Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết án hành chính liên quan đến đất đai

Trần Văn Sang Thạc sĩ, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Định

Qua sơ kết 05 năm về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính liên quan đến đất đai (giai đoạn 2015 – 2019), bài viết tổng hợp các dạng vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng, qua đó đề ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát trên lĩnh vực này. 

 

Đ/c Trần Văn Sang - Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Định, phát biểu khai mạc Hội thảo.

 

1. Đặt vấn đề

 

Án hành chính là một loại án có tính đặc thù, bởi một bên chủ thể chủ yếu là người dân, còn bên kia là cá nhân, tổ chức thực thi quyền lực Nhà nước. Quản lý hành chính Nhà nước là một lĩnh vực rộng lớn và đa dạng, trong đó có quản lý đất đai. Ở nước ta, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, cá nhân được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong những năm qua, tình hình khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai ngày càng gia tăng về số vụ, phức tạp về quan hệ tranh chấp. Theo số liệu thống kê cho thấy án hành chính liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ khoảng 80% số án hành chính phát sinh, điều đó đặt ra cho công tác kiểm sát cần có những giải pháp thiết thực để kiểm sát kịp thời, đúng pháp luật khi có tranh chấp phát sinh.

 

Qua nghiên cứu kết quả công tác kiểm sát các vụ án hành chính liên quan đến đất đai (giai đoạn 2015 – 2019), tác giả nêu lên những dạng vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước cũng như những hạn chế, thiếu sót của cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết loại án này, nhằm giúp Kiểm sát viên thuận lợi trong việc nhận diện vi phạm, phục vụ có hiệu quả cho công tác kiểm sát. Đồng thời, từ cơ sở đó, tác giả nêu lên những giải pháp cụ thể góp phần cho công tác quản lý và giải quyết án ngày càng hiệu quả hơn.

 

Đ/c Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, phát biểu tại Hội thảo.

 

2. Một số dạng vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai

 

Thứ nhất, vi phạm trong việc thu hồi đất không đúng quy định của pháp luật. Thiếu sót này thường xảy ra đối với những trường hợp: (i) thu hồi đất của người dân khai hoang từ những năm trước 2004, không có trong hồ sơ địa chính năm 1993, được sử dụng liên tục, không tranh chấp, đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch đất nông nghiệp nhưng cơ quan quản lý đất đai không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà ra Quyết định thu hồi đất cho rằng tự ý lấn chiếm đất do Nhà nước quản lý để sử dụng trong khi không có tài liệu gì chứng minh người sử dụng đất vi phạm pháp luật để thu hồi theo Điều 64 Luật đất đai 2013; (ii) thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội nhưng chưa có sự chấp thuận của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 3, Điều 62 Luật đất đai năm 2013; (iii) thu hồi đất không đúng diện tích đất bị thu hồi, thu hồi đất thuộc quyền sử dụng của nhiều người nhưng chỉ thu hồi đối với một người, xác định loại đất không đúng theo quy định của pháp luật; (iv) thu hồi đất căn cứ theo đơn tự nguyện trả đất, nhưng đơn tự nguyện trả đất chỉ một mình người vợ ký, trong khi quyền sử dụng thửa đất này của hai vợ chồng, như vậy là vi phạm quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 65 Luật Đất đai năm 2013.

 

Thứ hai, vi phạm trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: (i) số liệu đo đạc, xác định diện tích, loại đất được thu hồi, bồi thường giữa cấp huyện và tỉnh chưa nhất quán như: tổ công tác huyện đo đạc diện tích thu hồi 52,21m2, trong đó có 14,3m2 đất ở nhưngsau đó cấp tỉnh đo đạc lại đã điều chỉnh phần diện tích 14,3m2 đất ở bị thu hồi thành đất vườn; (ii) áp dụng quy định bồi thường theo quy định pháp luật đã hết hiệu lực trong khi tại thời điểm ra quyết định phê duyệt phương án bồi thường đã có quy định bồi thường mới của Chính phủ, cụ thể: khi thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư vào thời điểm Luật Đất đai năm 2013 đã có hiệu lực thi hành, đồng thời Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai cũng đã có hiệu lực pháp luật nhưng ủy ban nhân dân (UBND) thành phố vẫn áp dụng Quyết định số 50/2012/QĐ-UBND ngày 20/12/2012 của UBND tỉnh ban hành dựa trên các quy định của Luật Đất đai năm 2003 là không đúng.

 

Thứ ba, không cấp, cấp, thu hồi, hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng, điển hình như: năm 1992, Trường Công nhân kỹ thuật Lâm nghiệp phân bổ cho vợ chồng ông Hồng bà Sáu một thửa đất, sau đó ông Hồng chết để lại cho bà Sáu. Năm 2017, bà Sáu làm đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở nhưng bị trả hồ sơ vì không có cơ sở đề nghị cấp. Tuy nhiên, căn cứ Mục 19, Điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ thì trường hợp của bà Sáu thuộc trường hợp quy định tại Điều 23 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đã được giao đất không đúng thẩm quyền và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Bên cạnh đó, có trường hợp UBND cấp huyện thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trùng thửa đất đã cấp cho người khác; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhầm số thửa; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bao trùm lối đi của hộ liền kề, trong khi lối đi liền kề có nguồn gốc từ năm 1947 và sử dụng từ đó đến nay; cấp đất căn cứ vào biên bản họp gia đình về việc chia thừa kế, tuy nhiên gia đình có 05 người con nhưng biên bản họp chỉ có 02 người tham dự, 03 người còn lại vắng mặt và không có văn bản thể hiện việc từ chối nhận di sản.

 

Thứ tư, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không đúng quy định của pháp luật,ví dụ: ông Riêm có thửa đất là của cha mẹ vợ ông Riêm chết để lại cho gia đình ông quản lý, sử dụng ổn định từ trước năm 1975 cho đến nay, không lấn chiếm, tranh chấp với ai. Quá trình cấp đổi Giấy chứng nhận có sự biến động diện tích tăng nhưng giới cận hình thể thửa đất không thay đổi. Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 18 Nghị định 84/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định thì ông Riêm được cấp giấy chứng nhận theo diện tích đo đạc thực tế, không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích tăng thêm, nhưng UBND huyện P lại ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho hộ ông Riêm là không có căn cứ.

 

Thứ năm, vi phạm khi giải quyết tranh chấp đất đai: (i) vi phạm thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, cán bộ địa chính xã lập biên bản vi phạm hành chính có nội dung “khôi phục trả lại hiện trạng đất như ban đầu và ấn định thời gian thực hiện” là yêu cầu vượt quá quyền hạn của một công chức địa chính, hơn nữa theo Điều 6 Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30/10/2012 của Bộ Nội vụ thì công chức địa chính không có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định “buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép” trong lĩnh vực giao thông đường bộ là không đúng quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 43 Nghị định 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007 của Chính phủ; (ii) vi phạm thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Chủ tịch UBND xã ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại, sau đó đương sự tiếp tục khiếu nại, Chủ tịch UBND huyện lại ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại bác đơn mà không hủy quyết định giải quyết không đúng thẩm quyền của cấp xã; (iii) quyết định xử lý hành chính khi đã hết thời hiệu, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trên thửa đất khác với thửa đất mà đương sự có hành vi vi phạm.

 

Thứ sáu, áp dụng căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại không đúng. Quyết định thu hồi đất vào năm 2015, nhưng Quyết định phê duyệt phương án bổ sung giá trị bồi thường giải phóng mặt bằng và Quyết định giải quyết khiếu nại áp dụng các quy định của Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ đã hết hiệu lực, lẽ ra phải áp dụng Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; quyết định giải quyết khiếu nại căn cứ Nghị định 203/HĐBT ngày 21/02/1982 của Hội đồng Bộ trưởng, trong khi Nghị định 203/HĐBT nêu trên đã bị bãi bỏ.

 

Thứ bảy, thông báo nộp thuế trước bạ không đúng loại đất, thất lạc hồ sơ cấp đất, quy hoạch, phân lô chi tiết của khu dân cư; chậm thực hiện việc cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án theo quy định tại Điều 106 BLTTDS 2015 dẫn đến Tòa án phải ban hành quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, kéo dài thời gian giải quyết, gây bức xúc cho đương sự.

 

Đ/c Nguyễn Thanh Trà - Phó Chánh án TAND tỉnh Bình Định, phát biểu tham luận tại Hội thảo.

 

3. Các dạng vi phạm của cơ quan tiến hành tố tụng

 

Thứ nhất,thực hiện việc thụ lý bổ sung không đúng. Sau khi hoãn phiên tòa, đương sự có đơn khởi kiện bổ sung yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành thụ lý yêu cầu bổ sung là không đúng quy định tại Điều 5; khoản 4, Điều 70; khoản 2, Điều 71; khoản 3 Điều 200; khoản 2 Điều 210; Điều 243 BLTTDS 2015.

 

Thứ hai, bỏ sót người tham gia tố tụng. Trong vụ án khởi kiện các quyết định hành chính trong quản lý đất đai và bồi thường thiệt hại tài sản do hành vi hành chính gây ra, người bị kiện là Chủ tịch UBND phường. Việc bồi thường thiệt hại thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND phường nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không đưa UBND phường tham gia tố tụng với tư cách người bị kiện; đương sựị hành vi cản trở quyền sử dụng đất do HTX Nông Nghiệp N và UBND phường N quản lý, thửa đất tranh chấp đã được cấp Giấy CNQSD đất cho Công ty Nguyễn Hoàng nhưng TAND cấp sơ thẩm không đưa UBND phường N, HTX Nông nghiệp N, Công ty Nguyễn Hoàng tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

 

Thứ ba, giải quyết vụ án không đúng thẩm quyền. Tại thời điểm Tòa thụ lý vụ án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến tài sản tranh chấp và đang định cư ở nước ngoài, nên thẩm quyền giải quyết vụ án thuộc TAND tỉnh nhưng TAND huyện T thụ lý giải quyết.

 

Thứ tư, xác định không đúng quan hệ pháp luật. Người khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bị đơn tháo dỡ phần diện tích nhà, trả lại 55,9m2 đất đã xây dựng trên phần đất của nguyên đơn. Bị đơn không chấp nhận tháo dỡ nhà trả đất mà chấp nhận trả giá trị đất. Như vậy, vụ án này có quan hệ pháp luật “Tranh chấp đòi lại tài sản”, án sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật “Tranh chấp quyền sử dụng đất” là không chính xác; trong một vụ án khác, đương sự yêu cầu bị đơn có nghĩa vụ tháo dỡ đường ống thoát nước đặt từ phía sau thửa đất ra đến mép đường quốc lộ, đường ống thoát nước đặt từ mái nhà bị đơn xuống đường ống nói trên, trả lại phần đất mà bị đơn đã đặt ống thoát nước. Như vậy vụ án có quan hệ pháp luật là “Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật quyền sử dụng đất”, nhưng cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật là “Tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” là chưa chính xác.

 

Thứ năm, không thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ làm căn cứ giải quyết vụ án. Theo xác nhận của UBND phường thì thửa đất bị thu hồi là đất thổ cư, nhưng quyết định bồi thường của UBND thành phố lại bồi thường đất nông nghiệp, quá trình giải quyết, Tòa án chưa xác minh người bị thu hồi đất có chỗ ở nào khác hay không? để xem xét cấp đất tái định cư, trong khi đó thực tế đương sự đang thường trú tại phường Đ và chưa có nhà ở, đang ở nhà thuê. Nhiều vụ án các đương sự có lời khai mâu thuẫn về nguồn gốc sử dụng đất, tài liệu do UBND xã xác nhận cũng khác nhau về nguồn gốc và tình trạng sử dụng đất nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không cho đối chất và yêu cầu cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ cung cấp tài liệu, chứng cứ; có vụ Tòa án không thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ liên quan đến quá trình sử dụng đất của người khởi kiện mà chỉ căn cứ thông tin tại Sổ mục kê năm 1997 để xác định diện tích đất tranh chấp thuộc thẩm quyền quản lý của UBND xã; trong trường hợp khác, khi giải quyết vụ án yêu cầu bồi thường, các biên bản xác định độ tuổi của cây trồng mâu thuẫn, khi tiến hành đo đạc diện tích đất bị thu hồi có sự khác nhau về diện tích nhưng Tòa án chưa thu thập chứng cứ làm rõ.

 

Đ/c Trần Kỳ Quang - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường, phát biểu tham luận tại Hội thảo.

 

4. Một số kiến nghị, đề xuất trong thời gian tới

 

Một là,các cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai thường xuyên tổng kết, rút ra các dạng vi phạm trong công tác này để rút kinh nghiệm, không để xảy ra vi phạm lặp lại nhằm hạn chế phát sinh khiếu kiện; nâng cao chất lượng công tác hòa giải tại cơ sở; chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ cho cơ quan tiến hành tố tụng phục vụ việc giải quyết vụ án; chủ động phối hợp kịp thời với TAND trong quá trình xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản; tham gia tố tụng tại phiên họp kiểm tra, giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, đối thoại và tham gia phiên tòa.

 

Hai là, các cơ quan tiến hành tố tụng thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm về những tồn tại, thiếu sót dẫn đến án bị hủy, sửa; đối với những vụ án bị hủy có trách nhiệm của Thẩm phán, Kiểm sát viên, lãnh đạo đơn vị phải tổ chức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc và lấy đó làm tiêu chí quan trọng trong việc xét thi đua khen thưởng, đánh giá phân loại công chức, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, bố trí, sắp xếp trong công tác cán bộ.

 

Quang cảnh buổi Hội thảo Chuyên đề.

 

Ba là, sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn các quy định pháp luật liên quan đến công tác quản lý Nhà nước, giải quyết án liên quan đến đất đai, cụ thể như sau:

 

- TAND tối cao cần có hướng dẫn đối với trường hợp khởi kiện Quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ nhất của Chủ tịch UBND xã nhưng đã có Quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ hai của Chủ tịch UBND cấp huyện thì thẩm quyền giải quyết thuộc TAND cấp tỉnh để đảm bảo đúng theo quy định tại Điều 32 Luật TTHC 2015. Đối với trường hợp đương sự khởi kiện vụ án dân sự về tranh chấp đất đai tại Tòa án cấp huyện trong đó có yêu cầu hủy quyết định cá biệt (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì không áp dụng thời hiệu quy định trong pháp luật tố tụng hành chính để đảm bảo tương thích với quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2014 và giúp cho việc giải quyết vụ án được triệt để.

 

- Cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn thống nhất cách ghi chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để thuận lợi khi thực hiện các giao dịch và giải quyết khi phát sinh tranh chấp.

 

- Bổ sung trường hợp người trúng đấu giá không nộp đủ tiền theo đúng yêu cầu, thì phải hủy kết quả đấu giá vào Điều 72 Luật Đấu giá 2016, để phù hợp với pháp luật về đất đai./. 

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,776,294 lượt

Số người online:2,942 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn