Bàn về việc tính lãi suất đối với hợp đồng cho vay tài sản là vàng

Vàng là loại tài sản có giá trị cao, biến động theo từng thời điểm. Hiện nay bên cạnh các hợp đồng vay tài sản là tiền thì hợp đồng vay tài sản là vàng cũng khá phổ biến trong thực tiễn giao dịch dân sự. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, không có văn bản nào quy định về mức lãi suất cho vay vàng, nên khi có tranh chấp xảy ra còn có nhiều quan điểm giải quyết. Tôi xin đơn cử vụ án đã được giải quyết ở cấp sơ thẩm để chúng ta cùng góp ý.

Ngày 09/4/2019 ông A cho ông B vay 10 lượng vàng SJC, giá vàng tại thời điểm cho vay là 43.000.000đ/lượng lãi suất thỏa thuận 1,55%/tháng, hợp đồng vay không kỳ hạn, khi nào cần ông A báo trước một thời gian hợp lý ông B sẽ trả. Tuy nhiên sau khi nhận vàng, ông B không thực hiện việc trả lãi như đã thỏa thuận, ông A nhiều lần yêu cầu ông B thực hiện nghĩa vụ trả nợ nhưng ông B cứ hẹn không trả nên ông A đã khởi kiện đến Tòa án, yêu cầu ông B trả 10 lượng vàng SJC và lãi suất 1,55%/tháng. Tại thời điểm xét xử giá vàng SJC là 69.000.000đ/lượng.

Quan điểm thứ nhất: không tính lãi suất đối với tài sản cho vay là vàng. Năm1992 Ngân hàng nhà nước ban hành Quyết định số 57-QĐ/NH1 ngày 31/3/1992 công bố mức lãi suất cho vay đối với vàng tối đa là 7%/năm. Tuy nhiên ngày 03/10/2000 Ngân hàng nhà nước ban hành Quyết định số 432/2000/QĐ-NHNN1 hủy bỏ Quyết định năm số 57 và từ đó đến nay không có văn bản nào quy định về mức lãi suất cho vay vàng. Căn cứ khoản 5 Mục I Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19-6-1997 của BTP-BTC-VKSNDTC-TANDTC “Hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản” đã hướng dẫn: trong trường hợp đối tượng hợp đồng vay tài sản là vàng, thì lãi suất chỉ được chấp nhận khi Ngân hàng Nhà nước có quy định. Do đó không còn cơ sở để áp dụng mức lãi suất đối với hợp đồng vay tài sản là vàng để xử lý tranh chấp.
Quan điểm thứ hai: tính lãi suất đối với giá trị vàng được quy ra tại thời điểm cho vay trong vụ án trên là 43.000.000đ/lượng.Căn cứ tiểu mục 1 mục I phần B Giải đáp số 6183/VKSTC-V14 ngày 25/12/2019 của VKSNDTC giải đáp vướng mắc về pháp luật dân sự, hành chính có giải đáp nội dụng: mặc dù Điều 357 và Điều 468 BLDS chỉ quy định việc trả lãi đối với tài sản vay là tiền, tuy nhiên, căn cứ vào khoản 2 Điều 14 BLDS “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật này được áp dụng”, trường hợp vay tài sản là vật, có thỏa thuận về lãi mà có tranh chấp về việc trả lãi thì Tòa án vẫn phải thụ lý vụ án để giải quyết.Tài sản vay là vật có thể được quy ra giá trị bằng tiền để tính lãi suất theo Điều 468 BLDS.
Quan điểm thứ ba: vàng là tài sản có sự biến động về giá tại thời điểm cho vay và thởi điểm trả rất lớn, để bảo vệ quyền lợi cho người cho vay nên tính lãi suất đối với giá trị vàng được quy ra tại thời điểm xét xử trong vụ án trên là 69.000.000đ/lượng.
Theo cá nhân tôi thống nhất với quan điểm thứ hai là tính lãi suất đối với tài sản vay là vàng, dựa trên giá trị vàng được quy đổi ra tại thời điểm cho vay, cách tính lãi suất này không chỉ bảo vệ quyền lợi cho bên cho vay mà còn bảo vệ quyền lợi cho bên vay.Trường hợp lãi suất thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS thì khoản lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Để bảo vệ quyền lợi cho người cho vay tài sản là vàng, tránh vướng mắt trong quá trình áp dụng pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc tính lãi suất đối với hợp đồng vay tài sản là vàng để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
Rất mong các anh chị đồng nghiệp góp ý, trao đổi./.
Hồng Thiện

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,781,548 lượt

Số người online:3,507 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn