Hành vi của Nguyễn văn A cùng đồng phạm phạm tội hủy hoại tài sản hay phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản?

Định tội danh vụ án hình sự là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, nó định hướng cho cả quá trình điều tra vụ án. Thế nhưng, trong thực tế có vụ án hình sự đã xảy ra nhưng xác định hành bi đó phạm tội gì của Bộ luật hình sự thì còn có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau, vụ án sau đây là một ví dụ.

Nội dung vụ án:

Như thường lệ, sáng ngày 12/12/2018, ông Nguyễn Thanh D cùng một số người trong xóm thả trâu lên núi ăn rồi đến chiều mới lên tìm trâu lừa về. Chiều cùng ngày ông D lên núi tìm trâu thì không thấy, do trời tối nên ông D đi về. Sáng hôm sau (13/12/2018) gia đình ông D mượn nhiều người cùng đi tìm trâu thì phát hiện đêm ngày 12/12/2018, con trâu của ông D bị kẻ gian xẻ thịt trên núi. Kẻ gian lấy toàn bộ thịt, xương, da chỉ bỏ lại tại hiện trường 1 bộ lòng của con trâu. Ông D báo cáo Công an huyện X, tỉnh H để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Kết quả xác minh tin báo tội phạm cho thấy, Nguyễn Văn A cùng đồng phạm (15 người) cho rằng trâu bò thường xuyên xuống ruộng ăn lúa, phá hoại hoa màu nên chiều tối ngày 12/12/2018 phát hiện con trâu xuống ruộng ăn lúa, nên 15 người cùng nhau rượt đánh con trâu chết trên núi cách ruộng lúa khoảng 200 mét. Sau khi đánh con trâu chết, 15 người cùng nhau xẻ thịt con trâu chia nhau đem về nhà sử dụng (ăn). Con trâu được Hội đồng định giá huyện X định có giá trị là 30 triệu đồng.
 
Cơ quan điều tra huyện X đã khởi tố vụ án, và khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn A cùng đồng phạm (15 người), về tội hủy hoại tài sản theo khoản 1 Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS).
 
Sau khi vụ án được khởi tố thì có nhiều ý kiến khác nhau tranh luận về tội danh vụ án:

 

Quan điểm thứ nhất, đồng ý cho rằng Cơ quan điều tra khởi tố Nguyễn Văn A cùng đồng phạm (15 người), về tội hủy hoại tài sản theo khoản 1 Điều 178 BLHS là có căn cứ,  đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Bởi vì: Tội hủy hoại tài sản có cấu thành cơ bản như sau: “Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; đ) Tài sản là di vật, cổ vật”.
 
Theo đó, về mặt khách thể, tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là xâm phạm đến quan hệ sở hữu của người khác.
 
- Về mặt khách quan: Hành vi phạm tội huỷ hoại tài sản là làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng không thể khôi phục lại được như con trâu bị đánh chết.
 
- Hậu quả: BLHS 2015 không quy định hậu quả của hành vi là yếu tố bắt buộc cấu thành tội phạm mà quy định những loại tài sản mà người phạm tội khi thực hiện hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng đối với những tài sản này sẽ bị truy cứu trách nhiệm về tội này đó là: tài sản có trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc các trường hợp như: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; Tài sản là di vật, cổ vật.
 
- Về chủ quan, mục đích của người phạm tội là mong muốn huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác. Ngoài mục đích này, người phạm tội không có mục đích nào khác và mục đích này cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
 
Do đó, Nguyễn Văn A cùng đồng phạm đánh chết con trâu của ông D có giá trị 30 triệu đồng là phạm tội hủy hoại tài sản theo khoản 1 Điều 178 BLHS.
 
Quan điểm thứ hai, cũng là quan điểm của tác giả cho rằng, Nguyễn Văn A cùng đồng phạm phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Bởi vì, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản có cấu thành cơ bản như sau: “Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ”
 
Theo đó về mặt khách thể của tội phạm: Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được hiểu là công khai chiếm đoạt tài sản trong khi chủ tài sản do hoàn cảnh không có khả năng ngăn cản, bảo vệ được tài sản của mình. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản xâm hại khách thể là sở hữu của người khác đối với tài sản.
 
 - Mặt khách quan của tội phạm:
 
+ Hành vi chiếm đoạt tài sản công khai, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản hoặc lợi dụng hoàn cảnh khác như thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh… (khác với tội cướp giật ở chỗ không cần sự nhanh chóng)
 
+ Hậu quả: người phạm tội chiếm đoạt được tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên, nếu tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng thì phải kèm theo điều kiện quy định từ điểm a đến điểm d khoản 1 Điều 172 BLHS thì mới cấu thành tội phạm.
 
- Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi cố ý với mục đích là chiếm đoạt tài sản.
 
Trong trường hợp này ban đầu Nguyễn Văn A cùng đồng phạm đánh chết con trâu là đủ yếu tố cấu thành tội Hủy hoại tài sản theo Điều 179 BLHS nhưng sau khi đánh chết con trâu, Nguyễn Văn A cùng đồng phạm tiếp tục công nhiên (công khai không hề lén lút, sợ hãi) xẻ thịt con trâu rồi chia thịt cho nhau (chiếm đoạt) đem về nhà sử dụng (ăn). Giá trị chiếm đoạt là 40 triệu đồng. Đối với chủ sở hữu tài sản thì cố tìm kiếm con trâu nhưng vì trời tối, địa hình rừng núi nên không thể tiếp tục tìm kiếm mà phải về nhà mượn người để tiếp tục tìm kiếm con trâu.
 
Đối chiếu cấu thành cơ bản của tội hủy hoại tài sản và tội công nhiên chiếm đoạt tài sản cho thấy có sự giống nhau và khác nhau giữa hai tội danh đó là:
- Giống nhau: Đều có lỗi cố ý và công khai (công nhiên).
- Khác nhau:Tội hủy hoại tài sản, mục đích của người phạm tội là mong muốn huỷ tài sản của người khác còn tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt tài sản của người khác.
 
Do đó, hành vi của Nguyễn Văn A cùng đồng phạm nếu sau khi đánh chết con trâu rồi bỏ đó không xẻ lấy thịt chia cho nhau (hành vi hủy hoại tài sản đã chấm dứt)  thì hành vi đó cấu thành phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo khoản 1 Điều 178 BLHS. Trong trường hợp này sau khi đánh con trâu chết, ông Nguyễn Thanh D vẫn đang tìm kiếm con trâu nhưng Nguyễn Văn A cùng đồng phạm lại tiếp tục xẻ thịt con trâu để chia cho nhau sử dụng (chiếm đoạt), giá trị A và các đồng phạm chiếm đoạt là 30 triệu đồng, nên hành vi của A cùng đồng phạm đã chuyển hóa từ phạm tội hủy hoại tài sản (Điều 178 BLHS) thành phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172 BLHS). Nên hành vi của Nguyễn Văn A cùng đồng phạm đã phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 172 BLHS.
 
Để áp dụng BLHS được thống nhất, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp và bạn đọc./.
Thanh Nghị

 

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,756,432 lượt

Số người online:2,618 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn