Giết người và cái giá phải trả

Trong những năm gần đây, các vụ án do người chưa thành niên phạm tội thực hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định đã tăng lên về số lượng và diễn biến hành vi phạm tội ngày càng nguy hiểm, phức tạp. Đây là hồi chuông cảnh báo đối với gia đình, nhà trường và toàn xã hội về loại đối tượng phạm tội này.

Ngay từ đầu năm 2018, Viện KSND tỉnh Bình Định đã tổ chức hội thảo “Tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, thực trạng và giải pháp” với sự tham dự của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể 02 cấp tỉnh Bình Định để bàn giải pháp, khắc phục tình trạng thanh thiếu niên phạm tội trên địa bàn tỉnh. Có thể thấy, hoạt động này của Viện KSND tỉnh Bình Định là hết sức thiết thực, nhằm ngăn chặn những vụ án đau lòng mà điển hình là vụ án sau đây:

 

Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã xét xử sơ thẩm vụ án Đỗ Quang T, Trần Chí T phạm tội “Giết người” theo quy định tại Điều 93 BLHS. Theo nội dung bản Cáo trạng:

 

Xuất phát từ bản tính côn đồ, hung hãn, xem thường tính mạng, sức khỏe người khác nên khoảng 13 giờ 30 phút, ngày 09/6/2017; Trần Chí T (sinh ngày 11/4/2001) điều khiển xe mô tô chở Đỗ Quang T (sinh ngày 20/6/2000) đem theo một cái rựa; khi đi đến đoạn đường thuộc thôn Đức Phổ 2, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định phát hiện Trần Ngọc Th điều khiển xe mô tô chở Võ Huy H chạy ngược chiều thì cho rằng đó là nhóm thanh niên xã Mỹ Cát (có mâu thuẫn từ trước) nên T hô “Chặt!”.  Ngay lập tức T dùng rựa chém mạnh một nhát từ trên xuống, trúng vào đầu của Võ Huy H, làm H ngã xuống đường bất tỉnh. Hậu quả,Võ Huy H bị khuyết sọ, kích thước (70x24)mm, tổn hại sức khỏe do thương tích gây nên là 23%. Sau khi gây án, T, T rời khỏi hiện trường, bỏ mặc hậu quả. Việc Võ Huy H không chết là do được cấp cứu kịp thời.

 

Căn cứ hành vi phạm tội của bị cáo, chứng cứ trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở đề nghị của đại diện Viện kiểm sát đồng thời xem xét tình tiết các bị cáo là người chưa thành niên phạm tội nên Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Đỗ Quang T 08 năm tù giam và Trần Chí T 07 năm tù giam.

 

Tội phạm trẻ hoá đã không còn là câu chuyện pháp luật. Đó là chuyện của mỗi gia đình, của mỗi người làm cha, làm mẹ và cũng là chuyện của chính những người trẻ. Thực tế cho thấy, nhiều vụ án giết người mà hung thủ là những người tuổi đời còn quá trẻ. Điều này cho thấy, thanh thiếu niên không được giáo dục đến nơi đến chốn, thiếu hiểu biết pháp luật, không có kỹ năng sống dẫn đến có những hành vi ngang ngược, thể hiện cái tôi vượt trội không quan tâm đúng sai, phải trái. Mặt khác, do gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc dẫn đến nhiều người trẻ tuổi bị bỏ mặc, bị buông lỏng quản lý… Chính vì những lý do này dẫn đến người trẻ tuổi phạm tội.

 

Đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại hiệu quả gắn kết của “tam giác”: Gia đình - Nhà trường - Xã hội. Đã đến lúc ngành giáo dục, gia đình, các chuyên gia tâm lý, nhà làm luật… cần ngồi lại với nhau để phân tích cặn kẽ nguyên nhân nhằm tìm ra một giải pháp mạnh mẽ, triệt để, thiết thực nhằm hạn chế và ngăn chặn những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tội phạm ở thanh thiếu niên. Phía sau mỗi vụ án, đành rằng bao giờ cũng là những nỗi đau. Nhưng nỗi đau ấy sẽ còn nhân lên gấp bội khi mà kẻ gây án là những người còn trẻ. Chỉ vì những phút ngông cuồng, bồng bột, họ đã đẩy tuổi thanh xuân vào chốn lao tù.

 

Lê Ngọc

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,742,564 lượt

Số người online:154 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn