Huỳnh Thị Ánh Tuyết - Nữ Kiểm sát viên 'Giỏi việc nước - Đảm việc nhà'

Trong một dịp đơn vị tổ chức Lễ kỷ niệm thành lập Ngành, chúng tôi được “cô Mười”, tên gọi thân mật mà chúng tôi, những cán bộ trẻ trong đơn vị vẫn hay gọi Kiểm sát viên Huỳnh Thị Ánh Tuyết kể về chuyện nghề, chuyện đời của mình. Được sự đồng ý của cô Mười, tôi xin được chia sẻ với mọi người để mọi người có cái nhìn chân thực, gần gũi hơn về ngành Kiểm sát, về người cán bộ Kiểm sát. Trước khi kể lại câu chuyện của cô, tôi xin giải thích thêm vì sao chúng tôi gọi nữ Kiểm sát viên đáng kính ấy là “cô Mười”. Sở dĩ có tên “cô Mười” vì cô sinh ra trong gia đình đông con, là người con thứ Mười (theo cách tính của người miền Nam, người con đầu tiên tính là thứ 2) và cô là nữ Kiểm sát viên có tuổi đời, tuổi nghề lớn nhất trong đơn vị (năm 2020 cô đến tuổi nghỉ hưu theo quy định).

Kiểm sát viên Huỳnh Thị Ánh Tuyết.

 

Cô Mười đến với ngành Kiểm sát để rồi gắn bó với ngành thành nghiệp của đời mình cho đến lúc nghỉ hưu từ một cơ duyên đặc biệt. Vào cuối năm 1990, khi đang làm kế toán vật tư tại Trạm dầu thực vật huyện Hoài Nhơn, thuộc Công ty dầu thực vật tỉnh Nghĩa Bình thì công ty giải thể. Lúc này, Viện KSND huyện Hoài Nhơn nhân sự còn thiếu, nhờ sự giới thiệu của Ban lãnh đạo Công ty cũ, cô được nhận vào công tác tại Viện KSND huyện Hoài Nhơn với công tác chuyên môn là kế toán. Thời điểm vào công tác tại đơn vị, cơ sở vật chất của đơn vị thiếu thốn trăm bề, trong khi chế độ dành cho cán bộ của ngành Kiểm sát rất hạn chế. Với một nữ nhân viên mới 24 tuổi đời vào lúc đó, cô không nghĩ mình sẽ công tác lâu dài trong Ngành. Ấy vậy mà thấm thoắt cô đã gắn bó với Ngành đã 30 năm. Cô nói rằng có người chọn nghề cho mình, có người nhờ duyên mà nghề tự tìm tới, với cô đến với ngành Kiểm sát trước là duyên, sau là lựa chọn của mình.

 

Từ vị trí ban đầu là kế toán đơn vị, sau một thời gian công tác, có sự tiếp cận, tìm hiểu nhiều hơn về chức năng, nhiệm vụ của Ngành, ý nghĩa sâu sắc của công tác kiểm sát để rồi từ đó thôi thúc cô đăng ký học các lớp chuyên ngành. Nhờ ý chí cầu tiến, ham học hỏi, tinh thần chịu khó cùng sự quan tâm, động viên của lãnh đạo, của đồng nghiệp đơn vị, “cô Mười” đã tham gia và tốt nghiệp các lớp đào tạo chuyên ngành Pháp lý của Trường Trung cấp pháp lý tỉnh Bình Định, tiếp đó là Trường Cao đẳng kiểm sát Thành phố Hồ Chí Minh, sau cùng là lớp hoàn chỉnh Cử nhân Luật của Trường Đại học Khoa học Huế. Nhờ sự nỗ lực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn ngành Kiểm sát mà đến năm 2001, “cô Mười” đã được Viện trưởng Viện KSND tối cao ký quyết định bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên sơ cấp. Cũng từ đây, một trang mới trong sự nghiệp công tác Kiểm sát đã mở ra với nhiều thách thức nhưng cũng đỗi tự hào.

 

Sau khi được bổ nhiệm Kiểm sát viên, cô được lãnh đạo phân công kinh qua nhiều công tác khác nhau từ Kiểm sát chung, Kiểm sát án hình sự, Kiểm sát án dân sự kiêm luôn công việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Ở vị trí công tác nào, với tinh thần trách nhiệm, vừa làm vừa học, cô Mười đã không ngừng trau dồi kiến thức, bản lĩnh, kinh nghiệm để cống hiến những gì tinh hoa nhất của mình cho Ngành. Nhiệm vụ nào được phân công, dù việc khó, việc dễ cô chưa bao giờ than phiền và đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi chúng tôi tò mò về những thành tích đã đạt được trong suốt những năm công tác, cô từ chối trả lời, cô cho rằng những gì mình cống hiến cho Ngành chẳng là gì so với nhiều đồng nghiệp khác. Cô là vậy, lúc nào cũng khiêm tốn, không nhận phần hơn về mình. Tuy không nói ra, nhưng chúng tôi biết rằng để ghi nhận những cống hiến, đóng góp của cô cho Ngành, cô Mười đã được Viện KSND tỉnh Bình Định, Viện KSND tối cao tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp bảo vệ pháp chế.

 

Trong cuộc đời mỗi con người, không ít thì nhiều ai cũng có những kỷ niệm theo mình đến suốt cuộc đời. Đối với cô Mười, lần tham gia khám nghiệm hiện trường đầu tiên là kỷ niệm mà cô còn nhớ mãi, đó là vào một đêm cuối năm 2001, lúc này thời tiết mùa đông, gió lạnh, mưa phùn, khi đang mơ màng chìm vào vào giấc ngủ thì chuông điện thoại cơ quan reo liên hồi, cái âm thanh khô khan vang lên từng đợt một như xé tan màn đêm, làm cô thoáng giật mình. Nhận điện thoại từ Lãnh đạo đơn vị thông báo về một vụ tai nạn giao thông làm chết người vừa xảy ra, vội vàng thay trang phục, cầm sổ trực, mặc áo mưa xong, cô đi ngay tới hiện trường. Đập vào mắt người Kiểm sát viên chưa nhiều kinh nghiệm khi ấy là những mảnh vỡ tứ tung, vệt máu theo dòng nước mưa loang lỗ, hình ảnh người phụ nữ ôm thi thể của con mình khóc ngất dưới ánh đèn vàng chớp nháy cứ ám ảnh cô mãi. Có lẽ không chỉ “cô Mười”, nếu là chúng tôi ở trong hoàn cảnh của cô cũng sẽ không bao giờ quên.

 

Cô Mười được đồng nghiệp trong đơn vị quý mến không chỉ vì năng lực, kinh nghiệm công tác mà còn vì lối sống tình cảm, biết sẻ chia, quan tâm đến mọi người. Ngoài vai trò là Kiểm sát viên, nhiều năm liền trên cương vị là Ủy viên rồi là Phó Chủ tịch Công đoàn, cô luôn quan tâm, chăm lo, đấu tranh để đòi quyền lợi cho Đoàn viên Công đoàn. Những lần có cán bộ, Kiểm sát viên bị bệnh phải nghỉ phép để điều trị đều được cô động viên, thăm hỏi, khi gặp những chuyện buồn, lo toan trong cuộc sống, cô là người được chúng tôi tìm đến để chia sẻ, nhờ cô gỡ rối. Trong các hoạt động phong trào của Công đoàn cơ quan, cô là người đi đầu trong nhiều hoạt động thể dục thể thao, cô luôn tham gia và đạt được thành tích cao.

 

Chúng tôi cảm phục cô Mười trong công việc bao nhiêu thì chúng tôi ngưỡng mộ gia đình nhỏ của cô bấy nhiêu. Trái với hình ảnh người Kiểm sát viên nghiêm nghị khi thực hành quyền công tố tại phiên tòa, không khoan nhượng khi đấu tranh với tội phạm, là hình ảnh người vợ đảm đang, người mẹ hiền hậu hết lòng vì gia đình, chồng con. Có thể nói gia đình cô là hình mẫu gia đình lý tưởng mà nhờ bàn tay cô vun đắp, hàng ngày sau giờ làm việc cô lại tất bật lo cơm nước cho gia đình, chăm sóc con cái, ai cũng phải trầm trồ ngưỡng mộ về một gia đình thành đạt khi con cái khôn lớn, trưởng thành, con gái đầu của cô là chiến sĩ Công an nhân dân, con trai của cô là một Bác sĩ. Cô bảo, vun vén cho gia đình là niềm vui, là nơi cô thư giản sau một ngày làm việc và trên hết gia đình tiếp thêm động lực để cô hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có lẽ thành công lớn nhất của cô không phải là những danh hiệu thi đua trong công tác mà là lúc nghỉ hưu cô có một gia đình êm ấm, con cái thành tài. Với bao nhiêu năm công tác trong Ngành, cô được công nhận là phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

 

Khi được chúng tôi hỏi rằng, sau bao nhiêu năm công tác, sắp đến tuổi nghỉ hưu cô có nghĩ đến việc xin nghỉ hưu sớm hay không, cô đáp ngay mà không cần suy nghĩ, khi nào còn sức lực, còn được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ thì cô còn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dường như trong cô chưa bao giờ có suy nghĩ dừng lại, cô vẫn tràn đầy nhiệt huyết với Ngành. Thật vậy, dù cuộc đời cô đã trãi qua 54 mùa xuân, thời gian công tác trong ngành có thể đếm bằng tháng nhưng chưa bao giờ cô nề hà, than vãn về công việc được Lãnh đạo giao phó.

 

Nói về điều cô hối tiếc nhất khi nghỉ hưu, với giọng trầm buồn, cô Mười chia sẻ: cô không có gì phải hối tiếc, vì cả phần lớn đời mình đã sống nhiệt thành, cống hiến một phần sức mọn cho xã hội, cho Ngành, sống có ích cho đời, như vậy cũng đã mãn nguyện. Cô chỉ mong sao, sau này vị thế ngành Kiểm sát được nâng cao, khi có người hỏi về nghề nghiệp của mình họ sẽ không còn thắc mắc là Kiểm sát là làm gì nữa mà thay vì tò mò họ sẽ trân trọng những việc mà cán bộ, Kiểm sát viên đã, đang và sẽ làm là bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống của mỗi người dân. Khi có những thắc mắc hay gặp chuyện bất công liên quan đến pháp luật họ có thể nghĩ ngay đến cơ quan Viện kiểm sát, những người mà họ luôn có niềm tin rằng sẽ đảm bảo pháp luật được thực thi một cách công minh.

 

Nhìn lại cuộc sống của mình, và nhìn sang cuộc sống của chúng tôi hiện tại, cô không khỏi trăn trở. So với những khó khăn lúc đầu khi cô mới vào Ngành thì thời điểm hiện nay, ngành Kiểm sát được Đảng và Nhà nước quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng nhìn chung cán bộ, Kiểm sát viên về đời sống vẫn còn một phần khó khăn, vất vả, cô chỉ mong sao chế độ, chính sách dành cho cán bộ ngành Kiểm sát ngày càng được cải thiện để có thể yên tâm cống hiến. Khi đọc tin tức về những cán bộ, Kiểm sát viên của Ngành bị vướng vào vòng lao lý cô không khỏi trăn trở và nhắc nhở chúng tôi dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cuộc sống có khó khăn đến đâu thì cũng phải luôn giữ được mình, không được sa ngã trước những cám dỗ của cuộc sống. Những nhắc nhở, động viên của cô tiếp thêm tinh thần cho chúng tôi trong công tác, để chúng tôi thêm vững tâm trên con đường đã chọn./. 

 

Trương Văn Đình

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,777,775 lượt

Số người online:3,626 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn