Hiệu quả từ những phiên tòa rút kinh nghiệm

Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ chính trị về cải cách tư pháp đặt ra yêu cầu hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao, trong đó nội dung tranh luận của Kiểm sát viên với những người tham gia tố tụng tại phiên tòa xét xử án hình sự là bước đột phá của hoạt động tư pháp. Vì vậy, việc nâng cao kỹ năng đối đáp, tranh luận tại phiên tòa xét xử án hình sự và nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự, hành chính là một yêu cầu cấp bách. Nâng cao chất lượng tranh tụng, nghiêm chỉnh thực hiện các nguyên tắc: Bình đẳng, khách quan, tôn trọng sự thật, thẳng thắn, trung thực, không vòng vo, né tránh trong tranh luận chính là nâng cao tính giáo dục, đồng thời cũng là biểu hiện của ứng xử có văn hóa trong tranh luận tại tòa.

Trong 03 năm (2013 – 2015) toàn Ngành KSND tỉnh Bình Định đã chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp mở 189 phiên tòa rút kinh nghiệm (Hình sự 101, Dân sự-hành chính 88). Trong đó, cấp huyện 149 phiên tòa; sơ thẩm cấp tỉnh 28 phiên tòa và phúc thẩm cấp tỉnh 12 phiên tòa. Có đơn vị còn phối hợp tổ chức các phiên tòa vừa xử lưu động, vừa rút kinh nghiệm và tiêu biểu có vụ được truyền hình trực tuyến đến Viện KSND các huyện, thị xã, thành phố thu hút đông đảo cán bộ, Kiểm sát viên và đông đảo bà con nhân dân tham dự. Qua đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị địa phương; một số đơn vị đã phối hợp tổ chức được phiên tòa hình sự, dân sự để rút kinh nghiệm chung cho cả Kiểm sát viên và Thẩm phán, có lãnh đạo hai ngành tham dự và chỉ đạo việc rút kinh nghiệm chung giữa hai ngành và riêng từng ngành ngay sau phiên tòa. Ở nhiều phiên tòa, lãnh đạo các đơn vị đã trực tiếp tham gia phiên tòa với tư cách là Kiểm sát viên đại diện Viện KSND và có sự tham dự của lãnh đạo, cán bộ, KSV trong đơn vị; lãnh đạo Viện KSND tỉnh cũng đã quan tâm tham dự và chỉ đạo việc rút kinh nghiệm ngay sau phiên tòa ở tất cả các đơn vị.

 

Nhờ vậy, trong những năm qua, chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa ngày càng được quan tâm. Kiểm sát viên được phân công nhiệm vụ thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự, dân sự đều đã tích cực và chủ động hơn trong việc đối đáp tranh luận theo tinh thần ngày càng nâng cao chất lượng tranh tụng.

 

Để đạt được kết quả và chủ động khi đối đáp tranh luận, Kiểm sát viên đều có sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng; nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, hệ thống và đánh giá các chứng cứ buộc tội, gỡ tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã tập trung chú ý theo dõi và ghi chép đầy đủ diễn biến phiên tòa , những ý kiến và đề nghị của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác về nội dung cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát để kịp thời sửa đổi, bổ sung vào nội dung luận tội cho phù hợp với chứng cứ được đánh giá tại phiên tòa. Do đó, đối đáp tranh luận của Kiểm sát viên ngày càng sinh động, thuyết phục cao hơn và được đồng tình ủng hộ. Nhờ đó, những năm qua tại địa phương Bình Định không có tình trạng Viện kiểm sát truy tố, Tòa tuyên không phạm tội.

 

Thông qua việc phối hợp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, các đơn vị đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm; kỹ năng và trách nhiệm của Kiểm sát viên tại phiên tòa ngày càng được nâng cao; nhận thức của cán bộ, KSV về vai trò, trách nhiệm của  những người tham gia tố tụng trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính ngày càng đầy đủ… góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, KSV của ngành ngày càng trưởng thành, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Để nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa cần thực hiện đồng bộ các biện pháp như sau:

 

Về phía Lãnh đạo Viện KSND 2 cấp

 

Đưa vào Kế hoạch công tác hàng năm của các đơn vị là mỗi Kiểm sát viên phải thực hiện ít nhất từ 1-2 vụ án rút kinh nghiệm trong năm và xem đây là tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm. Sau mỗi phiên tòa cần chủ động họp rút kinh nghiệm, thẳng thắng chỉ ra những ưu, khuyết điểm của Kiểm sát viên trong mỗi phiên tòa để rút kinh nghiệm chung. Bên cạnh đó cần chú trọng việc giáo dục ý thức trách nhiệm, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và rèn luyện phẩm chất đạo đức cho cán bộ bằng việc có kế hoạch cử cán bộ, Kiểm sát viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.

 

Đối với Kiểm sát viên

 

Trước hết, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải tự rèn luyện, ý thức chính trị và đạo đức của mình. Đồng thời phải nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, vụ án hình sự vì theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và trước đây, mô hình tố tụng hình sự của nước ta thuộc mô hình tố tụng thẩm vấn và trên thực tế đã thực hiện nhiều năm nay, chúng ta đang kết hợp giữa tố tụng thẩm vấn và tranh tụng, nên rất coi trọng những tài liệu chứng cứ thu thập được trong giai đọan điều tra. Chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa phụ thuộc rất nhiều vào các tài liệu chứng cứ thu thập được ở giai đoạn điều tra. Mặc dù Tòa án chỉ căn cứ vào kết quả điều tra công khai tại phiên tòa, nhưng các chứng cứ thu thập được ở giai đoạn điều tra mà đầy đủ sẽ giúp cho Kiểm sát viên nắm chắc được các tình tiết của vụ án, những hạn chế trong công tác điều tra, thái độ khai báo của bị cáo và những người tham gia tố tụng để dự thảo bản đề cương đối đáp tranh luận tại phiên tòa có chất lượng. Do đó, để nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa thì ngay trong giai đoạn điều tra, Kiểm sát viên phải nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự.

 

Để chuẩn bị tốt cho việc đối đáp tranh luận tại phiên tòa, kiểm sát viên cần làm tốt các việc như:

 

- Nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, tìm ra những mâu thuẫn, những điểm chứng cứ buộc tội còn yếu, dự kiến nếu bị cáo chối tội cần dùng chứng cứ nào để buộc tội. Khi đối đáp tranh luận cần nêu rõ căn cứ bằng các bút lục có tại hồ sơ chính nhằm nâng cao tính thuyết phục trong lập luận đối đáp với những ý kiến của luật sư, bị cáo đưa ra.

 

- Cần phải chuẩn bị nội dung xét hỏi gắn với việc tranh tụng tại phiên tòa, chuẩn bị những vấn đề cần tranh luận với luật sư, bị cáo, các văn bản pháp luật có liên quan tới việc xác định tội danh, hình phạt, trách nhiệm dân sự bồi thường. Dự kiến những vấn đề cần tranh luận để trong giai đoạn xét hỏi làm rõ, tạo điều kiện thuận lợi khi tranh luận. Đối với Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm thì việc phúc cung rất cần thiết cho quá trình tranh luận.

 

- Trong tranh tụng, Kiểm sát viên cần chú ý lắng nghe ghi chép những ý kiến luật sư, bị cáo, những người tham gia tố tụng khác đưa ra, từ đó phân tích phán đoán xu hướng việc tranh luận, chủ động đưa ra ý kiến bác bỏ hay chấp nhận.

 

- Kiểm sát viên cần thực hiện tốt các kỹ năng tranh luận sau:

 

+ Tranh luận đúng trình tự và phạm vi theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

 

+ Nội dung tranh luận phải rõ ràng, chặt chẽ, hợp pháp và có căn cứ.

 

+ Chủ động tranh luận vào trọng tâm của vụ án, các vấn đề cần phải giải quyết, các vấn đề vụn vặt, không liên quan chủ động cắt ngay từ đầu.

 

+ Vận dụng tốt các phương pháp tranh luận như tính logic của vấn đề, phân tích tâm lý, đối thoại, giáo dục, thuyết phục, tranh luận với từng ý kiến hoặc tranh luận với những ý kiến quan trọng, then chốt mang tính quyết định.

 

+ Cần phải thể hiện văn hóa ứng xử, văn hóa pháp lý trong tranh tụng, luôn giữ thái độ bình tĩnh, tự tin, ngôn ngữ lập luận cần phải trong sáng, có sức thuyết phục, không nên nóng nảy, dùng từ ngữ mang tính xúc phạm, miệt thị.

 

+ Phải tuân thủ sự điều hành của chủ tọa phiên tòa theo luật định trong quá trình tranh luận.

 

- Sau mỗi phiên tòa, kiểm sát viên cần tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Cáo trạng của mình tại phiên tòa như thế nào, những mặt làm tốt, những mặt làm còn thiếu sót, kịp thời rút kinh nghiệm để phiên tòa sau thực hiện việc đối đáp tranh tụng được tốt hơn.

 

Tố Phong 

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,778,527 lượt

Số người online:3,823 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn