Ban Nữ công Viện KSND tỉnh Bình Định tổ chức hoạt động kỷ niệm 113 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910-08/3/2023)

Nhân dịp kỷ niệm 113 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3, 48 năm ngày Giải phóng tỉnh Bình Định (31/3/1975 - 31/3/2023) và hòa trong không khí vui tươi, phấn khởi của phụ nữ trên toàn thế giới, sáng ngày 07/3/2023, Ban Nữ công Viện KSND tỉnh Bình Định đã tổ chức Chương trình “Về nguồn” tham quan các di tích lịch sử, danh thắng tại huyện Tây Sơn và phát động phong trào mặc áo dài tại nơi làm việc từ ngày 01/3-08/3/2023.

Tham dự Chương trình có đồng chí Trần Minh Quốc - Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Viện trưởng, Chủ tịch Công đoàn Viện KSND tỉnh, đồng chí Đỗ Tấn Phước - Trưởng phòng Phòng 1, Phó Chủ tịch Công đoàn và toàn thể chị em Ban Nữ công Viện KSND tỉnh. Chương trình đã nhận được sự phối hợp, hỗ trợ nhiệt tình của Đoàn thanh niên cơ quan.

 

Ban Nữ công và đại diện Công đoàn chụp hình lưu niệm tại Di tích Tháp Dương Long (xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) 
Mở đầu Chương trình, Đoàn đã đến thăm Tháp Dương Long là cụm di tích gồm ba tháp Chăm thẳng hàng trên một gò cao thuộc xã Tây Bình, huyện Tây Sơn. Tháp có kiến trúc độc đáo, đặc biệt là các hoa văn, hoạ tiết được khắc tạc trực tiếp trên những tảng đá đồ sộ đặt ngay trên đỉnh tháp với nghệ thuật điêu khắc chạm trổ điêu luyện, các đường nét thể hiện vừa hoành tráng vừa lộng lẫy, vừa tinh tế mềm mại. Tháp Dương Long được đánh giá là một trong những tháp Chăm đẹp nhất Việt Nam. Tháp Dương Long được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích Kiến trúc Nghệ thuật năm 1980 và được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt ngày 23/12/2015.
 
Ban Nữ công và đại diện Công đoàn chụp hình lưu niệm tại Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định)
Tiếp đến, Đoàn đến thăm, dâng hương tại Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc tại xã Tây Giang, huyện Tây Sơn. Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc là quần thể kiến trúc có trung tâm là Đền thờ Nguyễn Sinh Sắc, trước mặt và hai bên là nhà lưu niệm, nhà Huyện đường Bình Khê phục chế (theo hình thức kiến trúc Bình Định trong những năm đầu thế kỷ 20), nhà bia di tích, nhà tiếp khách và nhà vọng cảnh, cột cờ, hồ sen... Di tích Huyện đường Bình Khê là nơi lưu niệm về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và phản ánh một sự kiện quan trọng, bước đầu hình thành nhân sinh quan và thế giới quan của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trên bước đường tìm đường giải phóng dân tộc. Tháng 5/1909, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được triều đình Huế phái sung vào Ban chấm thi Hương tại trường thi Bình Định. Sau đó, cụ được bổ nhiệm làm Tri huyện Bình Khê vào tháng 7/1909. Hai người con là Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành theo cha vào Bình Định. Nguyễn Tất Đạt ở với cha tại Huyện đường Bình Khê, Nguyễn Tất Thành được gửi ở nhà thầy giáo Phạm Ngọc Thọ tại Quy Nhơn để học tiếng Pháp. Khi giữ chức Tri huyện Bình Khê, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đứng về phía nhân dân, tìm cách bênh vực người nghèo, giúp đỡ người yêu nước, xử lý nghiêm khắc bọn cường hào ức hiếp dân lành. Tháng 01/1910, cụ bị vu tội “lạm quyền” dẫn đến cái chết của một điền chủ và bị triều đình Huế triệu về kinh cách chức. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành theo lời cha dặn, không về Huế mà tiếp tục dấn thân vào con đường tìm đường cứu nước, cứu dân. Sau đó, cụ Nguyễn Sinh Sắc rời Huế vào Nam Bộ sống bằng nghề bốc thuốc và dạy học. Cụ qua đời tại tỉnh Đồng Tháp vào tháng 11/1929.
 
Ban Nữ công và đại diện Công đoàn chụp hình lưu niệm tại Đền thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng (xã Tây Phú, huyện Tây Sơn) 
Cũng trong chương trình Đoàn đã đến thăm Đền thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng, tại xã Tây Phú (huyện Tây Sơn).Võ Văn Dũng là một trong "thất hổ tướng", "tứ trụ đại thần" của triều Tây Sơn, ông được sự ngưỡng mộ và đầy lòng tôn kính của nhân dân. Sau khi ông mất, con cháu thờ phụng ông tại từ đường họ Võ ở thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú. Ngày 16/11/1988, đã xếp hạng từ đường họ Võ là di tích lịch sử quốc gia.  
 
Ban Nữ công và đại diện Công đoàn chụp hình lưu niệm tại Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) 
Chiều cùng ngày, Đoàn đã đến thăm Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn). Bảo tàng Quang Trung tập trung thờ và tưởng niệm anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, lưu giữ những hiện vật lịch sử liên quan đến Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, dấu tích ba anh em Nhà Tây SơnNguyễn HuệNguyễn NhạcNguyễn Lữ.Quần thể đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1979 và di tích quốc gia đặc biệt năm 2014.
 
Ban Nữ công và đại diện Công đoàn chụp hình lưu niệm tại Danh thắng Hầm hô (xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định)
Chuyến đi này là dịp để các chị em Viện KSND tỉnh Bình Định ngược dòng lịch sử để chứng kiến tinh thần thượng võ, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất và những chiến công hiển hách, lừng lẫy của nghĩa quân Tây Sơn, qua đó nâng cao lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ hôm nay. Kết thúc chuyến tham quan, chị em đã tổ chức dã ngoại tại Danh thắng Hầm hô để gặp gỡ, giao lưu, họp mặt, tạo nên không khí vui tươi, sôi nổi giúp cho chị em có thêm nhiều niềm tin và nghị lực để phấn đấu nhiều hơn nữa trong công tác và cuộc sống. Buổi giao lưu thêm sôi nổi, vui tươi vì ngoài lời ca, tiếng hát của chị em còn có các anh đại diện Công đoàn, chi đoàn tham gia. Sau chuỗi các hoạt động chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ 08/03, toàn thể chị em được tái tạo nguồn năng lượng; phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đóng góp tích cực hơn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành KSND trong thời gian tới.
 
Cùng với các hoạt động đó, Ban Nữ công, Công đoàn Viện KSND tỉnh Bình Định đã phát động toàn thể nữ cán bộ, công chức mặc trang phục áo dài đến cơ quan vào các ngày làm việc từ ngày 01/3 đến ngày 08/3/2023./.
 Nguyễn Trang

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 Tiếp

Số lượt truy cập:9,119,164 lượt

Số người online:2,127 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang