Kỹ năng kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản đã kê biên để thi hành án dân sự

Kiểm sát bán đấu giá tài sản đã kê biên để thi hành án dân sự là một khâu công tác kiểm sát phức tạp, nên cần phải tăng cường công tác kiểm sát nhằm bảo đảm cho pháp luật được tuân thủ thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.

 Kiểm sát các hoạt động trước khi bán đấu giá tài sản kê biên

Theo đó, Kiểm sát viên (KSV), Kiểm tra viên (KTV) cần kiểm sát các nội dung sau:
- Kiểm sát việc xác định thẩm quyền bán đấu giá tài sản thi hành án của  Chấp hành viêntheo quy định tại khoản 2, 3 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự năm 2014 (Luật THADS).
- Kiểm sát việc thực hiện quyền bán đấu giá tài sản thi hành áncủa chấp hành viên theo quy định tại khoản 3 Điều 101 Luật THADS về thời hạn đưa tài sản thi hành án ra bán đấu giá.
- Kiểm sát việc ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản thi hành án của Chấp hành viên.Theo đó, KSV, KTV kiểm sát các nội dung như sau:
+ Về chủ thể ký kết hợp đồng: họ tên, địa chỉ của người có tài sản bán đấu giá (Chấp hành viên, Cơ quan Thi hành án dân sự); tên, địa chỉ của tổ chức bán đấu giá tài sản.
+ Về tài sản bán đấu giá: các thông tin về tài sản bán đấu giá trong hợp đồng phải có sự thống nhất với quyết định kê biên, biên bản kê biên, chứng thư thẩm định giá; ghi nhận về tình trạng pháp lý của tài sản bán đấu giá và việc thu giữ giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.
+ Về giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá: giá khởi điểm được ghi trong chứng thư thẩm định giá. Trường hợp có nhiều tài sản bán đấu giá thì hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản phải quy định rõ giá khởi điểm là của từng loại tài sản hay giá chung tất cả các tài sản bán đấu giá.
+ Về khoản tiền đặt trước: khoản tiền đặt trước phải đảm bảo tối thiểu là 05% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá.
Về bước giá: theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, thì bước giá do người có tài sản quyết định. Do đó, Chấp hành viên quyết định bước giá và chịu trách nhiệm.
+ Về hình thức đấu giá, phương thức trả giá: Chấp hành viên có thể thỏa thuận với tổ chức đấu giá thực hiện theo một trong hai hình thức đấu giá là đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá hoặc đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá. Về phương thức trả giá, do đặc thù của việc bán đấu tài sản kê biên chỉ được thực hiện theo phương thức trả giá lên; do đó, trong hợp đồng phải ghi rõ phương thức trả giá lên.
+ Về thời hạn, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá: kiểm sát việc Chấp hành viên tổ chức cuộc đấu giá phải phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật THADS (đối với động sản phải trong thời hạn 30 ngày và bất động sản là 45 ngày kể từ ngày ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản). Địa điểm tổ chức cuộc đấu giá thực hiện tại trụ sở của tổ chức bán đấu giá hoặc có thể thỏa thuận việc tổ chức cuộc đấu giá ở địa điểm khác thuận tiện hơn nhưng phải được ghi trong hợp đồng.
Về thanh toán tiền mua tài sản: hợp đồng phải thể hiện nội dung quy định về việc người mua được tài sản bán đấu giá nộp tiền vào tài khoản của cơ quan THADS trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đấu giá thành và không được gia hạn thêm,theo quy định tại điểm 3 khoản 12 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CPngày 17 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản kê biên thuộc sở hữu chung (Nghị định số 33/2020/NĐ-CP).
- Kiểm sát việc Chấp hành viên thực hiện quy định về việc bán đấu giá tài sản kê biên thuộc sở hữu chung. Kiểm sát viên được phân công cần chú ý kiểm sát việc Chấp hành viên thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật THADS và khoản 12 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP.
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tổ chức bán đấu giá trong việc ban hành Quy chế cuộc đấu giá tài sản thi hành án.
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tổ chức bán đấu giá trong thực hiện niêm yết việc đấu giá tài sản thi hành án.
- KSV được phân công cần kiểm sát chặt chẽ việc Tổ chức bán đấu giá thực hiện niêm yết việc đấu giá tài sản kê biên theo quy định tại Điều 35 và Điều 53 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tổ chức bán đấu giá trong thực hiện thông báo công khai việc đấu giá tài sản kê biên.
- Kiểm sát việc Tổ chức bán đấu giá thực hiện bán hồ sơ tham gia đấu giá và tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá tài sản kê biên.
- Kiểm sát việc Tổ chức bán đấu giá tài sản thu tiền đặt trước và việc quản lý, xử lý khoản tiền đặt trước của người tham gia đấu giá tài sản thi hành án.
- Kiểm sát việc Tổ chức bán đấu giá tài sản tổ chức cho người tham gia đấu giá được trực tiếp xem tài sản kê biên. Khi kiểm sát việc Tổ chức bán đấu giá tài sản tổ chức cho người tham gia đấu giá được trực tiếp xem tài sản kê biên theo quy định tại Điều 36 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
Kiểm sát các hoạt động trong quá trình bán đấu giá tài sản thi hành án
Theo đó, KSV, KTV cần kiểm sát các nội dung sau:
- Kiểm sát việc Chấp hành viên giải quyết cho người phải thi hành án quyền được nhận lại tài sản kê biên: KSV được phân công cần kiểm sát các tài liệu thể hiện người phải thi hành án đã nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán đấu giá trước khi mở cuộc bán đấu giá tài sản kê biên 01 ngày làm việc để được nhận lại tài sản theo quy định tại khoản 5 Điều 101 Luật THADS.
- Kiểm sát địa điểm tổ chức cuộc đấu giá tài sản kê biên: kiểm sát việc Tổ chức bán đấu giá tài sản thực hiện việc tổ chức cuộc đấu giá tài sản kê biên tại địa điểm được quy định trong Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản kê biên, tại Quy chế cuộc đấu giá và đã được thông báo, niêm yết công khai việc đấu giá tài sản kê biên. Trường hợp thay đổi địa điểm tổ chức cuộc đấu giá tài sản kê biên thì phải có sự thỏa thuận giữa Tổ chức bán đấu giá tài sản với Chấp hành viên và phải được niêm yết công khai trước khi mở cuộc đấu giá theo quy định tại Điều 35 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
- Kiểm sát việc thực hiện trình tự, thủ tục tổ chức, điều hành cuộc đấu giá tài sản kê biên của Tổ chức bán đấu giá tài sản và Đấu giá viên. 
- Kiểm sát việc bán đấu giá tài sản thi hành án trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá.
- Kiểm sát việc thực hiện trách nhiệm của Chấp hành viên trong trường hợp không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành.
Kiểm sát các hoạt động sau khi kết thúc việc bán đấu giá tài sản thi hành án 
Đây là khâu công tác kiểm sát phức tạp nên KSV, KTV cần kiểm sát các nội dung sau đây:
- Kiểm sát việc Chấp hành viên thực hiện ký Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá: kiểm sát việc Chấp hành viên thực hiện ký Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá với người trúng đấu giá theo quy định tại Điều 46 Luật Đấu giá tài sản năm 2016; xem xét các nội dung của Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá quy định về thời hạn nộp tiền và phương thức nộp tiền mua tài sản đấu giá, chú ý xem xét quy định về việc người mua được tài sản bán đấu giá không thực hiện đầy đủ hoặc không đúng hạn nghĩa vụ thanh toán tiền mua tài sản đấu giá theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP.
- Kiểm sát việc Cơ quan THADS thu tiền bán đấu giá tài sản kê biên.
- Kiểm sát việc Chấp hành viên thực hiện giao tài sản kê biên cho người trúng đấu giá.
- Kiểm sát việc hủy kết quả bán đấu giá tài sản kê biên: Kiểm sát viên được phân công cần xem xét các tài liệu thể hiện lý do và căn cứ hủy kết quả bán đấu giá tài sản kê biên; việc Chấp hành viên thực hiện quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản kê biên và việc xử lý hậu quả, bồi thường thiệt hại do kết quả bán đấu giá tài sản kê biên bị hủy theo quy định tại Điều 102 Luật THADS và Điều 72 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
- Kiểm sát việc Tổ chức bán đấu giá tài sản chuyển hồ sơ đấu giá tài sản kê biên cho Cơ quan THADS.
- Kiểm sát việc Cơ quan THADS thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản kê biên.
- Kiểm sát việc Chấp hành viên thực hiện lưu trữ hồ sơ bán đấu giá tài sản kê biên. 
Thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu
Qua kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án, nếu phát hiện vi phạm pháp luật trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, vi phạm trong việc bán đấu giá tài sản thi hành án, KSV, KTV được phân công phải kịp thời báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện ban hành văn bản kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm:
Trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng thì báo cáo đề xuất ban hành kiến nghị đối với Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự được kiểm sát, cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án xem xét, khắc phục vi phạm và xử lý người vi phạm hoặc áp dụng biện pháp phòng ngừa chung theo quy định tại khoản 7 Điều 28 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, điểm đ khoản 2 Điều 12 Luật Thi hành án dân sự và Điều 35 Quy chế số 810 của Viện KSND tối cao (Quy chế 810).
Trường hợp phát hiện quyết định hoặc hành vi của Thủ trưởng, Chấp hành viên Cơ quan Thi hành án dân sự trong hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện ban hành kháng nghị, yêu cầu đình chỉ việc thi hành, thu hồi, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ quyết định có vi phạm pháp luật, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật theo quy định tại khoản 8 Điều 28 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014điểm e khoản 2 Điều 12, Điều 160 Luật Thi hành án dân sự và Điều 34 Quy chế số 810.
Trường hợp phát hiện bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành thì KSV, KTV báo cáo đề xuất ban hành văn bản yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự nơi đang tổ chức thi hành vụ việc có văn bản yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định đó giải thích, sửa chữa theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLTngày 01/8/2016của Bộ tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT).
Trường hợp có căn cứ để xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì KSV, KTV báo cáo đề xuất ban hành văn bản yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự nơi đang tổ chức thi hành vụ việc kiến nghị với người có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định đó theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT./.
Thanh Nghị

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,781,144 lượt

Số người online:686 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn