Bài tham luận của Phòng 9
Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại. Người là vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Cả cuộc đời của Người vì nước, vì dân, suốt đời chỉ có nỗi lo làm sao cho dân giàu nước mạnh, cho mọi người có cơm no. Hồ Chí Minh đã đi xa hơn nửa thế kỷ, song tư tưởng của Người còn mãi với non sông với đất nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng con đường phát triển của dân tộc Việt Nam. Việc phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là nội dung quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Điều này đã được cụ thể hóa vào Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chuyên đề toàn khóa và năm 2022.
Việc phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đã được Viện trưởng VKSND tối cao phát động trong các chỉ thị công tác thi đua hàng năm, như năm 2021, phát động phong trào thi đua với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, khát vọng cống hiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021”, năm 2022 với chủ đề “Đoàn kết, trách nhiệm, khát vọng cống hiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022”, với những nội dung, yêu cầu cụ thể. Mục đích nhằm khơi dậy khát vọng cống hiến của toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành nhằm đảm bảo vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Đối với công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, HNGĐ đã được Viện KSND tối cao đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây, bởi vì đây là một trong những công tác trọng tâm của lĩnh vực kiểm sát hoạt động tư pháp. Vì vậy, các chỉ thị công tác của Viện trưởng Viện KSND tối cao yêu cầu Viện trưởng Viện KSND các cấp trực tiếp phụ trách công tác này nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hơn nữa chất lượng để khẳng định vai trò của Viện KSND trong tố tụng dân sự, bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng thực hiện tốt công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, HNGĐ là mỗi cá nhân, mỗi đơn vị nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Trong những năm qua, nhiệm vụ, quyền hạn trong kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, HNGĐ có nhiều thay đổi qua các thời kỳ. Theo quy định của BLTTDS năm 2004, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong tố tụng dân sự bị hạn chế, đã ảnh hưởng phần nào đến công tác cán bộ và việc tiếp cận các văn bản pháp luật về dân sự của cán bộ, kiểm sát viên. Đến nay, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong tố tụng dân sự được mở rộng hơn theo BLTTDS sửa đổi năm 2011 và BLTTDS năm 2015. Theo đó số lượng vụ việc dân sự, HNGĐ mà Viện kiểm sát thụ lý kiểm sát tăng lên rất nhiều, cụ thể: năm 2007, kiểm sát viên tham gia phiên họp giải quyết 06 việc sơ thẩm, tham gia phiên tòa xét xử phúc thẩm 16 vụ; năm 2021, kiểm sát viên tham gia phiên tòa sơ thẩm 24 vụ, phúc thẩm 142 vụ. Trong khi khối lượng án dân sự, HNGĐ ngày càng tăng và phức tạp như vậy, nhưng biên chế vẫn không thay đổi. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Phòng 9 đã có sự nỗ lực rất lớn, tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, HNGĐ.
Tập thể Phòng 9 có 6 cán bộ, nhưng khối lượng công việc khá nhiều, nhưng lãnh đạo, cán bộ, kiểm sát viên luôn phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, thấu hiểu, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau, tạo mọi điều kiện để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo Phòng luôn nêu cao trách nhiệm tiền phong, gương mẫu, sẵn sàng đảm trách những vụ án khó, phức tạp để giải quyết; việc chỉ đạo, điều hành khoa học, có chương trình, kế hoạch, phân công, phân nhiệm rõ ràng, nhưng vẫn có kế hoạch dự phòng khi có những thay đổi như phân công kiểm sát viên dự khuyết các phiên tòa nên khi có kiểm sát viên không thể tham dự phiên tòa thì có kiểm sát viên dự khuyết tham dự; luôn dân chủ trong công tác lãnh đạo, điều hành, tạo không khí cởi mở, phát huy khát vọng cống hiến trong cán bộ, kiểm sát viên, nên mọi nhiệm vụ của Phòng đều được đưa ra bàn bạc, thống nhất và được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời theo chỉ đạo của Lãnh đạo Viện KSND tỉnh. Đồng thời, thực sự hiện nay cán bộ nào trong ngành cũng muốn làm lĩnh vực hình sự, nên Lãnh đạo Phòng thường xuyên làm công tác tư tưởng, động viên cán bộ, kiểm sát viên an tâm công tác.
Cán bộ, kiểm sát viên luôn có trách nhiệm với công việc; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ. Phương pháp làm việc khoa học, dân chủ, đúng nguyên tắc. Hợp tác, hướng dẫn, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp. Chấp hành sự phân công của lãnh đạo, yên tâm công tác. Thường xuyên trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp, nắm chắc các quy định của pháp luật, nhất là các văn bản mới, nâng cao kỹ năng phát hiện vi phạm để tham mưu cho lãnh đạo hướng xử lý các vụ việc có căn cứ, đúng pháp luật; thể hiện được vai trò, quyền hạn, đáp ứng với yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình hiện nay và trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự nhằm nêu cao được vị thế của Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động tư pháp. Ngoài ra, tập thể Phòng 9 luôn tích cực tham gia các hoạt động do Viện KSND tỉnh tổ chức và đạt được một số thành tích như: giải Ba Hội thi Cán bộ ngành KSND tỉnh Bình Định thực hiện lời dạy của Bác “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” năm 2021, giải Ba cuộc thi ảnh 'Nét đẹp cán bộ, công chức ngành KSND tỉnh Bình Định' năm 2021.
Nhìn chung, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự từ năm 2013 đến nay đã có những chuyển biến tích cực, số lượng án bị sửa hủy giảm đáng kể, đặc biệt số lượng và chất lượng kháng nghị phúc thẩm được nâng lên, đã từng bước khẳng định được vị thế của ngành kiểm sát Bình Định trong công tác kiểm sát giải quyết án dân sự. Với sự nỗ lực, phấn đấu nêu trên của Phòng 9 đã được Lãnh đạo Viện KSND tỉnh ghi nhận Phòng 9 là tập thể lao động xuất sắc 08 năm liên tục từ năm 2014 đến 2021, trong đó có 2 năm (2014, 2016, 2019, 2021) được Viện KSND tối cao tặng Cờ thi đua ngành KSND và đang đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Đạt được kết quả nêu trên, Phòng 9 xin nêu một số bài học kinh nghiệm để Hội thảo tham khảo:
Một là, lãnh đạo đơn vị nào quan tâm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, HNGĐ thì đơn vị đó thực hiện tốt công tác này.
Hai là, thường xuyên tổ chức các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách cho cán bộ, kiểm sát viên yên tâm công tác.
Ba là, điều hành, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, kiểm sát viên phải khoa học, linh hoạt, phù hợp, mới giải quyết công việc “trôi chảy”, tránh ách tắc, quá tải.
Bốn là, chú trọng công tác hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị, thông báo rút kinh nghiệm, thanh tra, kiểm tra, uốn nắn kịp thời thiếu sót.
Năm là, tăng cường công tác phối hợp với Tòa án và các ngành liên quan trong giải quyết các vụ việc dân sự, HNGĐ.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, HNGĐ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như có nhiều vụ án, vụ việc, Tòa án để quá hạn luật định, chậm giải quyết; án bị hủy có liên quan đến trách nhiệm của Kiểm sát viên mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn có cán bộ làm nhiệm vụ kiểm sát giải quyết án dân sự, HNGĐ có mặt còn hạn chế.
Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên trong thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, HNGĐ, Phòng 9 có một số giải pháp như sau:
1. Tiếp tục tham mưu Lãnh đạo Viện KSND tỉnh tổ chức phổ biến, quán triệt các quy định pháp luật có liên quan, nhất là các nội dung quy định mới về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát; quy định và quy chế nghiệp vụ của Ngành để áp dụng, thực hiện đúng quy định pháp luật, nâng cao chất lượng công tác này, các chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản liên quan. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ban cán sự Đảng Viện KSND tỉnh về nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, những việc khác theo quy định của pháp luật và thi hành án dân sự, hành chính trong Ngành KSND tỉnh Bình Định
2. Tham mưu xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, HNGĐ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá hàng năm và trong cả nhiệm kỳ 2021-2026 theo tinh thần chỉ đạo của Viện trưởng Viện KSND tối cao.
3. Viện trưởng trực tiếp phụ trách khâu công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại; lựa chọn, bố trí, đào tạo, tự đào tạo đội ngũ Kiểm sát viên giỏi chuyên môn, nghiệp vụ đảm nhiệm khâu công tác này; thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong công tác kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, bảo đảm hoạt động này tuân thủ đúng pháp luật.
4. Tăng cường phối hợp với Tòa án và các cơ quan liên quan trong giải quyết các vụ việc dân sự, HNGĐ. Định kỳ hàng quý, tiến hành rà soát các vụ việc tạm đình chỉ, án quá hạn để đôn đốc các đơn vị, kiểm sát viên phối hợp với Tòa án và các cơ quan liên quan tìm giải pháp giải quyết.
5. Quan tâm hơn nữa công tác kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn, trả lời thỉnh thị, thông báo rút kinh nghiệm, tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, tổ chức các cuộc thi nghiệp vụ, cử đi đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kỹ năng công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, HNGĐ.
6. Khuyến khích các đơn vị cải cách thủ tục hành chính - tư pháp trong lĩnh vực kiểm sát việc thụ lý, giải quyết các vụ việc dân sự nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung.
7. Đề nghị Lãnh đạo Viện KSND tỉnh và lãnh đạo các đơn vị chú trọng công tác tổ chức cán bộ đối với công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự theo Nghị quyết số 40-NQ/BCSĐ của BCSĐ Viện KSND tối cao đã xác định lĩnh vực trọng điểm trong công tác tổ chức cán bộ trong đó có công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự.
Đề nghị Lãnh đạo Viện KSND tỉnh và lãnh đạo các đơn vị quan tâm các điều kiện vật chất, tinh thần cho cán bộ, kiểm sát viên làm công tác kiểm sát giải quyết án dân sự để yên tâm công tác; đề nghị khen thưởng đột xuất các cá nhân xuất sắc để động viên, khuyến khích kịp thời.
Để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, HNGĐ, cần khơi dậy khát vọng cống hiến, vươn lên, tiếp bước truyền thống phát triển của ngành Kiểm sát nhân dân trong đội ngũ công chức, viên chức và người lao động, các đơn vị trong toàn Ngành chủ động phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng trong đội ngũ cán bộ làm công tác này để nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong thời gian tới./.