Trao đổi về cách xác định thời gian hợp lý trong hợp đồng vay không kỳ hạn

Bộ luật dân sự năm 2015 và Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm đã có hiệu lực pháp luật, điều chỉnh đối với hợp đồng vay không kỳ hạn. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng để giải quyết được các tranh chấp phát sinh trong xã hội nên còn nhiều quan điểm khác nhau trong việc xác định “thời gian hợp lý” mà luật đã quy định.

Nội dung vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản:

 

Bà A (nguyên đơn) trình bày: ngày 30/6/2019 có cho bà B (bị đơn) vay 100.000.000 đồng, thời hạn 02 ngày, lãi suất thỏa thuận giữa hai bên. Do bà B không trả nợ, ngày 10/8/2019 bà A nộp đơn khởi kiện yêu cầu bà B trả số tiền 100.000.000 đồng và tính lãi trên nợ gốc chậm trả kể từ ngày 30/6/2019. Ngày 10/9/2019, Tòa án ra thông báo thụ lý vụ án. Trong quá trình Tòa giải quyết, bà B vắng mặt, không có lời khai. Chứng cứ là giấy vay tiền do bà A cung cấp thể hiện nội dung: Ngày mượn là 30/6/2019, số tiền 100.000.000 đồng; không thỏa thuận về lãi và thời gian trả. Do không đủ căn cứ để xác định về lãi suất và thời hạn trả nợ theo lời khai của nguyên đơn nên xác định đây là hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi.

 

Trong vụ án này có nhiều quan điểm về xác định ngày đến hạn trả nợ (ngày hết thời gian hợp lý đã báo trước) và thời điểm tính lãi trên nợ gốc chậm trả (ngày tiếp theo liền kề của ngày hết thời gian hợp lý):

 

Quan điểm 1: Do bị đơn không có mặt theo triệu tập của Tòa án nên phải chịu hậu quả pháp lý do việc không trình bày, không cung cấp chứng cứ. Vì vậy, chấp nhận theo yêu cầu của nguyên đơn là buộc bị đơn phải trả số tiền gốc và tính lãi trên số tiền gốc chậm trả từ ngày 30/6/2019.

 

Quan điểm 2: Buộc bà B trả nợ gốc và tính lãi trên nợ gốc chậm trả kể từ ngày Tòa án ra Thông báo thụ lý vụ án – ngày 10/9/2019.

 

Quan điểm 3: Buộc bà B trả nợ gốc và tính lãi trên nợ gốc chậm trả kể từ ngày Tòa án nhận đơn khởi kiện – ngày 10/8/2019.

 

Tác giả nhận thấy quan điểm 3 là phù hợp nhất, bởi vì: Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn (Điều 469 BLDS 2015) thì bà A muốn thu hồi nợ phải báo trước cho bà B một khoảng thời gian hợp lý. Trong trường hợp này bà A đã yêu cầu nhưng bà B không trả nợ, dẫn đến việc khởi kiện tại Tòa án. Vì vậy, nghĩ nên xác định thời gian từ lúc yêu cầu đến trước ngày nộp đơn khởi kiện là khoảng thời gian báo trước hợp lý, phù hợp trên thực tế. Do đó, xác định thời điểm đến hạn trả nợ gốc là ngày 09/8/2019 và tính lãi đối với số nợ gốc chậm trả kể từ ngày Tòa án nhận đơn - ngày 10/8/2019 là phù hợp nhất.

 

Vì vậy, cần có quy định cụ thể để xác định thời gian hợp lý trong hợp đồng vay không kỳ hạn được thống nhất. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc; đồng thời đề nghị cơ quan cấp trên có hướng dẫn kịp thời./.

 

Nguyễn Chánh Thân

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:9,119,281 lượt

Số người online:2,193 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang