Giám sát 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em' trên địa bàn tỉnh Bình Định

Thực hiện kế hoạch số 13/KH-ĐĐBQH của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát về việc “Thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” trên địa bàn tỉnh Bình Định, sáng ngày 20/9, tại trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Đoàn giám sát đã tổ chức buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại 03 đơn vị Công an - Viện KSND - Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định.

Quang cảnh buổi làm việc.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Lý Tiết Hạnh - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng đoàn giám sát nêu rõ, quan tâm, chăm sóc và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng và Nhà nước xác định là chính sách ưu tiên hàng đầu trong bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của đất nước. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị xâm hại, nhất là bạo lực học đường, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục … trên địa bàn tỉnh đang diễn ra ngày càng nhiều, tính chất phức tạp, nghiêm trọng, để lại những hậu quả vô cùng nặng nề cho các em nhỏ là nạn nhân.

 

Báo cáo với Đoàn giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, đại diện Viện kiểm  sát, Cơ quan điều tra, Toàn án tỉnh cho biết, dù đã có nhiều hoạt động trong công tác thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em nhưng tội phạm xâm hại trẻ em ở Bình Định vẫn diễn ra. Từ ngày 01/01/2015 đến 30/6/2019, tổng số vụ trẻ em bị xâm hại là 69 vụ, với 57 trường hợp bị xâm hại tình dục, 05 trường hợp bạo lực, các trường hợp khác như cướp giật, gây thương tích là 07 trường hợp, trong đó Cơ quan điều tra đã khởi tố  là 62 vụ/65 bị can (Chủ yếu là các tội Hiếp dâm trẻ em, Giao cấu với trẻ em), Viện kiểm sát truy tố chuyển Tòa xét xử 56 vụ/60 bị can (Đạt tỉ lệ 96,5%).

 

Đ/c Trần Văn Sang - Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Định, phát biểu tại buổi làm việc.

 

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát cũng đã thảo luận, đặt ra nhiều câu hỏi về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em như: Việc ban hành chính sách, xây dựng môi trường sống an toàn, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, việc xử lý nguồn tin tố giác, tin báo… Giải đáp các câu hỏi của Đoàn giám sát, ông Trần Văn Sang - Tỉnh Uỷ viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Định khẳng định tình hình trẻ em bị xâm hại ở địa bàn tỉnh trong thời gian qua tăng cao hơn trước, mức độ phạm tội ngày càng phức tạp, trong đó có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị xâm hại, nhưng nguyên nhân chính trước hết là do nhận thức của bản thân người phạm tội, bị hại chưa đầy đủ, chưa hiểu biết nhiều về pháp luật, thêm vào đó là ảnh hưởng của nhiều kênh thông tin, mạng xã hội, quản lí từ gia đình, nhà trường còn lỏng lẻo, chưa đúng mực, thiếu sự quan tâm, giáo dục đến con em mình. Do đó, mặc dù các cơ quan tố tụng luôn xử lý chặt chẽ, kiên quyết, nghiêm minh các loại tội phạm này, nhưng cần lắm sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành, các cấp chính quyền tham gia, như: Hội Phụ nữ, Sở giáo dục, Đoàn Thanh Niên, Sở Văn hóa truyền thông… phân công cán bộ làm công tác chăm sóc trẻ em, đặt nặng biện pháp phòng ngừa, tuyên truyền giáo dục ngay từ trong gia đình, dạy cho các em các kĩ năng để ngăn ngừa biện pháp xâm hại. Thêm vào đó, nên thành lập Tòa án gia đình, là những phiên tòa xử kín, không xử lý công khai đối với trẻ em phạm tội. Đồng chí cũng nhấn mạnh, trẻ em là tương lai của xã hội, cho nên cả hệ thống chính trị, ngành nào cũng có trách nhiệm bảo vệ.  

 

Đặc biệt, điều đáng lưu ý là đa số những vụ xâm hại trẻ em xảy ra ở địa bàn nông thôn còn nhiều hơn thành phố, nơi cha mẹ của nạn nhân chủ quan, ít để ý đến con em mình. Những kẻ phạm tội thường có quan hệ láng giềng với người bị hại.

 

Tại buổi làm việc, các cơ quan, ban ngành đánh giá cao công tác thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em của tỉnh Bình Định thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Cụ thể là hàng loạt vụ việc xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh đều các các cơ quan tố tụng liên ngành giải quyết triệt để, tạo được dư luận tốt trong xã hội.

 

Đ/c Lý Tiết Hạnh - Chủ trì đoàn giám sát, kết luận tại buổi làm việc.

 

Kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Lý Tiết Hạnh - chủ trì đoàn giám sát cũng chỉ rõ, qua thực tiễn khách quan cho thấy, do truyền thống, thói quen, tập quán nên tỉnh Bình Định cũng không phải là điểm nóng về vấn nạn xâm hại trẻ em trên toàn quốc, nhưng cũng không vì thế mà chúng ta chủ quan, lơ là công tác bảo vệ trẻ em. Cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến cơ sở, nên chú ý sâu hơn đến công tác chăm sóc trẻ em. Đặc biệt, trước vấn nạn xâm hại trẻ em trên toàn quốc, diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, với nhiều hình thức mới như: nạn chăn dắt trẻ em, hệ thống mạng xã hội, yếu tố nước ngoài … tạo nên nhiều “khoảng mờ” về mặt pháp lý chưa quy định cụ thể về vấn đề này. Vì thế, phải tìm hiểu sâu xa gốc rễ để tìm ra giải pháp xử lý triệt để, ngoài ra còn một số trường hợp chưa phát hiện các vụ xâm hại trẻ em qua công tác tự kiểm tra, việc xây dựng môi trường sống lành mạnh còn chưa hiệu quả.

 

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, chủ trì đoàn giám sát đề nghị cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về vấn đề này, tăng cường công tác tập huấn đối với cán bộ thực hiện phòng, chống xâm hại trẻ em. Đặc biệt, cần đánh giá từ những vụ việc đã xảy ra để rút kinh nghiệm đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phải coi phòng, chống mới là điều cốt lõi./.

 

Hồng Trâm

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,780,325 lượt

Số người online:280 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn