cứ theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 thì Bộ luật Hình sự nêu trên sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.

 

Tuy nhiên, tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 2 của Nghị quyết 41 còn quy định: Đối với các trường hợp đã áp dụng quy định có lợi của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 theo Nghị quyết số 144/2016/QH13 mà Luật số 12/2017/QH14 không quy định là tội phạm nữa thì kể từ ngày Luật số 12/2017/QH14 được công bố nếu vụ án đã khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

 

Như vậy, yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình giải quyết từng vụ việc cụ thể, đòi hỏi mỗi Kiểm sát viên phải nghiên cứu, rà soát một cách kỹ lưỡng, đối chiếu hành vi vi phạm xảy ra với quy định của Bộ luật Hình sự 1999 và Luật số 12/2017/QH14 để xác định xem có thuộc trường hợp áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội theo Nghị quyết 41 hay không? Để giải quyết vụ án một cách chính xác, kịp thời và đúng pháp luật.

 

Một trong những tội danh mà kể từ ngày Luật số 12/2017/QH14 được Chủ tịch nước công bố (ngày 12/7/2017) tiếp tục được áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội là tội “ Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” được quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự 1999 và Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung bằng Luật số 12/2017QH14.

 

Qua nghiên cứu tội danh trên nhận thấy, so với Điều 202 Bộ luật Hình sự 1999 thì Điều 260 của Bộ luật Hình sự 2015 có nhiều sự thay đổi nhất định về các tình tiết định khung, nhưng tiếp cận ở mức độ khái quát nhất thì nhận thấy hậu quả đến mức phải xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm giao thông của hai Bộ luật nêu trên là giống nhau, đều lấy hậu quả tổn hại sức khỏe từ 31% trở lên để xử lý hình sự. Nhưng điểm khác nhau cơ bản ở đây là nếu hậu quả từ 31% đến dưới 60% thì mức hình phạt của Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 quy định nhẹ hơn so với Bộ luật Hình sự 1999.

 

Tuy nhiên, nội dung cần hết sức chú ý ở đây là: Theo Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015 thì Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 có sự sửa đổi hết sức quan trọng đó là quy định hậu quả là mức độ tổn hại sức khỏe từ 61% trở lên mới cấu thành tội phạm chứ không phải là 31% như trước nữa. Theo đó, kể từ ngày Luật số 12/2017/QH14 được công bố (12/7/2017) thì những hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61% thì Luật số 12/2107 không quy định là tội phạm nữa. Theo đó, “…nếu vụ án đã khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt”.

 

Với nội dung trên, xin trao đổi cùng bạn đọc để nghiên cứu và vận dụng đúng đắn vào thực tiễn công tác. 

 

Thái Văn Mừng

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,780,649 lượt

Số người online:2,152 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn