Tội Tham ô tài sản là loại tội phạm điển hình trong nhóm tội tham nhũng. Người phạm tội có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình quản lý và hành vi đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể khi xử lý đánh giá đối với tội danh Tham ô tài sản dưới đây còn nhiều ý kiến khác nhau vì vậy tác giả xin đưa ra tình huống pháp lý cụ thể để bạn đọc cùng trao đổi.
Nội dung vụ án:
Công ty C nguyên là doanh nghiệp sở hữu 100% vốn Nhà nước. Đến tháng 12/2005, Công ty C được cổ phần hóa thành công ty cổ phần, trong đó vốn Nhà nước chiếm giữ với tỷ lệ 73,64%. Đến tháng 07/2014, vốn Nhà nước tại công ty còn chiếm giữ tỷ lệ 57,43%. Ngày 31/03/2015, Công ty C đã tổ chức đấu giá thoái vốn Nhà nước sang cho 04 nhà đầu tư tư nhân (sau là thành viên Hội đồng quản trị của công ty). Ngày 25/06/2015, Công ty đăng ký chuyển đổi thành công ty tư nhân.
Nguyễn Văn B là thủ kho của Công ty C từ tháng 3/1996, với nhiệm vụ quản lý, theo dõi việc nhập, xuất hàng hóa phân bón của công ty. Do nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản là các loại phân bón do Công ty đang giao cho B quản lý và lợi dụng việc công ty không tổ chức kiểm kê thực tế kho hàng định kỳ hàng năm nên trong thời gian từ tháng 11/2013 đến tháng 11/2015, Nguyễn Văn B đã tự ý lấy phân bón trong kho bán cho Nguyễn Thị A nhằm để tiêu thụ phân bón do B chiếm đoạt.
Do B không ghi chép sổ sách để theo dõi lại toàn bộ quá trình lấy phân bón trong kho bán, nên B không thể xác định được đã bán từ tháng 11/2013 đến tháng 11/2015 tổng cộng bán bao nhiêu lần, bán tại các thời điểm nào, số lượng, số tiền bán phân bón theo từng lần. Đến ngày 16/12/2015, Công ty C tiến hành kiểm kê đột xuất hàng hóa phân bón tồn kho tại kho hàng để báo cáo cho Hội đồng quản trị thì phát hiện bị thất thoát phân bón với tổng số lượng 192.050 kg có giá trị 1.700.000.000 đồng.
Đến đây, có 02 ý kiến khác nhau về việc xác định tội danh của Nguyễn Văn B.
Ý kiến thứ nhất cho rằng, hành vi lợi dụng chức vụ thủ kho để chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Văn B đã cấu thành tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278 BLHS 1999. Vì trong giai đoạn từ giai đoạn tháng 11/2013 đến 31/3/2015, Công ty C có 57,43% là vốn góp thuộc sở hữu Nhà nước, cho dù sau thời điểm trên công ty có sự thay đổi về vốn góp hoặc quyền sở hữu nhưng tính chất hành vi của B không thay đổi vì vậy cần xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Văn B về cả hai tội danh “Tham ô tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Ý kiến thứ hai cho rằng, B có hành vi chiếm đoạt phân bón trong giai đoạn Công ty C thuộc sở hữu Nhà nước. Tuy nhiên, đến ngày 31/03/2015 thì công ty này đã được bán đấu giá thoái vốn sang cho sở hữu tư nhân, trong đó đã bán luôn phần phân bón của Nhà nước bị B chiếm đoạt trước đó, nên thiệt hại này thuộc về tư nhân. Nhà nước không còn bị thiệt hại, đơn vị bị hại không còn để tham gia tố tụng, vì vậy chỉ điều tra, truy tố, xét xử Nguyễn Văn B về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Tác giả đồng tình với ý kiến thứ hai, chỉ xử lý B với tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, bởi:
Theo nội dung của vụ án, không thể xác định được từ tháng 11/2013 đến tháng 11/2015, B đã bán tổng cộng bao nhiêu phân bón, bán tại các thời điểm nào, số lượng, số tiền bán phân bón theo từng lần vì vậy không thể xác định được việc B đã chiếm đoạt số tiền của Nhà nước là bao nhiêu và của tư nhân là bao nhiêu.
Khách thể của tội Tham ô tài sản là xâm phạm quan hệ sở hữucụ thể ở đây là tài sản của nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức trong nhà nước hoặc là tài sản của các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước. Đến ngày 31/03/2015, Công ty C được bán đấu giá thoái vốn sang cho sở hữu tư nhân. Như vậy, toàn bộ thiệt hại 192.050 kg phân bón = 1.700.000.000 đồng do B chiếm đoạt nêu trên đã thuộc về tư nhân. Rõ ràng, trong trường hợp này việc Công ty C cổ phần đã dẫn đến tài sản của Nhà nước không bị thiệt hại, đồng thời Nhà nước cũng không phải là bị hại.
Mặt khác, theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội thì việc xử lý Nguyễn Văn B về một tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là phù hợp và có căn cứ.
Với các phân tích trên đây, tác giả cho rằng, chỉ nên xem xét hành vi của Nguyễn Văn B đối với một tội danh là “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc và đồng nghiệp./.
Hoàng Yến