Tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn là loại tranh chấp phức tạp, có nhiều vụ án kéo dài vì liên quan đến đất đai, nhà ở, công trình xây dựng, cổ phần và phần vốn góp trong công ty làm ảnh hưởng đến các giá trị truyền thống về văn hóa, đạo lý trong gia đình, tài sản tranh chấp thường có giá trị lớn ...., nên việc giải quyết các vụ án tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn còn liên quan đến nhiều mối quan hệ pháp luật như mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp tài sản … và được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau, do đó kiểm sát việc giải quyết vụ án gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Vì vậy, để giải quyết vụ án chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn theo thủ tục sơ thẩm được đúng đắn Kiểm sát viên (KSV), Kiểm tra viên (KTV) cần lưu ý kiểm sát các lĩnh vực như sau:
Về pháp luật tố tụng
Khi kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn cần thực hiện theo quy định tại Điều 21, Điều 57, Điều 58, Điều 59 và các quy định khác của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) và văn bản hướng dẫn thi hành BLTTDS về thủ tục giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục sơ thẩm; Quy định vềhướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm được ban hành kèm theo Quyết định số 458/QĐ-VKSTC ngày 04/10/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Quy định 458/2019).
Về pháp luật nội dung
Khi kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, KSV, KTV cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thời điểm kết hôn, thời kỳ hôn nhân
- Xác định tài sản của vợ chồng: thời điểm kết hôn là căn cứ để xác định điểm bắt đầu của thời kỳ hôn nhân. Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính kể từ khi hai bên nam, nữ sống chung với nhau và có đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được pháp luật thừa nhận đến ngày chấm dứt hôn nhân. Thời kỳ hôn nhân là căn cứ quan trọng để xác định tài sản của vợ chồng.
Theo khoản 1 Điều 131 Luật Hôn nhân và gia đình (HNVGĐ) năm 2014, các quan hệ hôn nhân và gia đình xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết. Do đó, khi xác định tài sản của vợ chồng phải căn cứ vào quy định của pháp luật tại thời điểm các bên kết hôn, từ đó xác định tài sản nào là tài sản chung, tài sản nào là tài sản riêng của vợ chồng.
- Xác định thời kỳ hôn nhân thực tế: đó là tình trạng nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà chưa đăng ký kết hôn. Theo quy định tại điểm a khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 của Quốc hội ngày 09/6/2000 về việc thi hành Luật HNVGĐ năm 2000 thì nam nữ sống chung như vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987, ngày Luật HNVGĐ năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Toà án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật HNVGĐ năm 2000.
Trường hợp trước ngày Luật HNVGĐ năm 1986 có hiệu lực mà nam nữ sống chung như vợ chồng rồi sau đó hai người không sống chung nữa và sống chung như vợ chồng với người khác, thì thời kỳ hôn nhân thực tế giữa người nam và người nữ đầu tiên đã chấm dứt và chỉ công nhận thời kỳ hôn nhân thực tế giữa người nam và người nữ thứ hai thì áp dụng Án lệ 41/2021/AL, trừ trường hợp cán bộ, bộ đội có vợ, có chồng trong Miền Nam rồi tập kết ra Bắc lấy vợ, lấy chồng khác.
- Xác định thời kỳ hôn nhân của cán bộ, bộ đội có vợ, có chồng trong Nam, tập kết ra Bắc lấy vợ, lấy chồng khác thì thực hiện theo Thông tư số 60/TATC ngày 22/02/1978 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn giải quyết các việc tranh chấpvề hôn nhân và gia đình của cán bộ, bộ đội có vợ, có chồng trong Nam rồi tập kết ra Bắc lấy vợ, lấy chồng khác.
+ Xác định tài sản chung của vợ, chồng:
* Theo quy định của Luật HNVGĐ năm 1959:
Tài sản chung của vợ chồng được xác định theo Điều 15 Luật HNVGĐ năm 1959: vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản cỏ trước và sau khi cưới. Theo quy định này, mọi tài sản của vợ chồng có trước và trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng.
Đối với trường hợp nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng, mới chỉ được gia đình tổ chức lễ cưới theo tập quán mà chưa đăng ký kết hôn trước ngày 03/01/1987, theo quy định tại Mục 1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 của Quốc hội ngày 09/6/2000 về việc thi hành Luật HNVGĐ năm 2000 thì quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận kể từ ngày xác lập (ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng), chứ không phải là chỉ được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn”. Do đó, tài sản chung của vợ chồng được xác định theo quy định tại Điều 15 Luật HNVGĐ năm 1959.
Đối với cán bộ, bộ đội có vợ, có chồng trong Nam rồi tập kết ra Bắc lấy vợ, lấy chồng khác thì tài sản chung của vợ chồng được xác định là những tài sản của người chồng và người vợ này phải ly hôn mà không tính gộp cả tài sản của người vợ kia.
* Theo quy định của Luật HNVGĐ năm 1986:
Tài sản chung của vợ chồng được xác định theo Điều 14 Luật HNVGĐ năm 1986: tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra, thu nhập về nghề nghiệp và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được cho chung. Theo quy định tại Điều 16 Luật HNVGĐ năm 1986, tài sản riêng của vợ hoặc chồng sẽ trở thành tài sản chung khi vợ hoặc chồng tự nguyện nhập vào khối tài sản chung. Như vậy, tài sản chung của vợ chồng theo Luật HNVGĐ năm 1986 bao gồm: tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra, thu nhập về nghề nghiệp và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung; tài sản riêng của vợ hoặc chồng đã được vợ hoặc chồng tự nguyện nhập vào khối tài sản chung.
* Theo quy định của Luật HNVGĐ năm 2000:
Tài sản chung của vợ chồng được xác định theo khoản 1 Điều 27 Luật HNVGĐ năm 2000 bao gồm: Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung; tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung. Đối với quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn (đăng ký kết hôn) là tài sản chungcủa vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận quyền sử dụng đất đó là tài sản chung.
Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật HNVGĐ năm 2000 quy định cụ thể về thỏa thuận việc nhập tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng vào tài sản chung như sau: việc nhập tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất và các tài sản khác có giá trị lớn thuộc sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng vào tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật HNVGĐ năm 2000 phải được lập thành văn bản, có chữ ký của cả vợ và chồng. Văn bản đó có thể được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.
* Theo quy định của Luật HNVGĐ năm 2014:
Theo quy định tại điểm 1 khoản 1 Điều 28 Luật HNVGĐ năm 2014, vợ chồng có quyền thỏa thuận về tài sản. Như vậy, vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng xác định tài sản theo luật định hoặc xác định tài sản theo thỏa thuận.
- Xác định tài sản của vợ chồng theo luật định:
Theo quy định tại điểm 2 khoản 1 Điều 28 Luật HNVGĐ năm 2014 thì xác định tài sản của vợ chồng theo luật định được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 33 đến Điều 46 và từ Điều 59 đến Điều 64 của Luật HNVGĐ năm 2014.
Theo đó, tài sản chung của vợ chồng được xác định theo khoản 1 Điều 33 Luật HNVGĐ năm 2014 bao gồm: tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật HNVGĐ này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung; tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Đối với quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Điều 9 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 (Nghị định số 126/2014/NĐ-CP) của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật HNVGĐ năm 2014 quy định cụ thể về thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân bao gồm: tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định này; tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước; thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Khoản 3 Điều 33 Luật HNVGĐ năm 2014 quy định trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ chồng đang tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
- Xác định tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận:
Theo quy định tại điểm 3 khoản 1 Điều 28 Luật HNVGĐ năm 2014 thì xác định tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được thực hiện theo quy định tại các Điều 47, 48, 49, 50 và 59 của Luật HNVGĐ năm 2014. Ngoài ra, việc thỏa thuận tài sản của vợ chồng còn được hướng dẫn tại các Điều 5 và 6 của Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật HNVGĐ (Thông tư liên tịch số 01 /2016/TTLT) và tại các Điều 15, 16, 17 và 18 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP.
- Xác định nghĩa vụ (nợ) chung của vợ chồng: nợ chung của vợ chồng là khoản nợ phát sinh từ giao dịch của vợ chồng hoặc khoản nợ đứng tên một trong hai bên vợ hoặc chồng nhưng được sử dụng vì mục đích chung cho gia đình, con cái. Khoản nợ của vợ hoặc chồng mà cả vợ và chồng đều xác định đó là nợ chung hoặc do pháp luật quy định là nợ chung thì được xác định là nợ chung của vợ chồng.
Luật HNVGĐ năm 1959 không có điều luật cụ thể quy định về nghĩa vụ chung của vợ chồng.
Luật HNVGĐ năm 1986, năm 2000 và năm 2014 đều quy định khi chia tài sản chung của vợ chồng, phải xác định cả nợ chung của vợ chồng để giải quyết mới bảo đảm quyền lợi cho người thứ ba.
Điều 10, Điều 15 Luật HNVGĐ năm 1986, các Điều 23, 24, 25 Luật HNVGĐ năm 2000 và Điều 40 Luật HNVGĐ năm 2014 quy định về nợ chung của vợ chồng bao gồm khoản nợ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân, khoản nợ của vợ hoặc chồng mà cả vợ và chồng đều xác định đó là nợ chung, khoản nợ phát sinh từ giao dịch của vợ chồng hoặc khoản nợ đứng tên một trong hai bên vợ hoặc chồng được sử dụng vì mục đích chung cho gia đình, con cái.
Theo Điều 37 Luật HNVGĐ năm 2014 thì vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có các nghĩa vụ chung về tài sản như nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm; nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường; nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan. Cùng với đó, tại khoản 20 Điều 3 Luật HNVGĐ năm 2014 quy định nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình. Do đó, nợ chung của vợ chồng phát sinh không nhất thiết phải do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập mà có thể do một bên thực hiện nhằm đáp ứng nhucầu thiết yếu của gia đình; từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình; từ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật Dân sự thì cha mẹ phải bồi thường ...
- Xác định tài sản riêng của vợ, chồng:
Theo quy định tại Điều 15 Luật HNVGĐ năm 1959 thì vợ chồng không có tài sản riêng. Vợ hoặc chồng có tài sản riêng khi ly hôn và được chia tài sản theo quy định tại Điều 29 của Luật này.
heo quy định tại Điều 16 Luật HNVGĐ năm 1986 tài sản riêng của vợ, chồng là tài sản mà vợ hoặc chồng có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng hoặc được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật HNVGĐ năm 2000 thì vợ, chồng có quyền có tài sản riêng; tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật HNVGĐ năm 2000 và Điều 8 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật HNVGĐ năm 2000; đồ dùng, tư trang cá nhân.
Theo đó, khoản 2 Điều 32 Luật HNVGĐ năm 2000 quy định vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung; khoản 4 Điều 33 Luật HNVGĐ năm 2000 quy định tài sản riêng của vợ, chồng cùng được sử dụng vào các nhu cầu thiết yếu của gia đình trong trường hợp tài sản chung không đủ để đáp ứng và khoản 5 Điều 33 Luật HNVGĐ năm 2000 trường hợp tài sản riêng của vợ hoặc chồng đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự thoả thuận của cả vợ chồng.
Theo quy định tại Điều 43 Luật Luật HNVGĐ năm 2014 thì tài sản riêng của vợ, chồng gồm: tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các Điều 38, 39 và 40 HNVGĐ năm 2014; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng; tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng; tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 HNVGĐ năm 2014.
Điều 10 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định cụ thể về hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng như sau: hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là sản vật tự nhiên mà vợ, chồng có được từ tài sản riêng của vợ, chồng; lợitức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là khoản lợi mà vợ, chồng thu được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng.
Điều 11 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định cụ thể về tài sản riêng khác của vợ, chồng bao gồm: quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ; tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác; khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Những tài sản mà vợ chồng được cho, tặng, thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân, có bằng chứng hợp pháp, thông qua hợp đồng tặng cho, có chứng cứ về phân chia di sản thừa kế, giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đối với tài sản và trước đó không có thỏa thuận để được coi là tài sản chung thì sẽ được coi là tài sản riêng khi có tranh chấp, khi ly hôn hoặc khi cần xác định tài sản riêng.
Khoản 4 Điều 44 HNVGĐ năm 2014 quy định trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.
- Xác định nợ riêng của vợ hoặc của chồng: nợ riêng của vợ hoặc chồng là các khoản nợ do một bên xác lập không thuộc các trường hợp được xác định là nợ chung nêu tại mục 2.3Hướng dẫn số 30/HD-VKSTC ngày 31/5/2022. Đối với khoản nợ riêng, bên xác lập có trách nhiệm trả toàn bộ khoản nợ mà không được phép tự ý sử dụng tài sản chung của vợ chồng để thanh toán cho khoản nợ này.
- Xác định nguyên tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn theo quy định của Luật HNVGĐ năm 2014, đó là:
+ Giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn theo xác định tài sản của vợ chồng: theo khoản 1 Điều 59 Luật HNVGĐ năm 2014 nếu trường hợp xác định tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 59 và tại các Điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật HNVGĐ năm 2014.
Trường hợp xác định tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 59 và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật HNVGĐ năm 2014 để giải quyết.
+ Điều 7 khoản 1 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT hướng dẫn khi ly hôn vợ chồng có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét, quyết định việc áp dụng xác định tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hay theo luật định, tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án xử lý như sau:
* Trường hợp không có văn bản thỏa thuận về tài sản của vợ chồng hoặc văn bản thỏa thuận về xác định tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộthì áp dụng xác định tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
* Trường hợp có văn bản thỏa thuận về tài sản của vợ chồng và văn bản này không bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng các nội dung của văn bản thỏa thuận để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Đối với những vấn đề không được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng hoặc bị vô hiệu thì áp dụng các quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 59 và các điều 60, 61, 62, 63 và 64 Luật HNVGĐ năm 2014 để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
* Khi giải quyết ly hôn nếu có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu thì Tòa án xem xét, giải quyết đồng thời với yêu cầu chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
- Xác định các yếu tố làm căn cứ để xem xét chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật HNVGĐ năm 2014 thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng phải tính đến các yếu tố sau:
+ Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng: điểm a khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT hướng dẫn: hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật HNVGĐ năm 2014. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng.
+ Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung: điểm b khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT hướng dẫn công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triên khối tài sản chung là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.
+ Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập: điểm c khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT hướng dẫn bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sảnxuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.
+ Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng: điểm d khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT hướng dẫn lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn (vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy, phá tán tài sản...).
+ Chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn trong một số trường hợp cụ thể như sau:
Khi chia tài sản chung của vợ chồng là nhà đất mà tài sản này có nguồn gốc là của gia đình bên vợ hoặc gia đình bên chồng cho vợ chồng thì phải coi người vợ hoặc người chồng được gia đình cho nhà đất có công sức đóng góp nhiều hơn để chia theo công sức của mỗi bên và cần căn cứ vào nhu cầu về chỗ ở để chia hiện vật cho các bên nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của các đương sự (Án lệ số 03/2016/AL).
Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia theo quy định tại Điều 59 Luật HNVGĐ năm 2014.
Theo đó, đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, nếu cả hai bên đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì được chia theo thỏa thuận của hai bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 59 Luật HNVGĐ năm 2014.
Trường hợp chỉ một bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì bên đó được tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng.
Trường hợp vợ chồng có quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản chung với hộ gia đình thì khi ly hôn phần quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra và chia theo quy định trên.
Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở thì được chia theo quy định tại Điều 59 Luật HNVGĐ năm 2014.
Đối với loại đất khác thì được chia theo quy định của pháp luật về đất đai.
Vợ chồng sống chung với gia đình mà không có quyền sử dụng đất chung với hộ gia đình thì khi ly hôn quyền lợi của bên không có quyền sử dụng đất và không tiếp tục sống chung với gia đình được giải quyết theo quy định tại Điều 61 Luật HNVGĐ năm 2014.
Theo đó, Điều 63 Luật HNVGĐ năm 2014 quy định nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quvền lưu cư trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Khi chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh cần thực hiện theo quy định tại Điều 64 Luật HNVGĐ năm 2014.
Trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì căn cứ khoản 4 Điều 59 Luật HNVGĐ năm 2014 được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
- Xác định tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, trường hợp tài sản chung của vợ chồng không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch theo quy định tại khoản 4 Điều 59 Luật HNVGĐ năm 2014.
Khi chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo khoản 5 Điều 59, khoản 6 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT.
- Khi chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, phải xác định vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba hay không để đưa người thứ ba vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba mà người thứ ba có yêu cầu giải quyết thì Tòa án phải giải quyết khi chia tài sản chung của vợ chồng. Trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ với người thứ ba mà người thứ ba không yêu cầu giải quyết thì Tòa án hướng dẫn họ để giải quyết bằng vụ án khác theo quy định tại Điều 60 và khoản 3 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT.
- Xác định giá trị tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết sơ thẩm vụ việc theo khoản 5 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT.
Theo đó, khoản 2 Điều 131 Luật HNVGĐ năm 2014 quy định đối với vụ việc về hôn nhân và gia đình do Tòa án thụ lý trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa giải quyết thì áp dụng thủ tục theo quy định của Luật HNVGĐ năm 2014. Điều này được hiểu là các quan hệ hôn nhân và gia đinh được xác lập ở bất kỳ thời điểm nàomà có tranh chấp (trong đó bao gồm cả tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn) đã được Tòa án thụ lý khi Luật HNVGĐ năm 2014 có hiệu lực mà chưa giải quyết thì áp dụng các thủ tục quy định tại Luật HNVGĐ năm 2014 để giải quyết.
Khi KSV, KTV kiểm sát việc giải quyết vụ án chặt chẽ, tuân thủ đúng quy định của pháp luật thì kết quả kiểm sát giải quyết vụ án tranhchấp chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn theo thủ tục sơ thẩm sẽ đem lại kết quả tốt, hạn chế án bị Tòa án cấp trên hủy, cải sửa cơ bản, đem lại niềm tin cho đương sự./.
Thanh Nghị