Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của Đảng ta, nhà tư tưởng lớn của thời đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sâc về những vấn đề cơ bản của cach mạng Việt Nam mà nội dung cốt lõi là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ bắt đầu từ con người và cũng trở lại về với con người. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và vì quần chúng, trong đó, phụ nữ là một lực lượng quan trọng. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của cách mạng là phải giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền, khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ. Đây cũng chính là một trong những nội dung cơ bản thể hiện tính nhân văn cao cả trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng đất nước
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng vô cùng phong phú của mình, Người luôn quan tâm tới các phong trào của phụ nữ. Dù bận trăm công ngàn việc khác nhau, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc vẫn dành thì giờ tham dự nói chuyện tại các hội nghị và đại hội của tổ chức phụ nữ, ít nhất Người cũng gửi thư căn dặn với tấm lòng của một người Cha, người Bác thân yêu trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Nhiều chị em là cán bộ lãnh đạo, là anh hùng, chiến sĩ thi đua trong lao động và chiến đấu, là dũng sĩ từ tiền tuyến lớn miền Nam… đã được Người ân cần đón tiếp, tặng hoa và quà, được ăn cơm hoặc xem văn nghệ cùng Người.
Hồ Chí Minh luôn khẳng định: lực lượng phụ nữ là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng, một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm mọi thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Người tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Người nói: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Đó cũng là lời khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ là rất to lớn trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Cần có kế hoạch thiết thực trong việc giúp đỡ phụ nữ
Trong nhiều bài viết, bài nói của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức phải tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia hoạt động.
Người luôn theo dõi sát sao và tạo mọi điều kiện cho phụ nữ tham gia vào sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng nhà nước. Đặc biệt, Người rất quan tâm đến công tác phát triển đảng trong quần chúng phụ nữ. Khi làm việc với các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương, Người luôn chú ý đến số lượng cán bộ nữ. Người hiểu rõ khả năng to lớn của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và Người vui mừng trước việc ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào công việc quản lý. Thực hiện nam nữ bình quyền, theo Hồ Chí Minh: “Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó. Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội”. Để thực hiện 100% bình quyền, bình đẳng nam nữ, Hồ Chí Minh nhắc nhở chị em “phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập”. Người chỉ rõ cho các cấp ủy đảng và chính quyền “phải có phương pháp đào tạo và giúp đỡ để nâng cao hơn nữa địa vị của phụ nữ”.
Quan tâm tới vị trí của phụ nữ trong xã hội, Hồ Chí Minh cũng đồng thời nhắc nhở cán bộ, đảng viên rằng, một trong những nhiệm vụ của phụ nữ dưới chế độ ta là phải “hăng hái tham gia chính quyền”. Người còn nói, nếu cán bộ lãnh đạo là nữ mà ít, đấy là một thiếu sót của Đảng. Nguyên nhân của tình trạng phụ nữ ít được tham gia lãnh đạo quản lý, theo Người là vì: “Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai”. Không chỉ phê bình những tư tưởng hẹp hòi đối với phụ nữ, Người còn đòi hỏi phải tích cực sửa chữa. Người đã đặt trách nhiệm của Đảng đối với sự phát triển của phụ nữ. Người khẳng định: Phải giải phóng phụ nữ thật sự, giải phóng phụ nữ thì bằng pháp luật, chính sách, biện pháp cụ thể. Hồ Chí Minh còn đặt vấn đề về phụ nữ, phát huy vai trò và phát triển năng lực sáng tạo của phụ nữ, coi đó là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có sự tự vươn lên của chị em phụ nữ: Đảng và Chính phủ ta cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cân nhắc và giúp đỡ để người phụ nữ phụ trách ngày càng thêm nhiều mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân người phụ nữ thì phải cố gắng. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng cho phụ nữ.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng giải phóng phụ nữ và thực hiện nam nữ bình đẳng đã trở thành lý tưởng cách mạng, vừa thể hiện ý thức chính trị, lòng nhân ái vừa thể hiện giá trị văn hóa, chủ nghĩa nhân đạo cộng sản của Người.
Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm nhưng cũng có yêu cầu cao đối với phụ nữ. Người luôn khuyên bảo chị em phải tự cố gắng vươn lên để khẳng định mình chứ không phải chờ Đảng, Chính phủ đề ra các chủ trương, chính sách.
Người kêu gọi: Chị em phụ nữ nông thôn THI ĐUA góp sức hoàn thành tốt cải cách ruộng đất và lập những tổ đổi công tốt.
Chị em công nhân và công chức THI ĐUA làm tròn nhiệm vụ của mình.
Chị em trí thức THI ĐUA góp phần vào việc phát triển văn hoá.
Nữ thanh niên tuỳ theo cương vị của mình, THI ĐUA học và hành, xung phong trong mọi công việc. Người chỉ rõ cấp trên có cất nhắc cán bộ phụ nữ nhưng chưa mạnh dạn, tức là còn phần nào chưa coi trọng trí tuệ, tài năng của phụ nữ. Vậy phụ nữ phải làm sao cho người ta thấy phụ nữ giỏi, lúc đó cán bộ không cất nhắc, anh chị em công nhân sẽ cử mình lên.
Nói chuyện tại Hội nghị Cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình, Người nói: Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Quốc tế Phụ nữ, Người khen ngợi phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước. Nhưng phụ nữ ta cần phải cố gắng nhiều để theo kịp chị em các nước bạn, góp phần nhiều hơn nữa trong việc xây dựng CNXH.
Tại Hội nghị Phụ nữ lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua toàn thành phố Hà Nội lần thứ hai, Người chỉ rõ: “Hiện nay, trong các ngành, số phụ nữ tham gia còn ít. Đảng và Chính phủ rất hoan nghênh, sẵn sàng cất nhắc và giao cho phụ nữ những chức trách quan trọng. Muốn vậy, bản thân phụ nữ phải:
Gắng học tập chính trị, học tập văn hoá, kỹ thuật. Nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa. Hăng hái thi đua thực hiện “cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình. Đoàn kết chặt chẽ, ra sức tham gia sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà và giữ gìn hoà bình thế giới" (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.89).
Nói chuyện tại Hội nghị Các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc, Người phê bình: “Phụ nữ ta còn một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái. Muốn giải quyết khó khăn không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền”.
Người căn dặn: tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng CNXH. Muốn làm trọn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xoá bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hoá, kỹ thuật.
Trong Hội nghị Cán bộ phụ nữ miền núi, Người căn dặn chị em phải cố gắng học tập. Học văn hoá, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Có quyết tâm thì nhất định học được.
Người luôn khuyến khích chị em tự mình cố gắng vươn lên khẳng định mình. Điều đó thể hiện sự quan tâm, thương yêu và đầy tinh thần trách nhiệm của một vị lãnh tụ luôn theo sát, cổ vũ các phong trào của phụ nữ.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh đối với phụ nữ Ngành KSND Bình Định
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Ban Cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Viện KSND tỉnh và Ban vì sự tiến bộ phụ nữ Viện KSND tỉnh, chất lượng đội ngũ cán bộ nữ ngày càng được nâng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu công tác của Ngành KSND và công tác cải cách tư pháp trong tình hình mới. Nhiều năm liên tục Viện KSND tỉnh Bình Định hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, được tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương lao động hạng hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua Chính phủ, Cờ thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân... trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ công chức, người lao động nữ. Với những cố gắng nỗ lực của đội ngũ nữ công chức Ngành KSND Bình Định, so với các mục tiêu phấn đấu mà Chiến lược về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 trong ngành Kiểm sát đề ra, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ Viện KSND tỉnh đã đạt và vượt một số chỉ tiêu như: Tỷ lệ nữ là Đảng viên, Kiểm sát viên và tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo quản lý, công chức nữ được đào tạo sau đại học và đào tạo trình độ cao cấp chính trị...Các chị đã, đang và sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Ngành KSND Bình Định. Không chỉ hoàn thành tốt công việc được giao, nhiều chị em còn đảm đang, khéo léo trong gia đình, chăm sóc và vun đắp tổ ấm hạnh phúc. Dung hòa và cân bằng được các mối quan hệ trong cuộc sống, là hậu phương vững chắc cho chồng làm việc, và là tấm gương sáng trong gia đình để các con noi theo. Chính phụ nữ làm mầm mống hạnh phúc để xây dựng từng tế bào gia đình mạnh khỏe.
Là một người phụ nữ làm việc trong Viện kiểm sát nhân dân, tôi thấu hiểu và cảm thấy bản thân cần phải cố gắng nhiều hơn trong công tác, tích cực rèn luyện bản thân để “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” để tiếp thu và phát huy được vai trò người phụ nữ trong thời kì mới, phấn đấu là tấm gương để mọi người nói theo. Học tập, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cùng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà Nước để nâng cao trình độ, khẳng định vị thế của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp Công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Là người công tác trong ngành tư pháp, tôi hiểu rõ những khó khăn, thách thức của bản thân trong công việc, nhưng trước những cám dỗ, bản thân cần phải tỉnh táo và hiểu rõ được đúng sai, hiểu rõ được vị trí của mình. Biết đấu tranh và phát huy những điểm mạnh của cá nhân, khắc phục những thiếu sót, trau dồi và rèn luyện bản thân theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để vừa nâng cao vị trí bản thân vừa góp vào thành tích chung của đơn vị ./.
Hoàng Yến