Có phải bồi thường khoản tiền đã được BHYT thanh toán trong vụ án tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại sức khỏe do bị xâm phạm

Bộ luật Dân sự và những văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại sức khỏe. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng vẫn còn có những quan điểm không thống nhất về bồi thường đối với khoản tiền người bị hại đã được Bảo hiểm y tế thanh toán.

Khi phát sinh tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại sức khỏe do bị xâm phạm thì Tòa án áp dụng các điều 584, 585, 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) để giải quyết. Theo đó, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

 

Thế nhưng, trong thực tiễn đã phát sinh tranh chấp về khoản tiền Bảo hiểm y tế (tự nguyện) thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bị hại do sức khỏe bị xâm phạm, tức là thẻ bảo hiểm y tế bị hại bỏ tiền mua hàng năm, nếu bị rủi ro, bệnh tật thì người mua bảo hiểm được hưởng quyền lợi từ nguồn thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại Bệnh viện, người mua bảo hiểm chỉ thanh toán 20% chi phí, Bảo hiểm y tế thanh toán 80% chi phí khám chữa bệnh. Sau đây là nội dung một vụ án tranh chấp:

 

Ông A đánh ông B bị thương tích phải khám chữa bệnh tại bệnh viện 15 ngày, chi phí khám chữa bệnh 10 triệu đồng, ông B thanh toán 20% chi phí khám chữa bệnh là 2 triệu đồng, tỷ lệ thương tật 10%. Trong quá trình giải quyết tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại sức khỏe do bị xâm phạm thì ông A và ông B thỏa thuận được các khoản bồi thường như: khoản tiền xe, tiền công không lao động, công người nuôi, tổn thất tình thần, 20% tiền chi phí khám chữa bệnh tại Bệnh viện, nên ông B rút yêu cầu các phần đã thỏa thuận. Còn khoản không thỏa thuận được là 80% tiền chi phí khám chữa bệnh mà Bảo hiểm y tế đã thanh toán theo quy định thay ông B là 8 triệu đồng, nên ông B yêu cầu ông A phải hoàn trả lại cho ông 8 triệu đồng vì ông bỏ tiền mua bảo hiểm y tế, nên quyền lợi từ bảo hiểm y tế ông được hưởng..

 

Do không thỏa thuận được nên ngày 20/8/2019 Tòa án huyện X, tỉnh Y đưa vụ án ra xét xử: Căn cứ quy định tại Điều 590 BLDS Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của ông B yêu cầu ông A trả lại cho ông 8 triệu đồng, vì khoản tiền này Bảo hiểm y tế đã thanh toán cho Bệnh viện thay cho ông B theo quy định.

 

Với kết quả Tòa án huyện X đã giải quyết như trên, có 2 quan điểm khác nhau về giải quyết vụ án:

 

Quan điểm thứ nhất cho rằng, kết quả giải quyết vụ án của Tòa án huyện X  là đúng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 590 BLDS: “Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại”. Khoản tiền Bảo hiểm y tế đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho ông B nên ông A không phải hoàn trả lại cho ông B.

 

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giải bài viết cho rằng, căn cứ khoản 1 Điều 580 BLDS: “Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản mà không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã thu được”. Do đó, ông B bỏ tiền ra mua bảo hiểm tự nguyện thì khoản tiền 80% Bảo hiểm y tế thanh toán tiền chi phí khám chữa bệnh là quyền lợi ông B được hưởng chứ không thể ông A được hưởng quyền lợi của ông B. Ông A xâm phạm sức khỏe của ông B thì phải bồi thường theo Điều 590 BLDS, vì Bảo hiểm y tế đã thanh toán 80% tiền chi phí khám chữa bệnh cho ông B nên ông A phải có nghĩa vụ hoàn trả lại khoản tiền đó cho ông B chứ ông A thông thể chiếm hữu khoản tiền này của ông B, vì theo quy định của pháp luật thì ông A phải có trách nhiệm bồi thường mọi chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại theo khoản 1 Điều 590 BLDS.

 

Trong thời gian gần đây, tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại sức khỏe do bị xâm phạm mà người bị hại có tự nguyện mua bảo hiểm y tế phát sinh nhiều. Qua giải quyết vụ án cho thấy người xâm phạm sức khỏe của người khác (bị đơn) có suy nghĩ người bị hại (nguyên đơn) đã được bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh, khoản bồi thường còn lại không nhiều nên thường bất hợp tác với Tòa án và không chịu thỏa thuận với người yêu cầu bồi thường. Mặt khác, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn giải quyết khoản chi phí khám chữa bệnh được bảo hiểm y tế thanh toán có được hoàn trả lại cho người bỏ tiền mua bảo hiểm y tế hay không. Nếu không hoàn trả thì người tự nguyện bỏ tiền mua bảo hiểm y tế bị thiệt hại trong trường hợp có phát sinh tranh chấp về bồi thường thiệt hại sức khỏe do bị xâm phạm.

 

Để  giải quyết vụ án dân sự có phát sinh tranh chấp hoàn trả lại khoản tiền chi phí khám chữa bệnh do sức khỏe bị xâm phạm mà Bảo hiểm y tế đã thanh toán thì có được buộc người xâm phạm sức khỏe hoàn trả lại cho người có sức khỏe bị xâm phạm hay không, qua bài viết này kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm có văn bản hướng dẫn để các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng có căn cứ giải quyết vụ tranh chấp được tuân thủ đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự./.

 

Thanh Nghị

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,780,377 lượt

Số người online:955 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn