Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự

Ngày 18/12/2017, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-VKSTC về việc ban hành Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự.

Theo đó, Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự gồm 07 Chương và 78 Điều (kèm theo 35 mẫu văn bản thực hiện trong giai đoạn thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự; Phụ lục về thẩm quyền ký, ký thay, ký thừa lệnh, ký thừa ủy quyền văn bản tố tụng, văn bản hành chính – tư pháp trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự).

 

Quy chế thể hiện cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử: Thực hành quyền công tố nhằm bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, người phạm tội, pháp nhân thương mại phạm tội, không làm oan người vô tội, pháp nhân thương mại vô tội; Kiểm sát việc xét xử nhằm kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xét xử, bảo đảm việc xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.

 

Bên cạnh đó, quy định phạm vi công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự bắt đầu từ khi Viện kiểm sát chuyển bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn cùng hồ sơ vụ án đến Tòa án để xét xử và kết thúc khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, không bị kháng cáo, kháng nghị hoặc không bị yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

 

Đặc biệt, trong quan hệ công tác được quy chế quy định cụ thể cho từng cấp như sau:

 

– Viện trưởng VKS các cấp chịu sự chỉ đạo, lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSNDTC.

 

– Khi thực hành quyền công tố, KSXX vụ án hình sự, Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS các cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều 41 Bộ luật Tố tụng hình sự; Kiểm sát viên được Viện trưởng phân công thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều 42 Bộ luật Tố tụng hình sự và quy định của Quy chế này.

 

– Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình.

 

Trường hợp Kiểm sát viên có quan điểm khác với quan điểm của Viện trưởng thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với Viện trưởng. Nếu Viện trưởng vẫn quyết định khác quan điểm thì Kiểm sát viên phải chấp hành nhưng không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền.

 

– Trường hợp vụ án có nhiều Kiểm sát viên tham gia giải quyết thì Kiểm sát viên ở ngạch thấp hơn phải tuân theo sự phân công, chỉ đạo của Kiểm sát viên ở ngạch cao hơn. Có nhiều Kiểm sát viên cùng ngạch tham gia giải quyết thì Viện trưởng quyết định phân công một Kiểm sát viên chịu trách nhiệm chính. Có cả Kiểm sát viên và Kiểm tra viên tham gia giải quyết thì Kiểm tra viên phải tuân theo sự chỉ đạo của Kiểm sát viên.

 

– Việc phân công, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trong từng đơn vị, từng cấp Viện kiểm sát được thực hiện theo Quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị, Viện kiểm sát đó.

 

Các quy định trước đây của ngành Kiểm sát nhân dân trái với Quy chế này được bãi bỏ. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.

 

Toàn văn nội dung quy chế được Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Bình Định đăng tải trên mục Tủ sách pháp luật -> Hình sự.

 

BBT

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 Tiếp

Số lượt truy cập:9,259,454 lượt

Số người online:3,881 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang