Một số vướng mắc, bất cập trong công tác kiểm sát Thi hành án dân sự

Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự (THADS), Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc THADS; đồng thời, Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, nhằm bảo đảm cho pháp luật được tuân thủ thống nhất.

Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật THADS) quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án, quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành và phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại (gọi chung là bản án, quyết định); hệ thống tổ chức THADS và Chấp hành viên; quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động THADS.

Theo đó, VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật của tòa án, cơ quan thi hành án dân sự (THADS), chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc THADS nhằm bảo đảm cho pháp luật được tuân thủ thống nhất.
Sự vướng mắc, bất cập trong công tác kiểm sát THADS về việc Chấp hành viên đề nghị Cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án đối với người phải thi hành án

 

Điều 380 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS) quy định:Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”, đó là cấu thành cơ bản của tội không chấp hành án. Thế nhưng, với cấu thành cơ bản này thì không xác định được chủ thể phải thi hành án là thi hành bản án, quyết định của Tòa án hay chủ thể phải thi hành án phải thi hành quyết định thi hành án của Cơ quan THADS. Biết rằng, Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Song, trong thực tiễn áp dụng pháp luật thì người phải thi hành án không phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án mà người phải thi hành án thi hành theo quyết định thi hành án của Cơ quan THADS, nên cấu thành cơ bản của Điều 380 BLHS quy định: “Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” là không đúng sự thật khách quan của hành vi không chấp hành án. Để làm rõ vấn đề này cần liên hệ với Điều 379 BLHS quy địnhtội không thi hành án cho thấy: “Người nào có thẩm quyền mà cố ý không ra quyết định thi hành án hoặc không thi hành quyết định thi hành bản án, quyết định của Tòa án”, tức là, khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì không phải người phải thi hành án thi hành trực tiếp bản án, quyết định của Tòa án mà phải thông qua Cơ quan THADS cụ thể hóa bản án , quyết định của Tòa án  bằng hình thức ra quyết định thi hành án chủ động và quyết định thi hành án theo yêu cầu, trên cơ sở đó nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án thì Cơ quan THADS ra quyết định cưỡng chế thi hành án.
Chẳng hạn, Bản án số 01 của Tòa án nhân dân TAND huyện X, tỉnh Y buộc A phải chấm đứt hành vi cản trở quyền sử dụng thửa đất số 10, tờ bản đồ số 01, diện tích 500m2 của ông B. Sau khi Bản án số 01 có hiệu lực thi hành. Ông B có đơn yêu cầu thi hành án thì Chi cục THADS huyện ra Quyết định thi hành án theo yêu cầu số 08: “Buộc A phải chấm đứt hành vi cản trở quyền sử dụng thửa đất số 10, tờ bản đồ số 01, diện tích 500m2 của ông B”. A không tự nguyện thi hành án nên Chi cục THADS huyện X ra Quyết định cưỡng chế thi hành án số 09 cưỡng chế thi hành đối với Quyết định thi hành án theo yêu cầu số 08. Khi tổ chức cưỡng chế thi hành buộc A phải chấm đứt hành vi cản trở quyền sử dụng thửa đất số 10, tờ bản đồ số 01, diện tích 500m2 của ông B thì A vẫn chống đối nên Chấp hành viên Chi cục THADS huyện X căn cứ theo quy định tại Điều 119 Luật THADS ra Quyết định phạt tiền số 12 phạt A 2 triệu đồng về hành vi cản trở quyền sử dụng đất của người khác nhưng A vẫn không chấm dứt hành vi cản trở quyền sử dụng đất của ông B, nên Chấp hành viên đề nghị Cơ quan điều tra Công an huyện X truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A về tội không chấp hành án theo quy định tại Điều 380 BLHS. Sau khi sự vụ xảy ra thì có nhiều quan điểm giải quyết khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cũng là quan điểm của tác giả cho rằng, Viện kiểm sát ban hành kiến nghị hoặc kháng nghị về việc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A về tội không chấp hành án; bởi vì A không chấp hành Quyết định thi hành án theo yêu cầu số 08 và Quyết định cưỡng chế thi hành án số 09 của Chi cục THADS huyện X chứ không phải A không chấp hành Bản án số 01 của TAND huyện X. Do đó, Chấp hành viên chuyển hồ sơ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A về tội không chấp hành án theo Điều 380 BLHS là không có căn cứ, trái pháp luật. Hơn nữa, hành vi không chấp hành án của A đã bị Chấp hành viên xử phạt vi phạt hành chính 2 triệu đồng, nên không thể tiếp tục đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A về hành vi không chấp hành án, nên VKSND huyện X phải thực hiện quyền kiến nghị hoặc kháng nghị đối với Chấp hành viên Chi cục THADS huyện X, về việc một vụ việc mà vừa xử phạt vi phạm hành chính, vừa đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A, nhằm bảo đảm cho pháp luật THADS và pháp luật hình sự được tuân thủ thống nhất.
Quan điểm thứ hai cho rằng, Chấp hành viên Chi cục THADS huyện X đề nghị Cơ quan điều tra Công an huyện X truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A, về tội không chấp hành án là có căn cư, tuân thủ đúng quy định của pháp luật; bởi vì, A không chấp hành Quyết định thi hành án theo yêu cầu, đồng nghĩa với việc A không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án.
Sự vướng mắc, bất cập trong công tác kiểm sát THADS về việc thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật

 

Theo quy định tại Điều 28 Luật THADS thì tòa án đã ra bản án, quyết định quy định tại các điểm a, b, c, d và g khoản 1 Điều 2 của Luật THADS phải chuyển giao bản án, quyết định đó cho cơ quan THADS có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; tòa án đã ra bản án, quyết định quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 của Luật THADS phải chuyển giao bản án, quyết định đó cho cơ quan THADS có thẩm quyền trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định; Tòa án, Trọng tài thương mại đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chuyển giao quyết định đó cho cơ quan THADS có thẩm quyền ngay sau khi ra quyết định; trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã kê biên tài sản, tạm giữ tài sản, thu giữ vật chứng hoặc thu giữ các tài liệu khác có liên quan đến việc thi hành án thì khi chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan THADS, tòa án phải gửi kèm theo bản sao biên bản về việc kê biên, tạm giữ tài sản, thu giữ vật chứng hoặc tài liệu khác có liên quan.
Sau khi tiếp nhận bản án, quyết định của Tòa án thì Thủ trưởng Cơ quan THADS ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu thi hành án và ra quyết định chủ động thi hành án theo quy định tại Điều 36 Luật THADS và người phải thi hành án tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc nhận được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án theo quy định tại Điều 45 Luật THADS.Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng ngay biện pháp quy định tại Chương IV của Luật THADS. Qua đó cho thấy, bản án, quyết định của Tòa án đã được cụ thể hóa bằng quyết định thi hành án của Cơ quan THADS để cho người phải thi hành án thi hành  theo bản án, quyết định của Tòa án, chứ không phải người phải thi hành án trực tiếp thi hành theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Nếu người phải thi hành án trực tiếp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án thì sẽ không có quy định Chấp hành viên đề nghị truy cứu trách nhiệm đối với người phải thi hành án về tội không chấp hành án theo để giải quyết theo Điều 380 BLHS. Từ phân tích trên cho thấy, bản án, quyết định của tòa án khi tổ chức thi hành án phải được cụ thể hóa bằng quyết định thi hành án nên người phải thi hành án thi hành theo quyết định của Cơ quan thi hành án chứ không phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo Điều 380 BLHS đã quy định.
Theo đó, Luật THADS quy định các hành vi được quy định tại các điều 118, 119, 120, 121 thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền đối với người đó, trong trường hợp cần thiết có thể yêu cầu họ khôi phục hiện trạng ban đầu, ấn định thời gian thực hiện. Trường hợp người đó vẫn không chấm dứt công việc không được làm, không khôi phục lại hiện trạng ban đầu thì Chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án. Còn các hành vi khác thì Luật THADS chỉ quy định Chấp hành viên ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người đó theo Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của chính phủquy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Đối chiếu quy định tại các điều 118, 119, 120, 121 Luật THADS với quy định tại Điều 380 BLHS cho thấy có sự xung đột pháp luật với nhau. Cụ thể:
Điều 380 BLHS quy định tội không chấp hành án: “Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.
Điều 118. Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc thực hiện công việc nhất định: “Trường hợp thi hành nghĩa vụ phải thực hiện công việc nhất định theo bản án, quyết định mà người phải thi hành án không thực hiện thì Chấp hành viên quyết định phạt tiền và ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Hết thời hạn đã ấn định mà người phải thi hành án không thực hiện nghĩa vụ thi hành án thì Chấp hành viên xử lý như sau: Trường hợp công việc đó phải do chính người phải thi hành án thực hiện thì Chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án”.
Điều 119 Luật THADS quy định cưỡng chế thi hành nghĩa vụ không được thực hiện công việc nhất định: “Người phải thi hành án không tự nguyện chấm dứt việc thực hiện công việc mà theo bản án, quyết định không được thực hiện thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền đối với người đó, trong trường hợp cần thiết có thể yêu cầu họ khôi phục hiện trạng ban đầu. Trường hợp người đó vẫn không chấm dứt công việc không được làm, không khôi phục lại hiện trạng ban đầu thì Chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án”.
Điều 120 Luật THADS quy định cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định: “Trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án”.
Điều 121 Luật THADS quy định cưỡng chế buộc nhận người lao động trở lại làm việc: “Trường hợp người sử dụng lao động không nhận người lao động trở lại làm việc theo bản án, quyết định thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền đối với người sử dụng lao động là cá nhân hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng lao động, đồng thời ấn định thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người sử dụng lao động thực hiện việc nhận người lao động trở lại làm việc. Hết thời hạn đã ấn định mà người sử dụng lao động không thực hiện thì Chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án”.
Qua đó cho thấy, các điều 118, 119, 120, 121 Luật THADS quy định nếu người phải thi hành án đã bị cưỡng chế mà vẫn không chấp hành thì Chấp hành viên phạt tiền và ấn định thời gian thực hiện, nếu vẫn không thực hiện thì Chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án theo Điều 380 BLHS. Như vậy, theo Luật THADS thì một hành vi vi phạm pháp luật người phải thi hành án dphair chịu hai hình thức xử lý đó là xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền và bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thế nhưng, Điều 380 BLHS lại quy định người phải thi hành án có điều kiện mà không chấp hành bản án khi hội đủ 1 trong 2 điều kiện, đó là:
- Hoặc là “mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật”;
- Hoặc là “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm; tức là, trước đó người phải thi hành án đã có 1 lần vi phạm hành chính về hành vi này đã bị xử phạt hành chính rồi mà nay còn vi phạm tiếp thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.
Qua đó cho thấy, Luật THADS quy định muốn đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phải thi hành án về tội không chấp hành án thì Chấp hành viên phải phạt tiền đối với hành vi đó trước, nếu người đó vẫn không thực hiện thì mới chuyển hồ sơ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đó về tội không chấp hành án, trong khi đó Điều 380 BLHS quy định muốn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phải thi hành án dân sự thì người người phải thi hành án trước đó đã có 1 lần xử phạt hành chính về hành vi này (vi phạm pháp luật hành chính ở vụ khác) mà nay còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án. BLHS quy định như vậy là phù hợp với các luật, bộ luật khác vì mỗi hành vi vi phạm pháp luật thì chỉ có một hình thức xử lý hoặc là hành chính, hoặc là hình sự chứ không thể một hành vi vi phạm pháp luật mà vừa bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền và vừa bị xử lý hình sự như quy định tại các điều 118, 119, 120, 121 Luật THADS.
Từ những phân tích trên cho thấy giữa các điều 118, 119, 120, 121 Luật THADS và Điều 380 BLHS có sự xung đột pháp luật với nhau nhưng đến nay chưa có văn bản nào của cơ quan thẩm quyền hướng dẫn thi hành, nên khi thực hiện công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực THADS và giải quyết vụ án hình sự còn vướng mắc, bất cập; do đó, VKSND cùng cấp không có căn cứ để thực hiện quyền kiến nghị, quyền kháng nghị theo quy định của pháp luật.
Kiến nghị
Để cho pháp luật THADS và pháp luật hình sự không còn xung đột với nhau, pháp luật được tuân thủ thống nhất, qua bài viết này kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi Điều 380 BLHS: “Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” sửa thành: “Người nào có điều kiện mà không chấp hành quyết định thi hành án của Cơ quan THADS” và bỏ tình tiết: “ Chấp hành viên phạt tiền và ấn định thời gian thực hiện” trong các điều 118, 119, 120, 121 Luật THADS để phù hợp với quy định tại Điều 380 BLHS, nhằm tránh sự xung đột pháp luật giữa Luật THADS và BLHS, bảo đảm cho pháp luật được tuân thù thống nhất./.
Thanh Nghị

 

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,781,295 lượt

Số người online:2,255 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn