Những điểm mới trong hệ thống chỉ tiêu công tác Ngành Kiểm sát nhân dân

Vừa qua, Viện trưởng Viện KSND tối cao ban hành Hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong Ngành KSND kèm theo Quyết định số 139/QĐ-VKSTC (gọi tắt là Hệ thống chỉ tiêu theo Quyết định số 139) thay thế Hệ thống chỉ tiêu theo Quyết định số 379/QĐ-VKSTC ngày 10/10/2017. Theo đó đã bổ sung, điều chỉnh đối với nhiều chỉ tiêu trong các lĩnh vực công tác cụ thể được tóm lượt như sau:

Về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

 

Viện kiểm sát cấp huyện và các đơn vị cấp tỉnh phải ban hành 100% yêu cầu kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ để áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản khi có căn cứ đối với những vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế làm thất thoát, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước; tiến hành trực tiếp thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi có đủ căn cứ theo quy định pháp luật; ban hành ít nhất 01 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm; riêng các đơn vị cấp tỉnh phải ban hành ít nhất 02 thông báo rút kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

 

Về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố

 

Yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát được Cơ quan điều tra chấp nhận, thực hiện; yêu cầu áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong những vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ khi có đủ căn cứ, để bảo đảm việc bồi thường thiệt hại, thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt;yêu cầu khởi tố hoặc trực tiếp ban hành quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can khi có đủ căn cứ nhưng Cơ quan điều tra không khởi tố; yêu cầu hoặc tự ban hành quyết định giải quyết vụ án tạm đình chỉ khi có đủ căn cứ tất cả điều phải đạt 100%.

 

Tỷ lệ án Viện kiểm sát trả hồ sơ để điều tra bổ sung có trách nhiệm của Viện kiểm sát dưới 02% và Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung có trách nhiệm của Viện kiểm sát dưới 03%.Ban hành ít nhất 01 kiến nghị xử lý, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm đối với cấp huyện vàít nhất 02 kiến nghị đối với đơn vị cấp tỉnh.

 

Về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự

 

Ban hành yêu cầu áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản khi giải quyết những vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ để bảo đảm bồi thường thiệt hại, thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt; kiểm sát biên bản phiên tòa phải đạt 100%. Không để xảy ra Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm xét xử tuyên huỷ bản án, quyết định để điều tra, xét xử lại có trách nhiệm của Viện kiểm sát.

 

Viện kiểm sát cấp tỉnh gửi 100% các bản án, quyết định, phúc thẩm của Tòa án cùng cấp đến Viện kiểm sát cấp trên đúng thời hạn. Mỗi Kiểm sát viên phải thực hiện ít nhất 02 phiên toà rút kinh nghiệm. Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp tỉnh phụ trách công tác thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự và lãnh đạo Viện kiểm sát cấp huyện phải trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự ít nhất 01 vụ. Ban hành ít nhất 01 kiến nghị Tòa án khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật. Riêng, Viện kiểm sát cấp tỉnh ban hành ít nhất 01 thông báo rút kinh nghiệm.

 

Về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự

 

Kiểm sát các quyết định thi hành án của Toà án và yêu cầu bắt thi hành án hình sự số người bị kết án phạt tù đang tại ngoại, không tự nguyện thi hành án và có đủ điều kiện bắt, bảo đảm đúng thời hạn đạt 100%.

 

Về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình

 

Kiểm sát thụ lý, giải quyết vụ, việc ngay từ khi Tòa án thụ lý; ban hành yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ đối với những vụ, việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ; Kiểm sát viên kiểm sát tại phiên tòa, phiên họp mà Viện kiểm sát phải tham gia; kiểm sát biên bản phiên tòa đạt 100%. Ban hành ít nhất 01 kiến nghị tổng hợp phòng ngừa vi phạm pháp luật.

 

Về kiểm sát áp dụng biện pháp hành chính tại Tòa án

 

Kiểm sát thụ lý, lập hồ sơ và tham gia phiên họp; kiểm sát việc quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, quyết định giảm thời hạn, đình chỉ, miễn thời hạn áp dụng biện pháp hành chính của Tòa án; ban hành kiến nghị, kháng nghị yêu cầu Tòa án, cơ quan liên quan khắc phục vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã phát hiện đạt 100%.

 

Về công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính

 

Ban hành yêu cầu xác minh, áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản khi có căn cứ trong quá trình thi hành những bản án, quyết định về tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ để bảo đảm việc bồi thường thiệt hại, thu hồi tài sản Nhà nước và ban hành kiến nghị, kháng nghị yêu cầu UBND, cơ quan liên quan khắc phục vi phạm pháp luật trong thi hành án hành chính mà Viện kiểm sát đã phát hiện và Kiểm sát thụ lý, lập hồ sơ và tham gia phiên họp đạt 100%. Ban hành ít nhất 01 kiến nghị hoặc 01 kháng nghị áp dụng đối với cấp huyện và ít nhất 01 kiến nghị tổng hợp hoặc 01 kháng nghị áp dụng đối với cấp tỉnh./.

 

Nguyễn Văn Hải

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,780,349 lượt

Số người online:417 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn